Thứ tư, 29/05/2024 12:15:27 (UTC+7) 105

Thương hiệu Đồ gỗ Hướng Mai – Hành trình gieo duyên trên từng thớ gỗ

“Tôi chỉ sống trên đời này có một lần, vì vậy có thể làm điều gì nhân ái cho bất kì ai, tôi sẽ không chậm trễ” đó là lời chia sẻ ấm áp và đong đầy tình người của chị Vũ Thị Mai – Tổng Giám đốc Công ty đồ gỗ Hướng Mai tại Đồng kỵ, Bắc Ninh.

Thương hiệu đồ gỗ Hướng Mai được nhiều người biết đến không chỉ nổi tiếng ở Bắc Ninh mà tiếng tăm còn vươn ra ngoài lãnh thổ. Nằm ở vị trí khang trang và bề thế tại ngã tư của làng Đồng Kỵ, Hướng Mai Center là nơi trưng bày các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống, giúp khách hàng đến Hướng Mai có thể lựa chọn và mua sắm đủ các mặt hàng đồ gỗ nội thất, đồ phong thuỷ, từ mẫu mã cổ điển đến kiểu dáng hiện đại. Bằng khát khao tiếp nối và phát triển làng nghề truyền thống, “Bà chủ Hướng Mai” nung nấu trong mình một tâm nguyện lớn, không chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu đồ gỗ cho người dân trong tỉnh, mà còn mong muốn đưa đồ gỗ Đồng Kỵ đến gần hơn với người dân cả nước, đưa thương hiệu Hướng Mai sánh vai với bạn bè năm châu.

Trung tâm Hướng Mai nhìn từ bên ngoài, với giá trị cốt lõi” Tín – Tâm – Trí – Tinh – Nhân” đã đưa đồ gỗ Hướng Mai đến gần hơn với người tiêu dùng.

Tôi sống hạnh phúc hơn khi thấm nhuần Giáo lý của Đức Phật

Gặp “Bà chủ Hướng Mai” vào một buổi sáng đầu tuần, trong những ngày cuối năm hối hả, cùng với một nụ cười hào sảng trên gương mặt phúc hậu, được lắng nghe chị trải lòng về cuộc đời và những góc khuất, những thăng trầm đã đưa thương hiệu đồ gỗ Hướng Mai phát triển và thành công như ngày hôm nay. Chị luôn làm cho người đối diện phải ngạc nhiên bởi ngoài trí tuệ nhậy bén, chị còn là một người phụ nữ đôn hậu, khiêm nhường, một phật tử mang cái tâm lớn. Trên hành trình gieo duyên, chị đã đem lòng từ bi và những điều tốt đẹp đến những nơi mà chị ghé qua.

Chị bảo rằng, nếu gặp “Bà chủ Hướng Mai” của 5 năm trước chắc hẳn sẽ khác với bây giờ nhiều lắm, để được như ngày hôm nay là do chị đã thấm nhuần được những Giáo lý của Đức Phật. Chị kể về nhân duyên đưa chị đến với Phật Pháp từ những năm 2008, cái năm mà gia đình của chị chịu nhiều biến cố, cùng bối cảnh suy thoái của làng nghề, anh chị bị lừa lọc gần như mất trắng, thấy chị buồn lòng nhiều, một người bạn đã rủ đi chùa cho khuây, trong suy nghĩ của chị lúc đó, còn muốn buông bỏ tất cả để đi tu…Nhưng phải đến năm 2015 cái duyên với Phật Pháp mới thật sự đến với chị trọn vẹn.

Ngày đó, sau thăng trầm, anh chị đã vực dậy được Hướng Mai phát triển, công ty được chuyển về ngay giữa ngã tư Đồng Kỵ rộng rãi như bây giờ, nhân viên lúc đó rất đông và tấp nập khách thập phương đến mua sắm, đơn đặt hàng đến dồn dập. Nhưng chính giai đoạn đó, lại khiến chị rơi vào cảnh bế tắc và khủng hoảng, luôn trong tâm trạng bị căng thẳng. Cảm thấy công việc thì nhiều mà người hiểu và người giúp việc được cho chị gần như không có. Mặt khác, khách hàng luôn yêu cầu phải trực tiếp chị tư vấn và xử lý thì mới an tâm, có hôm tới 4 giờ chiều chị vẫn chưa được ăn cơm trưa. Trong khoảng thời gian đó, còn có sự mất mát lớn, con dâu của chị bị sảy thai, chứng kiến sự mất mát của con, mình thương lắm mà không làm gì được. Mọi thứ cứ dồn dập đến một lúc, chị cảm thấy sao cuộc đời mình khổ thế, thấy bế tắc và khổ tâm nhiều lắm.

Giữa lúc đó, chị quyết định gác lại công việc sang một bên, đồng hành cùng cô con gái út lên Thiền Viện Trúc Lâm, Yên Tử, Quảng Ninh tham gia khoá tu mùa hè để giúp mình cân bằng lại cuộc sống và tĩnh tâm hơn. Trong chuyến đi đó, đã có giây phút chị định bắt xe quay trở lại, vì công việc ở nhà còn ngổn ngang và lịch làm việc gần như kín, nhưng sau đó, chị đã hồi tâm.

Khi đến Thiền Viện, chị thấy quyết định tiếp tục hành trình của mình là đúng. Trời hôm đó rất xanh, mây trắng, vườn hoa đang độ “xuân thì” nở rộ cùng với tiếng chim hót, khung cảnh thật đẹp, hoà cùng tiếng chuông chùa, chị cảm thấy tâm mình an yên lắm.

Sau 3 ngày tu tập, được nghe thầy thuyết pháp tại Thiền Viện, chị cảm thấy mình như được tái sinh một lần nữa. Thầy nhận thấy ở chị có một mối lương duyên với Phật Pháp, nên đã hỏi chị “Ở chùa đang có khóa quy y, con có mong muốn quy y không?” Chị nhận lời thầy ngay, không một chút đắn đo, bởi những ngày được trải nghiệm tại Thiện Viện đã giúp chị giác ngộ ra được nhiều điều. Khi đó, thầy còn nói, “Con được quy y cùng bọn trẻ con thế này, thì sau này sướng lắm đấy, cuộc sống sẽ hạnh phúc, vì trẻ con vô tư, cuộc sống không phiền não”. Thầy đặt pháp danh cho chị là Chân Tâm (Với ý nghĩa Chân là chân thật không biến đổi, Tâm là biết, cái biết này nó lặng lẽ trong sáng không bị ngoại cảnh chi phối).

Trong giai đoạn khủng hoảng và bế tắc đó, Giáo lý của Đức Phật đã đến với chị như một ngọn hải đăng soi đường và là phương thuốc chữa lành vết thương lòng, giúp chị vượt qua khó khăn, mệt mỏi. Sau này thì chị hiểu, năm đó chị chưa đến mức phải đau khổ đến vậy, mà do bản thân còn cố chấp nhiều thứ, chưa vượt qua được những điều tầm thường.

Việc được giác ngộ đã giúp chị có cái nhìn thấu hiểu hơn về con người, về cuộc đời, sống trong yêu thương nhiều hơn, dùng tình yêu thương của mình lan toả, cảm hoá mọi người xung quanh. Chị tin rằng, mọi sự đến với mình đều là nhân mà mình đã gieo trước đó, nên chị dễ dàng đón nhận một cách bình thản nhất, không còn cảm thấy bế tắc, cùng suy nghĩ, mỗi ngày đều cố gắng, chăm chút từng thứ một, từ những điều nhỏ nhất, làm việc chỉn chu, thì mọi thứ sẽ đến trọn vẹn và tròn chĩnh mà không cần cưỡng cầu.

Khách hàng đến thăm quan và mua sắm tại Hướng Mai Center.

Hạnh phúc bắt đầu từ cái tâm, từ chính tình yêu thương

Được nghe chị chia sẻ về nhân duyên với Phật Pháp, về những chuyến đi mới thấy, ở chị có một tình yêu với cuộc đời và cái tâm thật lớn. Chị kể ngày đó, với chuyến đi 11 ngày sang Ấn Độ, có duyên lành được gặp đức Đạt Lai Lạt Ma và nghe những bài thuyết pháp của thầy chị đã thật sự bị chấn động, ở thầy có một năng lượng vô cùng lớn, ngay cả khi trở về căn phòng của mình nghỉ ngơi chị vẫn cảm nhận sự bừng sáng của năng lượng ấy xung quanh mình, một cảm giác hạnh phúc và an nhiên lan toả khắp cơ thể. Hành trình sang Ấn Độ năm đó, ngày nào chị cũng viết nhật ký, chị cảm nhận mọi điều trong chuyến đi của mình “Ngày hôm nay là một ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời của con, con đã được giác ngộ bằng tình yêu thương và lòng biết ơn” chị cảm ơn những nhân duyên trân quý ở cuộc đời này đã giúp chị có đủ duyên để được diện kiến các vị cao tăng đắc đạo.

Bây giờ trong lòng, chị cảm thấy rất nhẹ nhõm “Trên đời này không phải là có tài sản, có tiền, có danh mới là hạnh phúc mà hạnh phúc bắt đầu từ cái tâm, từ chính tình yêu thương”. Chị sống với tâm thức hạnh phúc hơn trước và nghĩ đến việc, mình cần phải giác ngộ cho người thân và nhân viên của mình, để họ cũng có được một cuộc sống hạnh phúc và an yên. Những bài thuyết pháp của các thầy thực sự chạm tới trái tim, đã giác ngộ và cảm hoá được mọi người. Gia đình có sự yêu thương, gắn kết và chia sẻ nhiều hơn, còn sự giác ngộ của nhân viên thể hiện rõ nét qua từng cử chỉ và công việc. Tâm của họ bắt đầu tốt hơn, làm việc với lòng biết ơn, và coi công ty như gia đình của họ. Trong quá trình tu tập và giác ngộ, chị đã cân bằng được cuộc sống, quản lý công việc tốt hơn, đây cũng chính là điều được nhất mà chị học được từ những Giáo lý của Đức Phật. Với nhân viên cũng vậy, chị học cách hiểu, san sẻ cùng họ, vì chị hiểu, ai cũng có những khó khăn và rắc rối của riêng mình, thay vì chỉ trích và bắt lỗi, mình nên đồng cảm và cảm thông nhiều hơn, dùng tấm lòng từ bi để cảm hoá, chị mở rộng trái tim mình đón nhận tất cả, bởi chị biết, quy luật của nhân quả rất công bằng.

Câu hỏi được đặt riêng cho chị sau những trải lòng về nhân duyên đến với Phật Pháp, chị có buồn khi người ta cho rằng chị mê tín và u mê trong những giáo lý đó?

Chị cười và nói rằng, thời đại nào rồi mà vẫn còn tư tưởng cổ hủ đó, Đạo Phật đã có rất lâu, từ những năm 1500 đến năm 600 trước Công nguyên, bản thân Đức Phật đã từ chối tranh luận về những vấn đề tâm linh, Ngài chỉ thuyết giảng về những gì mà Ngài nhận thức là chân lý, là quy luật của vũ trụ. Mặt khác, Phật Giáo xuất hiện từ một nền văn hoá đang tồn tại và không thể tránh khỏi những yếu tố của truyền thống cũng như triết học. Còn thế giới thì luôn vận động và phát triển từng ngày, công nghệ 4.0 đang dần được thay thế cho sức người. Do đó, chúng ta cũng không thể dậm chân mãi một chỗ được, nên không thể nói là u mê hay mê tín khi giác ngộ Phật Pháp.

Từ xuất phát điểm là thợ làm nghề truyền thống, chị đã trải qua một chặng đường nhiều chông gai và không ít khó khăn để xây dựng được thương hiệu Hướng Mai được nhiều khách hàng yêu quý, tin tưởng như bây giờ. Chị cho biết, để làm ra những sản phẩm đẹp, tinh xảo, mang đặc trưng riêng của Hướng Mai, bản thân chị đã phải luôn không ngừng học hỏi và phấn đấu. Thêm vào đó, “chị không nhìn và so sánh vào ánh hào quang của những người khác, họ có thể xinh đẹp, thành công và giàu có, mà chị chỉ nhìn và so sánh với chính bản thân mình, làm sao để ngày hôm nay luôn tốt hơn ngày hôm qua”. Với những chiến lược “dài hơi” “Bà chủ Hướng Mai” luôn trăn trở tìm ra hướng đi tốt nhất để phát triển nghề truyền thống của làng, giúp bà con có được một công việc ổn định, góp phần làm cho quê hương mình giàu đẹp hơn. Cùng suy nghĩ, khi làm việc tốt, việc có ích, giúp mọi người sống tốt hơn, lan toả được những điều tốt đẹp, cũng sẽ là tấm gương cho các con noi theo.

Tôi luôn khao khát được học để hoàn thiện bản thân

Dù đang ở vị trí nhiều người mơ ước, nhưng Doanh nhân Vũ Thị Mai vẫn luôn khao khát được học, ngay cả khi chị đã có cháu nội bế bồng, có chương trình nào hay và hữu ích là chị tham gia, bởi theo chị sự nghiệp học hành thì không bao giờ là muộn. Học gì chị cũng thấy hay, kiến thức mới nào cũng muốn được tiếp cận. Chị luôn chịu khó tìm hiểu thông tin, nắm bắt kịp thời các xu thế để thay đổi và vận dụng những kiến thức đã học để tạo ra các mẫu mã sản phẩm mới, vừa có tính kế thừa truyền thống nhưng cũng chứa đựng sự sáng tạo mang âm hưởng của thời đại, theo kịp xu thế. Công nghệ thời 4.0 thật hữu ích, giúp cho chúng ta rất nhiều thứ, nếu như ngày xưa chị hay bị lạc đường thì sau này nhờ công nghệ chị đã không còn bị “bò lạc” nữa. Chị cười…!. Chính sự ham học đã giúp chị có được nhãn quan tốt hơn trong kinh doanh, áp dụng linh hoạt những kiến thức thực tế, công nghệ mới và những Giáo lý của Đức Phật vào điều hành công ty một cách bài bản, hiệu quả và có chiến lược.

Không chỉ bản thân ham học, chị còn tạo điều kiện cho nhân viên của mình tham gia nhiều khoá học để nâng cao kiến thức và kỹ năng, giúp nhân viên phát triển bản thân và hoàn thiện các kỹ năng cần thiết. Với quan điểm, học để biết mình sai ở đâu thì sửa ở đó và sau không sai nữa, còn làm sai thì coi như là mình đóng phí để học hỏi. Có lẽ vì vậy mà chị đã có được thành công như ngày hôm nay. Trước đây, nhiều người vẫn thắc mắc, chị làm kinh doanh bao năm mà vẫn dễ bị người khác lừa thế, sau này chị hiểu ra là do chị tin và thương người quá, họ nói gì mình cũng tin và cứ nghĩ ai cũng giống mình… Nhưng đó là của 5 năm trước, còn bây giờ thì khó ai có thể lừa được chị lắm,…

Khách hàng từ Bình Định tìm đến Hướng Mai Center

Nhìn nhận về “Bà chủ Hướng Mai” cũng như chất lượng sản phẩm tại Hướng Mai Center anh Cường, khách hàng đến từ Thái Nguyên chia sẻ “Tôi về Đồng Kỵ chọn đồ thờ, đã đi thăm nhiều cửa hàng, nhưng khi đến Hướng Mai Center, hữu duyên được chị Mai trực tiếp tư vấn, tôi mới thật sự ưng ý và lựa chọn mua đồ ở đây, với cảm nhận chất lượng gỗ tốt, đường nét của sản phẩm rất tinh xảo và điều đặc biệt giúp tôi quyết định lựa chọn Hướng Mai là bà chủ bán hàng rất có tâm, khi tôi đề xuất trợ duyên cho sản phẩm thì chị Mai sẵn sàng hỗ trợ ngay”.

Nhớ về cuội nguồn và khơi dậy làng nghề phát triển

Với mong muốn tạo công ăn việc làm cho nguời lao động và đóng góp xây dựng cho quê hương, chị còn xây dựng nhà máy vừa sản xuất vừa đào tạo nghề. Học viên ở đây không những được học việc, mà còn được nuôi ăn và trả lương, sau khi thành nghề được sắp xếp công việc và được đãi ngộ xứng đáng. Trong công việc, chị luôn hướng dẫn cho nhân viên của mình, hướng tới những điều tốt đẹp, sản phẩm làm ra phải chất lượng và có tính kế thừa. Trong quá trình sản xuất phải biết tiết kiệm nhưng cũng không được quá tận dụng, gỗ xấu, hỏng phải bỏ đi, làm nghiêm túc, chỉn chu và đặt tâm vào từng sản phẩm. Do vậy, những nghệ nhân và nhân viên trong công ty Hướng Mai, ai cũng làm việc có tâm và đầy trách nhiệm, sáng tạo và thăng hoa tạo ra những sản phẩm đồ mỹ nghệ đạt độ tinh xảo, có “sức sống”… Chính vì cách quản lý hài hoà giữa nhu và cương, giữa yêu thương và trách nhiệm mà đồ gỗ tại Hướng Mai Center luôn được người tiêu dùng, yêu thích đón nhận.

Không chỉ là “Bà Chủ Hướng Mai” đầy trách nhiệm với nhân viên, chị còn là một người phụ nữ giàu lòng từ bi và nhân ái, chị thường xuyên tham gia các chương trình thiện nguyện, chia sẻ yêu thương đến nhiều mảnh đời bất hạnh mà chị gặp trên hành trình gieo duyên của mình. Ngoài ra, chị còn thành lập quỹ học bổng, quỹ từ thiện và các hoạt động để tri ân Tổ nghề. Chia sẻ chị cho biết, vợ chồng anh chị có được thành công như ngày hôm nay là do các cụ đã để lại nghề cho mình, cùng thương hiệu Đồng Kỵ, đã giúp cho anh chị định hướng tốt hơn cho Hướng Mai. Bởi vậy, đến thế hệ của mình, anh chị muốn dốc hết sức, toàn tâm, toàn ý để làm tốt công việc, truyền lửa, đào tạo thế hệ kế cận, phát triển và gìn giữ làng nghề truyền thống của quê hương.

Năm 2020 được đánh giá là một năm đầy biến động, khó khăn mang tính toàn cầu. Ở Việt Nam sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19 cùng thiên tai lũ lụt tại các tỉnh duyên hải miền Trung đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Nền kinh tế cũng từ đó mà chịu nhiều tác động, trong đó sản xuất đồ gỗ nội thất tại làng nghề của chị cũng không ngoại lệ. Hiện tại, dù tên tuổi của làng gỗ Đồng Kỵ đã được nhiều người biết đến, nhưng đầu ra của làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế, kết quả mang lại vẫn chưa thực sự tương xứng, người nghệ nhân của làng đã bỏ nhiều tâm huyết và tình yêu nghề, dùng khối óc và bàn tay tài hoa của mình, sáng tạo, chạm khắc để tạo nên những “đứa con tinh thần”, nhưng sản phẩm đó lại không thể bán được ngay, nên điều này cũng là trăn trở của vợ chồng anh chị.

Với những giá trị thực tế mà đồ gỗ truyền thống mang lại, làng nghề Đồng Kỵ được ví như “Một viên ngọc được cất trong ví”, nếu cứ để vậy thì sẽ rất ít người nhìn thấy độ sáng và giá trị của nó, do đó cần phải mang viên ngọc đó ra “lau bóng” và trưng bày. Chính vì thế rất cần những thế hệ kế cận sau này và đặc biệt là lớp thế hệ của chị, sáng tạo, đưa làng nghề Đồng Kỵ khẳng định được vị thế và vươn xa.

Doanh nhân Vũ Thị Mai vinh dự được nhận bằng khen Thi đua yêu nước của Chính phủ năm 2020

Giáo lý của Đức Phật giúp tôi dung hoà được công việc và gia đình

Chia sẻ về cuộc sống thường nhật của mình đằng sau vai trò “Bà chủ Hướng Mai” chị nói, mỗi ngày chị đều dành thời gian để ngồi thiền, tụng kinh, và dành 20 ngày trong tháng để ăn chay, đây là thói quen chị đã thực hiện nhiều năm nay. Khi được hỏi chị đã ứng dụng những Giáo lý của Đức Phật như thế nào vào quản lý và điều hành công việc cũng như cân bằng vai trò làm vợ, làm mẹ, làm con dâu trong gia đình, chị trải lòng trong sự xúc động rồi quay sang nhìn cậu con trai thứ hai của mình với đôi mắt long lanh. Như hiểu được ý của mẹ, cậu ấy đã chạy lại vòng tay ôm lấy chị và vỗ về. Trong khung cảnh ấy, khiến cho người đối diện không tránh khỏi xúc động, còn chị thì không ngừng xin lỗi vì sợ những cảm xúc của mình làm ảnh hưởng tới mọi người.

Doanh nhân Vũ Thị Mai xúc động trong vòng tay của cậu con trai thứ hai, người con ấy không được may mắn như bao đứa trẻ khác, nhưng với chị, con mình là một đứa trẻ tuyệt vời và hiểu chuyện.

Ngay chính giây phút này, hình ảnh nữ doanh nhân thành đạt, điều hành cả một bộ máy chạy đều nhịp, được thay thế bằng một hình ảnh người mẹ dịu hiền, trong vòng tay đầy yêu thương. Hai mẹ con chị cứ thế vỗ về và cùng đọc trích đoạn trong “Kinh bát chánh đạo” trong đáy mắt trìu mến.

“Ai hiểu được đời là khổ

Tức là đã hiểu rằng

Có một cõi Niết Bàn

Vượt ra ngoài sinh tử

Ai hiểu đời là khổ

Tức là phải hiểu rằng

Khổ phải có nguyên nhân

Bởi vô minh ngã chấp

Ai tin có giải thoát

Tức là phải tin rằng

Phải có một con đường

Đi về nơi cao thượng”

Gia đình luôn là hậu phương vững chắc cho mỗi người trong chúng ta có thể nương nhờ mỗi khi vấp ngã hay mệt mỏi và với chị cũng vậy. Chị sinh ra và lớn lên tại quê hương “Kinh Bắc” trứ danh, một vùng đất trù phú, kinh tế phát triển, cửa ngõ của Thủ đô, nơi được mệnh danh sản sinh ra những người vợ đảm đang, tháo vát và tài giỏi… Nên những đức tính của một người phụ nữ đảm đang luôn được hiện diện đủ đầy ở chị.

Trải lòng về gia đình của mình, gương mặt chị rạng ngời, hạnh phúc. Chị sinh được 3 người con, hai trai một gái, người con trai thứ hai của chị từ khi sinh ra đã không được may mắn, nhưng không phải vì thế mà chị cảm thấy buồn, bởi các con của chị, bạn nào cũng ngoan và hiếu thảo. Thêm nữa, chị có một người con dâu thảo hiền, sinh cho chị 3 đứa cháu nội xinh sắn… Các con là nguồn động viên rất lớn giúp chị mạnh mẽ trước cuộc đời, như vậy đã là quá đủ. Với chị, cuộc đời cũng rất công bằng, “không cho không và cũng không lấy hết của ai” chị rất may mắn khi có được một người bạn đời, tâm đầu ý hợp là nghệ nhân Chử Văn Hướng, người luôn cảm thông và chia sẻ, đồng hành cùng chị trong suốt những hành trình khó khăn, cho đến những chặng đường đơm hoa, kết trái ngày hôm nay.

Hạnh phúc nhất đối với chị không phải là kiếm được thật nhiều tiền, mà trong những lúc buồn vui và nhiều áp lực nhất thì gia đình luôn là bến đỗ bình yên. Chị cảm thấy rất biết ơn vì điều đó và luôn nhìn vào những điều tích cực nhất. Chị học cách sống buông bỏ mọi phiền não, cảm xúc tiêu cực, hướng tới cuộc sống nhẹ nhàng và tốt đẹp hơn.

Ngoài những thành công trong vai trò “Bà Chủ Hướng Mai” chị còn giữ nhiều vị trí quan trọng ở nhiều đơn vị khác nhau… Được mời tham dự rất nhiều chương trình, tọa đàm chia sẻ về bí quyết kinh doanh cũng như chuyện đời, chuyện nghề. Thêm nữa, chị còn vinh dự được nhận bằng khen của Chính phủ và các thành tích cá nhân khác trong vai trò kinh doanh cũng như sự cống hiến của mình cho quê hương, đất nước. Nhưng khi nói về mình chị vẫn rất khiêm nhường, đối với chị, mỗi người được sinh ra trên đời đều có một sứ mệnh riêng và sứ mệnh của chị ở cuộc đời này là mang yêu thương và lan toả sự yêu thương đó đến với mọi người, vì thế mà những điều chị đã và đang làm vẫn còn rất nhỏ bé.

Trải qua 30 kinh nghiệm lăn lộn trên thương trường và dành tình yêu của mình đối với làng nghề đồ gỗ truyền thống, nếm đủ các dư vị ngọt bùi, ít ai biết rằng nữ doanh nhân ấy, ngoài vai trò “Bà Chủ Hướng Mai”, thì chị cũng rất “đàn bà” và “đằm thắm” khi trở về đời thường. Nhìn vào sự phát triển của Hướng Mai Center, cùng những thành quả mà chị đã đóng góp cho quê hương, đất nước càng thấy được những điều chị đã và đang làm cho đời, thật quý giá và đáng trân trọng.

Năm cũ đã khép lại, chào đón xuân mới – Tân Sửu 2021 đã về với muôn nhà trong không khí rộn ràng, những màn pháo hoa rực rỡ phủ kín cả bầu trời, báo hiệu một năm sẽ nhiều khởi sắc và hạnh phúc. Kính chúc doanh nhân Vũ Thị Mai cùng gia đình thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và an lành. Chúc Hướng Mai Center luôn thịnh vượng, phát triển, là địa chỉ tin cậy của khách hàng yêu đồ gỗ mỹ nghệ trong và ngoài nước.

Theo KimThúy/Doanh nghiệp & Thương hiệu

XEM NHIỀU