Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam cách ngày nay khoảng 2.000 năm. Với triết lý đạo đức, nhân sinh sâu sắc, tính chất từ bi, hỉ xả, bao dung, độ lượng, phù hợp với tâm tính người Việt Nam nên Phật giáo dễ dàng thấm sâu vào đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân và dần trở thành “tôn giáo bản địa”.
Trong lịch sử phát triển, Phật giáo Việt Nam đã có ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là thời Lý – Trần, Phật giáo đã trở thành “Quốc giáo”, chi phối mạnh mẽ tới tư tưởng, học thuật, văn học và nghệ thuật của đất nước. Trải qua quá trình phát triển ấy, Phật giáo đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc. Khối di sản này bao gồm: Hệ thống không gian, kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ, pháp khí… cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học, âm nhạc và nhiều nghi lễ Phật giáo. Vì thế, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp lớn vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Ở nước ta hiện nay, những di sản văn hóa Phật giáo chiếm khá lớn trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, trong đó nhiều di sản Phật giáo được lưu giữ trong các bảo tàng, đặc biệt là các di tích (chùa di tích).
Với khối di sản văn hóa Phật giáo để lại cho thấy, mặc dù có lúc thăng trầm song Phật giáo vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, thậm chí, Phật giáo đã trở thành một bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam, hòa quyện cùng văn hóa bản địa trở thành “mạch ngầm văn hóa” tạo nền tảng cho sự bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam. Các chuẩn mực của đạo đức Phật giáo có tác dụng điều chỉnh hành vi, nhân cách con người, ảnh hưởng tích cực trong đời sống nhân dân, phù hợp với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì thế, dẫu ở thời kỳ nào, Phật giáo cũng đã, đang và sẽ đáp ứng nhu cầu tâm linh cho mọi thế hệ người Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng tuy hai mà một”. Để có được sức sống mãnh liệt suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo đã luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, tinh thần Phật giáo, mọi lúc, mọi nơi, dưới nhiều hình thức luôn tan tỏa trong đời sống người dân và trở thành những giá trị đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Trong đó, có vai trò quan trọng của các thế hệ Tăng, Ni Phật giáo trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa Phật giáo.
TĂNG, NI PHẬT GIÁO VỚI VAI TRÒ LÀ SƯ TRỤ TRÌ CÁC NGÔI CHÙA (CHÙA DI TÍCH)
Tại các cơ sở tự viện, Sư trụ trì có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo, được thể hiện trên một số khía cạnh sau:
Duy trì, phát huy giá trị di sản tư tưởng Phật giáo: Bản thân mỗi nhà tu hành nói chung, Sư trụ trì nói riêng là người lưu giữ những giá trị của di sản văn hóa Phật giáo cũng như các triết lý của nhà Phật, tư tưởng đạo đức Phật giáo, quy tắc… thông qua quá trình tu hành, rèn luyện.
Duy trì nghi lễ, các khuôn mẫu, thực hành văn hóa Phật giáo: Tại mỗi cơ sở thờ tự, Sư trụ trì là người đại diện cho tổ chức tôn giáo duy trì sự hiện diện, ảnh hưởng của tôn giáo đối với đời sống xã hội của cộng đồng. Sư trụ trì thường xuyên làm công tác gìn giữ, dọn dẹp không gian ngôi chùa; giữ gìn các nghi lễ Phật giáo, thường xuyên tụng kinh, niệm Phật theo quy định của tổ chức tôn giáo.
Tổ chức các lễ hội Phật giáo: Trong hệ thống các lễ, tiết của đời sống văn hóa Việt Nam, các lễ hội Phật giáo chiếm vị trí quan trọng, trong nhiều trường hợp được đồng nhất thành lễ hội văn hóa của cộng đồng, như: Rằm tháng Giêng, lễ Phật đản, lễ Vu Lan… Tại các cơ sở thờ tự của cộng đồng, Sư trụ trì sẽ trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị, tổ chức, thực hiện nghi lễ, sự hỗ trợ, nhu cầu về mặt tâm linh, tôn giáo của cộng đồng địa phương. Việc duy trì các lễ hội này, một mặt làm cho tư tưởng Phật giáo thường xuyên được gìn giữ, sống trong cộng đồng; mặt khác, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng, nhất là đối với cộng đồng làng xã.
Phát triển hệ thống các ngôi chùa: Sư trụ trì giữ vai trò trong việc đào tạo Tăng, Ni là người làm nhiệm vụ thế tập cho chính họ về sau; đào tạo về kinh kệ, giáo lý, quản trị chùa…
Kết nối cộng đồng: Có thể nói đây là một trong những vai trò hết sức quan trọng của Sư trụ trì trong việc gắn kết giữa đạo với đời, theo tinh thần của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đảng và Nhà nước khuyến khích các hoạt động từ thiện xã hội, phát triển cộng đồng của các tổ chức tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng. Ngoài ra, giáo lý của nhà Phật còn giữ chức năng giáo dục đạo đức làm người, hướng con người đến với các giá trị chân, thiện, mỹ.
Đặc biệt, đối với những ngôi chùa là di tích lịch sử văn hóa thì Sư trụ trì chính là người trực tiếp bảo vệ các di sản tại di tích. Đồng thời, là người phát huy giá trị di sản tới công chúng và thậm chí trong các hoạt động cụ thể còn là người chủ động kết nối, tập hợp, dẫn dắt Phật tử, công chúng tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó, nhất là đối với những giá trị văn hóa phi vật thể lưu giữ trong hệ thống tư tưởng, kinh tụng, nghi lễ Phật giáo lưu giữ tại các chùa di tích đó. Đối với lĩnh vực này, nhà quản lý di sản sẽ không thể có điều kiện, khả năng phát huy được như các Sư trụ trì. Thông qua các việc làm cụ thể như: Gắn biển tên, lời giới thiệu, chú thích, tờ rơi… giới thiệu về ngôi chùa (di tích) và giá trị các hiện vật (đồ thờ, tượng thờ, pháp khí, không gian cảnh quan, cây di sản…) cho đến tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng (tụng kinh niệm Phật, thuyết giảng đạo pháp, các sự kiện, nghi lễ Phật giáo…) đều có nội dung giới thiệu về giá trị di sản tại cơ sở thờ tự… đều là các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách thiết thực và hiệu quả.
Hiện nay, có nhiều Tăng, Ni Phật giáo cũng tham gia nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức trưng bày, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo. Đã có Bảo tàng Văn hóa Phật giáo (Đà Nẵng – Hà Nội) hoặc nhiều sưu tập hiện vật Phật giáo (không chỉ là di sản của ngôi chùa do Sư trụ trì mà còn là di sản Phật giáo nói chung) được các Tăng, Ni trân trọng gìn giữ, bảo quản hoặc trong những dịp đại lễ, các triển lãm giới thiệu di sản văn hóa Phật giáo cũng được tổ chức, phát huy tới đông đảo Phật tử, công chúng.
TĂNG, NI PHẬT GIÁO VỚI VAI TRÒ THAM GIA TỔ CHỨC GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Mặc dù tham gia trong tổ chức Giáo hội nhưng thực tế các Tăng, Ni Phật giáo cũng đều là những Sư trụ trì ở các cơ sở tự viện Phật giáo. Vì thế, vai trò của các Tăng, Ni trong tổ chức Giáo hội cũng góp phần tăng cường vai trò của mình trên lĩnh vực quản lý, bảo tồn, phát huy di sản được tốt hơn. Trong bộ máy tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay bao gồm 13 ban, ngành, viện. Trong đó, Ban Văn hóa Trung ương, Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Tăng sự Trung ương là những đơn vị trực tiếp thực hiện bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo. Trên cơ sở, chức năng, nhiệm vụ được giao, các ban đã rất nỗ lực thực hiện và đạt được nhiều thành tựu trên cả lĩnh vực nghiên cứu lý luận khoa học cũng như triển khai thực tiễn:
Trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận khoa học, nhất là Ban Văn hóa Trung ương đã tổ chức nhiều chương trình, đề án, hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu, xuất bản ấn phẩm. Đặc biệt, trên cơ sở nhận thức được vai trò quan trọng của di sản văn hóa Phật giáo trong việc định hướng phát triển đặc trưng văn hóa Phật giáo nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung cũng như vai trò của Tăng, Ni Phật giáo trong kế thừa, bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa Phật giáo, từ 2015, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam với mục tiêu là đánh giá thực trạng di sản văn hóa Phật giáo, sự đóng góp của di sản văn hóa Phật giáo đối với phát triển văn hóa, đất nước, những giải pháp nhằm giúp Tăng, Ni, Phật tử, công chúng nhận biết được những giá trị, đặc trưng, vai trò của di sản văn hóa Phật giáo, từ đó nâng cao ý thức, nhận thức trong bảo vệ, kế thừa, phát huy theo định hướng đúng. Đây là cơ sở, nền tảng cho việc triển khai vào thực tiễn được bài bản, khoa học, mang tính hiệu quả, khả thi, đồng thời xây dựng định hướng phát triển đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trong 5 năm qua, Ban Văn hóa Trung ương đã triển khai các Đề án Ngôn ngữ Phật giáo, Pháp phục Phật giáo và đạt được kết quả ban đầu với việc hoàn thành bản kinh tụng và pháp phục chung cho các hệ phái trong các nghi lễ quốc gia, quốc tế. Việc làm này không chỉ là hoàn thiện một sản phẩm chung cho Giáo hội mà đồng thời, nó còn là một trong những cách thức gìn giữ, kế thừa, phát huy di sản ngôn ngữ, pháp phục Phật giáo Việt Nam bởi quá trình thực hiện rất bài bản, khoa học từ công tác nghiên cứu các tư liệu lịch sử, khảo cổ và thực tiễn; tổ chức Hội thảo, xin ý kiến Tăng, Ni các hệ phái Phật giáo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý; áp dụng thử nghiệm lấy ý kiến Phật tử, công chúng rồi mới hoàn thiện để triển khai vào thực tiễn.
Những năm tiếp theo là các Đề án Kiến trúc Phật giáo và Di sản Phật giáo sẽ tiếp tục được triển khai với sự quan tâm, chỉ đạo của quý Tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội cũng như sự tham gia nhiệt thành, có trách nhiệm của Tăng, Ni các hệ phái Phật giáo. Điều đó cũng cho thấy, chính Tăng, Ni Phật giáo là lực lượng nòng cốt trong việc bảo tồn, phát huy di sản Phật giáo, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, các hoạt động của các ban, viện Giáo hội, dù trực tiếp hay gián tiếp, cũng đều góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như: Các hoạt động Tăng sự, nghi lễ, giáo dục Phật giáo…
TĂNG, NI PHẬT GIÁO VAI TRÒ LÀ MỘT CÔNG DÂN
Theo Luật Di sản văn hóa, tổ chức, cá nhân có các quyền và nghĩa vụ: “Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”, “ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa”. Vì vậy, mỗi một vị Tăng, Ni Phật giáo trước hết là một công dân Việt Nam, đều phải thực hiện nhiệm vụ theo quy định, pháp luật chung của Nhà nước, đặc biệt các Tăng, Ni Phật giáo là người trụ trì ở những ngôi chùa, đặc biệt là chùa di tích thì hơn ai hết, họ lại càng đóng vai trò quan trọng, trực tiếp trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản đó. Bởi, ngôi chùa, nhất là chùa làng (chiếm tỉ lệ phổ biến) là biểu tượng vật chất của Phật giáo tại các cộng đồng làng xã. Tại mỗi ngôi chùa đều có Tăng, Ni cư trú, được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh bổ nhiệm trụ trì. Trụ trì là người thay mặt Giáo hội quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở tự viện theo đúng Hiến chương Giáo hội, pháp luật Nhà nước. Về mặt luật pháp, trụ trì chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động Phật sự tại cơ sở tự viện. Theo quy định quản lý của Nhà nước, chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, bên cạnh những thành tựu đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy di sản Phật giáo khẳng định vai trò quan trọng, nòng cốt của Tăng, Ni Phật giáo thì còn có những khó khăn, hạn chế trên một số lĩnh vực khiến vai trò của của Tăng, Ni Phật giáo còn chưa được phát huy một cách đầy đủ, đúng đắn. Điều đó được thể hiện trên một số khía cạnh sau:
Trước hết là nhận thức, kiến thức của một số Tăng, Ni Phật giáo về giá trị di sản, vai trò, trách nhiệm và các quy định trong công tác bảo tồn, phát huy di sản Phật giáo nói chung, di sản Phật giáo tại cơ sở tôn giáo nơi Sư trụ trì nói riêng còn hạn chế hoặc chưa đầy đủ, có những Sư trụ trì còn chưa thực sự nhận biết được giá trị di sản Phật giáo nơi mình đang trụ trì, trông giữ, nên dẫn tới chưa quan tâm đến việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản như cố Hòa thượng Thích Trung Hậu, Nguyên Trưởng Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đánh giá: “…các vị trụ trì cơ sở tự viện chưa đánh giá đúng mức về văn hóa kiến trúc, thẩm mỹ khi xây dựng một ngôi chùa hay cách bảo quản di tích”. Đây là hiện tượng diễn ra ở khá nhiều “chùa di tích” mà thời gian gần đây, Giáo hội PGVN các cấp đã phải lên tiếng và cùng cơ quan quản lý nhà nước tăng cường xử lý vi phạm.
Tiếp đến là sự phối hợp giữa Tăng, Ni Phật giáo (phổ biến là các Sư trụ trì) với cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa còn chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, đôi chỗ còn chồng chéo hoặc còn khoảng trống đã gây những khó khăn cho các Sư trụ trì, nhất là trong hoạt động sửa chữa, cải tạo, xây dựng các công năng phục vụ sinh hoạt của chùa, cơ sở tự viện hoặc là các di sản vật thể có chất liệu không bền vững, xuống cấp, mặc dù đã được các Sư trụ trì báo cáo xong chưa được bố trí xử lý kịp thời dẫn đến di sản bị mai một nhanh chóng. Đây cũng là vấn đề mà nhiều năm nay Giáo hội PGVN cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa tháo gỡ, giải quyết triệt để được bởi các quy định, nhất là của Giáo hội còn chưa đầy đủ cũng như trên thực tế cho dù các quy định, pháp luật đã quy định khá rõ nhưng việc triển khai phối hợp, thực hiện (mà trực tiếp là đơn vị quản lý di sản, văn hóa cấp thôn, xã và Tăng, Ni trụ trì cơ sở thờ tự) còn chưa thực sự đồng bộ, thống nhất nên chưa đạt được hiệu quả.
Di sản văn hóa Phật giáo là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của các cộng đồng dân cư. Ngày nay, bên cạnh những chức năng về mặt tôn giáo, Phật giáo còn đang giữ vai trò quan trọng trong việc phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, thông qua hoạt động trực tiếp của Sư trụ trì tại các chùa. Trước những thách thức của thời đại, vấn đề nhận diện, xây dựng phương pháp bảo vệ giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam là một việc làm cần thiết. Quan điểm nhìn nhận vai trò của Sư trụ trì như một bên liên quan quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo là một giải pháp hiệu quả. Vai trò Sư trụ trì cần đặt trong mối tương quan với các bên liên quan khác, nhất là cộng đồng, chính quyền địa phương, cũng như cần được tạo điều kiện hoạt động thông qua cơ chế chính sách của Nhà nước, Giáo hội. Nếu như quyền và nghĩa vụ của Tăng, Ni Phật giáo được nhận thức đầy đủ và có sự phối hợp tốt của cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa thì chắc chắn sự đóng góp của họ trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy sẽ hiệu quả và khả thi hơn rất nhiều.
HT Thích Thọ Lạc
(Theo Tạp chí Văn hóa Phật giáo)
Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng
Học viện PGVN tại Hà Nội kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Văn phòng Hội đồng Chứng minh thông báo về việc cấp phát học bổng Đức Nhuận (toàn phần) năm 2024
Ninh Bình: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông
Hà Nam: Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật Phật giáo năm 2024