Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng
Nếu sống tỉnh thức là quan trọng cho tất cả mọi người, thì đối với nhà lãnh đạo, điều này lại càng hệ trọng hơn hết. Nhà lãnh đạo cũng giống như đầu tàu, nếu lãnh đạo không tỉnh thức, không có sự đồng cảm với nhân viên, tâm trí luôn xáo động thì sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ doanh nghiệp. Cụ thể, giữa một “rừng thông tin” và áp lực công việc hiện tại, việc sống tỉnh thức sẽ giúp nhà lãnh đạo nâng cao khả năng minh định, biết phân định mọi thứ một cách sáng suốt, biết làm gì và bỏ gì, biết tập trung nguồn lực hữu hạn vào những điều quan trọng. Một lãnh đạo thiếu tỉnh thức sẽ dễ dẫn công ty đến những “chỗ chết” chỉ bằng một quyết định sai lầm. Một lãnh đạo thiếu tỉnh thức cũng dễ khiến nhân viên bấn loạn trước những chủ trương và kế hoạch không rõ ràng, hoặc cứ thay đổi chóng mặt mà chẳng biết vì sao lại thay đổi.
Doanh nhân Lê Bá Thông là thành viên sáng lập, cố vấn điều hành, cựu CEO của TTT Corporation, công ty thiết kế và thi công nội thất với hàng loạt công trình nổi tiếng như khách sạn Pullman, Sheraton, Somerset, Takashimaya, hay Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tòa nhà Quốc hội Việt Nam… Hơn 30 năm chinh chiến nơi thương trường, ông Lê Bá Thông hiểu rõ hơn ai hết người đứng đầu doanh nghiệp luôn là người cô đơn, thường xuyên phải đối diện với căng thẳng, lo âu. Cũng với vai trò là người sáng lập ra Cộng đồng Nhà lãnh đạo tỉnh thức, cộng đồng kết nối những nhà lãnh đạo quan tâm đến phương pháp lãnh đạo hiệu quả và bình yên thì ông Thông nghĩ thực hành Zen Leader (lãnh đạo tỉnh thức) chính là phương cách hiệu quả nhất để họ tìm thấy sự bình an.
Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến nhiều sự “điên rồ”: đại dịch Covid-19, những mô hình kinh doanh mới, xu hướng công nghệ mới, hành vi khách hàng mới và một nguồn nhân lực mới… Những điều này đã tạo ra khái niệm kỷ nguyên VUCA với 4 đặc tính chính: Biến động (Volatility), Bất định (Uncertainty), Phức tạp (Complexity), và Mơ hồ (Ambiguity), đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng đón đầu để tồn tại và bứt phá. Trước sự biến đổi phức tạp, mơ hồ và bất định này, cách đây 6 năm, ông Lê Bá Thông đã tìm đến khóa thiền của Tiến Sỹ Ginny Whitelaw – cựu tiến sỹ năng lượng tại NASA và là bậc thầy huấn luyện Lãnh Đạo Thiền trên thế giới để học được cách mà các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp có thể làm gì để đứng vững và sống sót.
“Thiền rất khó được phổ biến tại Việt Nam vì nó thường bị coi là mê tín, mong cầu, gắn liền với tôn giáo”. Do đó, nhằm hướng tới xây dựng và phát triển cộng đồng này, ông Lê Bá Thông đã mang tới khái niệm Lãnh đạo tỉnh thức (Zen Leader – Zen Mindfulness) đến cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Đề cập đến “nghìn trùng” những khó khăn đang xảy đến với các nhà lãnh đạo, các chủ doanh nghiệp hiện nay, khó khăn lớn nhất có thể kể đến là làm sao để đối phó với những căng thẳng trong công việc. “Mục đích của nhà lãnh đạo vẫn là làm sao để công việc vẫn thành công mà đêm về nhà vẫn bình an”, ông chia sẻ. Điều này cần đến sự chuyển hóa từ bên trong mỗi nhà lãnh đạo. Khi gặp một vấn đề khó khăn mới, nhà lãnh đạo thường có ngay xu hướng là chống lại nó, tức giận, bực bội, gây ra đời sống cá nhân căng thẳng. “Thay vì đối phó, hãy chuyển sang hòa hợp và biến đổi từ bên trong. Ví như như trong trường hợp có Covid, các doanh nghiệp biết là phải sống chung với nó chứ không còn phản kháng nữa, khi đó thì doanh nghiệp hoạt động bình an hơn, ổn thỏa hơn.”
Theo phật giáo nguyên thủy, thiền mà có sự mong cầu là không phải thiền, mà là tham ái, ái dục gây ra sự đau khổ. Thiền đúng không phải là đạt được điều gì mà là buông tất cả xuống hết. “Sai lầm của những người làm doanh nghiệp chính là bỏ trong đó quá nhiều cái tôi. Trong khi sự thật là đó là vấn đề mà ai ai cũng đang phải trải qua. Lúc này, ta cần ngồi chậm lại và khách quan xác định xem vấn đề nó đang thực sự là gì, và điều gì đang xảy ra”.
“Tôi đã từng mắc sai lầm khi cho rằng mình quá giỏi, từ chối lắng nghe người khác, đưa cái tôi lên quá cao”. Với tư cách là người “đứng mũi chịu sào” cho mọi vấn đề của công ty, rất khó để có thể tách biệt được cái tôi trong khi chịu trách nhiệm cho rất nhiều quyết định tại công ty; do đó, ông Thông đã chia sẻ về khái niệm 4 nguồn năng lượng và sự thực tập tỉnh thức mà nhà lãnh đạo nào cũng cần biết:
Bốn nguồn năng lượng mà tổ chức cần cân bằng:
Thứ nhất, nguồn năng lượng về tầm nhìn, nổi trội nhất từ chủ tịch hội đồng quản trị mang lại
Thứ hai, nguồn năng lượng về lãnh đạo từ vị CEO
Thứ ba, nguồn năng lượng về tổ chức từ các thành viên làm tài chính, admin
Thứ tư, nguồn năng lượng về sự hợp tác bắt nguồn từ team sales
Đây đều là 4 nguồn năng lượng mà ai cũng có, chỉ là ta chưa biết kích hoạt và sử dụng. Nó tượng trưng cho tính nóng ấm của lửa, tính mát của nước, tính vững chãi của đất và tính biến động của gió, không khí
Khi sở hữu cân bằng, tròn đầy 4 nguồn năng lượng này thì người lãnh đạo đó, doanh nghiệp đó sẽ vững chãi cả trong tinh thần và vật chất. Ông Thông chia sẻ cách tập luyện hàng ngày của mình chính là thông qua Aikido và Thiền Định. “Tôi đưa năng lượng xuống huyệt đạo đan điền (vị trí giữa cuống rốn và bộ phận sinh dục) vì đây là nơi chứa bó thần kinh cảm xúc. Những người thiếu năng lượng quyết liệt là do vùng đó không vững chắc. Đứng tấn trong khí công giúp tôi đẩy năng lượng xuống vùng đan điền, khi tập thở tôi tập trung suy nghĩ, dẫn khí xuống vùng đan điền để làm cho bó dây thần kinh vùng đó mạnh mẽ hơn”.
Năm bước thực hành sự tỉnh thức cho nhà lãnh đạo:
Đây là năm bước thực hành đơn giản nhưng hiệu quả được ông Thông chia sẻ nhằm giúp bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng nhìn nhận vấn đề khách quan và tách biệt được cái tôi hơn:
Bước 1, hãy viết ra điều khó chịu trong lòng
Bước 2, hãy suy nghĩ để tách biệt rõ vấn đề của tôi, của chúng tôi (của cá nhân) so với vấn đề của anh, của các anh (của người khác)
Bước 3, ngồi xuống thiền định để chiêm nghiệm lại điều đó
Bước 4, viết lại lần nữa điều thực sự gây khó chịu là gì. Sau khi đã tách biệt được cái tôi thì vấn đề thực chất ở đây sẽ hiện ra một cách rõ ràng
Bước 5, nhìn thấy sự khác biệt giữa tờ giấy thứ 1 và tờ giấy thứ 4, qua đó thấy sự biến đổi từ bên trong của chính mình
Lời khuyên dành cho các chủ doanh nghiệp và tổ chức là hãy tập quan sát bốn nguồn năng lượng và xác định mình đang yếu ở đâu. Từ đó áp dụng vào quan sát người khác và tập thể: khi phân công các bộ phận, thành viên trong tổ chức cũng cần xác định nguồn năng lượng xem ai mạnh ở đâu, yếu ở đâu để phân công trách nhiệm phù hợp. Tiếp theo đó là tự rèn luyện bản thân mình để bù đắp những gì mình yếu bằng cách chiêm nghiệm hàng ngày.
“Theo Phật Giáo, mọi thứ đưa đến từ vũ trụ đều hoàn hảo rồi. Quyết định của nhà lãnh đạo không nên là quyết định của cái tôi, của cá nhân, đưa cái mạnh và cái yếu của riêng mình vào trong đó mà phải là quyết định của chung, của Vũ trụ và tất cả đang đưa đến với mình, ví dụ như người đối tác đưa đến.” ông Thông bày tỏ.
Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng
Học viện PGVN tại Hà Nội kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Văn phòng Hội đồng Chứng minh thông báo về việc cấp phát học bổng Đức Nhuận (toàn phần) năm 2024
Ninh Bình: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông
Hà Nam: Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật Phật giáo năm 2024