Thứ năm, 22/08/2024 02:24:44 (UTC+7) 296

Trò chuyện với người tu hạnh phúc

Phạm Văn Cường

Lời khuyên của tôi với các bạn trẻ là hãy thực hành chánh niệm. Chánh niệm không chỉ thuộc về sự thực tập trong chùa chiền, thiên về tôn giáo, đời sống chánh niệm là sự thực tập mà bất cứ ai, bất cứ đâu cũng có thể đem vào đời sống hàng ngày. Do đó, không cần bắt buộc đến chùa, tu viện, đạo tràng… mỗi ngày chúng ta chỉ cần dành 10 đến 30 phút, hoặc có thể hơn, tùy vào mỗi người, ngồi thật yên, trở về và quan sát hơi thở, để chế tác mối liên hệ giữa nhận thức và hơi thở của ta, rằng ta hiện diện ở giây phút hiện tại. Đó là cách chúng ta chuẩn bị cho những khó khăn khổ đau có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nên thực tập mỗi ngày như một sự chuẩn bị hành trang trước mỗi chuyến đi, đừng để đến khi nỗi đau phát khởi mới loay hoay tìm cách chế ngự, chuyển hóa.

Trò chuyện với người tu hạnh phúc

Trong cuộc trò chuyện với Giác Ngộ, Thầy Pháp Hữu, trụ trì chùa Pháp Vân, xóm Thượng, Làng Mai (Pháp) nói rằng có thể gọi thầy bằng nickname “Một người tu có hạnh phúc”.

Chia sẻ về con đường trở thành một tu sĩ hạnh phúc, Thầy Pháp Hữu cho biết:

– Điều quan trọng nhất cần chuẩn bị là tâm Bồ-đề của mình, hiểu được chính mong muốn của mình về việc xuất gia là gì. Xuất gia thực chất không phải là việc khó khăn, nhưng để giữ được trọn vẹn một đời tu thì sẽ có những khó khăn nảy sinh trong suốt đời sống của người xuất gia, hay cũng có thể gọi là những thách thức riêng của từng người.

Đối với tôi, sự chuẩn bị cần thiết là sự hiểu biết tường tận về tâm nguyện xuất gia của mình, tức phải biết mình đi xuất gia vì mục đích gì. Ở Làng Mai, năm 13-14 tuổi, khi quay về tu học cùng với gia đình của mình trong những khóa tu, như khóa tu mùa hè… tôi nhận rõ tâm nguyện của mình, đó là mong muốn xuất gia để chuyển hóa những khổ đau và chế tác hạnh phúc cho mình. Thứ hạnh phúc mà theo tôi, người xuất gia có thể chế tác, đó là sự hiểu biết, thương yêu, bao dung, để từ đó phát triển nội tâm và tự chuyển hóa đời sống của chính mình.

Tôi rất thích một câu nói của Sư ông (Thiền sư Nhất Hạnh – PV) với đại ý rằng: “Chúng ta không cần tu học lâu năm mới thành tựu sự đóng góp, một người dẫu mới xuất gia, hay thậm chí chỉ là cư sĩ tại gia, nhưng họ có sự chế tác liên tục về nụ cười, về tâm bình an và về cách biết rõ sự có mặt của bản thân ngay thời điểm hiện tại đó, tất cả đã là sự đóng góp rất lớn”. Khi có hiểu biết sâu xa về đời sống tu tập, tôi cảm thấy bản thân cởi mở hơn, tiếp thu và học hỏi được nhiều hơn từ các vị Tăng Ni đi trước. Đó cũng là điều rất quan trọng.

* Trong quá trình tập sự, thậm chí đến khi đã thọ giới, nhưng người xuất gia vẫn gặp rất nhiều thử thách. Thầy có những kinh nghiệm, hay được lắng nghe những kinh nghiệm gì về việc vượt qua những thử thách xuất hiện trong quá trình tu tập ấy?

– Có thể nói, người xuất gia cũng là một con người bình thường, có những cảm nhận, cảm xúc. Song, điều quan trọng nhất đối với một hành giả xuất gia, đó là khi đối diện trước những khổ đau và khó khăn, đừng nên suy nghĩ rằng đó là sự thất bại với những chất vấn nội tâm như “Vì sao tôi đi tu được 3 năm, 5 năm, hay 10 năm trở lên rồi, nhưng trong giây phút này bên trong mình vẫn vấp phải những đau khổ đó, những khó khăn đó?”.

Hoàn toàn là một quan niệm sai lầm khi cho rằng người tu sĩ, người khất sĩ, một người xuất gia thì không còn khổ đau, đã vượt khỏi hết những tồn đọng trong nội tâm. Chánh niệm mang đến một nguồn sáng, cho phép người xuất gia nhìn thấy được một cách tường tận những khổ đau, nhận diện được khó khăn đang hiện diện trong tâm mình. Một người xuất gia và có sự đầu tư vào sự hiểu biết và thiền quán, sẽ nhận thức được rằng, đây chính là cơ hội để bản thân quan sát nỗi khổ đau ấy và ôm lấy chúng. Từ đó đi đến thực hành để phát triển nội tâm và thiện hóa chính mình. Làm được như vậy, nghĩa là người xuất gia đang đóng góp những điều tốt đẹp và thiện lành cho chính mình, cho thế giới bên ngoài, cũng là sự báo đáp thiết thực cho Thầy Tổ, cho Tăng thân và gia đình của mình.

Theo tôi, là một người tu học, hàng ngày chúng ta cần đầu tư, chăm sóc hạt giống tình thương trong nội tâm của chính mình. Tình thương là một dạng trong Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), như vậy, người tu học càng ngày nên càng phải chứa đựng năng lượng từ bi nhiều hơn nữa. Tình thương của lòng từ bi không phải là một dạng kiến thức chỉ để học qua lý thuyết, mà đó là hành động thiết thực được bộc lộ ra bên ngoài, đi vào cuộc đời bằng nhiều phương diện, phương pháp khác nhau.

* Thầy vừa chia sẻ về cách vượt qua khó khăn bằng việc chế tác hạnh phúc và an lạc cho tự thân. Thầy có thể cho biết thêm về phương cách thực hành?

– Để chế tác an lạc hay hạnh phúc cần dựa trên nền tảng của chánh niệm, nhận biết rõ sự có mặt của mình trong giây phút hiện tại, hiểu rằng mình hiện diện trong từng bước chân, hơi thở… của bản thân về phương diện thực hành tu tập.

Song, về phương diện đời sống hàng ngày, khi ta mở cửa và chế một ấm trà, hay khi ta nấu ăn và đi học, khi ta làm việc và ngơi nghỉ…, tất cả những hành động phục vụ cho đời sống ấy đều là cơ hội để chúng ta thực tập hoặc áp dụng việc thực hành chánh niệm, nảy sinh ý thức về hành động mà ta đang thực hiện. Sự ý thức này giúp ta đồng thời chế tác hạnh phúc và an lạc.

Chánh niệm thực sự rất quan trọng không chỉ trong đời sống tu tập mà ngay ở cuộc sống hàng ngày. Bởi lẽ, chánh niệm giúp chúng ta nhận thức rõ những gì đang diễn ra ở giây phút hiện tại. Vì sao việc nhận diện giây phút hiện tại lại cần thiết và quan trọng? Con người xuất hiện trong cuộc đời, trải qua vô số biến động và mang trong tâm tưởng trăm ngàn luồng suy nghĩ.

Nhưng sự trải qua đó có nghĩa rằng tất cả đều đã là quá khứ, ngay cả một nỗi đau nào đó phát khởi từ trong quá khứ khi hồi tưởng lại, khiến bạn cảm thấy bồn chồn, quặn thắt và hết sức cảnh giác ở giây phút hiện tại, thì hãy nhớ rằng, đó cũng chỉ là đoạn hồi tưởng mà bạn đang lôi lại từ quá khứ mà thôi. Và vì vậy, những cảm giác mà bạn hiện có như nỗi đau, sự bất an, tâm lý cảnh giác… cũng chỉ là kết quả của quá khứ và nó là hư ảo. Ở giây phút hiện tại, điều đó không xảy ra, chúng ta vẫn đang bình an trong giây phút của hiện tại, hít thở thật sâu và tập trung vào những việc mình đang làm, hay điều khiển cơ thể khiến nó thoải mái, thư giãn hơn, thay vì nghĩ về quá khứ và để nó giam cầm bằng cảm xúc không tốt đẹp.

Sự chế tác an lạc, hay hạnh phúc bằng thiền tập, không chỉ bó buộc trong một không gian cố định nào như thiền đường, chùa chiền… mà khi đã thuần thục, ta có thể chánh niệm ngay trong sinh hoạt đời sống hàng ngày và như vậy, ta chế tác hạnh phúc trong từng thời khắc.

Mỗi ngày chúng ta nên dành 30 phút đến 1 tiếng, từ 1 đến 2 buổi công phu trong một ngày, đầu tư vào việc thực tập chánh niệm, dần dần khiến nó trở nên thuần thục hơn. Cần nhấn mạnh rằng bất cứ việc gì cũng cần có sự rèn luyện và chăm chỉ thực hành để đạt được kết quả như mình mong muốn.

* Là một vị giáo thọ thường xuyên hướng dẫn nhiều khóa tu cho Phật tử ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Theo Thầy, người trẻ trong thời đại này đang gặp phải những thách thức nào và bị mắc kẹt vào điều gì khiến họ thường rơi vào stress, trầm cảm, tự tử, biểu hiện ngày một nhiều như vậy?

– Nhìn chung, bất cứ ai, không phân biệt màu da, giới tính, chủng tộc… cũng đều tồn tại những khổ đau, khó khăn riêng trong mình. Tuy nhiên, cốt lõi chung của tất cả sự khổ đau và khó khăn trong mỗi con người đều xuất phát từ nền tảng của sự sợ hãi. Nỗi sợ dẫu bé nhỏ cũng khiến con người nảy sinh, phát khởi những lo lắng, từ những lo lắng nhỏ tích tụ thành những lo lắng ngày một lớn hơn, rồi từ những lo lắng thực tế tích tụ thành những lo lắng viển vông, dần vượt khỏi tầm kiểm soát, trở thành căng thẳng lo âu kéo dài. Đây chính là vấn đề của người trẻ, nỗi sợ hãi.

Tôi cho rằng, trong đời sống hiện đại ngày nay, mỗi người cần có ý thức và biết cách tự chăm sóc chính bản thân mình, sau đó là biết chăm sóc cho gia đình, người thương xung quanh.

Ngay trong thời đại ngày nay, dẫu đã là thế kỷ XXI, chúng ta vẫn thấy sự kỳ thị, bất bình đẳng, chia rẻ giai cấp… diễn ra mỗi ngày trong xã hội. Thậm chí đôi lúc nó cũng diễn ra ngay cạnh bên chúng ta, hay âm thầm trong chính chúng ta. Nhận thức được điều này, chúng ta nên biết rằng, đây là lúc bản thân bên trong lẫn bên ngoài, đều đang cần nhiều tình thương yêu hơn nữa.

Ngay ở nơi bản thân tôi, là một người tu sĩ, cho đến nay, tôi vẫn cần và đang tiếp tục nỗ lực tu tập để mở rộng sự hiểu biết, thực hành chánh niệm để mở rộng lòng từ bi, tập cho mình bao dung hơn trước mọi vấn đề xảy ra. Tôi cho rằng, lòng bao dung sẽ giúp chúng ta chuyển hóa được nhiều nhất sự khổ đau và khó khăn phát khởi trong cuộc sống.

* Thưa Thầy, trước những khó khăn đang diễn ra trong cuộc sống, người Phật tử cần làm gì để chuẩn bị một tâm thế đối diện với khó khăn ấy, đặc biệt là những người không thường xuyên có sự tu tập, đến chùa, hay tham gia các khóa tu?

– Tôi có nhắc đến một cụm từ, đó là “đời sống tâm linh”. Có những người không có nhiều cơ hội đi đến chùa chiền, tham gia những khóa tu, nhưng theo tôi, đó không phải là một hàng rào giới hạn bản thân đầu tư vào đời sống tâm linh của chính mình.

Lời khuyên của tôi với các bạn trẻ là hãy thực hành chánh niệm. Chánh niệm không chỉ thuộc về sự thực tập trong chùa chiền, thiên về tôn giáo, đời sống chánh niệm là sự thực tập mà bất cứ ai, bất cứ đâu cũng có thể đem vào đời sống hàng ngày. Do đó, không cần bắt buộc đến chùa, tu viện, đạo tràng… mỗi ngày chúng ta chỉ cần dành 10 đến 30 phút, hoặc có thể hơn, tùy vào mỗi người, ngồi thật yên, trở về và quan sát hơi thở, để chế tác mối liên hệ giữa nhận thức và hơi thở của ta, rằng ta hiện diện ở giây phút hiện tại. Đó là cách chúng ta chuẩn bị cho những khó khăn khổ đau có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nên thực tập mỗi ngày như một sự chuẩn bị hành trang trước mỗi chuyến đi, đừng để đến khi nỗi đau phát khởi mới loay hoay tìm cách chế ngự, chuyển hóa.

* Như từ đầu Thầy chia sẻ, Thầy tập sự từ năm 13 tuổi, xuất gia năm 14 tuổi và được kề cận và là thị giả cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh và cũng là một trong những vị lãnh đạo của Làng Mai từ rất trẻ, Thầy đã học được từ vị Thầy của mình những khả năng chế tác năng lượng thiện lành như thế nào? Và Thầy ứng dụng nó trong đời sống tu học ra sao?

– Tất cả những chia sẻ của Sư ông trong các buổi pháp thoại chính là con đường để tôi cũng như Tăng thân Làng Mai lấy đó tu tập, thực hành mỗi ngày. Ngay cả bản thân Sư ông cũng vẫn thường tu tập như vậy.

Điều may mắn mà tôi được tiếp nhận từ Sư ông đó là sự nhìn nhận về đạo Bụt. Đạo Bụt không phải là lý thuyết giáo lý, mà đó là lộ trình thực hành rõ ràng và minh bạch để dẫn đến một mục tiêu cụ thể nhất định, chứ không mơ hồ, thần bí. Từ sự nhìn nhận ấy mà việc tu tập trở nên rất nhẹ nhàng, như bất kỳ một sinh hoạt thường nhật nào trong đời sống. Dần dần, đi đến nhận diện bản thân trong giây phút hiện tại, dẫu có bất cứ điều gì, hay suy nghĩ nào trỗi dậy, tôi vẫn nhận biết được mình trong giây phút thực tại.

Một điều khác mà tôi học được và rất tâm đắc từ Sư ông, đó là phụng sự từ trái tim. Cần phân biệt rõ, đó là sự phụng sự từ trái tim chứ không phải từ bản ngã của bản thân, tức là nhận diện trách nhiệm, trọng trách của bản thân, một người đi trước, mong muốn giúp đỡ người đi sau, chứ không vì thể hiện sự chín chắn, hay thành công, hay nhằm phô trương danh tiếng cá nhân.

* Xin chân thành tri ân những chia sẻ của Thầy!

Trích nguồn: Báo Giác Ngộ

XEM NHIỀU