Người nghệ sĩ không còn lang thang hoài trên phố nữa, mà đã dạo chơi ở một cảnh giới khác.
Thông tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời lúc 8 giờ 45 sáng 8/12, tại Bệnh viện Việt – Xô (Hà Nội) sau thời gian lâm bệnh nặng khiến cho không chỉ đồng nghiệp, ca sĩ thương tiếc về người nghệ sĩ tài hoa, mà dư luận cũng không khỏi chạnh lòng, tiếc thương.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, là con út trong gia đình nhiều đời sống ở Hà Nội. Ông có một tuổi trẻ đầy ký ức Hà Nội, từ những con phố êm đềm tới trận bom B52 trút xuống Khâm Thiên năm 1972, vì thế với ông “mối tình đầu và mối tình đẹp nhất cũng đều ở Hà Nội”.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, yêu Hà Nội, nhưng ông cũng thích sự phiêu lưu, ông từng có thời gian dài (25 năm) ở TP.HCM sinh sống và làm việc. Người đàn ông gốc Hà Thành muốn đi tìm điều mới lạ và có những chuyện buồn bã muốn giã từ, sau đó Phú Quang lại về với Hà Nội.
Nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ là đã yêu một cô hoa khôi trường Nguyễn Bá Tòng (TP. HCM). Đó là cuộc tình khi Phú Quang bắt đầu bước chân vào Sài Gòn sau ngày giải phóng. “Cô ấy rất đẹp, đẹp từ hình thức đến tâm hồn. Có rất nhiều chàng trai theo đuổi nhưng cuối cùng cô ấy lại chọn tôi chắc do đẹp trai, chân thành” – nhạc sĩ của Điều giản dị cho biết. Theo nhạc sĩ Phú Quang, nếu không có mối tình đó, có lẽ sẽ không làm nên một nhạc sĩ Phú Quang như bây giờ.
Ông kể, TP. HCM cho mình nhiều thứ nhưng rồi nỗi nhớ Hà Nội đã đưa ông trở lại mảnh đất của những cây bàng xơ xác, những cơn gió mùa Đông Bắc lạnh đến da diết. Âm nhạc của Phú Quang gắn với Hà Nội, trở thành một “đặc sản” của Hà Nội với hàng loạt ca khúc: Im lặng đêm Hà Nội, Em ơi Hà Nội phố, Nỗi nhớ mùa đông, Tình khúc 24, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ…
Nam nhạc sĩ gắn liền với những bản tình ca về Hà Nội
Gia tài của ông có khoảng 600 ca khúc, đặc biệt hàng trăm tác phẩm của ông được khán giả nhớ và thuộc nằm lòng. Đó là điều mà không mấy người sáng tác như ông có được. Có lẽ đó cũng là một trong những điều khích lệ Phú Quang tổ chức nhiều đêm nhạc của riêng mình.
Có lẽ, ông là một phần của Hà Nội, nên lẽ đương nhiên ông thiên vị mảnh đất này. Ông quan sát Hà Nội kỹ, cảm nhận sâu, hiểu Hà Nội tỉ mỉ hơn người khác và bởi thế mà yêu say đắm. Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Những bản tình ca ấy được viết từ rung động, xúc cảm từ tình yêu có thật và cả sự mơ mộng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, mà còn là những giai điệu để tình tự với Hà Nội. Phú Quang viết như mê và cũng làm người Hà Nội say đắm anh đến cùng cực.
Nói như Đạo diễn Lê Hoàng: “Với nhạc Phú Quang, Hà Nội là chuông chùa Hồ Tây, là sương mù Quảng Bá, là hoa sữa, hoa sấu, cùng lắm là tiếng tàu điện leng keng. Nói túm lại, Hà Nội của Phú Quang ngơ ngác, mờ ảo, thoang thoảng, phất phơ. Phú Quang không chọn được, không hiểu được và không bao giờ muốn hiểu Hà Nội kẹt xe, Hà Nội bia hơi, Hà Nội văn phòng hoặc Hà Nội cao ốc. Anh muốn đổi phắt Hà Nội này lấy Hà Nội kia, hình như bằng bất cứ giá gì”.
Cũng bởi sự sâu lắng, cái chất rất riêng như vậy mà không phải ai cũng hát hay được nhạc của Phú Quang, song, những ai được mời hát trong đêm nhạc của ông, được đồng hành cùng ông trong hành trình âm nhạc đều là những nghệ sĩ có giọng hát chạm tới tim của khán giả.
Có thể nói, Phú Quang là một nhạc sĩ lớn của thời kỳ hiện tại, một nhạc sĩ với những ca khúc đi sâu vào lòng người. Nhạc sĩ của Hà Nội, của tình yêu, của những nỗi buồn vừa cao thượng vừa buồn trong mọi cung bậc cảm xúc của con người thời hiện đại.
Ông đã sống trọn vẹn một cuộc đời với đủ hỷ, nộ, ái, ố và giờ đây Hà Nội đã tiễn ông đi trong một ngày mùa đông nắng nhạt. “Người nghệ sĩ không còn lang thang hoài trên phố nữa mà đã dạo chơi ở một cảnh giới khác”, ca sĩ Tùng Dương đã viết những dòng tiễn biệt ông đầy xúc động như thế.
Dẫu biết, đời người vốn dĩ chỉ như chiếc lá mong manh trong cơn gió vô tình. Cơn gió vô tình ấy đã làm trút rơi bao chiếc lá. Dẫu biết sinh tử âu cũng là quy luật của đời người, vậy mà sao khi ông “trả lại trần gian”, ta vẫn thấy thật ngậm ngùi.