Kiên Giang: Phiên trù bị Đại hội Đại biểu Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh lần thứ VIII
Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh mình ra khổ. Hoặc cha mẹ không có tài nên mình bây giờ phải thua sút người ta. Mà không biết chính mình thọ nhận quả báo đời trước đã tạo nên mới sanh vào gia đình tương ưng như thế.
Cha mẹ chỉ là phần phụ thôi, gốc là bản thân mình. Như vậy thuyết luân hồi nói lên lẽ thực của kiếp người. Đức Phật đã thấy, đã nhớ rõ ràng nên nói ra cho chúng ta biết, chớ không phải do Ngài tự tưởng tượng.
Khi biết rõ kiếp luân hồi như vậy, ai can đảm tạo thêm những nghiệp ác để chịu khổ hơn? Cho nên chúng ta phải tinh tấn làm những điều lành, điều thiện. Nếu không làm cho ai, ít ra ta cũng giữ được phần mình, đừng phạm những giới đưa ta đi xuống. Đó là tu. Đức Phật thấy rõ sự nguy hiểm của luật nhân quả luân hồi nên chỉ cho mình đường lối tu, chớ không phải áp đặt mình làm gì.
Đi sâu vào tâm lý mỗi người, chúng ta sẽ thấy mình đã từng quen thuộc, ưa thích với những việc làm của thuở quá khứ. Có người ra đời thích làm lành, có người ra đời lại hung dữ. Mỗi người thích mỗi cách, đó là do sự tích lũy của quá khứ khác nhau. Quá khứ đã tích lũy sẵn nên bây giờ nó hiện ra nơi mình. Chúng ta kiểm lại xem, nếu do gien cha mẹ sanh ra là yếu tố duy nhất tạo thành những đứa con sau này, thì cha mẹ bệnh tật gì con cũng phải bệnh tật y hệt như thế. Có nhiều cha mẹ rất hiền nhưng con không hiền. Hoặc ngược lại cha mẹ dữ mà con lại hiền. Những sự khác biệt đó nhà Phật gọi là nghiệp tích lũy của quá khứ, chúng ta mang theo khi thọ sanh.
Thế thì muốn trên đường luân hồi mình đi đường tốt, không đi đường xấu phải làm sao? Thấy người đáng ghét ta nên xử sự thế nào? Nên nghĩ rằng họ có làm gì hại mình mà ghét. Ghét người như vậy là ta đã có ý nghĩ xấu rồi. Nếu tiếp tục nuôi dưỡng ý nghĩ này, sanh chuyện nói này nói kia với người ta là cái cớ để tạo thêm nghiệp.
Nhà Phật nói nghiệp từ thân, miệng, ý mà sanh. Nhưng thực ra ý chủ động tạo nghiệp. Miệng nói tốt xấu cũng từ ý, thân làm tốt xấu cũng từ ý. Ý là nói chung cho tất cả những phân biệt thương ghét, buồn giận, hơn thua, phải quấy… đều là ý nghĩ của mình. Chúng ta sống chạy theo những ý nghĩ đó là chạy theo nghiệp. Bởi có ý nghĩ xấu nên mình mới nói bậy, làm bậy. Do ý nghĩ tốt nên ta mới nói lành, làm lành.
Khi thân này hoại thì nghiệp không hoại, vì nó đâu có tướng mạo mà hoại, nên sẽ theo ta thọ sanh ở đời sau. Nhà Phật gọi là mang nghiệp đi trong luân hồi sanh tử. Vậy muốn chấm dứt nghiệp phải điều phục được chú “ý” này. Ý lặng được rồi thì tâm định, tâm định mới không đi trong vòng lục đạo nữa. Cho nên nói đạo Phật là đạo giải thoát. Giải thoát là dứt hết những mầm tạo nghiệp hoặc thiện hoặc ác để đi trong sanh tử.
Muốn biết có luân hồi hay không, chúng ta cứ nghiệm trong tâm niệm của mình sẽ rõ. Cha mẹ sanh thân được mà không thể sanh tâm niệm của mình. Như vậy tâm niệm đó từ đâu ra? Do sự tích lũy của đời trước. Nhiều vị ngạc nhiên, tại sao người đó còn nhỏ mà không chịu ăn mặn? Có kẻ cha mẹ khuyên ăn chay thì ăn không được, một ngày cũng không ăn nổi. Đó là do tích lũy từ trước, bây giờ gặp lại thấy quen, thấy thích, chớ không phải bỗng dưng mà có.
Tích lũy tức là những gì đời trước mình đã từng làm từng huân tập. Đời này trở lại những thứ tích lũy đó không mất. Vì vậy trong kiếp luân hồi chúng ta theo nghiệp mình đã tích lũy, chất chứa mà hiện ra thành tính cách cá biệt của mỗi người. Nên nói đến luân hồi chúng ta cứ nhìn lại nội tâm mình thì biết ngay. Tại sao người đó chưa quen thuộc gì hết mà mình thấy dễ thương, hoặc kẻ kia cũng chẳng quen thuộc gì hết mà mình thấy phát ghét. Đâu có trả lời được. Tại vì chúng ta không nhớ nổi, nên nói không biết tại sao kỳ vậy. Thật ra do nghiệp tích lũy của quá khứ chiêu cảm nên.
Đức Phật do tu mà chứng biết nên nói ra như vậy, chúng ta không thấy là vì chưa đủ trí tuệ. Bao giờ mình tu được như Phật cũng sẽ thấy biết như Ngài. Trong kinh kể lại Tôn giả Mục Kiền Liên khi chứng A-la-hán rồi, một hôm Ngài đi trên đường thấy có loài quỷ đầu rất to, bụng lại nhỏ xíu thân thể ghê gớm lắm. Ngài về thuật lại với Phật, Phật nói ta cũng thường thấy chúng, nhưng nói không ai biết nên ta không nói. Những ai tu tới đó, chứng tới đó đều thấy như nhau, chớ không phải chỉ riêng Phật thôi.
Nhiều người bảo những gì mắt thấy tai nghe tôi mới tin. Nhưng mắt mình chắc gì thấy được tất cả mọi cảnh giới. Cái thô thì thấy, cái tế không thấy. Như vi trùng nếu không nhờ kính hiển vi làm sao con người thấy được? Đem con mắt phàm phu so sánh với con mắt Thánh nhân thì thật là quá thô thiển. Cho nên chúng ta không nên tin vào con mắt còn rất hạn chế của mình. Có những cái hiện thực mà mình chưa thấy, chưa hiểu được.
Phật dạy chúng ta phải chọn đường mà đi, sao cho hiện đời được an ổn và mai kia cũng an ổn. Đó là tu. Chúng ta tự kiểm điểm lại bản thân, xem hiện giờ mình đã thực hiện được những gì Phật dạy, xứng đáng đi đường nào? Như vậy tự biết mai kia khổ hay vui rồi, đâu cần phải hỏi ai. Phật tử có bệnh cứ thắp nhang cầu Phật độ cho con đời sau được sung sướng, hết khổ, mà cứ tạo nghiệp ác, làm sao Phật độ được?
Quý thầy, quý cô ở chùa vì quyết tu giải thoát nên phải tập ngồi thiền hoặc niệm Phật cho được nhất tâm. Nhất tâm thì đâu còn nghĩ bậy, đó là nhân giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Quý Phật tử không theo đạo Phật thì thôi, đã theo thì phải nắm vững đường lối Phật chỉ dạy, tu cho đúng. Phải chọn con đường hợp với khả năng của mình, từng bước tu tập theo lời chỉ dẫn của Phật. Có thế mới không sợ ngày mai đường trước tối tăm, không biết lối đi.
Việc này nói thì mau mà hành rất lâu. Chúng ta cần phải phát tâm dũng mãnh, bền bỉ thực hành cho tới bao giờ thành tựu mới thôi. Chúc tất cả quý vị đều được mau chấm dứt khổ luân hồi sanh tử.
Hòa thượng Thích Thanh Từ
Kiên Giang: Phiên trù bị Đại hội Đại biểu Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh lần thứ VIII
Huế: Sẽ thành lập Ban Trị sự GHPGVN 2 quận mới Phú Xuân và Thuận Hóa trong năm 2025
Tiền Giang: Ban Trị sự Phật giáo TX.Cai Lậy tổ chức Hội nghị Tổng kết Phật sự năm 2024
TP.HCM: Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN họp giao ban và triển khai các hoạt động Phật sự