Thứ tư, 29/05/2024 12:26:23 (UTC+7) 57,569

CÔNG TY ĐỒ GỖ MỸ NGHỆ HƯỚNG MAI: “SỐNG VỚI LÒNG BIẾT ƠN” NÉT ĐẸP TRONG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Lòng biết ơn như một mạch nước ngầm chảy trong cội nguồn quan niệm đạo đức. Trong cuộc sống dù ít hay nhiều mỗi chúng ta đều được nhận sự giúp đỡ của một ai, nếu biết cách sống tốt thì đó chính là cách tỏ lòng biết ơn chân thành nhất. Trên thực tế việc bày tỏ lòng biết ơn là điều mà không phải ai cũng dễ dàng thực hiện, nhất là trong môi trường lao động tập thể tại doanh nghiệp. Nhân dịp niệm 108 năm ngày quốc tế Lao Động tờ Doanh nghiệp và thương hiệu xin góp một bài viết với chủ đề “Sống với lòng biết ơn nét đẹp trong văn hóa doanh nghiệp”. Chất liệu bài viết được lấy từ Công ty đồ gỗ Mỹ Nghệ Hướng Mai, số 1 Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh – một doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng và đi đầu trong việc định hướng tư duy phát triển làng nghề theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Hãy sống vì người khác trước

Người Nhật nổi tiếng khắp thế giới bởi sự trung thành và luôn sống với lòng biết ơn, tôi còn nhớ người sáng lập Toyota từng nói “ Bí quyết của tôi là Hardwork (làm việc hết mình), lòng biết ơn và tinh thần phục vụ”. Người Nhật thành công tôi nghĩ điều cốt lõi của  họ chính là sự kết hợp đạo đức với lợi ích vật chất trong một tầm nhìn dài hạn và biết ơn người khác. Tại Việt Nam, một điều có thể nhận thấy là chúng ta chưa biết cách khai thác tối đa nguồn năng lượng tốt lành này, mặc dù con người Việt Nam nổi tiếng bởi sự thân thiện, thông minh, chịu thương chịu khó. Trong một buổi thuyết pháp tại chùa Hoằng Pháp thầy Thích Thiện Thuận đã giảng cho Phật tử: “Chúng ta phải sống với lòng biết ơn, lòng biết ơn ấy phải nằm ở động tạo thành nếp, không được để cho nó trở thành câu khẩu hiệu. Nếu không có lòng biết ơn chúng ta sẽ không có thành công”. Chính vì điều đó, tôi tin rằng khi doanh nghiệp biết khơi nguồn mạch nước chảy trong cội nguồn quan niệm đạo đức thì việc tiến tới chuyên nghiệp là điều thực hiện được tại các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại Bắc Ninh, một doanh nghiệp gỗ mỹ nghệ mang tên Đồ gỗ Hướng Mai từ nhiều năm nay đã nhận thức được vai trò cốt lõi của việc gìn giữ và phát huy nghề cổ truyền dân tộc. Bằng nỗ lực học hỏi nhằm cải tiến phương thức kinh doanh, biết chắt lọc kiến thức từ bạn bè trong và ngoài nước, khéo léo vận dụng nên đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Điều đáng ngạc nhiên đây là doanh nghiệp tư nhân với bộ máy nhân sự 70 -80% lao động đi lên từ ngành nông nghiệp nhưng công nhân tại đây đều có ý thức lao động tập thể tốt, đặc biệt là văn hóa biết ơn đã được mọi người thực hiện khá rõ nét.

Khi tìm hiểu tôi được biết, đã từ nhiều năm nay công ty đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai dưới sự dẫn dắt của CEO Vũ Thị Mai, công ty đã dành sự đầu tư có chiều sâu nhằm giáo dục về mối quan hệ giữa đạo đức với lợi ích vật chất trong một tầm nhìn dài hạn và biết ơn người khác. Nếu có một cuộc phỏng vấn với vị CEO này về hình ảnh mà chị cho là đẹp nhất trong tháng tư, tôi tin chắc các bạn sẽ được nghe câu trả lời rằng: Hình ảnh những người công vui mừng hớn hở, tươi mới đang miệt mài lắng nghe, ghi chép những kiến thức bổ ích từ bài giảng của một vị chuyên gia đến từ Nhật Bản do công ty mời về giảng dạy. Đó là một bức tranh đẹp đẽ ghi dấu sự thay đổi tư duy của những người thợ mộc tưởng chừng quanh năm chỉ biết đến những dụng cụ thô cứng trên thớ gỗ.

Vì sao lại như vậy? Đó là câu chuyện về hành trình của những con người luôn “sống vì người khác trước”. Hướng Mai là một doanh nghiệp vốn xuất thân là cơ sở tư nhân thuộc làng nghề Đồng Kỵ, nơi đây là cái nôi nuôi dưỡng bao thế hệ người thợ mộc tài hoa, chuyên cung cấp ra các sản phẩm gỗ mỹ nghệ tinh hoa được thổi hồn sông núi làm đẹp cho đời. Thế nhưng, khi thế giới phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự thích nghi vượt ra khỏi quy mô một quốc gia, trong đó sản phẩm của một làng nghề truyền thống cũng cần phải thay đổi, nhằm bắt kịp xu hướng thời đại để tồn tại và phát triển. Tư duy của một người làm chủ luôn sống với lòng biết ơn không cho phép CEO Vũ Thị Mai dừng lại sau lũy tre làng, bằng sự kết nối văn hóa, du lịch qua các phương tiện truyền thông, CEO này đã từng bước tôn vinh sự tài năng của người thợ mộc Việt, đồng thời đưa tên tuổi làng nghề, đưa hồn cốt tinh hoa văn hóa Việt đến gần hơn với bạn bè trong khu vực và quốc tế như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia…

Nhìn lại hành trình đầy gian nan đó nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên, bởi muốn làm được điều này đâu phải một sớm một chiều. Nhớ lại cách đây 5-6 năm, những người công nhân của Hướng Mai khi đó cũng giống như những thớ gỗ còn thô sơ rất bền chắc nhưng chưa được trạm khắc làm đẹp. Ở họ chỉ tồn tại tư duy làm công ăn lương, khoảng cách giữa người chủ và thợ rất rõ ràng. Như một sự thách thức dành cho người làm chủ. Phải làm sao để họ hiểu được rằng: Cuộc sống không phải chỉ là sự mưu sinh…mà chính yếu tố tinh thần mới giúp con người sống tốt nhất, hạnh phúc nhất và lòng biết ơn giúp người ta có động lực để từ đó sống tốt, hạnh phúc hơn.

Suốt nhiều năm công ty Hướng Mai giống như một trường học của người thợ mộc. Giáo án được chính là CEO Vũ Thị Mai – người đã tốt nghiệp các khóa học tại trường Đại học Ngoại thương, đại học kinh tế Quốc dân, các trung tâm đào tạo Kezuiku, Globo, Monozukuri, Jica…trực tiếp đảm nhận giảng dậy truyền cảm hứng, giúp họ thay đổi nhân tâm, thay đổi nhận thức và thay đổi chính cuộc đời họ.

Dẫu biết rằng sẽ là rất khó khăn khi đem khối kiến thức cao cấp từ các trường đào tạo nổi tiếng về truyền thụ cho người thợ cầm mài, cầm đục còn thuận hơn là cầm bút. Nhưng vị CEO này chưa bao giờ từ bỏ, ngoài việc giảng dạy kiến thức áp dụng trong thực tiễn, mở mang tầm nhìn ra giới, vị CEO này còn được mệnh danh là nữ bồ tát khi thường xuyên mời các vị thiền sư, sư thầy từ Làng Mai hay từ các ngôi chùa lớn về tại công ty giảng chánh Pháp, huấn thị những điều hay lẽ phải ở đời nhằm tạo phước cho gia đình và bản thân những người thợ của Hướng Mai. Âu cũng là những hành động nhân văn nhằm thực hiện triết lý “hãy sống vì người khác trước” mà ban lãnh đạo công ty Hướng Mai xem là phương châm hoạt động của mình.

Những quyết định mang tính đột phá và bài học đầu tiên của thầy Hirata

Tháng tư năm 2017, nhằm thực hiện kế hoạch dài hạn, công ty Hướng Mai quyết định đầu tư mời chuyên gia hàng đầu Nhật Bản Kaizen toàn thể công ty. Đây là một trong những quyết định mang tính đột phá với mục đích đưa Hướng Mai lên một tầm cao mới, chuyên nghiệp, hiện đại, xứng đáng là doanh nghiệp dẫn đầu về ngành gỗ mỹ nghệ của tỉnh Bắc Ninh.

Đến từ đất nước Nhật Bản, một trong những cường quốc nổi tiếng thế giới về kinh tế, một quốc gia văn minh, một dân tộc kỷ luật và là nơi có nền văn hóa biết ơn khiến cả thế giới phản thán phục và ấm lòng mỗi khi đến thăm. Tiến sĩ Yasuhira Hirata là một vị thầy đáng kính hàng đầu của Nhật, ông được biết đến với tư cách là người đứng đầu của Viện phát triển nguồn nhân lực Monozukuri, người đứng đầu chủ trì hướng dẫn thực tế trong công cuộc cải cách sản xuất toàn cầu của tập đoàn Panasonic. Ông đã vinh dự được tổng thống trao 2 lần giải thưởng vàng cho các thành tựu công nghệ sản xuất của Panasonisc và ông đã chính thức nhận lời tới Đồ gỗ Hướng Mai khi chứng kiến sự quyết tâm cao độ nhằm cải tiến công ty của ban lãnh đạo Hướng Mai.

Việc mời thầy Hirata đồng hành cùng công ty Hướng Mai trên con đường chuyên nghiệp là một niềm tự hào và phấn chấn, có thể nói tới yếu tố may mắn bởi thầy rất cẩn trọng trong việc lựa chọn đơn vị để kaizen. Ngày 11 tháng 4 là một ngày hết sức quan trọng và ý nghĩa khi bài giảng đầu tiên về 5S của thầy đã diễn ra tại Hướng Mai Center. Bài giảng vô cùng ý nghĩa về lòng biết ơn, về giá trị công việc mà những người thợ Hướng Mai đang gìn giữ và phát huy. Giúp cho những người thợ hiểu rằng họ chính là những mạch máu quan trọng không chỉ của công ty Hướng Mai mà còn cho cả một đất nước. Tiếp đó là những giờ thực hành trên lớp học và tại xưởng sản xuất mang tính chiến lược, được thầy Hirata nghiên cứu kỹ lưỡng sao cho phù hợp với hiện trạng sản xuất, phù hợp với sức khỏe và văn hóa của người Việt Nam. Chứng kiến những giọt mồ hôi rơi trên trán người thầy đến từ một đất nước cách xa nửa vòng trái đất, những người thợ của Hướng Mai ai nấy đều dấy lên lòng biết ơn dành cho thầy và cho ban giám đốc công ty đã dành tâm huyết giúp họ đổi thay tích cực. Hiện nay các xưởng sản xuất tại Hướng Mai như A417, Nhà Máy, Dốc Sặt…đã hoàn thành bài tập thầy giao về 2S. Tinh thần đoàn kết dâng cao, nhân viên Hướng Mai mỗi ngày đến công xưởng đều hát vang bài hát” Hát về đồ gỗ Hướng Mai” với một sự hân hoan và lòng biết ơn chân thành nhất.

Quốc tế lao động là dịp để mọi người gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người

Thầy Hirata nói kẻ mạnh chưa hẳn đã là kẻ chiến thắng, người chiến thắng là người biết thích nghi để tiến bước. Đó cũng chính là mục tiêu hành động của doanh nghiệp đồ gỗ Hướng Mai. Nhân dịp kỷ niệm Quốc tế lao động 1/5 thay mặt cho công ty đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai, CEO Vũ Thị Mai đã gửi lời chúc thành công – mạnh giỏi – hạnh phúc tới mọi người, những con người biết trân trọng giá trị từ lao động và hãy luôn sống với lòng biết ơn để cuộc sống mãi đẹp tươi, hạnh phúc – CEO Vũ Thị Mai.

Cao Khánh Thu

XEM NHIỀU