Kiên Giang: Khảo hạch giới tử tại Đại giới đàn Giác Phước PL.2568 – DL.2024
Vào Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm, các ngôi chùa Phật giáo lại tổ chức một nghi lễ vô cùng trang trọng – Lễ Vu Lan. Tham gia sự kiện không chỉ có giáo đồ đạo Phật mà còn có sự góp mặt của rất nhiều thiện nam, tín nữ thập phương và những người có thiện cảm với tôn giáo này. Có lẽ, truyền thống coi trọng chữ hiếu, tư tưởng “uống nước nhớ nguồn” đã đưa dân tộc Việt đến gần hơn với đạo Phật ngay từ khi tôn giáo này mới du nhập. Sự hòa hợp đó đã khiến cho những nghi lễ vốn thuộc về tôn giáo trở thành một phần văn hóa truyền thống của người Việt.
TÌM VỀ NGUỒN GỐC LỄ VU LAN
Vu Lan là một trong những lễ hội truyền thống nổi tiếng của Phật giáo. Nguồn gốc của sự kiện này xuất phát từ truyền thuyết Phật giáo được ghi chép lại trong kinh Vu Lan Bồn. Chữ “Vu Lan” mà người Việt thường gọi là cách nói ngắn gọn của cụm từ “Vu Lan Bồn” – tiếng Phạn đọc là Ullambana. Theo đó, “Ullam” được hiểu là treo ngược (đảo huyền) và “bana” nghĩa là cứu giúp. Như vậy, sự kiện Phật giáo này được tổ chức với ý nghĩa giải thoát các vong hồn của người bị tội, giúp họ khỏi sự đày đọa, khổ cùng khi bị treo ngược nơi địa ngục.
Nghi lễ Vu Lan đã xuất hiện từ thời Đức Phật còn tại thế khi tôn giả Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử đáng kính của Đức Phật Thích Ca) tu thành chính quả. Theo các văn bản Phật giáo, sau khi đắc đạo, có phép thần thông, vị Bồ tát này tưởng nhớ tới công ơn sinh dưỡng của cha mẹ nên đã dùng tuệ nhãn để tìm kiếm bậc sinh thành khắp trong không gian vũ trụ. Khi nhìn xuống cõi âm, thấy mẹ mình đang mắc kẹt trong cõi ngạ quỷ và bị hành hạ khổ sở, Mục Kiền Liên xuống thăm và mang cơm cho thân mẫu, nhưng bà không ăn được. Truyền thuyết Phật giáo giải thích rằng, vì ác nghiệp gây ra lúc sinh thời của bà quá nặng nên miếng cơm đưa tới miệng liền bất ngờ biến thành lửa đỏ.
Một mình Mục Kiền Liên không thể cứu được mẹ vì gốc tội của bà rất sâu. Để cứu mẹ, Mục Kiền Liên đã cầu xin Đức Phật. Đức Thế Tôn dạy: “Ông dù có thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu rỗi mẹ mình, chỉ có thể nhờ sự hợp lực của chư Tăng mười phương, mới có hy vọng cứu thoát được.” Ngài căn dặn đệ tử của mình, vào ngày Rằm tháng Bảy, khi chư Tăng vừa viên mãn 3 tháng an cư kiết hạ với năng lượng thu được từ việc thực hành Giới – Định – Tuệ, nên thiết trai cúng dường để hồi hướng công đức cầu nguyện cho bà.
Mục Kiền Liên liền làm theo lời Đức Phật chỉ bảo. Nhờ năng lực chú nguyện của 10 phương Tăng, thân mẫu của tôn giả đã được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ.
Như vậy, dựa vào hạnh lành của người cúng dường mùa Vu Lan, vong linh sẽ được siêu độ và cha mẹ bà con hiện còn của họ được thêm phúc đức. Nội dung câu chuyện trên không chỉ giúp mỗi người nhìn lại mình, thấu hiểu tinh thần hiếu nghĩa, mà còn mang đến thông điệp về luật nhân quả.
Hòa thượng Thích Huệ Thông (trụ trì chùa Hội Khánh, Thủ Dầu Một – Bình Dương) phân tích cho chúng tôi nghe về ý nghĩa của ngày lễ này: “Vu Lan mang nhiều ý nghĩa tích cực không những giúp cho người đã quá vãng có cơ hội được thoát khỏi cảnh khổ, mà còn giúp cho người sống thấy được nhân quả để hướng thiện và làm lợi ích cho xã hội”.
Từ sau câu chuyện báo hiếu của Bồ tát Mục Kiền Liên, hàng năm, vào ngày Rằm tháng Bảy, tín đồ Phật giáo khắp nơi đã sắm sửa lễ vật cúng dường trai Tăng để báo hiếu cha mẹ. Truyền thống cúng dường trong lễ Vu Lan đã lưu truyền đến ngày nay. Trong sự kiện này, không chỉ có những người còn phụ mẫu, mà có nhiều người con đã mất cha mẹ tham dự. Họ đến chốn thiền môn thực hiện nhiều nghi thức trong dịp lễ Vu Lan để thể hiện lòng biết ơn và báo đáp công ơn dưỡng dục đối với đấng sinh thành đang ở thế giới bên kia. Có thể nói, đây chính là nét văn hóa tâm linh cao đẹp của Phật giáo, của dân tộc Việt.
Người xuất gia hay người tại gia ai cũng có cha, ai cũng có mẹ. Cha mẹ luôn là ngọn lửa linh thiêng bất diệt trong trái tim của những người con hiếu đạo.
“BÔNG HỒNG CÀI ÁO” – MỘT NGHI LỄ CỦA “TÂM HIẾU”
Vào dịp Rằm tháng Bảy hàng năm, nổi bật trong ngày Vu Lan là nghi lễ “Bông hồng cài áo”. Đây là nét văn hóa độc đáo của Phật giáo Việt Nam. Khi được hỏi về nguồn gốc nghi lễ này, sư cô Viên Nhã ở Ni viện Diệu Quang (Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) cho tôi biết, nghi lễ này bắt nguồn từ đoản văn đầy xúc động “Bông hồng cài áo” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, viết vào năm 1962. Trước đó, trên đường đi đến nhà sách ở Đông Kinh, Nhật Bản, vị thiền sư Việt đã được những người bạn ở xứ sở hoa anh đào cài tặng lên ngực một bông cẩm chướng màu trắng. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa sâu xa của hành động ấy, Thiền sư Nhất Hạnh rất xúc động. Ngài đã kể lại sự kiện ấy trong đoản văn, đồng thời chuyển tải ý niệm về tình thương của Mẹ rất dung dị nhưng vô cùng sâu sắc. Cũng trong năm 1962, sự kiện “Bông hồng cài áo” lần đầu tiên được tổ chức bởi một nhóm sinh viên Phật tử tại Sài Gòn. Ai còn cha mẹ sẽ được cài một bông hồng đỏ; và bông hồng trắng sẽ được cài lên ngực áo những ai đã mất mẹ.
Hoa hồng được lựa chọn trong dịp lễ Vu Lan, bởi loài hoa này là biểu tượng của lòng biết ơn, hiếu thảo và mong muốn được báo ân của con cái đối với bậc sinh thành – dù họ còn sống hay đã khuất. Bên cạnh đó, hoa hồng còn là biểu trưng cho tình yêu chân thành, cao quý, mãi mãi không đổi thay. Nghi thức “Bông hồng cài áo” dịp lễ Vu Lan đã tạo nên một biểu tượng mới giàu ý nghĩa, thể hiện sự hòa hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
Những nghi thức được thực hành trong ngày lễ báo hiếu đã tạo nên sự xúc động lớn trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói riêng, trong đời sống văn hóa của người Việt nói chung. Sự lắng đọng của nghi thức này trong tâm hồn mỗi người đã không dừng lại ở đó, mà có sức lan tỏa rất lớn, gây ấn tượng sâu sắc trong tim mỗi người.
Mỗi dịp Vu Lan báo hiếu, hầu hết các ngôi chùa Việt đều tổ chức nghi thức “Bông hồng cài áo” đầy tính nhân văn. Phật tử và những người dân đến chùa đều được hướng dẫn, lựa chọn cài các loại hoa hồng với ý nghĩa khác nhau để bày tỏ tình cảm với phụ mẫu của mình. Hoa hồng màu đỏ sẽ nhắc nhớ về niềm hạnh phúc mà họ đang có khi còn cha mẹ. Những người này cần ý thức trong cuộc sống, thể hiện sự hiếu đạo để cha mẹ vui lòng. Trong khi đó, đóa hoa màu trắng được cài lên ngực áo những người không còn cha mẹ để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của họ. Màu trắng tuy ảm đạm, đau thương nhưng lại vô cùng thanh khiết, tựa như tấm lòng của những đứa con thơ vẫn cần có cha mẹ che chở, vỗ về.
Trong một dịp đến Bình Dương, tôi đã may mắn được dự lễ Vu Lan ở chùa Thiên Quang (Dĩ An). Trong bài pháp dành cho các Phật tử đạo tràng Thiên Quang, Ni sư Thích nữ Hương Nhũ nói: “Trong vô số công hạnh Bồ tát thì hạnh hiếu là trên hết. Cha mẹ được ví như Bồ tát nhất sinh bổ xứ của cuộc đời mỗi con người”. Bài giảng của Ni sư trụ trì trong không khí cảm động, ấm áp của ngày lễ Vu Lan hôm đó đã giúp tôi nắm bắt sáng rõ hơn về nghi lễ này, hiểu sâu sắc hơn về triết lý Phật giáo mà tôi thường được nghe: “Hạnh hiếu là hạnh Phật”. Những bông hồng hiếu hạnh với sắc màu trắng, đỏ ngày lễ Vu Lan nơi cửa thiền hàm chứa trong đó lời hứa sống tốt, ngay thẳng, trung thực của những người con để cha mẹ có thể yên lòng, thanh thản ở thế giới bên kia.
Hình ảnh đóa hồng trong ngày lễ Vu Lan đã trở thành biểu tượng cho sự gửi gắm những ý niệm đẹp đẽ, đậm tính nhân văn. Việc thực hành nghi thức này không chỉ dành cho các Phật tử mà còn có ý nghĩa rộng hơn khi thể hiện sự hiếu kính của mỗi người con đối với cha mẹ. Tính chất ấy đã khiến nghi lễ “Bông hồng cài áo” được lan tỏa, được truyền bá mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt và ngày càng có nhiều người mến mộ đạo Phật tham gia. Sau những chuỗi ngày bận rộn trong cuộc sống, đến dịp lễ Vu Lan, mọi người lại được nhắc nhở về công ơn của bậc sinh thành. Các pháp sự Vu Lan là lòng hiếu đạo, là nghĩa trọng tình thâm – điều vốn hiện hữu thật giản dị, gần gũi và quá đỗi thân quen trong nếp sống của dân tộc Việt Nam.
Kiên Giang: Khảo hạch giới tử tại Đại giới đàn Giác Phước PL.2568 – DL.2024
Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng
Học viện PGVN tại Hà Nội kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Văn phòng Hội đồng Chứng minh thông báo về việc cấp phát học bổng Đức Nhuận (toàn phần) năm 2024
Ninh Bình: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông