Thứ tư, 05/06/2024 04:47:07 (UTC+7) 5,346,731

Truyền thông trong gia đình để có hạnh phúc: THƯỞNG TRÀ- CÓ MẶT TRỌN VẸN CHO NHAU

Đặng Trọng Ngôn

Thưởng trà là một nét văn hóa của người Việt trong suốt dòng chảy lịch sử. Trân trọng những nét tinh túy của trời đất, trà đã trở thành thức uống thiêng liêng, không thể thiếu trong những dịp quan trọng suốt chiều dài lịch sử-văn hóa dân tộc. Cho dù trải qua bao nhiêu năm tháng thì việc pha trà, thưởng trà của người Việt vẫn giữ được giá trị, ý nghĩa của thuở ban đầu: vẫn là sự dung dị, gần gũi của những con người muốn dành thời gian “có mặt cho nhau”. Thưởng trà đã trở thành thông lệ trong những buổi gặp mặt nói chung, trong những buổi đoàn tụ gia đình, nói riêng, như một phương tiện giao tiếp giữa người với người, là sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Ấm trà đã trở thành biểu tượng của văn hóa gia đình Việt, biểu tượng của sự đầm ấm, thanh tao.

Để hiểu sâu sắc hơn việc kết nối tình thân thông qua những buổi thưởng trà cùng người thân, gia đình, chúng ta dành chút thời gian để tìm hiểu những điểm cơ bản cần có để sự gắn kết được bền chặt và sâu sắc hơn. Đây cũng là phương pháp để xây dựng truyền thông trong gia đình. Những điểm đó là:

Có mặt trọn vẹn cho nhau: Sự mất “kết nối” truyền thông với bản thân và những người xung quanh đang là một thảm hoạ của con người trong thời đại của công nghệ. Việc chúng ta, thân ở cạnh nhau nhưng tâm trí lang thang tận nơi nào là tình trạng phổ biến của con người hiện đại. Để cải thiện tình trạng này, chúng ta cần tăng cường giao tiếp và cần tạo môi trường tốt nhất cho buổi giao tiếp, khiến tất cả mọi người đều cùng cảm nhận được sự quan tâm và hạnh phúc trong khi có mặt cùng nhau, chúng ta cần đem sự có mặt trọn vẹn của cả thân lẫn tâm về trong không gian và thời gian hiện tại khi giao tiếp với những người xung quanh. Lúc này chúng ta cần tạm gác lại các phương tiện công nghệ truyền thông để tránh bị làm phiền, gác lại mọi công việc, gác lại bất cứ suy tư nào để dành tặng sự có mặt trọn vẹn cho nhau trong buổi giao tiếp.

Hòa hợp, tương tức: Khái niệm hòa hợp thật ra không phức tạp như chúng ta thường nghĩ. Hòa hợp đơn giản là hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu sâu về cá tính, thói quen của một người và tôn trọng mọi thứ thuộc về người ấy – cho dù khác biệt với ta. Từ phạm vi hiểu và tôn trọng, sự tương tức, tương giao giữa hai người trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Không nhất thiết phải chiều theo ý người khác, cũng không cần phải bỏ qua quan điểm của bản thân, vấn đề nằm ở hiểu và thương mà thôi! Khi có hiểu và có thương rồi thì mọi bất đồng đều có thể hóa giải được. Bởi, chỉ có hiểu và thương mới khiến ta nhìn nhận thật thấu đáo, rằng khi bản thân mình vui thì những người xung quanh được vui; khi mình buồn giận thì những người xung quanh sẽ hứng nhận những năng lượng tiêu cực từ ta. Từ đó, ta biết kiềm chế, biết chuyển hóa nỗi buồn, cơn giận của mình vì sự an lành của người thân bên cạnh. Đây mới là cách hiểu trọn vẹn về hòa hợp và tương tức.

Kính trọng: Chúng ta thường nghĩ “kính trọng” là thái độ của một người nhỏ dành cho một người lớn trong gia đình. Hiểu như thế đúng nhưng vẫn chưa đủ! Bởi, “kính” còn bao hàm giá trị lễ độ, chừng mực của mỗi con người; và chúng ta hoàn toàn có thể thể hiện điều đó ngay với cả con cháu của mình. Với người thân thương, hãy luôn tôn trọng họ, bằng tất cả sự thật tâm, lễ độ mà ta có. Sự kính trọng hoàn toàn không có ý nghĩa hạ mình, càng không có ý nghĩa thay đổi vai vế trong gia đình. Kính trọng chỉ là sự tôn trọng xuất phát từ sự lễ độ, tình cảm chân thành dành cho người kia mà thôi!

Lắng nghe sâu: Đây là việc khó thật sự. Bởi, chúng ta không đơn giản chỉ là im lặng để người kia nói hết lòng họ ra. Lắng nghe sâu là thấu hiểu, cảm thông và dành tình thương yêu cho người thân thương trong mọi hoàn cảnh. Lắng nghe sâu cần một trái tim rộng mở, một tâm tĩnh lặng hoàn toàn để không cho sự phán xét xuất hiện. Và, lắng nghe sâu là hiểu và cảm thông cả khi người kia không nói gì. Đôi khi, im lặng, ngồi cạnh nhau đã là đủ rồi, chỉ cần tâm ta thật lòng muốn chia sẻ. Khó là vậy, nhưng khi tình thương yêu đủ lớn, ai trong chúng ta cũng đều có thể lắng nghe sâu.

Ái ngữ: Đừng hiểu sai “ái ngữ” là những lời ngọt ngào, dễ nghe. Không! Ái ngữ là lời thành thật xuất phát từ tình cảm chân thành mà ta dành cho người thân. Thậm chí, khi góp ý, nhắc nhở, ta vẫn có thể dùng lời ái ngữ được; miễn bản thân ta chắc chắn rằng, tất cả những lời nói ra đều xuất phát từ trái tim mình, từ tình thương và mong muốn người kia có thể cảm nhận được để điều chỉnh theo hướng tốt nhất.

Ái ngữ còn được hiểu là không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói hai lời để mưu cầu lợi ích cho bản thân. Và, ái ngữ cũng có nghĩa không lan truyền những thông tin mà ta chưa chắc chắn; không phê bình hay lên án những điều ta chưa biết rõ bằng những lời ác khẩu, to tiếng… Có những người tâm tốt nhưng lời nói lại mang tính chì chiết, gây tổn thương, đau khổ cho người khác; và đó cũng chính là cơ sở khiến mối quan hệ đổ vỡ. Ái ngữ nghĩa là ta không nói những lời chia rẽ, tạo nên sự bực tức, hận thù hay mặc cảm, tự ti, làm người khác mất hết ý chí… Và từ đây, ta có thể thấy rằng, nhường nhịn người khác, thực tập ái ngữ sẽ giúp chúng ta chuyển hóa được khổ đau cho người khác. Chỉ như thế, sự kết nối trong mối quan hệ gia đình trở nên sâu sắc hơn.

Thanh tao, nhẹ nhàng – tức là giữ được tâm an: Tâm thanh tao, nhẹ nhàng, an yên giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách sáng suốt hơn, đưa ra những hướng giải quyết thỏa đáng hơn. Và trên hết, tâm an giúp chúng ta hiểu nhau và yêu thương sâu sắc hơn. Thế nên, những buổi thưởng trà với gia đình luôn là cơ hội tốt để chúng ta có thể ngồi lại, lắng nghe và chia sẻ với nhau. Bởi, trà vốn đã ít nhiều đưa con người về tới sự tĩnh tại, an nhiên.

Trà- Phương tiện để tạo lập văn hóa gia đình, kết nối các thành viênChúng ta có thể ứng dụng những nét cơ bản được nêu ra ở trên để gắn kết các thành viên, tạo nên văn hóa gia đình. Để làm được điều này, cần có những dịp để các thành viên cùng nhau đoàn tụ và “có mặt trọn vẹn cho nhau”. Chẳng hạn, hàng tuần, mỗi gia đình nên ấn định một buổi gặp mặt chính thức, có thể gọi đó là “ngày hội gia đình”. Vào ngày này, các thành viên quây quần bên nhau, gác lại hết mọi công việc, lo toan, hiện hữu cùng nhau, ăn một bữa ăn trong chánh niệm. Sau đó, cả nhà sẽ ngồi bên nhau cùng tách trà và cùng thực hành phương pháp kết nối tình thân, để lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ.

Lúc này, trà sẽ là phương tiện kết nối không thể thiếu.  Sau một bữa cơm đầm ấm, các thành viên có thể ngồi bên ấm trà và thưởng thức hương vị thanh tao, nhẹ nhàng của trà. Hãy thống nhất cùng các thành viên khác trong gia đình, từng người một, dùng những lời ái ngữ để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những thuận lợi, khó khăn để những thành viên khác có thể thấu hiểu, cảm thông. Khi đó, những thành viên còn lại vừa thưởng trà và thực hành hạnh lắng nghe – lắng nghe thật sâu, cả những điều không được nói ra. Điều quan trọng trong buổi này là tất cả mọi thành viên đều tránh không nên đánh giá, nhận xét gì cả, để mọi người có cơ hội và cảm hứng nói ra hết mọi vướng mắc trong lòng. Có thể chỉ đặt thêm câu hỏi để rõ thêm thông tin hoặc có nói gì thì tốt nhất là chỉ nói những lời động viên, an ủi mà thôi.

Mọi việc góp ý hay dạy dỗ nên để một dịp khác, khi người đó vui vẻ và sẵn lòng đón nhận. Cũng có thể chỉ cần dạy dỗ gián tiếp thông qua một câu chuyện tương tự của bản thân trong quá khứ và từ đó con cháu có thể nhận được bài học kinh nghiệm. Và hơn cả ngôn ngữ, chính tấm gương sống của cha mẹ sẽ là những bài học quan trọng nhất. Những thực hành này nên được từng bước lan tỏa rộng hơn trong đại gia đình. Hãy tận dụng và biến những ngày giỗ, tết thành những dịp để đại gia đình được gặp nhau; và hãy khiến những dịp này trở thành cơ hội để sự kết nối trong đại gia đình, họ hàng trở nên hòa hợp, sâu sắc hơn.

“Gia đình là kiệt tác của tạo hóa”. Muốn để cho kiệt tác đó luôn là kiệt tác trong hiện thực thì việc kiến tạo nét đẹp và nâng cao vai trò văn hóa gia đình là một việc làm cần thiết phải được duy trì trong khoảng thời gian rất dài để trở thành một truyền thống đẹp trong mỗi gia đình. Vào mỗi dịp đoàn tụ như vậy, hãy sử dụng trà như một phương tiện kết nối và khi các thành viên trong gia đình thực sự yêu thương, thấu hiểu, chia sẻ, ngồi bên tách trà và lắng đọng cùng nhau, hãy để trà nói lên ngôn ngữ của nó và thực hiện vai trò, sứ mệnh của nó: tạo nên một sự gắn kết, vô hình nhưng bền chặt mà bất cứ thành viên nào ở đó cũng có thể cảm nhận  là họ đang “có mặt trọn vẹn cho nhau”.

XEM NHIỀU

27/12/2024 17:00:49

PHẬT GIÁO VIỆT NAM LUÔN HỘ QUỐC AN DÂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

Đại lễ cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa  Việt Nam ra thế giới và góp phần truyền tải thông điệp hòa bình, phát triển bền vững các giá trị nhân văn cốt lõi của Phật giáo đến toàn thể nhân loại. Thân người...
26/12/2024 15:48:53

Hà Nội: Phân ban Ni giới phía Bắc tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động Phật sự năm 2024, đề ra phương hướng công tác năm 2025

Với công tác Hoằng Pháp, để tiếp nối theo dấu chân của đức từ phụ ” cả cuộc đời hoàng dương chính pháp lợi lạc quần sinh”, việc hoằng pháp của Phân ban Ni giới các Tỉnh Thành còn hạn chế, nhưng tất cả chư Ni trong các Tỉnh Thành đều đem...