Thứ hai, 29/04/2024 14:36:09 (UTC+7) 70

Tịnh độ đích thực

Nếu tâm ta thanh tịnh, thì ta ở đâu là Tịnh độ có mặt ở đó, và nếu tâm ta không thanh tịnh thì ta ở đâu là uế độ có mặt ở đó.

Ta nói “đây là Tịnh độ” và một người khác lại nói “kia là Tịnh độ”. Tất cả chúng ta đều nói về Tịnh độ, đều tu tập Tịnh độ mà người ta tu tập “Tịnh độ ” ở đây, không chấp nhận người ta tu tập “kia là Tịnh độ” và người ta tu tập “kia là Tịnh độ”, lại không chấp nhận người ta tu tập “đây là Tịnh độ”.

Nên cả hai đã làm cho thế giới Tịnh độ trở thành thế giới của ngôn thuyết, của tranh cãi, của phe nhóm và phiền não, khiến cho thế giới “đây là Tịnh độ” hay “kia là Tịnh độ” không còn là Tịnh độ nữa.

Ta chấp nhận “đây là Tịnh độ” mà không chấp nhận “kia là Tịnh độ”, đó là một cực đoan mà người tu tập cần phải tránh. Và sự chấp nhận ngược lại cũng được xem là một cực đoan mà người tu tập cần phải tránh.

Ta phải biết rằng, “đây là Tịnh độ” được tạo nên bởi “kia là Tịnh độ” và “kia là Tịnh độ” lại được tạo nên bởi “đây là Tịnh độ”.

Nếu không có “kia là Tịnh độ”, ta dựa vào cơ sở nào để khẳng định “đây là Tịnh độ”, và nếu không có “đây là Tịnh độ”, ta dựa vào cơ sở nào để khẳng định “kia là Tịnh độ”.

Trong ngôn ngữ tương quan, khi ta nói “đây là Tịnh độ”, tức là ta đã ngầm có hai ý: “Kia là Tịnh độ” hay “kia không phải là Tịnh độ”; hoặc ta nói “kia là Tịnh độ”, tức là ta đã ngầm có hai ý: “Đây là Tịnh độ” hay “đây không phải là Tịnh độ”.

Tuy nhiên, dù Tịnh độ ở nơi kia hay Tịnh độ ở đây, tất cả đều được biểu hiện từ nơi tự tâm.

Nếu tâm ta thanh tịnh, thì ta ở đâu là Tịnh độ có mặt ở đó, và nếu tâm ta không thanh tịnh thì ta ở đâu là uế độ có mặt ở đó.

Tâm ta thanh tịnh, thì ta ở đâu ta cũng liên thông được với hết thảy Tịnh độ của chư Phật mười phương và ba đời.

Và nếu tâm ta không thanh tịnh, dù ta đang ở đâu, tâm ta cũng đang liên thông với mọi ô nhiễm của hết thảy chúng sanh trong mười phương và ba đời.

Sự thanh tịnh của chư Phật mười phương và ba đời đang có mặt ở nơi tâm vô nhiễm của chúng ta. Và thế giới bất tịnh của chúng sanh trong mười phương và ba đời cũng đang có mặt nơi tâm ô nhiễm của chúng ta.

Nên, tâm ta tịnh, thì mười phương thế giới đối với ta đều tịnh. Và tâm ta bất tịnh là trong mười phương thế giới, không có thế giới nào là thế giới thanh tịnh cho ta.

Các nhà khoa học vật lý nguyên tử hiện đại đã nói cho ta biết rằng, hạt nguyên tử chính là sóng nguyên tử và sóng nguyên tử là hạt nguyên tử, và khi một hạt nguyên tử được tách rời thành hai và cách nhau cả ngàn dặm, thì chúng vẫn có tính cộng thông và đồng thời với nhau.

Vậy, chúng ta tu tập Tịnh độ, ta tụng kinh A-di-đà, ta đã nghe kinh nói cho ta rằng: “Khi đức Phật Thích-ca đang nói về Tịnh độ Phật A-di- đà, thì vô số chư Phật khắp cả mười phương, tức thời đều đưa tướng lưỡi rộng dài và đều ca ngợi, hỗ trợ việc thuyết pháp về Tịnh độ của Phật Thích-ca”.

Vậy, Tịnh độ không phải chỉ có mặt ở đây mà còn có mặt ở nơi kia, và không phải chỉ có mặt ở nơi kia mà còn có mặt ở khắp cả mười phương và ba đời và cộng thông với nhau.

Bởi vậy, trong Văn Cảnh Sách Tổ Quy Sơn nói: “Giá biên, na biên ứng dụng bất khuyết”. Nghĩa là: “Bên này bên kia ứng dụng tròn đầy”.

Tịnh độ là tuệ giác tròn đầy, là an lạc vô khuyết, là tình thương vô hạn, là sự sống vô cùng, là thanh tịnh vô nhiễm, là bản nguyện vô biên, là diệu dụng vô cùng, là công đức vô lượng, vậy mà ta đem trí hữu cùng, đem tâm hữu lượng, đem ý niệm chia phân, bỉ, thử mà ứng dụng, thì làm sao mà ta có Tịnh độ được nhỉ? Ta hãy tránh xa mọi cực đoan đối với Tịnh độ, để Tịnh độ đích thực có mặt trong ta.

XEM NHIỀU

27/12/2024 17:00:49

PHẬT GIÁO VIỆT NAM LUÔN HỘ QUỐC AN DÂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

Đại lễ cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa  Việt Nam ra thế giới và góp phần truyền tải thông điệp hòa bình, phát triển bền vững các giá trị nhân văn cốt lõi của Phật giáo đến toàn thể nhân loại. Thân người...
26/12/2024 15:48:53

Hà Nội: Phân ban Ni giới phía Bắc tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động Phật sự năm 2024, đề ra phương hướng công tác năm 2025

Với công tác Hoằng Pháp, để tiếp nối theo dấu chân của đức từ phụ ” cả cuộc đời hoàng dương chính pháp lợi lạc quần sinh”, việc hoằng pháp của Phân ban Ni giới các Tỉnh Thành còn hạn chế, nhưng tất cả chư Ni trong các Tỉnh Thành đều đem...