Thứ Bảy, 03/06/2023, 04:13 (GMT +7)
| Hà Nội,

Thực giải 30 bài tụng Duy thức (28)

1

Nối theo bài 27, nếu trí tuệ còn vướng kẹt vào đối tượng, ngoại cảnh, còn tự cho là có chứng, có đắc là chưa thật trụ trong Duy thức.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bài 28. Trí tuệ Vô đắc

Phiên âm Hán Việt: 

Nhược thời ư sở duyên

Trí đô vô sở đắc

Nhĩ thời trụ Duy Thức

Ly nhị thủ tướng cố.

Việt dịch: 

Nếu khi đối sở duyên

Trí không còn sở đắc

Mới thật trụ Duy Thức

Vì đã lìa hai thủ

Thực giải: 

Nối theo bài 27, nếu trí tuệ còn vướng kẹt vào đối tượng, ngoại cảnh, còn tự cho là có chứng, có đắc là chưa thật trụ trong Duy thức. 

Trí tuệ nhìn thấu, không kẹt, không vướng, không chấp vào sở duyên khi xúc cảnh, cả sự thành tựu, chứng đắc gọi là trí vô sở đắc.

Chấp trước, dính mắc, vướng kẹt vào chủ thể và đối tượng; chấp cái ta và cái của ta là một trong những trở ngại lớn nhất trong tiến trình tu đạo hướng tới giải thoát giác ngộ.

Nói gần hơn ý niệm chấp cái ta, cái tôi, cái của tôi, tôi hay, tôi giỏi, tôi là chuyên gia, tôi là giáo sư, tôi đẳng cấp cao..là trở ngại lớn nhất trong quá trình hoàn thiện nhân cách đạo đức trí tuệ của con người. 

Bài này nói về Vị thứ 3 thức Thông Đạt Vị. Đây là vị Kiến Đạo ( thấy đạo) của Bồ Tát. Nói thông đạt là thấu rõ như thật về lý Năng Sở đều không, Vô ngã. Chúng sinh trong lục đạo vị vọng tưởng vô minh điên đảo, hay cố chấp, tham dục, dính mắc nên tạo nhiều nghiệp ác chịu trầm luân trong luận hồi khổ đau bất tận. Khi hành giả tu đến Thông Đạt vị tức vị Kiến Đạo thành tựu Vô phân biệt trí, đầy đủ Căn bản trí và phát khởi Hậu đắc trí thể nhập  Vô ngã thấu suốt Nhị không ( nhân, pháp đều không). 

Về hai tướng năng thủ và sở thủ túc chấp vào chủ thể và đối tượng đã được đề cập chi tiết ở các bài trước.

Ở đây nhấn mạnh tinh thần không có sở đắc (vô đắc) và trí tuệ vô đắc. Trí tuệ không có sở đắc là loại trí tuệ siêu việt. Trí vô sở đắc mới là thật trú trong Duy thức. 

Vô đắc là chân lí vô cùng quan trọng trong tiến trình tu tập thành tựu giác ngộ giải thoát. Không thấu triệt chân lí này thì công phu tu tập, trí tuệ không thể tiến xa. 

Tu học theo Duy Thức khi đã vượt qua năng thủ và sở thủ, an trụ, sống trong thế tánh Duy Thức, trí tuệ không còn có chỗ sở đắc tức vô sở đắc trí. Nói an trụ trong thế tánh Duy thức là khi đã hoàn toàn xa lìa hai tướng Năng thủ và Sở thủ thì mới thật sự đã an trụ, thể nhập thật tánh Duy Thức. 

Có thể hiểu một đặc tính của Vô sở đắc trí là trí tuệ không kẹt, không vướng, không chấp, không dính mắc vào bất cứ thứ gì trên đời.

Chỉ nói ở mức độ con người bình thường, ai càng bớt cố chấp, càng ít chấp thì càng sống được an lạc tự tại thảnh thơi và hạnh phúc. 

TS.Thích Hạnh Tuệ

Nguồn:https://phatgiao.org.vn/

Chia sẻ:
Facebook
Twitter
WhatsApp
Email
Print

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TÌM KIẾM

ads-300x250