Thứ bảy, 06/07/2024 03:12:40 (UTC+7) 354,768,989,898

Tại sao phát tâm phóng sanh mà bị đọa vào cảnh khổ

Trong đạo Phật, phóng sanh là một phương tiện để tu tập, thể hiện tâm từ bi. Về mặt tướng, Phật dạy mình đừng có cùm kẹp mà để cho các loài vật được tự do. Còn về nghĩa bóng, phóng sanh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, cái tâm hơn thua, cái tâm thù hận… ra khỏi con người mình. Tuy nhiên khi thực hành tâm từ bi thiếu sự hiểu biết khiến kết quả ngược lại.

Có người Phật tử, lúc còn sống hay làm việc thiện, lại hay phát tâm phát tâm phóng sanh, mỗi tháng kêu gọi những người quen góp tiền

phóng sanh có khi đến hàng chục triệu. Khi mãn báo thân xuống địa phủ gặp Diêm Vương, Diêm Vương nghiêm mặt hét lớn Cô kia: “Lúc còn sống, người làm nhiều điều ác. Nay ta phạt người phải đầu thai làm cá 1000 kiếp”.
Cô trả lời: Thưa Diêm Vương, lúc còn sống tôi làm nhiều việc thiện, hàng tháng thường phát tâm, còn kêu gọi mọi người cùng phóng sanh. Nay tại sao Ông lại nói tôi làm nhiều điều ác?”
Diêm Vương: nghe nói xong tức giận, hét lớn: “Truyền nhân chứng vào đây”.

Vừa nói xong hàng vạn cô hồn vất vưởng được triệu tới, ai nấy mặt hầm hầm sát khí nhìn Cô ta. Vừa đến nơi các vị ấy chỉ mặt mà nói: “Khi xưa ta là những chú cá đang bơi lội dưới sông suối, ấy thế tự nhiên người lại kêu tụi đánh bắt cá thả lưới bắt tôi lên, người chúng ta bị quấn vào lưới đau không chịu nỗi. Đã thế tụi nó không tha cho chúng tôi thả vào thau chỉ cho có chút nước. Chúng tôi phải đè lên nhau từ 12 khuya sáng. Có một số chịu không nỗi đã chết, một số còn lại cũng ngất ngư vì không có khí mà hô hấp. Diêm vương ơi! Đã thế họ còn để chúng con lên chiếc xe, chạy 4-5 cây số. Hỏi chúng con có nhừ như tương không? Đến nơi thì số chúng con cũng chết, số còn lại cũng chỉ thoi thóp. Đau hơn nữa, mọi người tụ tập lại chờ nhau giữa trưa hè nắng nóng. Đến khi đông đủ, ông sư và mấy người đó gõ mõ tụng kinh gần cả tiếng trời. Sau đó, họ mới thả tụi con xuống dưới nước, có người đứng trên cao thả xuống, có người đứng dưới thấp thả, nhưng đến khi được thả xuống nước, lúc đó chúng con dường như đã chết rồi. Số còn sống, hoặc là kiệt sức bơi hết nổi, hoặc là mắc cạn rồi cũng chết. Mà nhiều khi còn nực cười thay, chúng con là cá ở sông, thì họ lại thả ra biển, nước mặn chát, chúng con chịu làm sao nổi. Nay chúng con đối trước Diêm Vương xin hãy trả lại công bằng cho chúng con”.

Diêm Vương nghe xong, nhìn cô bảo: “Tâm từ bi người rất tốt, nhưng do thiếu sự hiểu biết mà người làm không đúng cách khiến kết quả ngược lại. Ta còn chưa nói đến người đã tạo cho những người đánh cá, nuôi chim tạo thêm nhiều nghiệp ác. Nay ta phán người đầu thai làm cá 1000 kiếp để người răn đè người ở trần gian”.

Đôi điều chia sẻ: 

Chúng ta thường nhắc nhiều đến phóng sanh, khuyên nhau nên phóng sanh, làm việc thiện để hưởng phước. Tuy nhiên, hiểu cặn kẽ về phóng sanh và cách phóng sanh thì không hẳn là số đông.

Vào những dịp lễ lớn trong năm như Tết Nguyên Đán, Rằm tháng Giêng, Tết ông Táo, Rằm tháng bảy âm lịch,… rất nhiều người tham gia vào hoạt động phóng sanh. Theo cách hiểu thuần túy nhất của số đông, phóng sanh chính là làm việc thiện và người làm sẽ được tích đức, nhận lại nhiều may mắn. Tuy nhiên, qua thời gian, cách phóng sanh cũng dần biến tướng, cho thấy những mặt tiêu cực, không phản ánh đúng bản chất của hoạt động này. Không phải cứ phóng sanh là nhận phúc báu, phải nắm rõ bản chất và cách thức, nguyên tắc thực hiện.

Để biết rõ hơn về phóng sanh cũng như cách phóng sanh đúng, cùng theo dõi các thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây.

PHÓNG SANH LÀ GÌ?

Phóng sanh, trước hết là một việc thiện lành để tích góp công đức, hoàn thiện tư lương của con người trên hành trình giác ngộ, giải thoát về mặt nhận thức tâm linh. Về mặt hành vi, phóng sinh chính là hành động phóng thích, giải thoát những loài sinh vật khác khỏi sự giam cầm, ràng buộc hoặc thoát khỏi tình trạng bị đe dọa đến tính mạng, như: bị giam nhốt trong những chiếc chậu, lồng, nhà giam hoặc là đang bị tra tấn hành hạ, hoặc sắp bị giết chết,… (theo quan niệm của người phương Đông)

Trong quan niệm của nhà Phật, phóng sanh sẽ mang lại nguồn phúc đức dồi dào, người phóng sanh (làm việc thiện) sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi, giảm bớt nghiệp quả do chính mình tạo ra.

Vì vậy, phóng sanh là một việc làm được nhiều người áp dụng, khuyến khích nhau cùng thực hiện bởi tính nhân văn. Bất kể ai phóng sanh cũng mang trong mình niềm tin về việc nhận lại được phước lành.

Ở một cách nhìn khác, phóng sanh còn được hiểu là sự phóng thích những yếu tố đen tối, ô uế ở trong chính cái tâm của mình, gạt bỏ đi lòng tham, đố kỵ, ích kỷ, hơn thua, sân si và thù hận,… trả lại sự tự do, thiện lương cho tâm hồn.

Phật giáo dạy rằng, phóng sanh đồng nghĩa với nuôi dưỡng tâm từ bi, yêu thương với mọi loài chúng sanh, tăng phước đức cho bản thân, gia đình và con cháu đời sau của mình. Tu tập thường phải giữ gìn 5 giới, bao gồm việc không sát sanh, nếu kết hợp được với phóng sanh thì phước báu sẽ tăng thêm bội phần.

Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHÓNG SANH

  • Phóng sanh chính là biểu hiện của lòng từ bi, đức hiếu sinh, tình yêu thương muôn loài, xem sự sống của vạn vật như chính mạng sống của mình.
  • Phóng sanh như một hình thức của sám hối, giáo dục thế hệ con cháu, biết “từ – bi – hỷ – xả” để yêu thương mọi vạn loài chúng sinh, có nhận thức cao hơn về chân thiện mỹ.
    Phóng sanh là một biểu hiện của nét đẹp văn hóa, thể hiện lối sống vị tha, nhân bản, sợi dây gắn kết đầy yêu thương giữa con người với thế giới loài vật xung quanh.
  • Giải oán thù: chúng sinh rơi vào tay chúng ta là để trả món nợ cho ta, nhưng thay vì sát hại để trả thù, ta chọn cách giải thoát, cho chúng thêm 1 cơ hội sống, nghĩa là xóa bỏ mọi thù hận, không còn tương báo với chúng nữa.
  • Gieo thêm một nhân lành: phóng sinh nhắc nhở chúng ta cố gắng gieo trồng thiện nhân để gặt thiện quả. Trong kinh Ưu Bà Tắc, Đức Phật có dạy rằng: “Nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Sát sinh thì oan oan tương báo đời đời kiếp kiếp không dứt. Khi phóng sinh là ta đã cứu mạng chúng sinh, tức là đã gieo trồng thiện nhân. Một khi đã gieo trồng thiện nhân thì nhất định sẽ được thiện quả, Nếu ai phê bình, cản trở người phóng sinh là trồng ác nhân ắt sẽ bị quả ác báo”.

CÁCH PHÓNG SANH VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC CẦN BIẾT

Phóng sanh hiểu thì đơn giản, nhưng cách làm dù không phức tạp, cũng không thể thực hiện một cách tùy tiện. Việc giải phóng vô tội vạ sự sống của các loài sinh vật có thể gây ra những tác dụng ngược, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và phước phần của người thực hiện. Dưới đây là một số nguyên tắc phóng sanh cần biết.

Không đặt nặng hình thức, phóng sanh là tùy tâm

Nhiều người quá đặt nặng vấn đề hình thức trong phóng sanh, rằng phải mua chim, cá vào chùa, được các sư thầy làm lễ chú nguyện rồi mới mang đi thả. Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều con vật sẽ được mua trước đó, bị nhốt qua đêm, thậm chí là nhiều ngày rồi mới được phóng sanh.

Tuy không sai nhưng quan niệm, hành động này lại có phần câu nệ, rườm rà. Phong sanh cần thực hiện thao tác nhanh nhẹn, nghi lễ ngắn gọn, bởi lẽ việc chờ đợi sẽ khiến các sinh vật kéo dài nỗi khổ, nỗi sợ hãi, bất an vì bị giam cầm. Thậm chí, nhiều người mua sinh vật về, chưa kịp phóng sanh thì chúng đã mất mạng, vô tình gây ra thêm tội lỗi.

Không đặt nặng vấn đề số lượng trong phóng sanh

Xuất phát từ lòng từ bi, thương cảm, con người ta mong muốn giải thoát khi bắt gặp những con vật gặp nạn. Nghĩa là, về bản chất, phóng sanh dựa trên trái tim, tình yêu thương, đúng nơi, đúng thời điểm; không phải đặt mua càng nhiều, khi thả ra lại càng dày phước. Việc mua sinh vật số lượng lớn về để phục vụ cho mục đích phóng sanh đi ngược bản chất của phương thức này, đẩy các loài sinh vật đi đến cái chết nhanh hơn. Phúc báu từ phóng sanh không phụ thuộc vào số lượng sinh vật được thả ra mà đo bằng lòng thấu cảm của con người.

Phóng sanh xuất phát từ tâm, tùy tâm người làm, nếu tâm không thiện, suy tính điều ác thì phóng sanh theo trào lưu, chạy đua số lượng không hề có ý nghĩa, lợi ích gì. Ngược lại, phóng sanh khi sinh vật cần, khi vô tình bắt gặp, không toan tính điều chi thì dù ít cũng vô cùng trân quý.

Đừng mang tâm lý “phóng sanh rồi sợ người khác bắt lại”

Rất nhiều người phóng sanh nhưng lại mang tâm lý này, sợ rằng mình thả ra sẽ có người khác bắt, lúc này việc phóng sanh không thành, xem như không có ý nghĩa. Tuy nhiên, nhân quả báo ứng theo hành vi, ai làm việc thiện thì được hưởng phước, ai tạo nghiệp thì phải chịu hậu quả. Nếu tâm muốn làm việc thiện, cứ làm theo khả năng, cứu giúp được bao nhiêu cứ làm hết lòng, đừng đặt nặng hay lo nghĩ quá nhiều về những điều khác.

Phóng sanh loài nào, tìm hiểu về môi trường sống loài nấy

Phóng sanh là một lần nữa giải thoát, đem lại sự sống cho các loài sinh vật, vì vậy, cần tìm hiểu về môi trường sống của chúng, xem địa điểm phóng sanh có phù hợp hay không. Chim thì bay lên trời, cá sống dưới nước, cá nước mặn không thể sinh tồn trên sông, cũng như cá nước ngọt không thể sống ở biển,… Phóng sanh muốn mang lại ý nghĩa phải chọn môi trường để các loài sinh vật có thể sống theo bản năng của chúng. Đừng xem việc phóng sanh chỉ dừng lại ở việc thả chúng thoát khỏi sự giam cầm, làm theo kiểu qua loa lấy lệ,… hành động “cưỡi ngựa xem hoa” lại vô tình gây thêm nghiệp cho người thực hiện.

Rất nhiều người chọn rùa làm sinh vật để phóng sanh. Tuy nhiên, nhiều loài rùa như rùa núi viền, rùa núi vàng nếu phóng sinh xuống ao thường không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước; chúng đều sẽ chết sau vài ngày hoặc 1 vài tuần. Thậm chí, nhiều loài còn thuộc nhóm loài đặc biệt nguy cấp và được pháp luật bảo vệ. Không tìm hiểu kỹ, phóng sanh cách này chẳng khác gì đang hủy hoại môi trường.

Đừng quá câu nệ việc chọn ngày tháng để phóng sanh

Khách quan để thừa nhận, con người phóng sanh cũng là tập sống thiện lương, mưu cầu một phần lợi lộc cho chính mình; chẳng qua vì hành động nhân văn nên cũng trở nên tinh tế, ý nhị hơn. Nhưng như đã đề cập, phóng sanh xuất phát từ thiện tâm, đừng để cái lợi làm mờ đi ý nghĩa vốn có.

Thay vì chọn những ngày lễ lớn để phóng sanh theo số đông, việc phóng sanh hãy nên là làm khi có thể, không kể bất cứ ngày giờ nào, chỉ cần có khả năng, đủ điều kiện thì hãy cứ thực hiện. Tích tiểu thành đại, không hào nhoáng, phô trương nhưng chắc chắn việc tốt sẽ được đền đáp xứng đáng.

Tóm lại, phóng sanh nên thực hiện theo các nền tảng dưới đây:

  • Tự nguyện, tùy tâm, xuất phát từ chính lòng từ bi, nói không với chạy đua số đông hay phóng sanh theo phong trào, ồ ạt, bỏ qua những giá trị thực phía sau.
  • Phóng sanh là quyền tự do của mỗi người, theo khả năng bản thân, không đặt nặng số lượng, ít hay nhiều; đừng mang con số ra để đo lường lòng tốt.
  • Phóng sanh là việc thiện, cần nuôi dưỡng từ tâm hồn, tích tiểu thành đại theo thời gian.
  • Giá trị, ý nghĩa của việc phóng sanh là khai sáng tâm thức mỗi người, cứ thế sáng dần lên và tự khắc bản thân thấy an yên, hài lòng với những gì cuộc sống trao tặng. Đó chính là phước báu lớn nhất.

CÁCH PHÓNG SANH TẠI NHÀ

Thường thì chúng ta hay bắt gặp các điểm tổ chức phóng sanh với số lượng người tham gia đông đúc vào những dịp lễ lớn. Tuy nhiên, phóng sanh cũng có thể tự thực hiện ngay tại nhà mà vẫn giữ được đúng ý nghĩa. Tham khảo cách phóng sanh tại nhà cực kỳ đơn giản dưới đây.

Đồ lễ cần chuẩn bị

Nghi thức phóng sanh tại nhà không cần quá cầu kỳ, chỉ cần chuẩn bị đơn giản, gọn nhẹ, thể hiện được lòng thành của mình là được. Những con vật dùng để phóng sinh có thể là tôm, cá, cua, chim,.., tuy nhiên, tuyệt đối không được dùng những loài vật làm ảnh hưởng đến môi trường như rùa.

Ngoài ra, cần chuẩn bị đầy đủ những lễ vật cần thiết như sau:

  • 1 mâm cơm chay
  • 1 bình hoa và 1 đĩa trái cây
  • 1 bát gạo
  • Nhang, đèn
  • 1 đĩa bánh cúng
  • Lồng chim, thau nước sạch chứa cá, tôm chuẩn bị phóng sinh

Nghi thức thực hiện và bài khấn cúng phóng sanh

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các đồ cần thiết cho nghi lễ, bạn có thể chọn thực hiện nghi thức ở bất kỳ đâu, có không gian yên tĩnh để thành tâm đọc bài khấn, cầu nguyện cho các loài sinh vật cũng như chính mình, gia đình được bình an, sức khỏe, những điều mong ước.

Cần lưu ý, trước khi cúng phóng sinh, cần trình báo bàn thờ tổ tiên, đây là nghi lễ quan trọng.

Sau đó, tiến hành nghi lễ theo các bước và nội dung như sau:

Bước 1: Đặt các con vật phóng sinh dưới đất, phía trước mặt mình, không cần thắp nhang và chắp tay lên hư không đọc khấn Bạch Phật.

Bước 2: Đọc bài Bạch Phật

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!

Con kính bạch chư Phật chứng minh cho con, đệ tử con tên là… ở tại… Con một lòng tôn kính chư Phật, tôn kính giáo Pháp cứu khổ mà Đức Phật đã tuyên thuyết, tôn kính chư Tăng tu hành phạm hạnh, đang thực hành lời Đức Phật dạy, cầu Thánh quả giải thoát, làm ruộng phước điền cho nhân thiên. Đệ tử con vâng lời Đức Phật dạy, tu tâm từ bi, cứu mạng chúng sinh.

Con mua mạng những chúng (kể tên loài)… này, cứu chúng thoát khỏi sự giam cầm trói buộc, cứu chúng thoát khỏi nghiệp bị sát mạng, con xin hướng nguyện cho chúng, được tiêu trừ nghiệp chướng, sớm thoát được nghiệp làm súc sinh, nương tựa oai đức Tam Bảo, sớm được tái sinh về cõi người, gặp được Tam Bảo, tu hành theo giáo Pháp của Phật, đem đến lợi ích hạnh phúc cho tự thân, đem giáo Pháp của Phật, làm lợi ích cho chúng sinh. Con xin hướng nguyện, kết duyên pháp lữ với chúng (kể tên loài)… này, luôn trợ duyên cho nhau tinh tấn tu hành theo giáo pháp của Đức Phật, cho tới ngày liễu thoát luân hồi sinh tử.

Con cũng xin hồi hướng công đức lành này, để sám hối tất cả các tội nghiệp, từ vô thủy kiếp, mà con và gia đình, đã giam cầm trói buộc, cũng như sát mạng chúng hữu tình, nguyện phúc lành này, sẽ giúp con và gia đình, tiêu trừ được quả báo bị giam cầm, bị tổn hại đến thân thể tính mạng, do các ác nghiệp mà con và gia đình đã gây tạo. Con xin hồi hướng cho gia đình chúng con, tăng trưởng phúc lành, mọi người không gặp các ác duyên, không làm các việc ác, không bị ác nghiệp giam cầm, không bị tổn hại đến thân thể, tính mạng. Hồi hướng cho cha, mẹ cùng các thành viên trong gia đình được sức khỏe, thọ mạng được kéo dài, đầy đủ duyên lành tu theo chính Pháp Phật.

Con xin chư Phật chứng minh cho con, gia hộ cho con cùng các chúng (kể tên loài)… đây, được như nguyện hồi hướng của con.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (3 lần)

Bước 3: Hồi hướng công đức

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con nguyện mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư A La Hán, chư Long Thần Hộ Pháp, chư Thánh Hiền Tăng, đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, đức Bồ Tát Quán Thế m, đức Quan Thánh Đế Quân chứng minh, gia trì và cùng với con hồi hướng công đức, phước báu từ nhiều đời, nhiều kiếp cho (họ tên,địa chỉ ngụ tỉnh,huyện,xã (phường) nặng còn nhẹ, thoát khỏi sự nguy hiểm, cho oan gia trái chủ đầy đủ công đức, phước báu siêu sinh về cõi Tây Phương Tịnh Độ.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Bước 4: Tam tự quy

Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, phát tâm Vô Thượng (1 chuông, 1 lễ).

Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển (1 chuông, 1 lễ).

Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại (3 chuông, 1 lễ, 3 tiếng chuông, đặt dùi chuông lên miệng chuông để ngắt chuông).

Bước 5: Kết thúc

Khi thả phóng sanh thì đọc:

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Gia đình chúng con tác lễ (đọc tên lễ: cầu an cho..; tuần thất cho:…), chúng con đã tác lễ cứu mạng chúng sinh (đọc tên)… giờ này con đi thả chúng. Con xin chư Phật gia trì, cho con được nói lời kết duyên Phật Pháp cho chúng.

Lưu ý khi thực hiện cách phóng sanh tại nhà

  • Khi cúng khấn, dùng chuông, mõ, khánh hay không dùng đều được.
  • Đối với các phần cần đọc nhiều lần và có chuông thì lần cuối sẽ đánh chuông.
  • Khi thực hành nghi thức, có thể dùng một trong hai danh xưng là “chúng con” trong trường hợp người bạch lễ bạch đại diện cho nhiều người tham gia khóa lễ, hoặc “con” khi làm lễ một mình.
  • Các con vật mua để phóng sinh phải còn sống.

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT MỘT SỐ CÁCH PHÓNG SANH

Phóng sanh ngày ông Công ông Táo

Theo truyền thuyết: “Hàng năm, Táo quân được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi, ghi chép lại những việc làm thiện – ác của loài người. Cứ vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình để báo cáo tất cả mọi việc, Thiên đình dựa vào đó mà định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người”. Táo quân trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình vào đêm Giao thừa. Vì vậy mà cứ tới ngày 23 tháng Chạp, người Việt lại làm lễ cúng cá chép. Thông thường, mỗi gia đình chuẩn bị từ 2 – 3 con cá chép, thả trong nước để cúng. Khi hoàn tất các nghi thức thì đem cá đi phóng sanh ở ao hồ, sông,… với hàm ý có phương tiện đưa ông Táo về trời.

Ông Nguyễn Cung Hà – Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông cho biết: “Các gia đình thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng. Trong tất cả các loài sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua vũ môn lên trời và hoá thành rồng được”. Phóng sanh cá chép trong ngày ông Công ông Táo không chỉ là nét đẹp đặc trưng của văn hóa mà còn thể hiện tấm lòng từ bi của con người.

Theo dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp thì mới kịp giờ để ông Táo lên đến Thiên Đình. Vì vậy, nghi lễ này phần đều được thực hiện từ tối ngày 22 hoặc sáng sớm ngày 23. Tuy nhiên, nhiều người thay vì thả cá về hồ, đúng môi trường sống của chúng thì lại ồ ạt quăng xuống nguồn nước gần nhà, ném luôn cả bao bì, túi ni lông đựng cá. Điều này khiến việc phóng sanh sai lệch ý nghĩa, giá trị lại còn vô tình gây ô nhiễm, phá hủy môi trường nghiêm trọng.

Vì vậy, sau khi hoàn thành nghi thức cúng ông Táo và bắt đầu thả cá, phải thực hiện đúng cách phóng sanh như sau: Thả từ từ, nhẹ nhàng cá xuống sông, hồ để cá được sống; thả cá đi bằng lòng thành kính, thiêng liêng nhất.

Phóng sanh rằm tháng Giêng

Nghi thức phóng sanh vào rằm tháng Giêng hoặc các ngày rằm có thể thực hiện theo cách phóng sanh đơn giản tại nhà đã hướng dẫn. Lưu ý thêm một số vấn đề như sau:

  • Nên đơn giản lễ cúng, khi hương tàn ⅓ thì mang các con vật đi thả.
  • Phóng sanh nên thực hiện âm thầm, chọn nơi kín đáo càng tốt.
  • Không thả sinh vật ở nơi ao tù, nước đọng hay nguồn nước bẩn
  • Không thả những con vật có thể gây hại cho môi trường và con người như rắn độc, rắn hổ mang, ốc bươu vàng, chuột…

Các loài rắn độc, rùa tai đỏ – những loài có khả năng sinh sản nhanh được mang đi phóng sanh, chúng ăn tất cả các loài thủy sinh trong ao, phá hủy môi trường nước, đe dọa đến sự sống của các loài sinh vật đang sinh sống trong môi trường đó. Việc phóng sanh sai cách, sai đối tượng vô tình tạo nên nghiệp lớn.

  • Không xả rác, túi ni lông theo sinh vật
  • Sau khi thả, nên chờ chúng bơi đi rồi hãy quay về
  • Có thể đọc thêm bài Chú Đại bi hoặc niệm Phật để tiếp duyên cho các con vật được phóng thích.

NHỮNG CÁCH PHÓNG SANH KHÁC

Thực ra, phóng sanh vốn có rất nhiều cách, không hẳn lúc nào cũng yêu cầu lễ vật, bài khấn bài bản. Nếu muốn, bạn cũng có thể phóng sanh khi thực hiện được những điều sau đây:

  • Không ăn thịt, trứng, cá…những món ăn phải gây ra cái chết cho động vật. Có thể chọn ra những ngày ăn chay định kỳ theo tuần, theo tháng.
  • Tránh việc giết hại động vật, dù là côn trùng nhỏ nhất nếu chúng không gây hại quá lớn.
  • Hãy cứu sống các sinh vật khi có thể, tôn trọng môi trường sống của chúng.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về cách phóng sanh và một số trường hợp cụ thể để bạn đọc tham khảo. Hãy hiểu đúng về phóng sanh để ứng dụng một cách có ý nghĩa, giá trị thiết thực.

XEM NHIỀU