Phật Giáo & Doanh Nhân

Trang thông tin điện tử Phật Giáo và Doanh Nhân

Khi lịch sử chạm đến trái tim trẻ thơ

Thứ năm, 19/06/2025 17:55:33 (UTC+7)

Lịch sử – với nhiều người, có thể là những con số, sự kiện khô khan trong sách giáo khoa, nhưng tại triển lãm ảnh “Hành trình về nguồn” của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, diễn ra tại đường sách TP.HCM từ ngày 6 – 8-6, thì lịch sử bỗng trở nên sống động, gần gũi và đầy ắp những cảm xúc, đặc biệt là với các em nhỏ.

Khi lịch sử chạm đến trái tim trẻ thơ

Các em thơ chăm chú xem, tìm hiểu lịch sử tại triển lãm ảnh “Hành trình về nguồn”

Triển lãm ảnh “Hành trình về nguồn” của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, diễn ra tại đường sách TP.HCM từ ngày 6 đến 8-6
Triển lãm ảnh “Hành trình về nguồn” của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, diễn ra tại đường sách TP.HCM từ ngày 6 đến 8-6

Giữa không gian mở của triển lãm, những bức ảnh không chỉ kể câu chuyện về quá khứ hào hùng mà còn nhẹ nhàng chạm đến trái tim người xem, khơi gợi tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc một cách tự nhiên, dung dị nhất.

Những đôi mắt trẻ thơ trước bức ảnh “Liệt sĩ chưa biết tên”

Có lẽ hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc nhất tại triển lãm chính là khoảnh khắc những đôi mắt trẻ thơ say sưa ngắm nhìn bức ảnh có dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”. Các em dừng chân thật lâu, đôi khi còn khẽ hỏi cha mẹ về ý nghĩa của bức ảnh. Không cần những lời giải thích dài dòng, sự hy sinh thầm lặng của những người anh hùng vô danh đã tự nó cất lên tiếng nói, gieo vào lòng các em hạt mầm của lòng biết ơn và sự trân trọng.

“Con thấy bức ảnh này buồn quá mẹ ạ, người mất không có tên sao?”, câu hỏi hồn nhiên của bé An, 9 tuổi, khi đứng trước bức ảnh “Liệt sĩ chưa biết tên” đã khiến chị Mai, mẹ bé, không khỏi xúc động. Chị Mai kể: “Thật ra trước khi đi, tôi cũng không nghĩ con sẽ để ý nhiều đến những bức ảnh lịch sử thế này. Nhưng khi thấy con đứng đó thật lâu, hỏi những câu hỏi rất thật thà, tôi mới nhận ra sức lay động của những bức ảnh này lớn đến mức nào”.

Bức ảnh với dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên” thu hút sự quan tâm đặc biệt của các em
Bức ảnh với dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên” thu hút sự quan tâm đặc biệt của các em

Không chỉ vậy, nhiều em còn tỏ ra vô cùng hứng thú khi tìm hiểu về hố bom – hố bộc phá ở đồi A1 trong trận đánh Điện Biên Phủ, chứng tích của một thời chiến tranh khốc liệt nhưng cũng đầy anh dũng. Các em chăm chú lắng nghe, hình dung về những trận chiến đã diễn ra, về sự kiên cường của cha ông. “Cháu thấy cái hố này to ơi là to, chắc hồi xưa bom nổ ghê lắm cô nhỉ?”, bé Khoa, 10 tuổi vô tư hỏi một cô cùng xem bức ảnh giống mình.

Tại triển lãm “Hành trình về nguồn”, lịch sử không còn xa vời mà hiện hữu sống động, gần gũi. Bé Hoàng Anh, 9 tuổi xem tất cả các bức ảnh lại muốn xem lại bức ảnh về hố bộc phá ở đồi A1, và muốn ba của mình kể về nguồn gốc của hố bộc phá này, em gọi đây là hố bom. Anh Lâm, ba của bé Hoàng Anh phải sử dụng điện thoại tra cứu thông tin, vừa đọc cho con hiểu, cũng là vừa cập nhật thông tin cho chính mình. Trong lúc ba đọc nội dung về “quả bộc phá gần 1.000kg trong lòng đồi A1 ở trận địa Điện Biên Phủ”, em say sưa nhìn về phía bức ảnh. Ánh mắt lấp lánh của các em cho thấy lịch sử không còn là những bài học khô khan, mà là những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn, gắn liền với những hình ảnh cụ thể, sống động. Qua mỗi khung hình, tình yêu nước, lòng biết ơn âm thầm nảy mầm trong trái tim non nớt một cách nhẹ nhàng, không gượng ép, mà đầy xúc động và tự nhiên như hơi thở.

Ươm mầm tình yêu nước

Những cảm xúc chân thật của các em nhỏ tại “Hành trình về nguồn” chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy lịch sử không hề xa vời, mà rất gần gũi, rất thân thương. Khi lịch sử được kể bằng hình ảnh, bằng cảm xúc, nó sẽ trở thành một phần của ký ức tuổi thơ, nuôi dưỡng tâm hồn các em lớn lên với lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước. Đó cũng là lý do nhiều phụ huynh đã chọn triển lãm ảnh “Hành trình về nguồn” của Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong như một cách đặc biệt để dạy con về cội nguồn dân tộc.

Anh Tâm, một người cha đã cùng con trai đến triển lãm, chia sẻ đầy xúc động: “Tôi đưa con đến đây để cháu được tận mắt nhìn thấy những bức ảnh về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Với tôi, đây không chỉ là một triển lãm ảnh mà còn là một hành trình tâm linh, một thông điệp ý nghĩa về lòng tri ân và tự hào dân tộc. Tôi tin rằng những hình ảnh này sẽ góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau”.

Em đến với triển lãm ảnh của chú Trần Thế Phong
Em đến với triển lãm ảnh của chú Trần Thế Phong

Chị Hằng, một bà mẹ trẻ đưa hai con gái đến xem, cũng bày tỏ sự đồng tình: “Con tôi giờ đây học sử hay hỏi nhiều. Nhiều khi tôi cũng không biết giải thích sao cho dễ hiểu. Nhưng khi đến đây, nhìn những bức ảnh, các con tự động học hỏi và tôi thấy con ghi nhớ tốt hơn rất nhiều. Những hình ảnh này thật sự có sức mạnh lay động, gieo vào lòng các con những hạt giống yêu nước một cách tự nhiên nhất”.

Chú Phong, 65 tuổi từ huyện Nhà Bè đã dành nhiều tâm huyết đưa cháu nội đến với triển lãm “Hành trình về nguồn” chia sẻ: “Tôi mong muốn những bức ảnh này sẽ là cầu nối, để các cháu nhỏ không chỉ biết về lịch sử mà còn có thể cảm nhận được nó bằng trái tim mình. Khi các cháu thấy được những dấu tích, những câu chuyện thật, các cháu sẽ hiểu và yêu lịch sử hơn”.

Chú cũng chia sẻ rõ quan điểm của mình: “Tôi luôn dành thời gian kể cho cháu nghe những câu chuyện lịch sử theo cách thật gần gũi, đáng yêu, như những câu chuyện cổ tích về các vị anh hùng. Khi có thời gian rảnh hoặc khi đi du lịch thường ý kiến với các con là ghé thăm các bảo tàng, di tích lịch sử; để cho các cháu tìm hiểu về những bức ảnh lịch sử. Mỗi hành động nhỏ của chúng ta đều có thể gieo vào lòng các cháu những hạt mầm yêu nước, để các cháu lớn lên với một trái tim biết ơn, biết tự hào về cội nguồn và sẵn sàng chung tay xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp”.

Khánh Vi/Báo Giác Ngộ