Chủ nhật, 16/06/2024 22:49:09 (UTC+7) 7,586,906,862

Xây chùa to để làm gì?

Minh Đức

Nhiều cá nhân, tổ chức ở nước ta đã phát tâm đầu tư phục dựng, xây dựng những ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, xếp hạng bậc nhất, nhì thế giới. Song một số người lại thắc mắc, xây dựng chùa to, đi chùa để làm gì? Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với Thượng toạ Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc về việc này.

5 ‘sứ mệnh’ cao cả

Khi đại dịch COVID-19 được khống chế, chúng tôi có dịp du xuân tại chùa Bái Đính, công trình lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tại đây, thật may mắn chúng tôi được gặp Thượng toạ Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc. Khuôn mặt của vị Thượng tọa tỏ đầy nét hoan hỉ, bởi phật tử, bà con nhân dân ngày càng đến với cửa Phật nhiều hơn.

Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi cũng đặt câu hỏi mà bấy lâu nay một số trang mạng xã hội đặt ra rằng, “xây chùa to để làm gì”? Thượng toạ Thích Minh Quang đã rất cởi mở, trả lời và giải thích chi tiết cho chúng tôi về những giá trị, nhiệm vụ khi xây dựng chùa to, chùa lớn rằng, chùa để đáp ứng những nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng bà con nhân dân và chùa cũng là để lan tỏa tinh thần từ bi, trí tuệ của Đức Phật và hướng thiện cho cộng đồng, cho quần chúng nhân dân và đặc biệt là giới trẻ.

Theo Thượng toạ Thích Minh Quang, đối với chùa Bái Đính, Tam chúc, Hoà thượng trụ trì và các thầy đưa ra 5 nhiệm vụ hay còn gọi là “5 sứ mệnh”.

Việc trùng tu, tu bổ mở mang đối với chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc với mục đích để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, lịch sử do các bậc tiền nhân để lại, đó là nhiệm vụ đầu tiên. Phật giáo du nhập vào Việt Nam trên 2.000 năm, Phật giáo luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo luôn luôn thể hiện tinh thần hộ quốc an dân. Đây chính là cơ hội để bảo tồn phát huy giá trị tốt đẹp văn hoá dân tộc từ ngàn đời của Phật giáo Việt Nam.

Nhiệm vụ thứ 2, đó là đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh, tín ngưỡng của quần chúng nhân dân. Điển hình như mỗi năm có hàng vạn du khách về tham quan, chiêm bái, tĩnh tâm, hướng thiện. Việc này rất có ý nghĩa.

Nhiệm vụ thứ 3, chùa cũng chính là môi trường giáo dục, hướng thiện cho quần chúng nhân dân, để làm sao mọi người cố gắng nỗ lực làm điều lành, tránh điều ác như lời Đức Phật dạy. Thượng toạ Thích Minh Quang cũng trích dẫn cụ thể từ kinh nhà Phật: “Hãy bỏ tất cả những việc ác, làm tất cả việc lành” (Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành). Chùa có nhiệm vụ đối với tất cả những người già, trẻ, đối với các tầng lớp nhân dân, làm sao cố gắng tuyên truyền vận động mọi người hướng thiện. Hằng năm, chùa đã tổ chức các Khóa tu mùa hè, Khóa trải nghiệm cho hàng ngàn học sinh, sinh viên.

Phật giáo là một tôn giáo lớn và có từ 230 triệu đến 500 triệu Phật tử trên toàn thế giới; nhiều ngôi chùa đã trở thành di sản thế giới và là điểm dừng chân của nhân loại. Để sánh với nền văn hoá thế giới, nhiều người Việt đã khai tâm xây dựng những ngôi chùa thuộc top 10 những ngôi chùa lớn nhất thế giới, với mong muốn những ngôi chùa này trở thành di sản, món ăn tinh thần, điểm dừng chân của nhân loại.

Bên cạnh đó, nhà chùa còn có nhiệm vụ tuyên truyền vận động bà con nhân dân, tín đồ Phật tử chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các hương ước địa phương. Cũng như vận động mọi người tích cực hưởng ứng các cuộc từ thiện nhân đạo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiệm vụ thứ 4, chùa Bái Đính và Tam Chúc là nơi để làm công tác tiếp đón khách, đặc biệt là khách quốc tế, đối ngoại của Giáo hội về ngoại giao nhân dân.

Chúng ta thấy, các lãnh đạo, nguyên thủ, nhà ngoại giao các nước đến thăm Việt Nam đều sắp xếp thời gian thăm chùa Tam Chúc và Bái Đính. Họ đến để tham quan, chiêm bái, tìm hiểu về văn hoá, tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng của Việt Nam, đặc biệt là chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng, Nhà nước.

Nhiệm vụ thứ 5, đó là phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Đức Phật là bậc thầy về bảo vệ môi trường, Ngài sinh ra dưới gốc cây, thành đạo dưới gốc cây, thuyết pháp và nhập niết bàn cũng ở dưới gốc cây. Có thể nói, cả cuộc đời Ngài luôn gắn liền với núi rừng và cây xanh”. Chúng ta phải học được lời Đức Phật dạy, làm sao phát triển kinh tế nhưng bảo vệ, giữ được môi trường xanh, sạch, đẹp, có được không khí trong lành chúng ta và con cháu chúng ta được hưởng.

Thượng toạ Thích Minh Quang nhấn mạnh: Chúng ta thấy, chùa Bái Đính và Tam chúc, mục đích là làm sao để phát triển du lịch và gắn với bảo vệ môi trường. Không gian rộng lớn của chùa Tam Chúc và chùa Bái Đính chính là bảo tồn giá trị vốn có do thiên nhiên ban tặng cho như, núi, sông, hồ…

Những ‘cột mốc’ tâm linh

Trong cuộc trò chuyện với Tiền Phong, không chỉ nói về giá trị nhân văn, giá trị văn hoá ở chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, Thượng toạ Thích Minh Quang còn nói về 9 ngôi chùa ở Quần đảo Trường Sa, đó là những “cột mốc” tâm linh để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thượng toạ Thích Minh Quang cho biết, Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà đã khôi phục, tu bổ mở mang được 9 ngôi chùa. Những ngôi chùa đầu tiên được phục dựng, khánh thành năm 2012 đó là chùa ở các đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn. Tiếp đó là 3 ngôi chùa được khánh thành vào năm 2014, gồm chùa ở đảo Phan Vinh, đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca. Năm 2020, tiếp tục tu bổ phục dựng, mở mang 3 ngôi chùa ở đảo Đá Tây A, đảo Sinh Tồn Đông và Trường Sa Đông.

Vị Thượng toạ cũng cho biết, những ngôi chùa này đều có nền móng từ xa xưa. Từ rất lâu bà con ngư dân đi đánh bắt trên biển gặp bão, mưa to, gió lớn thường vào các đảo trú bão. Và người Việt đi đâu đều gắn bó với tâm linh, khi tới đảo, có thể lúc đầu là thắp hương rồi đặt ở đó viên đá, cắm hương cầu nguyện, rồi dần có bức tranh Phật, tượng Phật. Điều đó khẳng định, những nền móng của những ngôi chùa đã có từ rất lâu. Dựa trên nền móng đó, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã xin phép được tu bổ, phục dựng, mở mang.

Trong 20 năm qua với nỗ lực không mệt mỏi, những ngôi chùa đã được xây dựng khang trang rộng lớn.

“Tháng 6/2022, đoàn chúng tôi ra khánh thành chùa ở đảo Đá Tây A, Sinh Tồn và Trường Sa Đông. Đúng lúc gặp bão, đoàn tránh bão mất 3 ngày 4 đêm. Lúc đó, chúng tôi và các thành viên trong đoàn mới cảm nhận được giá trị của các ngôi chùa như thế nào. Khi có giông to gió lớn bão bùng, tất cả bà con trở về các đảo lân cận để tránh. Những ngày mưa bão như vậy, bà con được các cán bộ chiến sĩ quân và dân trên đảo sắp xếp nơi trú ngụ trên các ngôi chùa để sinh hoạt ăn nghỉ tránh bão” – vị Thượng tọa nói.

Việc khôi phục, tôn tạo các ngôi chùa trên các đảo Trường Sa là để bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa dân tộc, đời sống tâm linh, chủ quyền biển đảo và đặc biệt là thực hiện chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Đây có thể nói là những công trình hết sức ý nghĩa và chúng ta đi mới thấy được giá trị, công sức lớn lao của người phục dựng như thế nào. Đi chúng ta mới thấy được cần phải lao động, học tập để làm sao phát huy được tinh thần đồng hành và hộ quốc an dân của Phật giáo. Nơi nào cần, Phật giáo đều có mặt.

“Thực tế cho thấy, vùng Ninh Bình và Hà Nam thu hút được lượng lao động rất lớn ở địa phương, giúp nhiều người có công ăn việc làm, giúp phát triển du lịch địa phương. Việc làm này không chỉ thu hút được du khách trong tỉnh, ngoài tỉnh mà thậm chí là du khách quốc tế. Vào những tháng cuối năm, khách nước ngoài rất đông đến với Tràng An, Bái Đính, cố đô Hoa Lư…để tham quan, chiêm bái”, Thượng toạ nói.

Nguồn: https://tienphong.vn/xay-chua-to-de-lam-gi-post1507162.tpo

XEM NHIỀU

03/12/2024 15:06:19

Logo chính thức của Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025

Được biết, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 9/5/2025. Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai Vesak và lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, đánh dấu cột mốc đặc biệt khi đất nước kỷ niệm 50 năm thống nhất. Logo mới không...
02/12/2024 22:14:14

Những dấu hiệu để nhận biết bậc Thánh tăng

Quan trọng nhất là “thấy lời nói mới biết sự sáng suốt, chứ không thể phân biệt vội vàng”. Đó chính là đạo lý mà vị ấy rao giảng, trao truyền cho mọi người. Vị ấy thực sự có trí tuệ hay không cần chú ý đến điều này. Chân lý chỉ có...