Kiên Giang: Khảo hạch giới tử tại Đại giới đàn Giác Phước PL.2568 – DL.2024
Từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế, điều hành một doanh nghiệp trên đà phát triển, nhưng KTS Võ Trọng Nghĩa gây bất ngờ với việc sang Myanmar thiền khoảng 1.000 ngày liên tục.
Được biết KTS vừa có bài thuyết trình tại Đại học Yale, Mỹ. Nội dung thuyết trình nói về vấn đề gì?
– Trong khuôn khổ sự kiện Open House của Đại học Yale, nơi sinh viên mới nhập học đến tham quan, tìm hiểu về trường, thì Đại học này tổ chức các phiên thuyết trình về nhiều chủ đề khác nhau, trong đó tôi được mời đến nói về kiến trúc xanh, cách bảo vệ môi trường và chữa lành cho trái đất bằng những công trình kiến trúc.
Bài thuyết trình của tôi được đón nhận tốt. Đại diện nhà trường nói rằng “chúng tôi mong muốn ông là thành viên của gia đình Yale”.
KTS chỉ mới tập trung học tiếng Anh trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, và hiện đã đủ “trình” tiếng Anh để thuyết trình tại đại học hàng đầu ở Mỹ. Anh học ngoại ngữ như thế nào?
– Tôi du học 10 năm ở Nhật, chủ yếu học bằng tiếng Nhật, tiếng Anh chỉ biết ở mức cơ bản. Ngoài 40 tuổi tôi mới học tiếng Anh nâng cao, tất nhiên là rất khó so với các bạn trẻ. Nhưng nhờ thực hành thiền định và sự tập trung tâm trí, nên tôi vẫn có thể đạt trình độ chấp nhận được, có thể đi giảng bài ở các đại học nước ngoài.
Trong đợt bùng phát dịch Covid, tôi muốn dành thời gian phát triển khả năng tiếng Anh, nên đã viết luận án Tiến sĩ kiến trúc bằng tiếng Anh để nộp. Cách học của tôi chủ yếu là học ngữ pháp, đọc các bài luận rồi học qua Youtube.
Từ nhỏ tôi không thích xem tivi, không thích xem phim, đây là một trở ngại đối với việc học ngoại ngữ. Thay vào đó, tôi dành thời gian nghe các audiobooks, rồi sau đó nghe bài nói chuyện của những người nổi tiếng thế giới trên Youtube.
Được biết Võ Trọng Nghĩa quê ở miền Trung. Là một kiến trúc sư, anh nhớ về ngôi nhà thời thơ ấu của mình như thế nào?
– Điều đặc biệt nhất tôi vẫn còn nhớ, đó là hồi tôi còn bé thì nhà không có điện. Đến năm 1996, quê tôi – một làng quê nghèo ở Quảng Bình, mới có điện. Bạn hình dung cái nóng của mùa hè ở miền Trung, cộng với không điện, không có quạt máy, nóng như rang, nhiều đêm chúng tôi không thể ngủ được, mồ hôi đầm đìa khắp người.
Cũng như bao gia đình khác trong làng, nhà tôi hồi đó là một ngôi nhà cấp 4, mái ngói đơn sơ. Cách chống nóng phổ biến những trưa hè và những đêm không có điện là chúng tôi dùng quạt mo cau hoặc đưa chõng ra ngoài sân nằm hóng gió. Lúc đó mới thấy sự quý giá của cây xanh trong vườn, ngoài đường làng.
Những lúc đi chăn bò giữa cánh đồng chói chang, tôi chỉ ước ao gần đó có cây xanh để chạy vào tránh nắng, giữa trưa hè có thể đặt lưng dưới gốc cây chợp mắt một lúc. Cây xanh với mặt nước tạo thành máy điều hòa tự nhiên, không gì thay thế được, và sau này tôi luôn cố gắng đưa máy điều hòa tự nhiên vào trong kiến trúc của mình.
Anh được biết đến với việc phát triển thiết kế kiến trúc bền vững bằng cách tích hợp các vật liệu địa phương, nổi bật là tre, loại vật liệu có nhiều ở các làng quê Việt Nam. Vì sao “phong cách Võ Trọng Nghĩa” gắn với cây tre?
– Với tôi tre là một vật liệu rất thân quen. Dưới bóng tre xanh, cha mẹ tôi và người dân quê tôi dựng nhà dựng cửa, làm ruộng, nuôi con khôn lớn. Những câu thơ tôi đọc từ hồi nhỏ đến nay vẫn còn nhớ “Ở đâu tre cũng xanh tươi / Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu“.
Thập niên 1980 thì đồ dùng bằng nhựa chưa nhiều, hầu hết những thứ chúng tôi dùng hàng ngày trong nhà đều đan bằng tre nứa, như rổ rá, tủ chạn, chõng… Từ nhỏ tôi đã đi chặt tre về đan lát, phụ cha mẹ làm các vật dụng trong nhà nên rất hiểu về loại vật liệu này. Lớn lên tôi được học về kỹ thuật, kết cấu…, những kiến thức đó giúp tôi đưa được vật liệu tre vào các công trình kiến trúc, vừa đảm bảo bền vững, mỹ thuật, vừa thân thiện với môi trường.
KTS Võ Trọng Nghĩa chịu ảnh hưởng của ai trong nghề nghiệp của mình?
– Người thầy lớn nhất của tôi là thiên nhiên. Như tôi chia sẻ ở trên, sống trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, thậm chí không có điện, thì phải sống hòa hợp với thiên nhiên. Tôi đã học được bài học này từ thủa ấu thơ. Ngày nay điều kiện kinh tế tốt hơn, chúng ta có máy điều hòa nhiệt độ, nhưng cuộc sống xanh, gần gũi và hài hòa với thiên nhiên, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường vẫn là những giá trị ưu tiên với con người.
Trong giới kiến trúc, một người có nhiều ảnh hưởng tới tôi là kiến trúc sư Hiroshi Naito – người nổi tiếng với những công trình có khả năng đáp ứng hoàn hảo về mặt công năng, đồng thời vẫn đảm bảo sự hài hòa với bối cảnh tự nhiên và đặc trưng riêng của địa điểm xây dựng. Ông cũng là bậc thầy về nghệ thuật kết cấu, sử dụng vật liệu.
Cho đến nay, đâu là những công trình kiến trúc tâm đắc của anh?
– Công trình kiến trúc tâm đắc nhất của tôi chắc là vẫn ở phía trước. Còn đến nay thì có một số công trình do tôi thiết kế được cộng đồng đánh giá cao, có thể kể đến như Quán cà phê Gió và Nước ở Bình Dương, Nhà Trẻ Farming Kindergarten ở Đồng Nai, Viettel Academy Educational (Học viện Viettel)… và rất nhiều các công trình bằng tre khác.
Năm 2017, công ty do anh thành lập đang phát triển tốt thì anh khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định qua Myanmar học thiền. Đến nay, với độ trễ thời gian, anh nhìn lại quyết định của mình như thế nào?
– Đây là một quyết định rất khó khăn. Đánh dấu bước chuyển biến lớn nhất, có ý nghĩa nhất đối với cuộc đời tôi. Trong nhiều năm, trước khi đi học thiền, tôi mang trong lòng sự đau khổ lớn, bản tính luôn nóng giận, có lúc trở nên điên cuồng. Tôi đã nỗ lực đọc sách, nghe nhạc, nghe giảng pháp để đầu óc dịu lại nhưng không được. Vì vậy tôi quyết định qua Thiền viện Pa-Auk (Myanmar) để tu tập. Ban đầu tôi qua đó một mình, về sau vợ và con gái tôi cũng qua học thiền cùng tôi.
Tôi đi thiền ở Myanmar khoảng 1.000 ngày, và thấy rằng những đau khổ, những triệu chứng nóng giận trong đầu mình giảm rất nhanh. Đến khi tôi ra khỏi Thiền viện Pa-Auk thì đã trở thành một người bình thường, thậm chí còn kham nhẫn hơn người bình thường. Nghĩa là tôi có thể chịu đựng, chấp nhận, nhẫn chịu trước những điều không như ý và vượt qua các nghịch cảnh tốt hơn nhờ thiền, chánh niệm.
Từ trải nghiệm của bản thân, thấy được sức mạnh của thiền định và giữ giới, hiện nay tôi đang chia sẻ các bài học thiền cho người nào quan tâm, giúp họ từng bước vượt qua lo âu, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực.
Như vậy trước khi quyết định qua Myanmar học thiền, anh đã có những vấn đề trong cuộc sống khiến bản thân luôn nóng giận?
– Nếu nói cụ thể ra, đó là chứng trầm cảm ẩn. Người mắc chứng này vẫn có mục tiêu, vẫn hoàn thành mục tiêu, vẫn nỗ lực trong cuộc sống. Nhưng trong lòng bao giờ cũng mang một đau khổ rất lớn. Bản thân tôi lại mang một cái tâm sân hận, tức là nóng giận ở mức độ điên cuồng. Tôi đã thử nhiều phương pháp để chữa lành cho bản thân nhưng không được, nên tôi qua Myanmar học thiền.
Sau khi đến Thiền viện Pa-Auk, hành qua các đề mục thiền định, ngay trong tháng đầu tiên tôi đã thấy các triệu chứng sân hận của mình giảm rõ rệt nên tôi quyết định học thiền lâu dài ở đây.
Năm 2024 này, tôi sẽ cố gắng dành khoảng ba tháng liên tục, từ tháng 7 đến tháng 10, đi thiền trong trong rừng thiền Pa-Auk ở Mỹ.
Một ngày bình thường trong 1.000 ngày của anh ở Thiền viện Pa-Auk (Myanmar) diễn ra như thế nào?
– Đây là nơi tu tập miễn phí. Mỗi người đến học thiền được cấp một phòng trọ có nhà vệ sinh riêng, có điện nước, yên tĩnh, đảm bảo tập trung trong quá trình thiền định. Đồ ăn được người dân địa phương cúng dường.
Chúng tôi dành phần lớn thời gian trong ngày để thiền, sáng sớm dậy tụng kinh rồi thiền liên tục, chỉ nghỉ quãng ngắn để ăn uống đơn giản, nhiều người thậm chí thiền liên tục 24h hay 48h không ăn uống gì; buổi tối có thể học pháp, tức là học từ kinh sách.
Với môi trường lý tưởng cho thiền định như vậy, và đặc biệt là miễn phí hoàn toàn, nên người tu học từ khắp nơi trên thế giới đến Thiền viện Pa-Auk rất đông. Tất nhiên, nếu so với điều kiện sống của thế giới bên ngoài thì quá trình tu tập ở Pa-Auk cực kỳ vất vả, thử thách, mọi thứ đều tối giản, ưu tiên cho thiền nên một người bình thường khó vượt qua được. Người nào có lòng đam mê tu tập trên con đường giác ngộ, muốn vượt thoát khỏi luân hồi thì người ta sẽ vào đó học thiền.
Học thiền là học gì? Và đâu là giá trị lớn nhất với KTS Võ Trọng Nghĩa sau khoảng 1.000 ngày ở Thiền viện Pa-Auk?
– Đức Phật dạy 40 đề mục thiền định và 16 tầng thiền tuệ, trong đó đề mục hơi thở là đề mục phổ biến và được dạy nhiều nhất.
Học thiền trước hết là quan sát hơi thở, hơi thở vào hơi thở ra… Thông thường chúng ta sẽ bị phóng tâm sau khoảng 3 – 7 giây, tức là đầu óc con người chỉ tập trung được trong vài giây và sau đó tạp niệm đi vào, khiến chúng ta phân tâm, với nhiều người là rối loạn. Thiền định giúp kéo dài sự tập trung, từ 10 giây nâng lên 20 giây, rồi một phút, 10 phút, từ chỗ đầu óc ít bị tạp niệm đến chỗ bắt đầu không còn tạp niệm.
Ở đây tạp niệm hiểu đơn giản là những suy nghĩ không đầu không cuối khiến chúng ta bất an, học thiền là học sự chú tâm quan sát để giúp chúng ta đi đến trạng thái bình an. Khi có sự tập trung cao độ, chúng ta sẽ có thể đạt đến cảnh giới hiểu về vô thường, khổ và vô ngã, là Tam pháp ấn trong hệ thống giáo lý nhà Phật.
Một số giáo sư của đại học Harvard và nhiều đại học danh tiếng khác trên thế giới đã có những nghiên cứu cho thấy, thực hành thiền định 45 phút một ngày và khoảng 3-4 tháng liên tục sẽ giúp giải tỏa căng thẳng, giảm sợ hãi, tăng “chất xám”… Với bản thân tôi, có lẽ nhờ thiền định nên mình mới có thể học được tiếng Anh rất nhanh sau tuổi 40, không còn các triệu chứng của bệnh trầm cảm ẩn như trước.
Như vậy là đã có hai con người Võ Trọng Nghĩa khác nhau, trước và sau thời gian học thiền ở Myanmar?
– Đúng là hai con người hoàn toàn khác nhau. Sau khi đến Thiền viện Pa-Auk, tôi đã thoát khỏi được sự đau khổ thiêu đốt tôi hàng ngày trước đây, trở thành một người bình thường, một người khác trước khi đi thiền.
Trước khi đi học thiền, tôi thường nghĩ về chuyện làm những công trình kiến trúc xanh, làm sao sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, làm sao giúp con người có cuộc sống hài hòa, gần gũi với thiên nhiên… Thực tế thì con người đang sống trên một trái đất bị tổn thương, bị ô nhiễm nghiêm trọng, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác, bị phá hủy với tốc độ ngày càng nhanh. Biến đổi khí hậu ngày càng gây hậu quả nặng nề, những hiện tượng cực đoan của khí hậu xuất hiện liên tục. Theo dõi trên báo chí chúng ta sẽ thấy các cụm từ như “nắng nóng kỷ lục”, “mưa kỷ lục”… được sử dụng liên tục trong thời gian gần đây.
Đó là bối cảnh mà tôi muốn phát triển những công trình kiến trúc xanh, phần việc tôi có thể làm trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Nhưng sau khi đi học thiền, tôi hiểu rằng muốn chữa lành cho trái đất thì trước hết cần chữa lành tâm của con người. Chuyện gì xảy ra nếu trong tâm chúng ta đầy những bất an, sợ hãi, đầy những dòng suy nghĩ tán loạn? Không những ta không thể làm tốt phần việc của mình, năng suất làm việc giảm, thậm chí là lo sợ những điều không có thực, rơi vào trạng thái bế tắc. Nhìn rộng ra sự bất an đó có thể dẫn đến những hành động cực đoan của nhân loại ở quy mô lớn, như là xung đột, chiến tranh, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức…
Khi tâm của chúng ta an yên, chúng ta có “từ – bi – hỷ – xả” thì tự khắc sẽ có tình yêu với muôn loài, tình yêu với trái đất. Nhận thức này chữa lành con người tôi, và giúp tôi làm được những công trình tốt hơn, có chiều sâu hơn trên con đường tôi đã chọn là kiến trúc xanh. Và tôi cũng muốn giúp người khác thoát khỏi lo âu, trầm cảm thông qua thiền, chánh niệm.
Hiện nay đang có xu hướng nói nhiều về thiền hay nói nhiều về chữa lành. Làm sao để phân biệt được đâu là thiền dưới ánh sáng khoa học, có giá trị thực sự và đâu là thiền theo phong trào?
– Mỗi người có quan niệm riêng. Tôi tôn trọng. Còn theo cá nhân tôi, thiền bắt đầu từ việc giữ giới. Ngũ giới là không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa, nghiện ngập. Nếu nhìn bề ngoài, chúng ta sẽ khó phân biệt, nhưng hãy thử nhìn xem người đó có giữ giới hay không?
Bản thân KTS Võ Trọng Nghĩa giữ giới như thế nào?
– Thời gian học thiền ở Myanmar, tôi là người chấp hành tốt các giới luật. Và hiện nay tôi vẫn tuân theo như vậy trong cuộc sống hàng ngày. Đối với tôi thì việc không uống bia rượu, không say sưa là rất dễ thực hiện, vì nhiều năm nay tôi đã không uống đồ uống có cồn rồi.
Trước đây tôi uống bia không cồn, như khi phát hiện ra gọi là bia không cồn nhưng thực tế vẫn có một độ cồn rất nhỏ, thì tôi bỏ hẳn.
Các giới khác, chẳng hạn như không sát sinh, cũng được tôi tuân thủ tốt. Tất nhiên trong cuộc sống hàng ngày, có những khi rất thử thách, rất khó khăn, ví dụ không nói dối thì tất cả những gì mình nói ra phải có sự chính xác từ những chuyện rất nhỏ. 4h thì phải nói là 4h, nếu nói 4h kém 10 phút nghĩa là đã nói dối rồi.
Anh đã đưa ngũ giới vào công ty của mình. Những người làm việc trong công ty của anh đón nhận quyết định này như thế nào?
– Đây cũng là một quyết định khó khăn, vì có những người phù hợp song cũng có những người không phù hợp với thiền, với giữ giới. Ví dụ, với những người nước ngoài thì bia rượu như là một cách giải khát thôi. Vậy nên giai đoạn đầu, những người nước ngoài và những người không phù hợp với thiền ở công ty tôi dần nghỉ việc. Nhưng thời gian sau, những người có kiến thức, trình độ phù hợp và có sở thích về thiền lại tìm đến công ty tôi. Như vậy là có sự cân bằng về nhân sự.
Thực tế công ty tôi vẫn phát triển tốt, có gặp chút khó khăn trong thời gian xảy ra đại dịch nhưng đã phục hồi nhanh chóng sau đó. Hiện mỗi ngày ở công ty tôi áp dụng thiền một giờ đồng hồ, từ 17h đến 18h hàng ngày, cùng với chấp hành ngũ giới, qua đó giúp mọi người trong công ty có được sự tập trung, có sức khỏe, có tâm lý tốt và năng suất phát triển theo.
Tôi nghe nói rằng KTS Võ Trọng Nghĩa ít khi đến công ty và chỉ làm việc từ 1 đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Không biết thông tin này đúng không?
– Khi sự tu tập đạt đến mức độ tập trung, bạn có thể giải phóng được thời gian làm việc theo cách tính thời gian thông thường, nhưng vẫn đủ chú tâm để cùng anh em trong công ty phát triển ý tưởng, quản lý tốt về chi tiết cho dù không đến công ty. Thực ra bây giờ là thời đại công nghệ nên tôi có thể làm việc từ xa bình thường.
Thời gian vừa qua, bên cạnh công việc kiến trúc, tôi còn nhận lời làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Toronto (Canada), Đại học Yale (Mỹ)…, rồi dạy thiền cho những người quan tâm và tất cả đều được thực hiện đạt hiệu quả tốt, hài hòa.
Thời gian đầu ở Thiền viện Pa-Auk, hàng ngày tôi chỉ dành cho công việc khoảng 30 phút, còn lại là thiền. Khi đại dịch bùng phát, mỗi ngày tôi dành cho công việc 1-2 giờ đồng hồ, rồi sau đó tăng thời gian dần lên khi mà tinh thần của mình đã khỏe mạnh hơn trước.
Giữa một KTS Võ Trọng Nghĩa có sở thích về xe hơi và phải điều hành công ty – nghĩa là tìm kiếm lợi nhuận, trả lương cho nhân viên, với một KTS Võ Trọng Nghĩa hành thiền, có mâu thuẫn gì không?
– Không mâu thuẫn gì cả. Từ thời Đức Phật tại thế đã có rất là nhiều vị cư sĩ kết hợp giữa hành thiền và công việc kinh doanh bình thường, nghĩa là không xuất gia nhưng thực hành theo lời dạy của Đức Phật. Bản thân tôi hiện mỗi ngày thiền khoảng 3 giờ, đủ để duy trì sự an yên trong tâm, và thỉnh thoảng tôi sẽ dành thời gian dài hơn, chẳng hạn như tới đây sẽ là 3 tháng đi thiền ở Mỹ.
Còn về chuyện xe hơi, đúng là mỗi khi đi trên đường, tôi luôn suy nghĩ về thiết kế của từng chiếc xe. Vì sao tôi mê xe hơi? Là vì có những chiếc xe tôi thấy thiết kế rất đẹp rồi, thế nhưng theo thời gian các hãng xe lại cho ra mẫu thiết kế hay hơn, đẹp hơn. Mỗi chiếc xe là một hình khối hộp trên bốn bánh, nhưng xe Lexus khác, xe Porsche khác, xe Tesla khác… rất thú vị. Tôi thích tìm hiểu về thiết kế xe hơi vì nó gợi cho tôi cảm hứng về mặt thiết kế. Mỗi hãng xe có một phong cách riêng, cũng như phong cách khác nhau của từng kiến trúc sư.
Với anh, có sự giống và khác nhau nào giữa tư duy về kiến trúc và tư duy về thiền?
– Kiến trúc là một công việc vô cùng quan trọng với tôi, nhưng thiền là tất cả, là điều mang tính chất quyết định. Hành thiền giúp tôi đi trên con đường hướng tới giác ngộ. Khi hành thiền, tôi có sự chú tâm, tập trung năng lượng để làm kiến trúc tốt hơn.
Và tôi quan niệm rằng những công trình kiến trúc tốt cũng có thể giúp cho con người sống trong “không gian thiền”. Ví dụ như công trình kiến trúc gần gũi với môi trường, có thiết kế mang lại năng lượng tích cực, giúp kết nối giữa con người với thiên nhiên tốt hơn. Một trong những căn nguyên bệnh tâm lý ở con người là sự mất kết nối, bao gồm mất kết nối với thiên nhiên, thành ra làm công trình kiến trúc gần gũi với thiên nhiên chính là giúp con người cải thiện về sức khỏe, tâm lý.
Thiền giúp con người sống trong giây phút hiện tại. Một nghiên cứu về hạnh phúc của vị giáo sư ở Đại học Stanford cho thấy, hạnh phúc nhiều khi không phải là chúng ta thành công bao nhiêu, khả năng tài chính đến đâu, mà điều quan trọng là năng lực sống trong giây phút hiện tại.
Là một người đang đi trên con đường hành thiền, giữ giới và tu tập, hẳn anh quan tâm đến ông Thích Minh Tuệ, người đang đi bộ theo hình thức thực hành phương pháp tu tập “hạnh đầu đà”?
– Hạnh đầu đà là một trong số các thức hành trì của Phật giáo, chấp nhận khổ hạnh. Ngoài ra còn có nhiều phương pháp tu tập khác, nếu theo đúng chính pháp của Đức Phật thì đều hướng đến giải thoát khỏi khổ đau luân hồi.
Thời gian tôi đi học thiền ở Thiền viện Pa-Auk đã chứng kiến một số vị phát nguyện tu tập theo phương pháp này và họ thực hành rất nghiêm, chẳng hạn như trong phòng họ không có giường để ngủ vì họ chỉ ngủ ngồi; có vị đi khất thực thì ngậm nước trong mồm, mục đích là để không nói gì cả, chỉ giao tiếp bằng ánh mắt và cử chỉ thôi. Kỷ luật nghiêm khắc giúp họ thực hành tốt các đề mục thiền định, thúc đẩy sự chuyển hóa về tâm thức, tức là phát triển được thiền định, thiền tuệ ở mức độ rất cao, qua đó người tu mới giác ngộ được.
Các phương pháp tu tập, trong đó có Hạnh đầu đà, đều yêu cầu tôi luyện thân tâm, không bị ảnh hưởng bởi phiền não cấu trần. Trong một không gian ồn ào, náo nhiệt quá thì vì những lý do khách quan sự quan tâm có thể bị hướng ra ngoài thay vì tập trung vào chánh niệm, chú tâm vào giây phút hiện tại, sự tu tập có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, tôi chỉ mong rằng thầy Thích Minh Tuệ không bị những người hiếu kỳ làm ảnh hưởng đến quá trình tu tập.
Xin trân trọng cảm ơn kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa!
Kiên Giang: Khảo hạch giới tử tại Đại giới đàn Giác Phước PL.2568 – DL.2024
Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng
Học viện PGVN tại Hà Nội kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Văn phòng Hội đồng Chứng minh thông báo về việc cấp phát học bổng Đức Nhuận (toàn phần) năm 2024
Ninh Bình: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông