Kiên Giang: Khảo hạch giới tử tại Đại giới đàn Giác Phước PL.2568 – DL.2024
Người học Phật hầu như ai cũng biết đến Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika). Danh thơm này do mọi người tặng cho ông, vì ông thường hào phóng chu cấp, giúp đỡ những người cô độc, khốn khó. Tên thật của ông là Tu-đạt (Sudatta), một doanh nhân giàu có bậc nhất thành Xá-vệ (Savatthi)) nước Kiều-tát-la (Kosala). Ngoài hạnh lành giúp đỡ người nghèo, Cấp Cô Độc là vị đại hộ pháp cho Đức Phật và Tăng đoàn. Ông là người mua lại trang viên rộng lớn của thái tử Kỳ-đà (Jeta) để xây dựng tinh xá Kỳ Viên (Jetavana). Đức Phật đã thuyết nhiều bài pháp và cùng Tăng đoàn trải qua nhiều mùa an cư ở tinh xá này.
Trưởng giả Cấp Cô Độc đã bước vào dòng Thánh, chứng quả Dự lưu ngay lần đầu gặp Phật. Ông vẫn điều hành công việc kinh doanh, vừa làm từ thiện vừa phụng sự Tam bảo. Đặc biệt, Cấp Cô Độc đã thánh hóa được cả gia đình. Vợ ông là một nữ cư sĩ thâm tín Tam bảo. Các người con của ông đều quy hướng Tam bảo và cũng theo gương ông tu học, chứng quả Dưu lưu, nhiệt thành hộ pháp. Để làm được điều này, Trưởng giả Cấp Cô Độc phải nỗ lực dạy con, tìm nhiều biện pháp phù hợp, các con – nhất là cậu út quý tử Khả-la (Kala) mới được nên người, chính xác là nên Thánh.
Kinh Tăng nhất A-hàm (chương Mười pháp, phẩm Phi thường, kinh số 7) ghi rằng: “Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ Trưởng giả Cấp Cô Độc có bốn người con. Chúng không thờ Phật, Pháp, Thánh chúng, không tự quy y Phật, Pháp, Thánh chúng. Trưởng giả Cấp Cô Độc nói với bốn người con:
– Các con, hãy tự quy y Phật, Pháp, Thánh chúng, để được phước vô lượng lâu dài.
Các con thưa:
– Thưa cha, chúng con không thể tự quy y Phật, Pháp, Thánh chúng.
Cấp Cô Độc nói:
– Cha sẽ các con mỗi đứa một nghìn lượng vàng ròng, nếu nghe lời cha mà tự quy y Phật, Pháp, Thánh chúng.
Các con thưa:
– Chúng con cũng không thể tự quy y Phật, Pháp, Thánh chúng.
Người cha lại nói:
– Cha cho các con hai nghìn. Rồi cứ thêm: ba nghìn, bốn nghìn, năm nghìn lượng vàng, ‘Các con, hãy tự quy y Phật, Pháp, Thánh chúng, để được phước vô lượng lâu dài’.
Các con sau khi nghe nói vậy, im lặng nhận lời. Rồi chúng hỏi:
– Chúng con sẽ tự quy y Phật, Pháp, Thánh chúng như thế nào?
Trưởng giả Cấp Cô Độc đáp:
– Các con tất cả theo cha đi đến Thế Tôn. Thế Tôn có dạy điều gì, các con hãy ghi nhớ mà vâng làm.
Các con thưa với cha:
– Như Lai nay đang ở đâu, cách đây gần xa?
Người cha đáp:
– Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, nay đang ở tại nước Xá-vệ, trú trong vườn của cha.
Rồi Cấp Cô Độc dẫn bốn người con đi đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, cúi đầu lạy dưới chân, rồi đứng sang một bên. Khi ấy, trưởng gia Cấp Cô Độc bạch Thế Tôn rằng:
– Bốn đứa con của con đây chưa tự quy y Phật, Pháp, Thánh chúng. Gần đây, con cho mỗi đứa năm nghìn lượng vàng, khuyến khích thờ Phật, Pháp, Thánh chúng. Cúi mong Thế Tôn thuyết pháp cho chúng, để chúng được phước vô lượng lâu dài.
Bấy giờ Thế Tôn lần lượt thuyết pháp cho bốn người con của ông trưởng giả, khiến cho được hoan hỷ. Các người con của ông trưởng giả sau khi nghe Pháp, hoan hỷ phấn khởi không thể dừng được, quỳ mọp trước Phật, bạch Thế Tôn rằng:
– Chúng con mỗi đứa tự quy y Thế Tôn, Chánh pháp, Thánh chúng. Từ nay về sau không sát sanh, cho đến không uống rượu”.
Chú giải kinh Pháp cú nói là nghìn đồng tiền vàng chứ không phải nghìn lượng vàng. Có thể do cách dịch khác nhau, nhưng chẳng sao, vì Cấp Cô Độc có rất nhiều tiền vàng, cất ở kho nào cần suy nghĩ mới nhớ. Câu chuyện trải vàng trên đất để mua tinh xá Kỳ Viên đã nói lên điều đó.
Là doanh nhân lớn nên Cấp Cô Độc cũng khá bận rộn. Triển khai các dự án kinh doanh, theo dõi kết quả, kiểm soát dòng tiền vào ra là việc hàng ngày của ông. Nghiệp làm ăn, liên quan mật thiết đến tiền bạc lỗ lời, nên khi muốn các con đi chùa, Cấp Cô Độc liền nghĩ ra cách thưởng cho chúng một số tiền cũng là chuyện bình thường.
Các con của ông, nghe cha khuyên lên chùa để gặp Phật và nghe Pháp thì họ không quan tâm. Tuổi trẻ thì đa phần đều hướng ngoại, sống theo trào lưu với bè bạn, với những gì mà số đông và xã hội đang xu hướng. Họ ít quan tâm đến nội tại, tâm linh hay thờ cúng tổ tiên. Dù là con nhà giàu nhưng khi được cha đề nghị cấp cho một số tiền lớn để tiêu xài mà điều kiện lại rất đơn giản “Các con theo cha đi đến Thế Tôn. Thế Tôn có dạy điều gì, các con hãy ghi nhớ mà vâng làm” thì nhanh chóng nhận lời.
Sau khi gặp Phật và nghe Pháp thì các con của Cấp Cô Độc đều phát nguyện quy y Tam bảo. Dĩ nhiên, họ đã có duyên lành từ nhiều đời với Phật, Pháp, Tăng nhưng sự trợ duyên thêm của cha mẹ vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Là con cái nhà giàu, dĩ nhiên họ đã có phước. Từ nền tảng này cần định hướng thêm cho họ con đường thiện lành thì phước ấy mới ổn định lâu dài. Chỉ cần cha mẹ quan tâm, tìm cách cho con cái được tiếp xúc với Tam bảo, kể cả phương cách tưởng thưởng bằng tiền bạc, tài sản. Và đây cũng là cách riêng mà Cấp Cô Độc đã trợ duyên cho các con hướng Phật.
Thương con đúng nghĩa không phải cứ lo kiếm thật nhiều tiền rồi trao hết cho con. Kiếm tiền chỉ là một phần của cuộc sống. Còn nhiều thứ khác nữa như đạo đức, tâm linh mới có thể giúp con người hoàn thiện và hạnh phúc hơn. Trưởng giả Cấp Cô Độc hiểu rõ chuyện này nên đầu tư đạo đức và tâm linh cho con và ông đã mãn nguyện. Cậu út Khả-la nhờ đến gặp Phật, nghe pháp mà đắc quả Dư lưu, nối nghiệp cha mình là doanh nhân thành đạt và tận lực hộ trì Tam bảo đến trọn đời.
Quảng Tánh
Kiên Giang: Khảo hạch giới tử tại Đại giới đàn Giác Phước PL.2568 – DL.2024
Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng
Học viện PGVN tại Hà Nội kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Văn phòng Hội đồng Chứng minh thông báo về việc cấp phát học bổng Đức Nhuận (toàn phần) năm 2024
Ninh Bình: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông