Thứ ba, 11/06/2024 21:46:17 (UTC+7) 457,689,908,076

TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO CHO DOANH NHÂN TRONG KINH DOANH

Thích Thông Chánh

Mở đầu: Nhà Phật luôn chú trọng đến sự nuôi dưỡng đời sống tinh thần (nội tại) tránh xa sự đắm nhiễm vào vật chất nếu người đó muốn đi đến hạnh phúc. Từ cơ sở đó, một số nhà duy vật chưa tường tận được ý nghĩa trên đã cho rằng Phật giáo có

Mở đầu:

Nhà Phật luôn chú trọng đến sự nuôi dưỡng đời sống tinh thần (nội tại) tránh xa sự đắm nhiễm vào vật chất nếu người đó muốn đi đến hạnh phúc. Từ cơ sở đó, một số nhà duy vật chưa tường tận được ý nghĩa trên đã cho rằng Phật giáo có chủ trương cản trở sự phát triển của xã hội, là nguyên nhân đưa đến sự lạc hậu của đời sống con người. Thực chất điều Đức Phật chỉ ra là đau khổ được mang lại bởi tham dục và chấp trước, vì vậy cốt yếu là tâm tham – chấp của con người chứ không phải là nằm ở sự phát triển của vật chất. Cho nên, các công việc buôn bán, kinh doanh, sản xuất, phát triển doanh nghiệp của những doanh nhân đều không trái với triết lý Phật giáo.

Vậy thì Phật giáo có ủng hộ việc kinh doanh hay không? Không những có, mà Đức Phật còn dạy 3 yếu tố giúp người doanh nhân đạt được tài sản rộng rãi và lớn mạnh; “đó là: người có mắt, người khéo phấn đấu và người xây dựng được căn bản. Người có mắt nghĩa là người kinh doanh biết rõ mình buôn bán thương phẩm gì, thương phẩm này sẽ được mua như vậy, bán như vậy, sẽ mang lại số tiền như vậy, tiền lời như vậy. Người khéo phấn đấu là người biết khéo léo trong việc mua và bán thương phẩm. Người xây dựng được căn bản nghĩa là người xây dựng được lòng tin, có được sự tin tưởng của những người xung quanh và những đối tác trong kinh doanh [1]”.

Ngoài các nguyên tắc trên, để vận hành phát triển doanh nghiệp thuận lợi, thì doanh nhân (Chủ) có thể áp dụng những triết lý Phật giáo vào trong đời sống, ứng xử và điều hành doanh nghiệp những điều sau đây:

–  Xác định mục tiêu

Phật giáo là một con đường có vô vàng phương tiện, nhưng đích đến cuối cùng vẫn là vượt qua khổ đau. Vì vậy, trong hoạt động hoằng pháp, hoặc trên con đường tu tập cần phải xác định rõ ràng mục tiêu và phương hướng trước khi đi vào thực hành. Việc xác định mục tiêu là để cho chúng ta nuôi dưỡng ý chíđồng thời loại bỏ những sự chi phối, tạp nhiễu tác động từ những điều kiện xung quanh trong quá trình đó.

Cũng vậy, để bắt đầu một công việc kinh doanh dù lớn hay nhỏ cũng cần phải xác định rõ mục tiêu. Việc thấy rõ các mục tiêu giúp các doanh nhân dự trù trước được các vấn đề sẽ gặp phải và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào. Hơn nữa, xác định được mục tiêu có lợi nhuận hay không? Có thích hợp với con người xã hội hay không? Có đáp ứng được nhu cầu hay không? Khi xác định mục tiêu rõ ràng chính xác thì việc tìm ra con đường đi đến mục tiêu càng dễ dàng và xác xuất đạt được mục tiêu đó càng cao.

Tuân thủ các nguyên tắc đạo đức

Đạo đức Phật giáo được thiết lập để hoá giải bạo động và xung đột (xung đột đời sống và xung đột tư duy). Mọi sự xung đột trong đời sống cũng bắt đầu từ lòng tham của con người; đặt biệt, đối với những vấn đề trong kinh doanh, lòng tham rất dễ phát sinh vì lợi nhuậnCon người có thể buôn bán, kinh doanh, làm những việc mang lại sự giàu có mà không quan tâm đến tính chất của công việc đó đúng hay sai.

Như trong Kinh Tăng Chi, “Đức Phật khuyên có 5 nghề buôn bán người nam, người nữ không nên làm: không buôn bán vũ khí, không buôn bán người, không buôn bán thịt, không buôn bán rượu, không buôn bán thuốc độc [2]”.

Đạo đức về sản phẩm: lẽ tất nhiên trong kinh doanh thì phải tính toán đến lợi nhuận tối đa, điều đó không có gì sai. Nhưng có một số doanh nghiệp chỉ nghĩ đến cách để đạt lợi nhuận càng nhiều càng tốt mà dẫm đạp lên đạo đức của mình, đánh mất lương tâm nghề nghiệp, bất chấp mọi sự tổn hại đến con ngườithiên nhiên và môi trường. Với tiêu chí lợi nhuận lên hàng đầu mà những người làm kinh doanh sẵn sàng cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất những chất liệu có hại đến sức khoẻ trong ăn uống hoặc trong sản xuất sản phẩm thì hạ chi phí (cost) thấp nhất có thể, dẫn đến sản phẩm kém chất lượng, tuổi thọ sản phẩm ngắn lại để doanh nghiệp có thể bán được nhiều sản phẩm hơn.

Vì vậyđạo đức kinh doanh theo triết lý Phật giáo là làm sao sản xuất có sự hài hoà giữa con người, sản phẩm và thiên nhiên; không ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, phát triển giống nói và kinh tế xã hội.

Đạo đức trong kinh doanh: thương trường là một môi trường khốc liệt, có thể nói nơi đó chỉ có sự hơn thua chứ không có tình cảm. Mọi ngành nghề lĩnh vực đều có thể cạnh tranh với nhau để cùng phát triển, nhưng cạnh tranh để thúc đẩy phát triển khác với sự canh tranh để tiêu diệt.

Đối với quan niệm của Phật giáo, một cá nhân muốn đạt được thành tựu mới thì phải biết học hỏi từ những thiện tri thức cùng với sự nổ lực của bản thân; cũng vậy, để doanh nghiệp phát triển hơn thì phải có một doanh nghiệp khác lớn mạnh hơn để cạnh tranh. Mỗi doanh nhân có thể từ bỏ cái tôi của chính mình và nhìn ra xa hơn để lấy lợi ích quốc gia xã hội làm mục đích; từ đó mỗi doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhau, giúp đỡ nhau, cạnh tranh với nhau thì lợi ích mang lại không chỉ giới hạn ở mỗi doanh nghiệp mà còn phát triển cả đất nước.

Tóm lại, trong kinh doanh cần phải tôn trọng khách hàng và đối tác của mình.

Nguyên lý Nhân – duyên – quả

Trên con đường tu tập hành giả luôn phải chú ý đến hạt giống mình gieo xuống; ngay lúc đó những nhân tố thiện đã có thì làm cho nó phát triển thêm, những hạt giống thiện chưa có thì làm cho phát khởi và những hạt giống bất thiện thì làm cho nó tiêu tan. Thấy rõ được nhân và sự trợ duyên thì con đường đưa đến quả vị thực sự rõ ràng.

Cũng vậy, trong những dự án kinh doanh người đứng đầu cần phải tư duy logic về nguyên nhân dẫn đến mục tiêu cuối cùng. Quá trình này giống như kỹ thuật đảo ngược để sâu chuỗi lại hành động đưa đến mục tiêu đã xác định. Thấy được thứ lớp thực hiện trong từng bước, cũng như khi trong doanh nghiệp gặp phải một vấn đề, thì cần phải truy tìm ra nguyên nhân đầu tiên dẫn đến vấn đề chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề đó triệt đểVì vậy, chuẩn bị một nhân tốt và duyên tốt sẽ có được quả tốt.

Hơn nữa, Đạo Phật luôn nhìn mọi sự hiện hữu của sự vật sự việc bằng con mắt nhân duyên, dù nhỏ như hạt bụi hay to lớn như vũ trụ cũng không nằm ngoài nguyên lý ấy. Thế nên, nếu một doanh nghiệp lớn mạnh, giàu có, phát triển người doanh nhân cũng đừng mang trong mình tâm lý tự cao và ngã mạnThực chất mọi thứ trên cuộc đời này điều là nhân duyên tác động qua lại để cùng tồn tạinếu không có người mua thì anh bán cho ai? Nếu người không có nhu cầu thì ai sẽ sử dụng? Vì thế, thay vì cho mình là một người đứng trên thiên hạ thì hãy nghĩ mình đang có nhân duyên đóng góp cho con người và xã hội.

Từ bi

Có một sự thật là giữa người làm chủ và nhân viên luôn có sự đối nghịch. Vì sao? Người chủ thì luôn suy nghĩ làm thế nào đó để giảm số lượng nhân viên xuống mức thấp nhất nhưng hiệu quả công việc vẫn cao hoặc làm sao đó để tận dụng (bóc lột) sức lao động của nhân viên một cách triệt để, tối đa nhưng vẫn có thể trả chi phí (lương) thấp. Ngược lại, người nhân viên luôn tìm cách để một ngày làm việc trôi qua thật nhanh, làm thật ít mà vẫn có thể nhận được đầy đủ, hoặc nghĩ làm sao để có thể lấy được tiền từ chủ mà không cần quan tâm đến công việc và sản phẩm mình làm. Với cách ứng xử đó, sự cảm thông hay sự đặt mình vào vị trí của người khác không bao giờ có, trong công việc không có sự cảm thông thì sẽ không có tình thương, như vậy hiệu quả trong công việc sẽ không cao và mang nhiều hệ luỵ. Vấn đề máu chốt ở đây không nằm về phía nhân viên mà chính là ở bên người chủ. Người chủ phải là người thấu tình đạt lý với nhân viên, phải có sự quan tâm đến họ chứ không phải bắt họ sống và làm việc trong một rừng nội quy là tốt đẹp; từ đó họ cũng sẽ biết trách nhiệm trong công việc của mình, họ cũng sẽ cảm thông được khó khăn mà mình (doanh nghiệp) gặp phải và cố gắng.

Một điều quan trọng nữa là người chủ đừng cho rằng mình là người có quyền thế, đừng cho mình to lớn, đừng cho mình luôn đúng, mà hãy lấy những nỗi niềm của người nhân viên làm nỗi niềm của mình, biết quan sát được cái khó khăn của những nhân viên của mình. Cũng giống như ý nghĩa của Viên Chứng thiền sư đã khuyên Vua Trần Thái Tông hai câu: “Dĩ thiên hạ tâm vi tâm, dĩ thiên hạ dục vi dục” nghĩa là “làm người đứng đầu thì nên lấy cái tâm của mọi người làm tâm của mình, lấy cái ý muốn của mọi người làm ý muốn của mình”. Trong doanh nghiệp, người đứng đầu chỉ nên lấy nội quy làm nề nếp chứ không nên lấy luật lệ để áp đặt nhân viên, tìm mọi cách để ràng buộc họ, làm như vậy cũng giống như chúng ta đấm vào quả bong bóng, nếu quá mạnh nó sẽ nổ còn quá nhẹ thì sẽ bị đàn hồi, như vậy không những bị phản tác dụng mà còn không mang lại hiệu quả.

Vì thế, đối xử với cấp dưới bằng sự cảm thôngcông bằng, hào phóng thì tự khắc mình sẽ nhận lại sự chân thành và tính tự giác của nhân viên, từ đó hiệu xuất công việc sẽ được tăng cao.

Xả

Xả về khía cạnh tài sản không có nghĩa là vứt bỏ hay từ bỏ tài sản mình làm ra, mà là dùng số ít tài sản của mình vào các công tác thiện nguyện xã hội. Hạnh buông xả khiến cho tâm keo kiệt, ít kỷ thu hẹp lại và tâm từ bị vị tha được rộng mở, làm cho phước báu của bản thân ngày một tăng lên. Nếu một doanh nhân có sự quán sát sẽ thấy rằng tài sản mình có được là nhờ vào 2 phần: khả năng của bản thân và sự ưu đãi của con người-xã hội. Vì vậy cần phải biết đóng góp vào xã hội bằng các công tác thiện nguyện rất thực tế như: xây cầu-đường, xây trường học, xây nhà tình thương, hỗ trợ các em khó khăn hiếu học, các trại mồ côi v.v. Tuy bên ngoài nhìn thấy những người nhận được lợi ích nhưng nếu chúng ta thực hiện bằng tâm hỷ xả thì người được lợi chính là mình. Những việc làm đó là một nhân tố tốt đẹp đem đến một phước báu nhân duyên rất lớn trong đời sống hiện tại và tương lai. Những công tác đó mang ý nghĩa lớn hơn rất nhiều so với việc hưởng thụ khoái lạc, làm những việc vô bổ phung phí để thoả mãn tính tham dục của mình; như vậy sẽ làm bản thân tổn phước và đời sống sung túc không được kéo dài, dẫn đến khổ đau.

Lời kết

Vai trò của người đúng đầu doanh nghiệp thật sự không dễ dàng, làm giàu nhưng không bị cái giàu đưa đến khổ đau và cảm thấy hạnh phúc lâu dài cũng là điều khó. Mỗi quyết định của mình có thể mang đến một hậu quả to lớn dù là đúng hay sai. Vì thế đòi hỏi doanh nhân phải cẩn trọng trong những suy nghĩ và hành động, đó là những thứ tự dẫn đến những kết quả đặc biệt mà doanh nhân mong cầu trong doanh nghiệp và trong đời sống. Tư duy và hành động có sự tương quan rất lớn, nếu người làm kinh tế không vận hành được sự tương quan đó đúng đắn thì dù là người giàu có về của cải vật chất cũng sẽ là người nghèo về tình thương, nghèo về hạnh phúc và nghèo về cảm xúc. Ngược lại, biết tô bồi cho đời sống nội tại và ngoại tại thì lợi ích mang lại sẽ vô cùng lớn cho cá nhân và xã hội; như Geshe đã nêu các quan niệm về sự tương quan như sau:

–        Để kinh doanh thành công và phát đạt về tài chính hãy gieo những dấu ấn này trong tiềm thức của bạn bằng cách duy trì sự hào phóng.

–        Để sống trong một thế giới hạnh phúc, hãy gieo những dấu ấn này trong tiềm thức của bạn bằng cách duy trì lối sống có đạo đức.

–        Để thấy mình hấp dẫn và khoẻ mạnh về thể chất, hãy gieo những dấu này trong tiềm thức của bạn bằng cách không nổi giận.

–        Để là một nhà lãnh đạo thành công trong đời sống lẫn trong kinh doanh, hãy gieo những dấu ấn này trong tiềm thức của bạn bằng cách khuyến khích những hành động có tính cách xây dựng và hữu ích.

–        Để có thể tập trung tâm ý một cách vững vàng, hãy gieo những dấu ấn về điều này trong tiềm thức của bạn bằng cách thực hành những trạng thái thâm sâu về tập định hay thiền định.

–        Để thấy mình thoát khỏi một thế giới trong đó các sự việc không vận hành theo cách mà bạn muốn, hãy gieo những dấu ấn về điều này trong tiềm thức của bạn bằng cách học tập những nguyên lý của khả năng tiềm ẩn và những dấu ấn tâm linh.

–        Để thấy mình có được tất cả những gì bạn từng mong muốn và cũng thấy những người khác có được tất cả những gì họ từng mong muốn, hãy gieo những dấu ấn này trong tiềm thức của bạn bằng cách nuôi dưỡng thái độ từ bi đối với mọi người [3].

Sẽ có hạnh phúc chân chánh khi mỗi người biết gieo hạt giống lành.

Tài liệu tham khảo

  1. 1.     Tăng Chi Bộ Kinh, Chương ba pháp, Phẩm người đóng xe, số 20.
  2. 2.     Tăng Chi Bộ Kinh, Chương năm pháp, Phẩm nam cư sĩ, số 177.
  3. Geshe Michael Roach, Năng Đoạn Kim Cương, Chương 7.

XEM NHIỀU