Thứ hai, 17/06/2024 05:40:38 (UTC+7) 180

Quán Tự Tại Bồ Tát

admin

Quán Tự Tại Bồ Tát là danh hiệu khác của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tuy cách dịch khác nhau nhưng cùng nguyên nghĩa tiếng Phạn là AVALOKITESVARA, đều có nghĩa là cùng khắp.

Quán Thế Âm là nói về hạnh nguyện độ sanh, quán sát tiếng kêu khổ đau của chúng sanh liền hiện thân đến để cứu khổ, “thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng” (ngàn chỗ mong cầu, ngàn chỗ hiện). Quán Tự Tại là nói về công hạnh tu tập. Quán Tự Tại là thực hành pháp quán chiếu thực tướng các pháp vốn duyên sanh, vô ngã, không có một thực thể độc nhất tồn tại. Quán sát ngay tự thân, tâm của chính mình và hoàn cảnh bên ngoài. Muốn thực hành được như vậy phải qua quá trình tu tập, phát triển trí tuệ, đạt được trí tuệ cứu cánh, gọi là “trí tuệ Bát nhã”.

Khi dùng trí tuệ đó để quán chiếu thì thấy rõ thân, tâm và hoàn cảnh đều không thật có, liền vượt thoát được những tâm lý chấp ngã, và ngã sở (ta và cái của ta). Thấy rõ tính duyên sinh vô ngã của các pháp thì không bị vướng kẹt, ràng buộc hay khổ đau giữa muôn trùng biến đổi của cuộc sống, tự tại an nhiên giữa được, mất, bại, thành, vượt thoát được những phiền não khổ đau. Nên gọi là “Quán Tự Tại”. Như trong kinh Bát Nhã nói: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”

Một trong những tư tưởng lớn của Phật giáo phát triển là phát Bồ Tát nguyện, hành Bồ Tát hạnh và thành tựu Bồ Tát đạo. Bồ Tát muốn đi vào đời để độ sanh trước hết phải trang bị cho mình một hành trang vững chãi của nội tâm mới làm được công việc “thỏng tay vào chợ”, “cư trần bất nhiễm trần”. Bồ Tát muốn lắng nghe và thấu hiểu được nỗi khổ niềm đau của chúng sanh thì trước hết phải biết lắng nghe và thấu hiểu nỗi khổ niềm đau của chính mình. Hiểu được nỗi khổ niềm đau của thân để thôi không còn đày đọa thân mình chìm đắm trong lạc thú hoang đường và thú vui vô bổ, phải biết trân quý thân, bảo hộ thân, gìn giữ thân để làm phương tiện tu tập.

Hiểu rõ nỗi khổ của tâm để thôi không còn chìm đắm vào những khổ đau, muộn phiền từ ngoại duyên mang đến. Quán chiếu là một pháp tu giúp hành giả quay vào bên trong soi rọi và quán chiếu bản tâm của chính mình. Đó chính là “phản văn văn tự tánh”, hoặc như Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: “ Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (xem xét lại chính mình là việc bổn phận, không phải từ nơi khác mà được). Xem xét lại tâm mình chỗ nào đã tốt thì tích cực phát huy, chỗ nào chưa tốt thì nỗ lực thay đổi. Quán sát thân mình do tứ đại giả hợp tạo thành, không có gì là của ta nên không còn tâm lý chấp ngã. Quen với thói quen quán chiếu bản thân mình, thì dần dần chúng ta cũng nhìn thấy được con người và hoàn cảnh xung quanh mình cũng thế. Từ đó phát huy được trí tuệ và tình thương vô ngã. “Tự Tại” là diễn tả trạng thái tâm lý bình thản, ung dung nhưng tiềm ẩn một sức mạnh nội tâm. Vì vững chãi nên thảnh thơi, an trú vào trong sự vững chãi đó nên những hoàn cảnh bên ngoài không thể tác động làm lung lay và chao đảo.

Tự tại không phải một trạng thái tâm vô cảm, không cảm nhận được. Ngược lại cảm nhận và hiểu rõ một cách sâu sắc bản chất của sự vật, hiện tượng nên không bị dao động. Thế nên có câu: “Tự do là ung dung trong ràng buộc, hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”. Dầu sống trong cuộc đời đầy ô trược, lợi danh, hơn thua, phải, quấy nhưng tâm vẫn bình thản để mỗi ngày phát huy nội lực vững vàng, mang năng lượng tích cực đó vào đời để độ sanh. Người phát huy được tâm tự tại là luôn sống lạc quan, vui vẻ, sẵn sàng mỉm cười và đón nhận những trái ý nghịch lòng bên ngoài đưa đến, nên khi gần ai họ cũng có thể cảm nhận được năng lực tích cực đó.

Nhìn hình ảnh Bồ Tát Tự Tại ngồi vững chãi, an nhiên giữa sóng biển ba đào, ta thấy toát lên một sức mạnh nội tâm, đến đi vô ngại. Nhân dịp về dự lễ đặt đá xây dựng tượng Quán Thế Âm tại chùa Long Hưng, Phan Rang, nhân ngày vía của Ngài, tôi đã có buổi chia sẻ pháp thoại cùng quý Phật tử tại đây. Là cơ hội nhắc nhở quý Phật tử cũng như tự nhắc nhở chính mình, thờ cúng, cầu nguyện, hay lễ bái Ngài là dịp để chúng ta học theo công hạnh Ngài, trước khi mở rộng lòng từ để cứu khổ ban vui, chúng ta phải thực tập tu hành phát huy khả năng quán chiếu tự thân tâm của chính mình, phát huy trí tuệ, thấy rõ bản chất của con người và sự vật là duyên sanh, vô ngã, vô thường biến hoại để vượt thoát những vướng kẹt, chấp trước, tự tại an nhiên giữa biến động của cuộc đời, đó chính là đạt được sự giải thoát ngay trong hiện tại. Xây dựng hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm để thờ cúng, lễ lạy, cũng chính là xây dựng hình ảnh Ngài ngay trong tự tâm của mỗi chúng ta vậy

XEM NHIỀU