Nếu trong những lệnh ta đưa ra có việc không thật sự cần phải làm thì lệnh đã bị thừa, và cái thừa này làm ta tổn phước vì đã gây hao tốn công sức của đại chúng. Chẳng hạn sau mùa an cư, người lãnh chúng yêu cầu chư Tăng dọn lại ba con đường cho sạch, nhưng trong đó lại có một con đường không ai đi cả. Như vậy, lệnh đã bị thừa và làm phí phạm công sức của đại chúng nên phước của người lãnh chúng cũng bị hao tổn.
Tương tự, mệnh lệnh thiếu cũng đánh vào cái phước của người lãnh đạo. Ví dụ, vị trụ trì cho xây thêm một dãy bếp để dự phòng lúc lễ lộc. Đến khi xây xong, dãy bếp vẫn không đủ dùng nên người ta phải bày ra ngoài trời nấu thêm. Vậy mệnh lệnh đã thiếu, công việc sắp xếp không hợp lý, vị trụ trì cũng tổn phước.
Nhân quả này cũng giống như nhân quả của người phung phí vật chất: ai xài tiền không đúng chỗ thì phước cũng mất, sau này sẽ có lúc lâm vào cảnh chật vật túng thiếu tiền bạc; ai dùng nước hoang phí thì sẽ có lúc được mời về sa mạc khô khan…
Trí tuệ và bản lĩnh của người lãnh đạo là đưa ra một chỉ thị không được thừa cũng không thiếu.
TT. Thích Chân Quang.