Thứ Ba, 30/05/2023, 17:52 (GMT +7)
| Hà Nội,

Tiến tu làm người (Phần 3)

1

Người thiển cận sơ tâm nhìn vào một việc làm duy nhất thường cho đó là Quả, không nhận ra đó cũng chính là Nhân. Đừng bám vào danh xưng rồi chấp lấy ý niệm, sinh ra vọng tưởng, vọng thức. Như vậy, không phải là chánh kiến, chánh tư duy hay chánh niệm.

4. Tác nghiệp và thọ nghiệp

Tác nghiệp hay tạo nghiệp là Gieo Nhân dù lành hay dữ đóng vai chủ động khi thực hiện một việc làm theo ý nguyện của mình. Thọ nghiệp hay Thọ quả là Trả Quả dù lành hay dữ đóng vai thụ động khi nhận lãnh hiệu năng một việc mình đã làm. Khi thọ thiện quả thường gọi là hưởng phúc, khi thọ ác quả thường gọi là chịu tội, phải tội. Hưởng quả lành hay chịu quả dữ đều là thọ nghiệp.

Sự dùng danh xưng gọi là Nhân và Quả dễ đem lại ấn tượng thiên lệch cho rằng đó là hai việc làm riêng biệt khác nhau. Quán sâu hơn thì Nhân và Quả chỉ là một, sở dĩ có hai tên gọi khác nhau là tại nhìn vào một sự việc ở hai khía cạnh, hai vai trò, hai cương vị, hai giai đoạn khác nhau như sự phân loại đa dạng cái gọi là Nghiệp vừa liệt kê ở trên. Người thiển cận sơ tâm nhìn vào một việc làm duy nhất thường cho đó là Quả, không nhận ra đó cũng chính là Nhân. Đừng bám vào danh xưng rồi chấp lấy ý niệm, sinh ra vọng tưởng, vọng thức. Như vậy, không phải là chánh kiến, chánh tư duy hay chánh niệm.

Tiến tu làm người (Phần 2)

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Căn cứ vào pháp tướng như danh xưng, ý niệm thì có sự phân biệt giữa Nhân và Quả, giữa Tác nghiệp và Thọ nghiệp hay có sự phân loại các Nghiệp từ hai, ba đến bốn Nghiệp khác nhau.

Căn cứ vào pháp tánh tức pháp thể Chân Như thì những pháp tướng khác nhau đều quy về một bản thể. Đó là lý tương duyên tương nhiếp của vạn pháp, hiểu là pháp tướng. Đây là vạn pháp viên dung, cũng gọi là vạn pháp viên thông diễn ý không có pháp nào đứng riêng biệt một mình mà tất cả các pháp đều nương tựa vào nhau, có mối liên hệ hỗ tương kết lại với nhau. Người sơ tâm chấp vào sự phân biệt nên tách rời ra và không đạt tới chứng ngộ Pháp tánh Chân Như. Người thiện học quán sâu nhận thấy: Tu Phật mà chấp vào sở tri sở kiến tức pháp tướng thì chỉ nhìn thấy hình Phật, tượng Phật; Thiện hành Chánh pháp cần buông bỏ sở tri sở kiến tức ly tướng, kể cả tướng Phật thì mới chứng ngộ được pháp tánh Như Lai tức gặp được Chân Phật.

Một trường hợp dẫn chứng cụ thể: Một thanh niên nhà nghèo nhưng chăm chỉ học hành, gây dựng nên sự nghiệp và trở thành giàu có, sung sướng.

Người sơ tâm bình thường nhận thức cho đây là một trường hợp vận hên tốt số, Trời thương Phật độ. Người học Phật không chấp nhận suy nghĩ quá đơn sơ hời hợt như vậy vì lý do không thông suốt được vấn nạn: Tại sao người này có vận hên số tốt, Trời thương Phật độ mà không giống như nhiều người khác gặp vận xui số xấu, Trời không thương Phật không độ ? Tại con Người ở thế gian hay tại Trời tại Phật ?Người tín mộ Phật nhất tâm hành trì Chánh pháp quán sâu nhận thấy có ba nghiệp: Cảnh nhà nghèo, chăm chỉ học hành gây nên sự nghiệp và cảnh giàu có, sung sướng.

Cảnh nghèo, chịu đựng sự túng thiếu là Quả xấu báo ứng ở đời này, có thể do Nhân dữ đã gieo từ nhiều đời trước như ăn chơi phung phí, lười biếng. Đây cũng là Nhân tốt gieo ở đời này làm cho sinh tâm lập chí thoát khỏi cảnh nghèo.

Sự chăm chỉ lập nghiệp là Quả lành do Nhân tốt đã gieo ở đời này tức sự cam nhẫn cảnh nghèo quyết tâm lập chí gây nên sự nghiệp. Đây cũng là Nhân tốt dẫn đến Quả lành ngay ở đời hiện tại tức là sự giàu có sung sướng.Cảnh giàu có sung sướng là Quả lành do Nhân lành chăm chỉ gây nên, đồng thời lại là Nhân dẫn tới Quả sẽ báo ứng ở ngay đời hiện tại hay ở những đời sau. Quả này có thể lành trong trường hợp hành giả giữ vững tâm thiện làm lành tránh dữ, Quả này có thể dữ trong trường hợp hành giả ỷ vào sự giàu có đâm ra trụy lạc, ăn chơi trác táng, tâm thiện trở thành si mê tham đắm dục lạc, sự nghiệp sẽ tiêu tan, sống trong tiếc nuối phiền não.

Mặt khác, đây vừa là biệt nghiệp vừa là cộng nghiệp: Cảnh nghèo khó hay giàu sang cá nhân hành giả thọ lãnh, đồng thời thân nhân trong gia đình đều thọ chung.

Một nhận xét khác: Đây vừa là tập quán nghiệp vừa là tích lũy nghiệp không phải cực trọng nghiệp hay cận tử nghiệp. (còn tiếp). 

Bảo Thông

Nguồn:https://phatgiao.org.vn/

Chia sẻ:
Facebook
Twitter
WhatsApp
Email
Print

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TÌM KIẾM

ads-300x250