Kiên Giang: Phiên trù bị Đại hội Đại biểu Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh lần thứ VIII
Phật A Di Đà nguyên ngữ là Amitabha Buddha, với lòng thành tâm kính Lễ của quý Phật tử, là những người con Phật thì chúng ta không thể quên ngày Vía Phật A Di Đà, ngày vía Phật cũng được xem là ngày Phật Đản sinh hay Phật thành đạo.
Theo kinh Đại A Di Đà, thời Đức Phật Tự Tại Vương có vị quốc vương tên Kiều Thi
Ca (Dharmakara, dịch ra mang ý nghĩa “Kho Chứa Pháp”). Vua nghe Phật thuyết pháp liền bỏ vương quốc để xuất gia với hiệu Pháp Tạng. Ngài lễ Phật và quỳ cầu Phật chứng minh cùng 48 lời nguyện. Nguyện lực này về sau trở thành Phật hiệu A Di Đà.
Ngày vía Phật A Di Đà diễn ra vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm vì được tương truyền rằng đó là ngày sinh của Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, Tổ sư đời thứ sáu của 13 vị Tổ tông Tịnh Độ Phật giáo Trung Quốc. Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ (904 – 975) tự Xung Huyền, họ Vương – người sống từ đời Tống – Trung Hoa. Là người có công cứu rỗi nhiều sinh mệnh chúng sinh.
Vào năm Kiến Long thứ hai, Ngài làm Trụ trì chùa Vĩnh Minh, tôn hiệu Trí Giác Thiền sư. Trong suốt 15 năm trụ trì, Ngài đã độ được hơn 1.700 vị Tăng sư, mỗi ngày đều tụng một bộ kinh Pháp Hoa và niệm 10.000 câu Phật hiệu. Chỉ đến những phút sau cùng của cuộc đời, Ngài mới cho mọi người biết Ngài là Phật A Di Đà hóa thân để tăng trưởng tín tâm, phát tâm hướng thiện và cầu cho chúng sinh được vãng sanh về cõi Tây phương cực lạc. Kể từ đó thì Phật tử gần xa đã lấy ngày sinh của Thiền sư làm ngày vía Phật A Di Đà hàng năm.
Câu “Nam mô A Di Đà Phật” có thể hiểu là “Kính lễ đấng giác ngộ vô lượng” hoặc “Quay về nương tựa đấng giác ngộ vô lượng”. Pháp môn “Nam mô A Di Đà Phật” được Phật Thích Ca sau khai thị mang ý nghĩa cầu nguyện cho mọi người được an lạc, hạnh phúc và cùng làm điều thiện, không còn những đau khổ chiến tranh, ai oán.
Trong ngày Vía Phật A Di Đà, người ta thường tụng niệm 48 đại nguyện của Đức Phật, giúp ban phước lành, hướng thiện cho chúng sinh.
Ngày Lễ Vía Phật A Di Đà, những Phật tử cần ăn chay, phóng sinh hồi hướng, cúng dường làm việc thiện và cầu nguyện cho những chúng sinh được giải thoát khỏi những khổ đau, kiếp nạn. Trong ngày này, các Phật tử sẽ thắp đèn, dâng hương, tụng kinh niệm Phật để bày tỏ sự thành tâm hướng thiện, bày tỏ lòng thành kính đến đấng giác ngộ trên cao.
Ngày Lễ này, nhiều nơi tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật về chủ đề Phật giáo để kính mừng ngày vía Phật, hoạt động mang tính tôn nghiêm, nhân bản, văn hóa tâm linh đã thu hút được nhiều sự quan tâm của người mộ đạo và cả những người chưa theo Đạo.
Chính vì đạo Phật là đạo giải trừ những tạp niệm, chuyển đổi cảnh đời ô trược thành cảnh giới thanh tịnh sáng suốt, mang tính từ bi, giải thoát và giác ngộ nên những ngày Lễ vía Phật đều được xem là ngày Lễ mang tính tâm linh, chánh giác, đưa con người đến với Chân – Thiện – Mỹ và đời sống an lạc, giữ gìn tâm đức, gieo trồng trí huệ, rèn luyện và thực hiện những việc làm tốt đời đẹp đạo.
Ngày nay, khi con người rơi vào vòng quay cuộc sống đầy biến động và vội vã, chính vì sự biến động đa chiều của xã hội đã sinh ra không ít những tiêu cực trong đời sống con người, dẫn đến những sai lầm, tội ác.
Ngày Lễ vía Phật A Di Đà được xem là dịp để chúng ta tự soi rọi lại thân tâm mình, biết sám hối và tôn tạo những việc làm phước thiện, xây dựng công hạnh thù thắng, xiển dương đường lối tu tập, hoằng hóa điều lành. Vì sự tín tâm và ý nghĩa vô lượng nên trong ngày này, nhiều nơi đã tổ chức lễ cầu siêu cho hương linh với tâm nguyện cho các vong linh được siêu độ và giải thoát.
Các nghi thức trong Lễ Vía Đức Phật A Di Đà được thực hiện theo tuần tự: Niệm hương, cúng hương, kỳ nguyện, tán Phật, quán tưởng Phật, đảnh lễ, tán hương cúng Phật, Chú Đại Bi, khai Kinh kệ, tán Phật A Di Đà, trì tụng 48 lời đại nguyện của Đức Phật, Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Chú Vãng Sanh, niệm Phật, sám Di Đà, hồi hướng, Tam quy y.
Trong bài viết hôm nay, xin được ghi lại 48 lời đại nguyện của Đức Phật A Di Đà như sau:
1/ Đệ nhất đại nguyện: Quốc vô ác đạo: Cõi Cực lạc không có các đường ác.
2/ Đệ nhị đại nguyện: Bất đọa ác đạo: Chúng sinh ở cõi Cực lạc không đọa vào các đường ác.
3/ Đệ tam đại nguyện: Thân chơn kim sắc: Thân của chúng sinh ở cõi Cực lạc đều có sắc vàng.
4/ Đệ tứ đại nguyện: Hình sắc tương đồng: Hình sắc của chúng sinh ở cõi Cực lạc đều bình đẳng, không đẹp xấu khác nhau.
5/ Đệ ngũ đại nguyện: Túc mạng trí thông: Chúng sinh ở cõi Cực lạc đều có túc mạng thông, biết rõ các kiếp quá khứ.
6/ Đệ lục đại nguyện: Thiên nhãn phổ kiến: Chúng sinh ở cõi Cực lạc đều có thiên nhãn thông, thấy suốt vô lượng Phật độ khắp mười phương.
7/ Đệ thất đại nguyện: Thiên nhĩ phổ văn: Chúng sinh ở cõi Cực lạc đều có thiên nhĩ thông, nghe được pháp âm của chư Phật khắp mười phương.
7/ Đệ bát đại nguyện: Tha tâm tất tri: Chúng sinh ở cõi Cực lạc đều có tha tâm thông, biết được tâm niệm của khắp cả chúng sinh.
9/ Đệ cửu đại nguyện: Thần túc vô ngại: Chúng sinh ở cõi Cực lạc đều có thần túc thông, có thể đi đến khắp các Phật độ trong mười phương một cách vô ngại.
10/ Đệ thập đại nguyện: Bất tham kế thân: Chúng sinh ở cõi Cực lạc không còn khởi niệm tham ái đối với thân sau.
11/ Đệ thập nhất đại nguyện: Trú định chứng diệt: Chúng sinh ở cõi Cực lạc thường xuyên sống trong chánh định, cho đến khi chứng quả tịch diệt.
12/ Đệ thập nhị đại nguyện: Quang minh vô lượng: Ánh sáng của Phật A Di Đà sáng soi vô lượng, chiếu khắp mười phương Phật độ không bị chướng ngại.
13/ Đệ thập tam đại nguyện: Thọ mạng vô lượng: Thọ mạng của đức Phật A Di Đà dài lâu vô lượng, làm lợi ích cho chúng sinh vô tận.
14/ Đệ thập tứ đại nguyện: Thanh văn vô số: Chúng Thanh văn ở cõi Cực lạc nhiều vô số.
15/ Đệ thập ngũ đại nguyện: Tùy Nguyện Tu Đoản: Thọ mạng của chúng sinh ở cõi Cực lạc, ngoại trừ nguyện lực riêng, đều dài lâu vô lượng.
15/ Đệ thập lục đại nguyện: Bất văn ác danh: Chúng sinh ở cõi Cực lạc không nghe một lời bất thiện.
17/ Đệ thập thất đại nguyện: Chư Phật xưng thán: Chư Phật khắp mười phương đều xưng tán danh hiệu “A Di Đà”.
18/ Đệ thập bát đại nguyện: Thập niệm tất sanh: Tất cả chúng sinh trong mười phương, hết lòng tin tưởng, muốn vãng sinh về cõi Cực lạc, chí thành niệm 10 niệm danh hiệu Phật A Di Đà, chắc chắn sẽ được vãng sinh.
19/ Đệ thập cửu đại nguyện: Lâm chung tiếp dẫn: Chúng sinh trong mười phương phát tâm bồ đề, tu các công đức, thành tâm phát nguyện vãng sinh về cõi Cực lạc, đến phút lâm chung, đức Phật A Di Đà cùng Thánh Chúng sẽ hiện ngay trước mặt để tiếp dẫn.
20/ Đệ nhị thập đại nguyện: Dục sanh quá toại: Chúng sinh trong mười phương nghe danh hiệu đức Phật A Di Đà, nghĩ nhớ đến Ngài, chí thành đem mọi công đức hồi hướng nguyện sinh về cõi Cực lạc, chắc chắn sẽ được toại nguyện.
21/ Đệ nhị thập nhất đại nguyện: Tam thập nhị tướng: Chúng sinh ở cõi Cực lạc đều đầy đủ 32 tướng tốt.
22/ Đệ nhị thập nhị đại nguyện: Nhất sanh bổ xứ: Chư vị Bồ tát ở khắp các quốc độ trong mười phương, sau khi sinh về cõi Cực lạc, ngọai trừ có bản nguyện giáo hóa riêng, tất cả đều đạt đến địa vị “Nhất sanh bổ xứ”.
23/ Đệ nhị thập tam đại nguyện: Cúng dường chư Phật: Chư Bồ tát ở cõi Cực lạc đều nương Phật lực, chỉ trong khoảng bữa ăn có thể đến cúng dường chư Phật ở các Phật độ trong khắp mười phương.
24/ Đệ nhị thập tứ đại nguyện: Cung cụ tùy ý: Chư Bồ tát ở cõi Cực lạc, trong khi cúng dường chư Phật, muốn có bao nhiêu vật phẩm để cúng dường cũng đều có đầy đủ như ý.
25/ Đệ nhị thập ngũ đại nguyện: Diễn thuyết diệu trí: Chư vị Bồ tát ở cõi Cực lạc đều có khả năng diễn nói nhất thiết trí.
26/ Nhị thập lục đại nguyện: Na la diên thân: Chư vị Bồ tát ở cõi Cực lạc đều có thân cứng chắc như kim cương, mạnh mẽ như thần Na La Diên.
27/ Đệ nhị thập thất đại nguyện: Nhất thiết nghiêm tịnh: Tất cả chúng sinh và vạn vật ở cõi Cực lạc đều nghiêm tịnh vi diệu, hình sắc đặc thù, dù người có thiên nhãn thông cũng không biết rõ ràng danh số
28/ Đệ nhị thập bát đại nguyện: Đạo thọ cao hiển: Chư vị Bồ tát cho đến những người chỉ có chút ít công đức ở cõi Cực lạc đều có khả năng thấy biết sự cao rộng và sắc sáng vô lượng của cây đạo tràng.
29/ Đệ nhị thập cửu đại nguyện: Tụng kinh đắc tuệ: Chư vị Bồ tát ở cõi Cực lạc đều thọ trì phúng tụng kinh pháp mà được trí tuệ biện tài.
30/ Đệ tam thập đại nguyện: Tuệ biện vô hạn: Chư vị Bồ tát ở cõi Cực lạc đều có trí tuệ biện tài vô hạn lượng.
31/ Đệ tam thập nhất đại nguyện: Chiếu kiến thập phương: Đất đai ở cõi Cực lạc trong sạch như gương, có thể soi thấy các Phật độ ở mười phương.
32/ Đệ tam thập nhị đại nguyện: Bửu hương diệu nghiêm: Vạn vật ở cõi Cực lạc đều do vô lượng châu báu và trăm ngàn thứ mùi hương vi diệu làm thành, khiến cho người nghe mùi hương đều tu Phật hạnh.
33/ Đệ tam thập tam đại nguyện: Mông quang nhu nhuyến: Ánh sáng của đức Phật A Di Đà chiếu soi khắp các thế giới trong mười phương, các chúng sinh chạm được ánh sáng ấy đều cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng an lạc.
34/ Đệ tam thập tứ đại nguyện: Văn danh đắc nhẫn: Chúng sinh khắp thế giới mười phương nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà đều chứng được vô sinh pháp nhẫn và các pháp môn tổng trì sâu xa.
35/ Đệ tam thập ngũ đại nguyện: Thoát ly nữ thân: Những người nữ trong mười phương thế giới, nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà liền phát tâm bồ đề, thì sau khi mạng chung sẽ không trở lại thọ thân nữ nữa.
36/ Đệ tam thập lục đại nguyện: Thường tu phạm hạnh: Chư Bồ tát ở mười phương thế giới, nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà, sau khi mạng chung sẽ luôn tu phạm hạnh cho đến khi thành Phật.
37/ Đệ tam thập thất đại nguyện: Thiên nhơn trí kính: Hàng trời người trong khắp mười phương thế giới, khi nghe danh hiệu đức Phật A Di Đà, liền vui mừng tin tưởng, kính lễ và tu tập hạnh Bồ tát, thì sẽ được tất cả trời người kính trọng.
38/ Đệ tam thập bát đại nguyện: Y thực tùy niệm: Chúng sinh ở cõi Cực lạc muốn có y phục, ẩm thực, thì liền có như ý.
39/ Đệ tam thập cửu đại nguyện: Lạc như lậu tận: Chúng sinh ở cõi Cực lạc đều hưởng được niềm vui giống như các vị tì kheo đã hoàn toàn dứt trừ hết lậu hoặc.
40/ Đệ tứ thập đại nguyện: Thọ trung hiện sát: Chư vị Bồ tát ở cõi Cực lạc, nếu muốn thấy vô lượng Phật độ nghiêm tịnh trong khắp mười phương, cứ nhìn vào cây báu thì liền thấy rõ ràng như thấy mặt mình trong gương.
41/ Đệ tứ thập nhất đại nguyện: Chư căn vô khuyết: Chư vị Bồ tát ở các quốc độ trong các phương khác, khi nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà, thì được các căn đầy đủ, không bị khiếm khuyết, cho đến khi thành Phật.
42/ Đệ tứ thập nhị đại nguyện: Thanh tịnh giải thoát: Chư vị Bồ tát ở các quốc độ trong các phương khác, khi nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà, liền được an trú nơi chánh định thanh tịnh giải thoát, trong khoảng một niệm có thể cúng dường vô lượng chư Phật mà không bị mất chánh định.
43/ Đệ tứ thập tam đại nguyện: Văn danh đắc phước: Chư vị Bồ tát ở các quốc độ trong các phương khác, khi nghe danh hiệu đức Phật A Di Đà, sau khi mạng chung sẽ được sinh vào gia đình tôn quí.
44/ Đệ tứ thập tứ đại nguyện: Tu hành túc đức: Chư vị Bồ tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà, liền hoan hỉ tu hạnh Bồ tát, cội gốc công đức đầy đủ.
45/ Đệ tứ thập ngũ đại nguyện: Phổ đẳng tam muội: Chư vị Bồ tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà, liền được an trú trong định “phổ đẳng” (thường thấy chư Phật đồng hiện tiền), cho đến khi thành Phật.
46/ Đệ tứ thập lục đại nguyện: Tùy nguyện văn pháp: Chư vị Bồ tát ở cõi Cực lạc đều tùy nguyện mà nghe pháp một cách tự tại.
47/ Đệ tứ thập thất đại nguyện: Văn danh bất thối: Chư vị Bồ tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe danh hiệu đức Phật A Di Đà, liền tiến đến bậc bất thối chuyển.
48/ Đệ tứ thập bát đại nguyện: Đắc tam pháp nhẫn: Chư vị Bồ tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe danh hiệu đức Phật A Di Đà, liền chứng được đệ nhất, đệ nhị và đệ tam pháp nhẫn, cùng các pháp bất thối chuyển.
Nhân ngày vía của Đức Phật A Di Đà, chúng ta cầu mong mọi người thân tâm được an lạc, hạnh phúc an vui, nguyện người tu tập đạo quả viên thành, nguyện cầu thế giới không còn những khổ đau vì chiến tranh, dịch bệnh và mỗi chúng sinh đều biết thương quý mạng sống những chúng sinh. Mọi người biết vun bồi, kiến tạo những yêu thương, hạnh phúc, cùng lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong Phật pháp, cùng sống an vui trong ánh hào quang nhiệm màu của Đức Phật Di Đà.
Võ Đào Phương Trâm (Tổng hợp)
Kiên Giang: Phiên trù bị Đại hội Đại biểu Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh lần thứ VIII
Huế: Sẽ thành lập Ban Trị sự GHPGVN 2 quận mới Phú Xuân và Thuận Hóa trong năm 2025
Tiền Giang: Ban Trị sự Phật giáo TX.Cai Lậy tổ chức Hội nghị Tổng kết Phật sự năm 2024
TP.HCM: Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN họp giao ban và triển khai các hoạt động Phật sự