Giáo dục là trách nhiệm của những ai có tinh thần và ý thức bổn phận. Cha mẹ đối với con, thầy đối với trò, lãnh đạo đối với nhân viên.
Sự quan tâm như thế sẽ giúp cho người được quan tâm có cảm giác được che chở bởi tình thương và sự cảm thông.
Sự quan tâm không có nghĩa bao bọc mọi việc, quan tâm trong công việc được giao phó đó là quan tâm của người lãnh đạo đối với nhân viên, quan tâm đến đời sống của nhân viên và giúp đỡ đúng lúc để nhân viên an tâm phục vụ tốt công việc.hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.
Cha mẹ quan tâm việc học hành của con, khuynh hướng tình cảm của con và năng khiếu của con để hướng con đi vào con đường đúng đắn
Thầy quan tâm đệ tử, học trò để giáo dục những điều mà đệ tử, học trò chưa trãi qua kinh nghiệm. Trong tôn giáo, việc quan tâm của người thầy càng nặng nề hơn, không những giáo dục kinh điển, giáo lý, oai nghi tiếp xử mà còn là nhân cách của một trượng phu đệ tử là một vị thầy tương lai mang trọng trách trụ trì hoặc là một cán bộ của giáo hội, vì vậy, việc điều hướng tập huấn cho người đệ tử khá phức tạp và uyển chuyển.
Quan tâm đến giáo dục và cuộc sống của nhân viên, con cái, đệ tử là sự quan tâm của trách nhiệm, nhưng không vì thế mà bao biện toàn diện để người học trò, nguời con, nhân viên ỷ lại và thụ động. Nếu là người năng động, việc quan tâm toàn diện cũng sẽ tạo sự khó chịu, có cảm giác như bị mất tự do, bị áp lực của họ, đó là trường hợp của tuổi trưởng thành khi họ muốn thể hiện cá tính.
Vì vậy, cha mẹ, thầy tổ, giáo thọ sư, chủ sự cần có sự quan tâm ở mức độ vừa phải, vừa thể hiện tình thương, trách nhiệm mà còn có một khoản không cho đối tượng tự lập. Đó là sự quan tâm giáo dục cho mọi người có trách nhiệm với thuộc cấp
(Thích Quảng Tú)