Tôi xin gửi lời chào buổi chiều an lành tới quý vị. Trong một tiếng vừa qua, chúng tôi cử hành khóa lễ cầu nguyện đức Phật A di đà, để cầu nguyện tới chư hương linh, đặc biệt những hương linh đã bị thiệt mạng trong đại dịch Covid vừa qua. Tiếp tới là khóa lễ Changwa, chỉ đường cho hương linh, bởi nhiều hương linh đã mất có thể vẫn còn đang hoang mang sợ hãi, vẫn còn kẹt trong cảnh giới trung ấm hay cô hồn ngã quỷ.
Đôi khi các vị còn quanh quẩn xung quanh chúng ta, những người đang sống. Các vị có thể còn đang ở trong trạng thái tâm hoảng hốt, sợ hãi, không biết phương hướng, không biết đường đi. Bởi vậy trong khóa lễ này, với tên, bài vị và ảnh của các vị đặt phía trên, chúng ta sẽ cầu nguyện để hướng đạo cho chư hương linh, chỉ cho các vị thấy một con đường đi, chỉ cho họ một con đường tái sinh an lành hơn. Lúc này chư hương linh ở trạng thái rất hoang mang, họ cô đơn, không biết nương tựa vào đâu. Bởi vậy chúng ta là những người còn đang sống, chúng ta cần giúp đỡ các vị, hãy nỗ lực kêu gọi tên, bài vị các vị để họ có thể đến đàn tràng, để thông qua lời trì tụng trong nghi quỹ sẽ chỉ cho các vị con đường, để biết rõ đường tái sinh an lành. Vì lúc này đây nhiều vị bị nhiều những tư tưởng bất thiện cuốn trôi, khiến không thể làm chủ tâm thức mình, khiến các vị không thể tìm được một con đường tốt để tái sinh. Đặc biệt với những người lúc sống chưa từng thức hành Phật pháp thì lúc này các vị càng cần sự hỗ trợ của chúng ta. Bởi vậy lúc này chúng ta hãy nhất tâm hướng tới chư hương linh. Trong khóa lễ, sẽ dần hướng đạo cho các vị những con đường tốt lành để có được những tái sinh an lành. Đó là ý nghĩa khóa lễ này.
Cái chết là một hành trì rất khó khăn, rất đau khổ mà chúng ta ai rồi cũng phải đi qua. Chúng ta không có một chọn lựa nào khác. Trong cuộc sống, mỗi loài hữu tình, đặc biệt tôi muốn nói tới loài người, tất cả chúng ta sinh ra, rồi ai sớm muộn cũng phải ra đi. Đó là một hành trình vô cùng khó khăn, có thể là hành trình đau khổ nhất trong cuộc đời chúng ta. Từ nhỏ tới lớn, chúng ta phải trải qua nhiều hành trình như đi học, lập gia đình, sinh con, quá trình bắt đầu sự nghiệp, phát triển sự nghiệp… Tất cả mỗi hành trình đều có những khó khăn riêng, nhưng có lẽ đáng sợ nhất, khổ đau nhất có lẽ chính là hành trình về cái chết. Mà hành trình này chúng ta ai cũng phải qua, không có quyền lựa chọn. Chúng ta không thể nói rằng: “Tôi sẽ không thể chết”. Cho dù chúng ta không muốn, nhưng cái chết vẫn sẽ tới. Tuy nhiên trong đời sống hiện tại, ta không bao giờ nghĩ tới cái chết. Chúng ta không bao giờ nhớ rằng mình sẽ chết. Ta không bao giờ nghĩ tới vô thường nhưng trên thực tế từng giây, từng phút ta đang già đi, từng giây, từng phút ta vẫn đang tiến tới cái chết. Cho dù không bao giờ muốn nhắc tới cái chết, hễ nhắc tới thì ta lại cho là điều bất tường. Trong gia đình không ai được phép nhắc về cái chết, không ai muốn nghe hay nói tới nó. Nhưng trên thực tế cái chết sớm hay muộn vẫn cứ tới. Dù chúng ta cố tình ngó lơ, không nghĩ tới nhưng cuối cùng tất cả chúng ta, không ngoại trừ bất kỳ ai đều phải đối mặt với nó. Đối mặt mà không có sự chuẩn bị nào bởi ta hoàn toàn không bao giờ tin rằng mình sẽ chết. Bởi vậy là người con Phật, chúng ta cần biết chuẩn bị hành trang cho mình, dù chúng ta trẻ hay già, học vấn cao hay thấp, giàu hay nghèo, nam nay nữ, tất cả chúng ta sẽ có một ngày phải ra đi. Chúng ta một ngày phải dối mặt với hành trình gọi là cái chết. Đó là cái ta không hề mong muốn. Đừng để khi ra đi, chúng ta ra đi với hai bàn tay trắng mà chúng ta phải biết chuẩn bị tư lương cho chính mình. Bởi vậy một người Phật tử thường phải nhắc mình quán chiếu về vô thường, thường nhắc mình rằng từng giây phút ta đang già đi, từng giây phút ta đang tiến tới cái chết. Để một ngày ta sẽ thực sự phải bước vào tiến trình chết. Thiền quán về vô thường và sự chết là chìa khóa vô cùng quan trọng để nhắc nhở ta trân trọng cuộc sống, ứng dụng thời gian vào sự thực hành Phật pháp.
Bởi vậy hôm nay trong nghi quỹ này ta cầu nguyện cho chư hương linh, đặc biệt là hương linh đã bị bỏ mạng trong đại dịch Covid vừa qua, bên cạnh đó chúng ta cần tự thức nhắc mình rằng, chúng ta một ngày cũng sẽ phải ra đi, một ngày nào đó ta cũng phải đối mặt với cái chết. Hôm nay người này có thể ra đi nhưng chúng ta không thể chắc ngày mai sẽ thế nào đối với chúng ta. Đối với chúng ta, chúng ta không có quyền chọn! Chúng ta có một người bạn đi đất nước nào đó, chúng ta có quyền từ chối không đi. Nhưng với cái chết, chúng ta không có quyền lựa chọn đó. Chúng ta sớm muộn cũng phải ra đi! Không ai có thể đảm bảo chăc chắn năm năm, mười năm hay bao năm nữa mình phải ra đi. Không ai có thể khẳng định mình tồn tại trên cuộc đời này bao lâu. Dù ta còn trẻ hay lớn tuổi, dù giàu sang hay nghèo nàn thì cái chết là chắc chắn nhưng thời điểm chết không ai có thể biết trước được. dù các vị rất giàu có, có rất nhiều tiền. Nhiều tiền quý vị có thể mua mọi thứ nhưng ta không thể trả tiền cho thần chết để mình thoát chết. Dù một ông vua, hay một tỷ phú, một người giàu nhất thế giới này thì họ cũng phải chết. Họ không thể dùng tiền để tránh được nó. Bởi cái chết không ai có thể tránh được. Và hành trình chết thì vô cùng đau khổ, vô cùng khó khăn. Ngày hôm nay trên bài vị kia có bao tên ảnh của chư hương linh, các Phật tử hãy nhắc mình có thể ngày mai, vài ngày nữa có thể là của chính mình. Hãy nhắc nhở mình đối mặt với vô thường, đối mặt với sự chết, thay vì sống ngó lơ sự chết, chúng ta hãy biết chuẩn bị hành trang tư lương để ta có thể đối mặt cái chết một cách tự tại, không hề sợ hãi. Đó là điều tôi nhắc nhở quý Phật tử trong khi chúng ta cầu nguyện cho chư hương linh.
Là một người con Phật chân thật, chúng ta tu tập Phật pháp, chuẩn bị tư lương, hành trang cho cái chết, chuẩn bị tư lương cho đời sau của mình, không phải lúc nào cũng nghĩ chỉ những việc ở đời này. Là người thực hành Phật pháp, chúng ta không bao giờ chỉ nghĩ về đời này. Nhiều người tu hành chỉ để cầu giàu có, tu tập Phật pháp chỉ cầu thành công cho đời này. Điều này là sai mục đích vì chư Phật, chư Bồ tát có mặt trên cuộc đời với mục đích để chỉ đường cho ta biết con đường lành để đi, không chỉ đời này mà vô lượng kiếp sau ta có tái sinh tốt. Đó là mục đích, tâm nguyện của chư Phật, chư Bồ tát. Các ngài không hiện diện ở cuộc đời này để mang thành công, sự giàu có ngắn hạn trong một đời, mà tâm nguyện các ngài là muốn chúng ta vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi khổ đau. Chúng ta may mắn đang trong kiếp người. Ta có được thân người quý giá trong đời này, ta có đủ mọi thứ, đủ thực phẩm để ăn, các phương tiện để sống, ta có tự do thức hành Phật pháp. Bởi vậy là một Phật tử, hãy cố gắng nghĩ về hành trình tương lai. Cho dù chúng ta thực hành Phật pháp, thực hành các nghi quỹ Tara, Ngondro, tất cả là để ta tích lũy tư lương cho hành trình dài nhất của kiếp người, cho hành trình độc lộ chỉ một mình trên hành trình này. Hãy biết chuẩn bị những tư tương cho mình, đừng chỉ nghĩ tới đời này. Tôi thấy nhiều người chỉ mong những việc đời này, suốt ngày họ chỉ mong cầu tiền bạc, của cải, hạnh phúc giả tạm. Tôi thấy thật đáng tiếc. Thật là vô minh. Đạo Phật dạy kiếp người vô cùng quý giá, bởi chỉ có trong thân người, ta mới có cơ hội lắng nghe giáo pháp, chỉ trong thân người chúng ta mới có cơ hội thực hành giáo pháp và chỉ trong thân người, ta mới có cơ hội chuẩn bị hành trang, tư lương cho đời sau, cho hành trình cái chết. Hãy nhìn xung quanh ta, những loài động vật, loài chim, loài chó, chúng không thể chuẩn bị gì cho đời sau, không biết chuẩn bị cho cái chết. Chúng hoàn toàn vô minh không biết thực hành Phật pháp. Còn chúng ta là con người, biết tư duy, chúng ta cần chuẩn bị tư lương cho đời sau của mình, để khi đối mặt cái chết, ta sẽ vô úy, sẽ ra đi một cách an lành tỉnh thức. Đó là kết quả của hành giả thực hành Phật pháp. Kết quả của người thực hành Ngondro, Tara. Khi chúng ta ra đi, chúng ta đối mặt một cách nhẹ nhàng, tỉnh thức, không bị chìm trong khổ đau sợ hãi. Có nhiều vị thực hành Ngondro, nhưng do không hiểu đúng, nên khi chết họ rơi vào hoảng hốt, khó khăn. Đó là sự thực hành chưa đúng. Bởi vậy quan trọng cho chúng ta, hãy quán chiếu về vô thường và sự chết. Hãy quán chiếu để khi đối mặt với cái chết, ta hoàn toàn vô úy, tự tại, nhẹ nhàng ra đi không sợ hãi, như vậy ta mới là người thấu hiểu giáo lý vô thường mà đức Phật truyền trao.
Chúng ta là loài người. Lẽ ra là con người, chúng ta phải có trí tuệ, có tình thương yêu nhất, trở thành người thiện lành nhất trong xã hội nhưng chúng ta lại thường không như vậy. Chúng ta thường sống ngược bản tính của con người, chúng ta làm hại chúng sinh, sống bất thiện với mọi người xung quanh. Tại sao lại như vậy? Bởi vì ta không quán vô thường, ta không tin rằng mình sẽ chết, nên ta không biết trân trọng từng giây phút ta có mặt trên cuộc đời này. Vì ta không trân trọng nên ta dễ tức giận, hận thù. Do ta không hiểu về vô thường. Nhờ hiểu biết về vô thường, chúng ta sẽ biết trân trọng từng giây phút, nếu ta biết trân trọng và tri ân thì cuộc sống ta đang có trở thành suối nguồn của hạnh phúc. Vợ hay chồng nếu ta biết trân trọng họ thì họ trở thành cội nguồn hạnh phúc. Vì ta không nhớ vô thường nên mọi thứ xung quanh dễ trở thành nhân cho những bực tức, hận thù. Chỉ vì những việc rất nhỏ nhưng ta cũng dễ tức giận. Chỉ một câu trả lời đúng hay sai, có hay không, ta cũng dễ dàng tức giận. Đó là vì không biết trân trọng nhau, không biết hài lòng về đời sống. Chúng ta hãy nhìn xem trong vài năm dịch bệnh Covid, có bao người mất đi người thân của mình. Ngay ở Ladakh cũng vậy, chúng tôi đã gặp có những đứa trẻ mất cả cha mẹ, anh em. Chúng còn quá ngây thơ, chúng không chuẩn bị cho những điều này xảy ra. Bởi vậy ta phải luôn biết sống trong sự trân trọng, có thể ta chỉ còn ở bên nhau vài ngày, vài năm nữa. Trong thời gian ấy mỗi người phải nỗ lực đem lại bình an cho nhau. Hãy quán chiếu tường tận về vô thường, có thể ngày mai người mẹ của ta cũng phải ra đi, rồi người cha của ta có thể cũng phải ra đi, anh em thân bằng quyến thuộc phải ra đi một ngày nào đó. Khi ta hiểu đó là quy luật cuộc sống, chúng ta cần biết trân trọng mỗi giấy phút mình đang có, để sống thương yêu, giúp nhau, không đem hận thù cho nhau. Việc quán chiếu vô thường giúp ta không bị tức giận với cuộc sống. Chẳng hạn như: Trởi mưa là quy luật thiên nhiên, trời nắng cũng là quy luật thiên nhiên. Nắng hay mưa là quy luật bởi vậy ta không bị phiền muộn bởi những thứ bên ngoài tác động. Cũng như vậy, quán chiếu vô thường, ta thấu hiểu rối sớm muộn người thân của ta cũng phải ra đi, ai ai rồi cũng phải ra đi. Khi ấy ta sẽ không hoảng hốt hay sợ hãi bởi đó là quy luật chung cho tất cả mọi người. Chúng ta chuẩn bị kỹ hơn cho hành trình tương lai của mình. Và trong hiện tại, ta sống tương thân, tương ái với tất cả mọi người bên mình, với những gì mình đang có. Đó là ý nghĩa sự quán vô thường. Bởi vậy khi ta tham dự khóa lễ cầu nguyện cho chư hương linh, trước khi có thể giúp hương linh thì chính ta phải có đủ năng lực, đủ sự tỉnh giác bên trong. Trước giúp hương linh bằng những lời cầu nguyện, chính chúng ta cần vững chãi, cần hiểu biết rõ ý nghĩa vô thường, để mới có thể cầu nguyện cho chư hương linh, để mọi người có thể hiểu, để mình phải có một trạng thái tâm vững chãi, có năng lực đối mặt với vô thường thì mới lợi lạc cho hương linh.
Và giờ phút này, tôi xin mời Phật tử hướng lòng mình tới những hương linh đã mất trong dịch bệnh vừa qua, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh. Dù đó có phải là người thân hay không phải người thân của mình thì cũng đều bình đẳng như nhau, bởi theo lời dạy của đức Phật, chúng ta từng tái sinh cuộc đời này rất nhiều lần, bởi vậy tất cả chúng sinh, ai cũng từng là cha mẹ của chúng ta trong nhiều đời. Họ từng thương yêu chúng ta như cha mẹ hiện đời. Bởi vậy ta hướng tâm mình cùng cầu nguyện hay tất cả hương linh đã mất trong dịch bệnh Covid hay chư hương linh đã mất trong thiên tai, chiến tranh hay cầu nguyện tới thân nhân của ta đã mất. Chúng ta hướng lòng mình cầu nguyện, dù ta có từng biết họ hay không trong đời này thì chúng ta hãy hướng năng lượng lời cầu nguyện chúng ta. Chúng tôi sẽ cử hành nghi quỹ Changwa. Các Phật tử có thể cầu nguyện danh hiệu, chân ngôn đức Phật A di đà trong thời khóa mà chúng ta đang cử hành, đồng thời với đó hãy luôn ghi nhớ về vô thường và cái chết, hãy đừng quên rằng bản thân mình sẽ có một ngày cũng phải ra đi. Hãy thiết tha chuẩn bị tư lương cho hành trình tâm linh của mình. Hãy thiết tha hướng tới chư hương linh, xin hãy nhất tâm cầu nguyện với với Bồ đề tâm của mình. Tôi xin gửi lời trân trọng cảm ơn quý Phật tử đã lắng nghe.
Dịch giả: ni sư Thích Thanh Tịnh