Thứ hai, 29/04/2024 12:53:47 (UTC+7) 79

Ý nghĩa thí dụ ba xe và nhà lửa trong kinh Pháp hoa

Thí dụ ba xe và nhà lửa trong kinh Pháp hoa chủ yếu Phật nói chúng ta ở trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới giống như ở trong nhà lửa.

Ý nghĩa thí dụ ba xe và nhà lửa trong kinh Pháp hoa

Trong sáu đường sanh tử (Lục đạo) là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, a-tu-la, người, trời chúng ta bỏ ba cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh vì ở trong ba cõi này không tu được. Chỉ còn trời, người, a-tu-la là ba thiện đạo có thể tu, nhưng cũng phải là người có căn lành ở trong cõi Dục mới tu được.

Nhiều người tu không nhận ra lý này, không có căn lành và cũng không trồng căn lành, nên tu không có kết quả là nấu cát muốn thành cơm. Cát muốn thành cơm phải chuyển đổi qua lúa gạo mới nấu thành cơm được. Vì vậy, ở trong ba đường ác muốn tu phải trả hết nghiệp mới sanh vô ba đường lành và phải có căn lành mới tu được.

Dù là thiện đạo nhưng còn ở trong ba cõi (Tam giới) là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Từ loài người đến a-tu-la và chư thiên trong sáu cõi trời gồm Tứ thiên vương, Đao lợi thiên, Dạ ma thiên, Đâu suất đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên cũng đều nằm trong cõi Dục. Nhưng dục của họ vi tế hơn con người. Dục tính của con người nặng hơn, vì có thân tứ đại ngũ uẩn. Thực tế là có vợ chồng mà còn ngoại tình.

Dục của chư thiên thuộc tình cảm, thiên nam thiên nữ chỉ nhìn nhau mỉm cười là thành vợ chồng, họ không ăn ở như con người. Có cõi trời mà thương và nắm tay cũng thành vợ chồng. Chư thiên sanh ra cũng nhẹ hơn loài người. Con người phải từ bụng mẹ trải qua thời gian thai nghén đến chín tháng mười ngày mới sanh ra, còn phải nuôi, còn phải bệnh.

Thiên nam, thiên nữ nhìn nhau sanh con là Hóa sanh, tự nhiên sanh ra. Nhưng thiên cha, thiên mẹ, thiên con bằng nhau, giống nhau, không phải bệnh hoạn, đói khát, vì chư thiên không ăn nên không khổ.

Phật nói ở cõi trời chỉ hưởng thú vui. Khi họ buồn gọi là ngũ suy tướng hiện là họ bị đọa thì họ biến mất là chết, nhưng chết không phải thiêu hay chôn như loài người. Họ biến mất ở cõi trời và qua cõi người vào bào thai sanh lại, nhưng trời sanh lại có cốt cách của thần tiên là sang trọng, thông minh, giàu có…, hoàn toàn khác với người từ địa ngục sanh lại làm người. Từ địa ngục sanh làm người thường có tướng xấu xí, hung dữ, hôi dơ, nghèo khổ…

Dù là chư thiên nhưng còn ở trong cõi Dục, nên bất an, vì hưởng hết phước, bị đọa rớt xuống làm người, phải bắt đầu lại.

Và lên cõi Sắc thì dục hết, vì họ luôn sống trong thiền định từ sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, đến tứ thiền. Trong 18 cõi trời Sắc giới, họ sống với tâm, nên tình cảm họ không còn và họ trụ cao nhất là vô phiền, vô nhiệt, thiện kiến, thiện hiện và sắc cứu cánh. Như vậy, thấy an lành, nhưng Phật nói chưa an, vì khi tam tai phá lên tới đó thì cũng tiêu luôn.

Cao hơn nữa, lên cõi Vô sắc là không còn hình tướng, chỉ còn tâm thức là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Bốn cõi này cũng không an.

Thật vậy, Phật nhớ đến đạo sĩ Uất-đầu-lam-phất từng là thầy dạy thái tử Sĩ-đạt-ta. Ông chứng được cõi trời Vô sắc ở cấp bậc cao nhất là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cho rằng ông được hoàn toàn giải thoát, nhưng Phật nói ông hưởng hết phước, đọa xuống làm con chồn có cánh.

Ở trên mặt đất thì nó sát hại những loài ở mặt đất và nó bay lên trời thì nó sát hại những loài trên không trung. Vì ông tu, ngồi ở dòng suối, bị chim cá quấy rầy, vào định không được, khiến ông nổi giận, nghĩ rằng nếu có đủ điều kiện, ông sẽ giết hết chim cá. Tu hành, Phật tử nhớ đừng khởi niệm ác, vì dù lên cõi trời cũng bị đọa xuống. Phật không độ ông này được, vì ông lên cõi trời đó rồi.

Vì vậy, Phật nói cuộc sống ở trong ba cõi không an giống như ở trong nhà lửa. Vì giờ này được điều tốt nhưng giờ sau phải chịu tai họa, giờ này vui, giờ sau buồn, mọi việc luôn thay đổi không ngừng, nên không bao giờ người ta bằng lòng với tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời họ.

Từ đó, Phật dạy chúng ta hãy sống với hiện pháp lạc trú, tức an trụ trong hiện tại là bây giờ và ở đây. Thật vậy, vì nghiệp thức của ta cứ nghĩ đến việc vui buồn vinh nhục trong quá khứ làm chúng ta bất an trong cuộc sống hiện tại, hoặc luôn mơ tưởng đến tương lai tốt đẹp mà nó không bao giờ tới cũng làm ta khổ.

Phật khuyên hãy sống với những gì trong tầm tay mình và làm tốt điều đó là sống với hiện tại. Tu pháp nào cũng phải trụ trong pháp hiện tại này.

Phật nói cuộc sống ở trong ba cõi không an giống như ở trong nhà lửa. Vì giờ này được điều tốt nhưng giờ sau phải chịu tai họa, giờ này vui, giờ sau buồn, mọi việc luôn thay đổi không ngừng, nên không bao giờ người ta bằng lòng với tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời họ.

Từ đó, Phật dạy chúng ta hãy sống với hiện pháp lạc trú, tức an trụ trong hiện tại là bây giờ và ở đây.

Xã hội bất an, nhưng ta thấy an nhờ ở trong pháp Phật. Ra ngoài pháp Phật, khởi niệm gì đó là bất an liền. Tôi đã trải nghiệm điều này. Khi hoàn cảnh của mọi người trong xã hội đều phải sống khó khăn nhất, tôi một mình ôm bộ kinh Pháp hoa lên chánh điện, trụ trong kinh thấy an lành vô cùng. Các thầy khác thấy vậy nói rằng chết tới nơi mà không sợ sao.

Tôi đáp sợ cũng chết thì sợ làm gì. Mình trụ trong pháp, có ở trong thân tứ đại đâu mà biết khổ, có quay cuồng với hoàn cảnh khổ đâu mà thấy khổ. Người sống trong pháp Phật được Phật hộ niệm, thấy an. Sống ngoài pháp Phật, không được Phật hộ niệm, phải bất an.

Vì tâm luôn tính toán, lo sợ, nên bất an mà Phật ví giống như ở trong nhà lửa, không phải nhà lửa thiệt. Ý này thể hiện qua câu mà các thầy ở chùa thường đọc là cần tu như lửa đốt đầu, nghĩa là lửa cháy tới đầu rồi, phải ráng tu, tức trụ trong pháp. Trụ trong pháp thì dù thân có cháy, nhưng tâm mình không cháy.

Thực tế cho thấy khi các thầy thọ đại giới thường đốt một viên đến chín viên lửa trên đầu. Lúc còn trẻ, tôi cũng có đốt một liều hương trên đầu. Nếu trụ pháp thì không thấy nóng, ở ngoài pháp thì thấy nóng lắm. Xưa kia, Hòa thượng Trí Hữu tụng kinh Pháp hoa, chỗ nào trên thân ngài cũng đốt, cuối cùng ngài đốt rụng luôn một ngón tay. Tôi hỏi Hòa thượng có nóng không.

Ngài nói nếu nóng thì không đốt, tức chúng ta tụng kinh Pháp hoa, trụ trong pháp không thấy nóng. Còn tụng kinh mà thấy nóng là không trụ pháp. Cũng như Bồ-tát Quảng Đức ngồi an nhiên trong ngọn lửa bao phủ toàn thân Ngài, nhưng chắc chắn Ngài không thấy nóng, nhưng thấy Phật che chở, đó là điều quan trọng nhất với người tu.

Ở trong nhà lửa, Phật nói chỉ có ba xe là ba pháp tu mới ra khỏi nhà lửa, ra khỏi sanh tử luân hồi. Bỏ ba pháp này, dù lên trời cũng bị đọa xuống sanh tử. Ba xe gọi là tam thừa gồm Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa, hay chỉ có ba hạng người là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát ra khỏi sanh tử. Còn những người khác tu được một chút phước, hưởng hết rồi đọa xuống, lại tiếp tục tu tạo phước nữa, bị đọa nữa, từ bao nhiêu kiếp phải trầm luân sanh tử như vậy, không thể thoát ra.

Phật nói chỉ có nương ba pháp, hay ba xe mới ra khỏi sanh tử. Xe thứ nhất là xe dê thuộc loại xe nhỏ, đi một mình, chủ yếu dành cho các thầy xuất gia phải bỏ hết, chỉ tạm giữ ba y một bát, ngày ăn một lần thôi. Nghĩa là cuộc đời người tu không có gì hết, tạm sống, chờ ngày đi, bỏ nhà cửa, bỏ cha mẹ bà con, bỏ hàng xóm, bỏ hết, vì còn cái gì thì sẽ quyến luyến, ở lại, không đi được.

Tôi có người bạn bán thế xuất gia tu mười mấy năm đến khi lớn tuổi, bệnh hoạn, xin Hòa thượng Thiện Hòa cho về nhà tu, vì già yếu, bệnh hoạn ở chùa cảm thấy khó khăn, về nhà để con cháu săn sóc cho thoải mái. Ban đầu tu ở chùa, nhưng về già lại nghĩ ở chùa khổ, về nhà sướng hơn, còn có con cháu lo lắng mà. Tu như vậy là hỏng.

Theo Phật, nếu xuất gia tu Thanh văn thừa thì phải quyết tâm tu cho tới chết thôi. Quyết tâm cao như vậy và trụ trong pháp của Thanh văn mới ra khỏi nhà lửa.

Dù học nhiều kinh, nhưng tu pháp Thanh văn, trụ trong Tứ niệm xứ quán là quan trọng nhất. Tứ niệm xứ quán là quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.

Suốt cuộc đời mình trụ tâm ở Tứ niệm xứ quán là trụ Không thì cuộc đời này không có gì hết. Cái có duy nhất là thân bất tịnh, bệnh hoạn. Quán tưởng thân này nhơ nhớp, tội lỗi, tại sao mình lại chui vô thân đáng sợ này, cần phải diệt tứ đại ngũ uẩn. Vì vậy, coi việc chết là bình thường, không bận tâm, làm sao ra khỏi thân này càng sớm càng tốt. Phải quyết tâm mạnh như thế mới ra khỏi sanh tử. Không quyết tâm như vậy, mà nghĩ thân này của tôi, phải nuôi nó, phải bảo vệ nó là chưa tu.

Nhìn kỹ thân mình và thân người bất tịnh, nên đoạn ái nghiệp. Mình thương người nào cũng giống chư thiên là họ thương người đó, không phải thương cái thân xác. Thiệt thương thì người yêu sống hay chết, họ cũng thương. Còn thương cái thân xác thì nay thương, mai ghét. Một người bạn nói với tôi rằng lúc còn đi học, ông mê cô gái bán hàng đến bỏ học.

Cô kia cũng thương lại rồi cưới nhau. Một thời gian sau, ông hết thương mà sợ. Ông nói lúc thương, đứng dưới gốc cây me nhìn trộm, thấy cô đẹp, nhưng sống chung, con người thực của cô hiện ra. Vì ông thương cái thân nhưng thân không tắm gội, trang điểm thấy sợ!

Về ý này, mình biết Phật nói rằng đừng nhìn 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp là Phật, mà đó là thân của thái tử Sĩ-đạt-ta. Phải nhìn thấy ông Phật trong thân của Sĩ-đạt-ta, giống như tiên A-tư-đà thấy Phật bên trong thái tử, nên ông sụp lạy, vua Tịnh Phạn cũng lạy theo.

Phải nhìn thấy con người thực bên trong của họ, đừng thấy cái xác. Tôi quan sát thấy thân bên ngoài và tâm bên trong của con người luôn thay đổi. Cũng người đó, nhưng thân thay đổi theo nghiệp bên trong là tâm họ nghĩ gì thì hình tướng thay đổi theo.

Tâm vui hiện ra thân đẹp, tâm khổ hiện ra thân xấu, giờ trước họ đẹp, giờ sau họ xấu là vậy. Thực tế cho thấy một ông tướng trông oai vệ biết mấy, nhưng khi trở thành bại tướng bị bắt, thấy họ thực thảm hại, hoàn toàn khác là thấy con người sanh diệt. Nhìn xa thấy được con người bất sanh bất diệt là con người thực. Quan trọng là chân tâm hay vọng tâm chỉ đạo thân.

Chân tâm hay chân linh của tất cả mọi người giống nhau. Phật nói Phật tánh giống nhau, ai tu, sử dụng được Phật tánh thì thành Phật, dùng vọng tâm tu thì không thành Phật. Tứ đại của mọi người đều phải bỏ, vì phải chịu quy luật sanh, già, bệnh, chết. Phật cũng phải bỏ thân này.

Tu Thanh văn thừa trụ trong pháp Tứ niệm xứ thấy thân bất tịnh, nên không thích thân người và cũng không thích thân mình, vì có thân phải khổ, không có thân, mình được giải thoát như chư thiên. Tiên mới sanh và tiên sắp chết giống nhau, không có già trẻ, đẹp xấu, ngu khôn, vì chư thiên có phước.

Con người thực của mình là chơn thân, nhưng có giả thân vì mình sống với vọng thức. Vọng thức do sắc, thọ, tưởng, hành mà có. Đầu tiên có sắc là thân vật chất và quan sát mới sanh ra vọng tưởng phân biệt, cái tốt thì thích và ghét cái xấu gọi là cảm thọ. Vì vậy, bắt đầu tu, phải xả thọ, cái tốt không tham, cái xấu không vướng. Thích tốt, ghét xấu đều khổ.

Một thiền sư nói người tu nhìn vật giống như người gỗ ngắm chim vẽ. Người gỗ không phải người thiệt, chim vẽ cũng không thiệt. Mình tu phải giống như người gỗ là không có thương ghét, ưa thích, chán bỏ đều làm mình khổ. Cuộc đời này phần nhiều người ta phải sống với cái không bằng lòng. Giống như chuyện vừa nói trên, ông nọ thương cô gái bán hàng, lúc thầm thương trộm nhớ cũng khổ, nhưng sống chung rồi, không ưa nữa, cũng phải ráng chịu để nuôi con, càng khổ nữa.

Vì vậy, tu hành mà không bị cảm thọ chi phối thì không khổ, ví như người tu vào cuộc đời giống như vào vườn hoa không có cảm nhận hoa nào đẹp hoa nào xấu, vào cuộc đời và ra cuộc đời không để tâm đến nó. Người tu tập bỏ, thấy cái thích thì bỏ, thấy việc bực liền bỏ, vì quán thọ là khổ. Chấp nhận bất cứ cái gì là khổ liền. Xả thọ không khổ, cái gì cũng bỏ mới không lưu luyến sẽ dễ dàng ra khỏi Ta-bà.

Trong Tứ niệm xứ quán, điều quán thứ ba là quán tâm vô thường. Phần nhiều mình khổ vì chấp rằng người ta hứa với mình mà không làm. Phật nói tâm vô thường, họ nói vậy nhưng giờ sau đổi ý, vì tâm thay đổi luôn, nên không vướng mắc vào lời hứa cho khổ. Giờ trước thương thì quý trọng, giờ sau ghét thì nói xấu. Không quan tâm đến cuộc đời mới ra khỏi sanh tử là tu Nhị thừa, đi xe dê một mình.

Cuối cùng, quán pháp vô ngã là các pháp không thực có, luôn biến đổi. Mình không bám vô pháp nào, tâm mình an trụ Không là cửa Không, không có gì. Cửa chùa gọi là Không môn thể hiện nghĩa này. Tâm trống không, không nghĩ gì thì ra khỏi sanh tử.

Tu theo Phật, ra khỏi sanh tử, đi một mình, tâm hướng về Không, được giải thoát. Nhưng tu cực khổ, không đạt kết quả tốt, vì kẹt các pháp. Thuở nhỏ, tôi đọc câu chuyện có ông thầy tu cặm cụi nghiên cứu, đọc hết sách này đến sách kia để tìm hiểu. Người học trò thấy thầy tu cực khổ quá, nên bỏ đi và ông này thực tập pháp Tứ niệm xứ quán, chứng được pháp Không, ra khỏi nhà lửa, được an vui, giải thoát, không lệ thuộc bất cứ cái gì của cuộc đời này.

Quý vị tu nên nghĩ đến pháp này, hoàn cảnh tùy theo nghiệp mà biến đổi, nhưng dù biến đổi thế nào thì mình vẫn là mình. Thật vậy, tôi tụng kinh Pháp hoa cảm thấy thực an lành, trải qua mấy chục năm cũng thấy an lành, không thấy gì khác, dù hoàn cảnh thay đổi, dù nhà lửa vẫn cháy.

Có thể khẳng định người trụ tâm được pháp Không, ra khỏi nhà lửa. Còn tu mà không dám bỏ thì muôn đời phải ở trong sanh tử, phải khổ. Mình dám bỏ, hết khổ, đi một mình với ba y một bát xin ăn, khi hết đi nổi là chết thì bỏ thân. Nhưng quan trọng, người tu thực làm chủ được cuộc sống là có ăn hay không có cũng không sao, mình không cần.

Hòa thượng Thanh Kiểm nói mình tu đơn giản, có thì ăn, không có thì uống nước lên thiền sàng nhập định. Và nhập định rồi, vượt qua đói khát thì ăn hay không ăn cũng đồng nhau. Còn ngồi đó mà nghĩ đến ăn trong khi bụng chưa đói, ăn đến béo phì, chết sớm, chẳng được ích lợi gì.

Người tu không lệ thuộc cảm thọ, đối với việc khen chê, mình cũng nhẹ nhàng. Trong khi ngồi tưởng đủ thứ cũng chỉ là tưởng tượng thôi, đâu có thực mà tưởng nhiều thì càng khổ. Vì vậy, người tu không sống với tưởng và tưởng hết thì hành không có và thức cũng không có.

Thực tu, thức hay hiểu biết chuyển thành bốn trí là Sở tác trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tánh trí và Đại viên cảnh trí. Thật vậy, mình cũng còn năm giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân quan sát ngược lại cuộc đời để mình thấy rõ gọi là Sở tác trí.

Dùng phương tiện là con mắt mới thấy cuộc đời, nhưng thấy bằng tâm sáng suốt, nên thấy sâu, thấy được tim gan và suy nghĩ của người, tức thấy cái thực của người là thấy nghiệp của họ thì họ nói hay đến mấy, mình cũng không bị mắc lừa. Trong khi thấy bằng nghiệp thức rất nguy hiểm, nhưng thấy bằng Sở tác trí thì thấy đúng như thật.

Người tu không lệ thuộc cảm thọ, đối với việc khen chê, mình cũng nhẹ nhàng. Trong khi ngồi tưởng đủ thứ cũng chỉ là tưởng tượng thôi, đâu có thực mà tưởng nhiều thì càng khổ. Vì vậy, người tu không sống với tưởng và tưởng hết thì hành không có và thức cũng không có.

Từ đó, ý thức của mình biến thành Diệu quan sát trí tổng hợp năm giác quan để phán xét một người tốt hay xấu, tu được hay không, thấy biết họ trong hiện tại, quá khứ và cả tương lai.

Trên bước đường hành đạo, tôi thường quan sát người theo chiều hướng này một thời gian, thấy anh này sẽ mất việc, anh này sẽ phá sản, anh này hiện tại khó khăn nhưng về sau sẽ thành công… Quả tình đúng như tôi thấy trước, nhờ Diệu quan sát trí giúp tôi quan sát đúng về người khác, biết đúng nhiều việc trong cuộc sống.

Trên lộ trình tiến tu, chuyển đổi được thức thứ bảy là Mạt-na thức thành Bình đẳng tánh trí không thấy khổ vui.

Và sử dụng trí cuối cùng của con người thực của mình là Đại viên cảnh trí. Bấy giờ lấy trí làm thân, con người mình như cái gương sáng hiện rõ tất cả khiến mình thấy được mọi việc một cách chính xác.

Cũng ở trong nhà lửa, trong hoàn cảnh này, nhưng từ A-lại-da thức chứa đầy những hiểu biết sai lầm và những kinh nghiệm khổ đau, bây giờ nó chuyển thành Đại viên cảnh trí, tất cả dữ kiện của cuộc đời in hình trên tâm mình. Mình cũng ở tại cuộc đời này, nhưng mình không bị mắc lừa, nên mình không khổ. Mình sống được với trí gọi là trí thân và dùng trí quan sát, thì việc nào mà trí quan sát tới thì đó là thân mình.

Dùng trí quan sát, không bị các pháp lừa dối mà biến các pháp thành Phật pháp, biến tất cả người quen biết thành pháp lữ đồng hành. Vì vậy, mới bất đầu tu một mình là tiểu thừa xuất gia, nhưng tiến tu một thời gian, đạt được bốn trí: Sở tác trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tánh trí và Đại viên cảnh trí và dùng trí quan sát ai có duyên thì họ tới với mình, mình có duyên với ai thì mình đến với họ, tạo thành pháp lữ là bạn đạo.

Phật nói ông Cấp Cô Độc là thương gia giàu có chăm sóc những người quen biết ông, giúp họ trở thành người tốt tạo thành thế giới của ông là thế giới tốt. Trong thế giới tốt, bạn bè tốt với nhau, nương tựa nhau để cùng sống hạnh phúc. Người này khó, người kia giúp, với sự liên hoàn thủ hộ, giúp đỡ nhau cùng thăng hoa, phát triển đường đạo cũng như đường đời. Đó là tu Bồ-tát thừa, con đường dẫn đến quả vị Phật mà tất cả đệ tử Phật đều phải thực hành trọn vẹn.

Hòa thượng Thích Trí Quảng/Báo Giác Ngộ

XEM NHIỀU

04/12/2024 18:43:38

HOẰNG DƯƠNG TƯ TƯỞNG PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG VÀO ĐỜI SỐNG

Trong suốt chiều dài lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam, hiếm có vị vua nào lãnh đạo đất nước, chống giặc ngoại xâm mà để lại một di sản văn hoá lớn như Đức vua Trần Nhân Tông. Ngài là một vị vua đặc biệt, để lại cho chúng ta rất...
03/12/2024 15:06:19

Logo chính thức của Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025

Được biết, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 9/5/2025. Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai Vesak và lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, đánh dấu cột mốc đặc biệt khi đất nước kỷ niệm 50 năm thống nhất. Logo mới không...