Thứ hai, 24/06/2024 17:37:08 (UTC+7) 46,578,909,876,168

Phật giáo và kinh doanh, những vấn đề bàn luận hiện nay

TS Đặng Hoàng Lan - HV Đoàn Lê Minh Khởi

Phật giáo với nhiều tư tưởng, giá trị hướng con người đến Chân Thiện Mỹ. Những tư tưởng này ngày càng được sự quan tâm của giới kinh doanh. Việc áp dụng giáo lý Phật vào kinh doanh, quản lý doanh nghiệp được xem là một giải pháp hữu hiệu trước những bất ổn của xã hội hiện đại. Hiện nay, Phật giáo được xem là một nguồn lực để phát triển xã hội. Phật giáo đề cao con người, tính nhân văn và tiết kiệm giúp xã hội khai thác hiệu quả nguồn nhân lực và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên.Với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, Phật giáo đóng góp to lớn trong phát triển ngành du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Bằng tấm lòng từ bi, Phật giáo đã góp phần vào giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giúp bình ổn xã hội và tạo điều kiện kinh tế xã hội phát triển.

Phật giáo và kinh doanh, những vấn đề bàn luận hiện nay

  1. Đặt vấn đề

Mặc dù Phật giáo không liên quan trực tiếp đến khía cạnh kinh tế, nhưng tư tưởng Phật giáo lại có tác động gián tiếp tới các hoạt động kinh tế. Hiện nay, một số bộ phận cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận mà kinh doanh phi pháp, ảnh hưởng đến lợi ích các cá nhân khác, lợi ích xã hội và lợi ích quốc gia. Với những tư tưởng bình đẳng, tự lợi và lợi tha, luật nhân quả và vô thường của Phật giáo sẽ là những lá chắn, giúp các doanh nghiệp kinh doanh vừa hiệu quả vừa minh bạch, mang lại giá trị cho chính doanh nghiệp và xã hội. Ở một góc độ khác, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, các hoạt động kinh doanh dần len lỏi vào mái chùa gây nên nhiều tranh cãi trong xã hội. Các vấn đề thương mại hóa trong Phật giáo ngày càng được xã hội quan tâm. Dựa trên giới luật của Phật giáo và những hiện thực xã hội ở Việt Nam, bài viết đưa ra những bàn luận về ảnh hưởng của Phật giáo góp phần phát triển doanh nghiệp và kinh tế xã hội Việt Nam; những hiện trạng kinh doanh trong Phật giáo cũng như những tiêu cực của hoạt động kinh doanh ảnh hưởng đến đời sống phạm hạnh và mạng mạch của Phật giáo Việt Nam.

  1. Tư tưởng Phật giáo trong kinh doanh

Phật giáo từ lâu đã luôn gắn bó với lịch sử dân tộc Việt Nam. Những tư tưởng, giáo lý Phật giáo đã ăn sâu vào văn hóa, phong tục và đạo đức của người Việt. Trong sinh hoạt hằng ngày và vào những dịp lễ Tết, các yếu tố của Phật giáo xuất hiện như một điều hiển nhiên. Trong hoạt động kinh doanh, mặc dù Phật giáo không thể hiện một cách rõ ràng nhưng những con người trong kinh doanh ít nhiều đều ảnh hưởng bởi tư tưởng Phật giáo. Dưới sức hút của lợi nhuận một số cá nhân, doanh nghiệp sẵn sàng đua theo lợi nhuận, bất chấp tác hại đến khách hàng và xã hội. Ngược lại, cũng có những cá nhân doanh nghiệp lấy triết lý kinh doanh cân bằng giữa lợi nhuận, giá trị mà khách hàng nhận được và trách nhiệm với cộng đồng.

Hiện nay, chính sách phát triển kinh tế của nhiều quốc gia và Việt Nam đang hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Do đó, những tư tưởng của Phật giáo ngày càng được chú trọng và ứng dụng vào hoạt động kinh doanh, quản lý doanh nghiệp. Một số công trình đã xuất bản về việc ứng dụng tư tưởng giáo lý của Phật giáo vào kinh doanh, phát triển sự nghiệp có thể kể tên như: Kinh doanh và Đức Phật, thịnh đạt bằng thiện nghiệp của Lloyd Field, Năng đoạn kim cương áp dụng giáo lý của Đức Phật vào quản trị doanh nghiệp và đời sống của Geshe Michael Roach,… Một số tư tưởng cốt lõi của Phật giáo mà các doanh nghiệp có thể áp dụng trong quản lý doanh nghiệp và định hướng kinh doanh như vô thường, nhân quả, trung đạo và bát chánh đạo.

Vô thường và nhân quả là tư tưởng quan trọng trong Phật giáo. Vô thường giúp con người thấu rõ vạn vật đều vận động thay đổi. Nhân quả giúp con người hiểu được nguyên nhân sẽ dẫn kết quả, tốt hay xấu hoàn toàn dựa vào bản thân gieo trồng. Trong kinh doanh, luật nhân quả giúp doanh nghiệp nhận thức được những hậu quả trước khi ra các quyết định từ lựa chọn chiến lược đầu tư, kinh doanh cho đến tuyển dụng, quản lý nhân sự. Tất cả những quyết định, lựa chọn đều sẽ dẫn đến một kết quả nhất định. Khi nhận thức rõ, doanh nghiệp sẽ tỉnh thức hơn khi ra quyết sách cuối cùng và hướng tới những quyết định có trách nhiệm, và bền vững hơn. Sự biến động của thị trường là một ví dụ về tính vô thường. Khi hiểu được tính vô thường, doanh nghiệp cần có cách nhìn toàn diện để nhận ra được cái “thường” trong vô thường là triết lý, mục đích kinh doanh, tính phù hợp, linh hoạt ở mỗi thời điểm, cái giá trị cốt lõi và lợi thế của bản thân.

Trung đạo trong kinh doanh chính là sự cân bằng giữa lợi nhuận và sự phát triển bền vững, giữa nhu cầu của doanh nghiệp và trách nhiệm đối với cộng đồng. Doanh nghiệp hướng đến con đường trung đạo sẽ phải giải quyết các vấn đề về phúc lợi xã hội cho người lao động và đóng góp cho cộng đồng. Con đường trung đạo giúp cho người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp, doanh nghiệp tạo được sự tin tưởng với xã hội từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển. Có thể nói, trung đạo là con đường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững một cách nhân văn. Theo GS.Trần Ngọc Ninh trong Đức Phật giữa chúng ta thì xã hội Phật giáo là “xã hội theo nguyên lý Trung đạo”. Nền kinh tế trong xã hội đó buộc mỗi người làm việc theo chí hướng và khả năng, và đóng góp việc làm vào sự lợi ích chung, nhưng ngược lại nhà nước phải đảm bảo được cơm áo và những điều kiện cần thiết để sinh hoạt một cách đồng đều cho toàn thể.

Bát chánh đạo là tám con đường giúp con người giải thoát khỏi những đau khổ ràng buộc trong cuộc sống. Trong quản lý doanh nghiệp, những tranh chấp, bất đồng, tham nhũng,…thường là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả tồi tệ, gây tổn thất đến lợi nhuận và nguồn lực doanh nghiệp. Áp dụng chánh niệm giúp doanh nghiệp tập trung vào các vấn đề đang xảy ra để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất. Chánh ngữ giúp các cá nhân tránh những xung đột không cần thiết. Với chánh nghiệp, các cá nhân trong doanh nghiệp sẽ hành động, lời nói, ý nghĩ theo lẽ phải, biết tôn trọng quyền sống chung của mọi người, không gây tổn hại đến danh dự, nghề nghiệp, tài sản, danh giá và địa vị của kẻ khác. Với chánh mạng, con người sống một cách chân chánh bằng nghề nghiệp lương thiện, chính đáng không bóc lột, xâm hại đến lợi ích chung của người khác, không lừa dối gạt người. Bằng Bát chánh đạo các cá nhân ý thức rõ hành động, lời nói, ý nghĩ của mình trong công việc, không gian xảo, đùng đẩy trách nhiệm, tìm cách hạ thấp người khác hoặc vì tư lợi mà gây tổn thất đến lợi ích chung của doanh nghiệp. Nói cách khác đây là đạo đức nghề nghiệp.

Nhìn chung, những tư tưởng này đều gần gũi với văn hóa và đạo đức của người Việt. Do đó, tùy vào văn hóa và khả năng ứng dụng, mỗi doanh nghiệp sẽ có những góc nhìn và ứng dụng tư tưởng, giáo lý Phật giáo ở những góc độ và mức độ khác nhau. Việc áp dụng các tư tưởng này góp phần giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả nhân sự, tạo môi trường doanh nghiệp trong sạch, nhân văn và đóng góp vào phát triển xã hội.

  1. Phật giáo như một nguồn lực phát triển kinh tế xã hội

Tư tưởng của Phật giáo chú trọng đến giá trị con người, sự bình đẳng, hòa hợp và thúc đẩy sự tinh tấn nỗ lực của mỗi cá nhân. Do đó, giá trị của tư tưởng Phật giáo là thúc đẩy con người như một nguồn lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, tư tương Phật giáo hướng con người đến sự tiết kiệm từ đó con người sẽ sử dụng khai thác một cách hợp lý, đồng thời có sự bảo vệ. Kinh tế học Phật giáo hướng đến khai thác hiệu quả giá trị, tài năng của con người và hệ sinh thế, sử dụng một cách hợp lý và duy trì bảo vệ.

Phật giáo đóng góp to lớn vào hệ thống di sản văn hóa đất nước, trong đó, các công trình kiến trúc Phật giáo là nổi bật nhất. Các giá trị về văn hóa vật thể (chùa, tháp, pháp khí, mộc bản,…) và phi vật thể (văn hóa, lễ nhạc, lễ hội,…) đều là những tài nguyên hấp dẫn để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Các công trình Phật giáo thường xây dựng ở những nơi có cảnh quan xinh đẹp, sơn thủy hữu tình thu hút đông đảo du khách tham viếng. Ở Việt Nam, nhiều điạ phương phát triển du lịch nổi tiếng nhờ vào các yếu tố Phật giáo như: Núi Bà Đen (Tây Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Hương (Hà Nội),… Theo thống kê của Khu du lịch Núi Bà Đen, 6 tháng đầu năm 2023, có 3,2 triệu lượt khách tham quan. Theo Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch tỉnh Tây Ninh, chưa hết tháng 2/2024, Khu du lịch Núi Bà Đen đã đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan. Nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố linh thiêng về huyền tích Bà Đen và tượng Quan Âm Bồ tát Tây Phổ Đà Sơn bằng đồng trên đỉnh núi cao nhất Châu Á chính là những yếu tố quan trọng thu hút du khách.

Các cơ sở Phật giáo đóng góp vào an sinh xã hội, cùng nhà nước ổn định xã hội phát triển kinh tế. Nhiều ngôi chùa trên cả nước là những mái ấm tình thương nơi nuôi dạy, chăm sóc trẻ em mồ côi, người già neo đơn. Nhiều cơ sở Phật giáo tổ chức dạy nghề, ngoại ngữ miễn phí. Hiện có khoảng 10 trường dạy nghề miễn phí các nghề may, thêu, đan, điện gia dụng, tin học vi tính văn phòng, ngoại ngữ, mộc mỹ nghệ, sửa xe, hớt tóc…, như Trường dạy nghề ở chùa Long Thọ và Tây Linh (Thừa Thiên Huế), chùa Long Phước, Long Thành (Long An), Quảng Trị, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Trường dạy nghề điêu khắc gỗ chùa KomPong Chrây (chùa Hang, Trà Vinh),…[1]. Bên cạnh đó, Phật giáo đã giúp giảm gánh nặng cho xã hội bằng việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật vượt qua khó khăn. Đến năm 2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 165 Tuệ Tĩnh đường, 33 phòng khám Đông y châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu và 10 phòng khám Tây y khám và chữa bệnh miễn phí cho hàng ngàn lượt bệnh nhân[2].

Với tinh thần từ bi, phụng sự chúng sanh là đền ơn chư Phật, Phật giáo Việt Nam đã phát huy vai trò là nguồn lực quan trọng đóng góp vào ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Điều này ngày càng khẳng định vai trò và vị trí của Phật giáo đối với xã hội Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

  1. Hoạt động kinh doanh trong Phật giáo

Mặc dù kinh tế và tôn giáo dường như là hai lĩnh vực tách biệt nhưng trong bối cảnh hiện nay, tôn giáo được xem là nguồn lực phát triển kinh tế xã hội. Ở góc độ ngược lại, kinh tế đã có những tác động ít nhiều đến tôn giáo. Hiện nay, hoạt động kinh doanh trong tôn giáo, cụ thể là Phật giáo rất đa dạng ở hàng hóa và hình thức kinh doanh. Những hoạt động kinh doanh này vừa mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội, cho cơ cở Phật giáo nhưng cũng kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống tu sĩ.

Phật giáo luôn ca ngợi việc ấn tống, cúng dường kinh sách, tranh tượng Phật. Xuất phát từ lòng từ bi, hạnh bố thí, ấn tống, cúng dường tranh tượng, kinh sách nhằm xiển dương chánh pháp, tạo điều kiện cho Phật pháp lan truyền đến những vùng khó khăn, xa xôi.  Từ nhu cầu ngày càng cao của Phật tử về văn hóa Phật giáo, hiện nay các cửa hàng kinh doanh xuất hiện khá nhiều tại các cơ sở Phật giáo đặc biệt là các điểm thu hút du khách. Hàng hóa kinh doanh tại các cơ sở Phật giáo đa dạng như trang phục cho Phật tử, tranh ảnh tượng Phật giáo, kinh sách, chuỗi hạt, nhang trầm, đèn nến, lộng tàng,….Đây là những vật phẩm phục vụ cho nhu cầu tâm linh của Phật tử và du khách. Kinh doanh phát hành vật phẩm Phật giáo hoàn toàn là việc hợp pháp, dựa trên quy luật thị trường có cung và có cầu. Cửa hàng này thường nằm trong khuôn viên chùa hoặc nằm cạnh chùa để khách hàng dễ dàng lui tới mua sắm khi viếng chùa. Chủ sở hữu các cửa hàng này có thể là tư nhân, có sự thương thảo với cơ sở Phật giáo nếu nằm trong khuôn viên chùa. Một số chùa còn có phòng Phát hành kinh sách do chư tăng ni điều hành.

Một khía cạnh kinh doanh khác xuất hiện ở cơ sở Phật giáo là ẩm thực chay. Bên cạnh văn hóa phẩm thì các hàng hóa phục vụ nhu cầu ăn chay như chao, tương, đồ chay đóng gói,… cũng thường xuyên xuất hiện tại nhiều chùa. Hầu hết các nhà hàng, quán chay đều nằm gần và ngoài khuôn viên chùa nhưng cũng có một số chùa đồng ý để nhà hàng chay trong khuôn viên chùa ví dụ chùa Vĩnh Nghiêm, Pháp viện Minh Đăng Quang,… Các nhà hàng chay này hoạt động độc lập, chỉ có vị trí được đặt tại khuôn viên chùa. Điều này cũng góp phần thuận tiện đáp ứng nhu cầu ăn uống cho Phật tử, du khách đến viếng chùa lễ Phật.

Ngoài kinh doanh văn hóa phẩm, ẩm thực, một số chùa còn tổ chức các chương trình du lịch hành hương đầu năm, hành hương đến các di tích Phật giáo trong và ngoài nước. Du khách tham gia các chương trình này thường là Phật tử của chùa. Một số hàng hóa khác cũng được kinh doanh trong chùa như thư pháp, trà cụ, tọa cụ,…

Bên cạnh các mặt hàng, hình thức kinh doanh trên, có trường hợp một số chùa tự sản xuất và kinh doanh ví dụ như trồng rau, làm tương, chao, củ cải muối, vòng chuỗi,….Với hình thức tự sản xuất và tự kinh doanh này, người tu sĩ trực tiếp tham gia hoặc trực tiếp điều hành. Phạm vi kinh doanh thường dừng lại ở khu vực chùa. Đối tượng khách hàng chủ yếu là Phật tử, du khách đến viếng chùa. Mẫu mã hàng hóa thường đơn giản, giá cả thấp hoặc tùy tâm cúng dường của Phật tử.

Nhìn chung, tất cả hàng hóa được kinh doanh đều xuất phát từ quy luật cung cầu của thị trường. Đối tượng khách hàng sử dụng các hàng hóa này là Phật tử hoặc những người có tín tâm và có nhu cầu liên quan đến Phật giáo. Người trực tiếp thực hiện giao dịch này có thể là Phật tử hoặc tu sĩ. Không gian kinh doanh hàng hóa đặc biệt này đa dạng không chỉ trong khuôn viên chùa mà cả bên ngoài. Ngày nay, các hàng hóa này dễ được được trao đổi buôn bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Shopee, Lazada,…), mạng xã hội (Facebook, Zalo,…). Chính sự đa dạng và phổ biến nên đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng buôn bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, nội dung kinh sách chưa qua kiểm duyệt,…Một số đối tượng dùng chiêu trò giả dạng tu sĩ, tuyên truyền mê tín dị đoan để lôi kéo khách hàng, làm ảnh hưởng đến khách hàng và uy tín của những tu sĩ chân chính.

  1. Được và mất khi kinh doanh trong Phật giáo

Ở góc độ kinh tế, kinh doanh trong Phật giáo là một cách tận dụng nguồn lực nội tại của Phật giáo để tạo ra lợi nhuận phục vụ cho chính cơ sở Phật giáo như chi phí tu sửa, sinh hoạt thường nhật, tu học, tổ chức lễ hội, gây quỹ để chăm sóc trẻ em mồ côi, người già neo đơn, phòng khám chữa bệnh miễn phí hoặc các Phật sự khác trong chùa.

Về phương diện xã hội, việc tu sĩ kinh doanh nhằm mang lại lợi nhuận phục vụ cho lợi ích chung của tự viện, phụng sự cho xã hội hoàn toàn được xã hội ủng hộ và tuyên dương. Đây còn được xem là một biểu hiện cho tinh thần nhập thế, tùy thuận hoàn cảnh để hoằng pháp lợi sanh. Những giá trị và lợi lạc từ việc này là điều chúng ta không thể phủ nhận hay chỉ trích.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là ranh giới giữa kinh doanh vì phụng sự chúng sanh vì Phật sự và kinh doanh vì tư lợi, mục đích cá nhân là rất mong manh. Nói cách khác, kinh doanh trong Phật giáo với đối tượng là tu sĩ là một thử thách và dễ dàng bị đánh đổi bằng sự phạm hạnh của bản thân.

Về phương diện giới luật, với tu sĩ xuất gia, kinh doanh là phạm luật. Theo Bộ Luật Tứ phần, chương Ni tát kỳ ba dật đề, đã đề cập đến các giới luật liên quan đến việc cầm giữ vàng bạc, kinh doanh tài bảo và buôn bán. Mục đích của các giới luật này là ngăn ngừa lòng tham lam, tư lợi cho tu sĩ, giúp tu sĩ tránh đọa lạc vào các việc phi pháp.

Giới tướng của việc giữ tiền bạc cụ thể như sau: “Tỳ kheo nào, tự tay cầm tiền, hoặc vàng bạc, hoặc bảo người cầm, hoặc nhận từ dưới đất, ni tát kỳ ba dật đề”[3].  Phật cũng nói rằng:

“Nếu sa môn, bà la môn không bỏ uống rượu, không bỏ dâm dục, không bỏ dùng tay nắm vàng bạc, không bỏ sự sống tà mạng. Đó gọi là bốn đại hoạn của sa môn, bà la môn. Nó có khả năng khiến cho sa môn, bà la môn không sáng, không sạch, không có khả năng soi chiếu, cũng không có oai thần”[4].

Giới tướng của việc kinh doanh, trao đổi tiền bạc như sau: “Tỳ kheo nào, kinh doanh tiền tài bảo vật, dưới mọi hình thức, ni tát kỳ ba dật đề”[5]. Luật tứ phần giảng giải tiền ở đây gồm 8 loại: tiền vàng, tiền bạc, tiền thiếc, tiền đồng, tiền bạch lạp, tiền chì thiếc, tiền cây, tiền hồ giao.

Về việc buôn bán, Luật tứ phần nêu rõ: “Tỳ kheo nào, kinh doanh mậu dịch dưới mọi hình thức, ni tát kỳ ba dật đề”[6]. Luật cũng nêu rõ, nếu nhận được lợi nhuận thì phạm ni tát kỳ ba dật đề, nếu không được lợi nhuận thì phạm đột kiết la (thức xoa ca la ni). Phật dạy về việc trao đổi buôn bán là “chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm”[7].

Như vậy, về mặt giới luật, khi tu sĩ thực hiện giao dịch kinh doanh, buôn bán, trao đổi hàng hóa đã phạm ni tát kỳ ba dật đề. Ni tát kỳ ba dật đề là từ phiên âm từ Naiḥsargika-Pātayantika (尼薩耆波夜提) hay còn gọi Xả đọa pháp. Hán dịch cụm từ này là đọa, rơi vào chỗ xấu ác. Nghĩa là khi phạm các giới trong Ni tát kỳ ba dật đề, tu sĩ sẽ rơi vào con đường xấu ác, không còn giữ được phạm hạnh, phải mang tất cả tài vật đến trước tăng chúng xả bỏ và chân thành sám hối.

Không chỉ việc phạm giới mà khi kinh doanh tu sĩ sẽ dễ dàng “phóng tâm” tham đắm tài vật, lợi nhuận, tham lam, tính toán lợi ích riêng. Điều này làm cản trở con đường tu tập, ngăn chặn sự nảy nở phát triển của lòng từ bi, hạnh bố thí dẫn đến những suy nghĩ, lời nói, hành động không đúng chuẩn mực của thiền môn. Ranh giới giữa kinh doanh vì lợi ích chung và kinh doanh vì tư lợi rất mong manh. Chỉ cần một niệm khởi lên có thể làm công sức tu tập nhiều năm của tu sĩ trở thành vô nghĩa như câu “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”. Do đó, để hạn chế ngăn chặn việc rơi vào nguy cơ tham nhiễm của cải, giới luật Phật đã răn dạy, làm lớp áo phòng vệ, giúp tu sĩ tránh xa những điều xấu ác có thể mắc phải. Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn. Mọi công hạnh đều xuất phát từ giới luật. Giữ giới trong sạch thanh tịnh sẽ sinh định. Tâm an định mới phát sinh trí huệ. Như vậy, gìn giữ giới luật là điều tối hệ trọng đối với tu sĩ Phật giáo.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, kinh tế đóng vai trò quan trọng, trao đổi hàng hóa là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc trao đổi và kinh doanh trong Phật giáo là vấn đề nhạy cảm và tìm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi cho Phật giáo. Mặc dù chúng ta không phủ nhận một vài cá nhân đã dùng kinh doanh để mang lại lợi lạc cho chúng sanh. Nhưng, việc kiểm soát thân tâm, giữ gìn cho trong sạch lại là điều khó khăn khi trực tiếp tiếp xúc và giao dịch kinh doanh. Trong khi đó, việc giữ gìn giới luật, tu tập và hoằng truyền giáo pháp mới là điều quan trọng đối với tu sĩ. Để làm lợi lạc cho chúng sanh, Phật giáo có nhiều phương tiện, không nhất thiết phải sử dụng đến việc kinh doanh.

Hiện nay, một số cơ sở Phật giáo nằm trong điểm phát triển du lịch, các hình thức kinh doanh “bủa vây” ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh thanh tịnh, trang nghiêm của Phật giáo. Đây là vấn đề của xã hội hiện đại, tác động của kinh tế và hội nhập mà Phật giáo Việt Nam không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan và rạch ròi, những cơ sở mang “dáng dấp” kiến trúc, không gian Phật giáo trên phục vụ cho hoạt động du lịch hay phục vụ cho việc tu tập, tiến hóa trên con đường giác ngộ đúng đắn? Việc nhập nhằng và hình thức bên ngoài dễ dàng làm chúng ta có những nhận định không đúng đắn về bản chất sự việc. Cho nên, cổ nhân có câu “Nhân hư đạo bất hư”  là vậy. Một số cá nhân đã lợi dụng hình ảnh Phật giáo để thực hiện các hành vi thương mại gây bứt xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tu sĩ Phật giáo chân chính.

  1. Một số bàn luận

Nếu tu sĩ không tự kinh doanh, trao đổi buôn bán để tạo ra vật thực có phải trở thành gánh nặng cho xã hội? Theo chúng tôi, đây là một câu hỏi không hợp lý. Câu hỏi hợp lý nên là tu sĩ làm gì để không trở thành gánh nặng cho xã hội? Trong xã hội, mỗi cá nhân đều có những nhiệm vụ chuyên môn riêng, giúp cho xã hội ổn định trật tự và phát triển. Giáo viên giảng dạy, giáo dục; công an bảo vệ sự an toàn, trật tự xã hội; nông dân sản xuất lương thực. Mặc dù giáo viên không trực tiếp tạo ra hạt gạo nhưng lại là người đào tạo cho các thế hệ tương lai. Tương tự, tu sĩ không trực tiếp tạo ra của cải nhưng đóng góp to lớn vào việc gìn giữ các giá trị tư tưởng tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu tâm linh, hướng con người đến các giá trị chân thiện mỹ. Một điều cần phải khẳng định lại, Phật giáo chính là nơi duy trì và gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Do đó, vai trò của tu sĩ là chuyên tâm tu tập, phụng sự chúng sanh, không thể để kinh doanh làm cản trở con đường giác ngộ. Trong Quy Sơn Cảnh Sắc của Ngài Quy Sơn Linh Hựu có viết: “Phàm người xuất gia là cất bước đến phương trời cao rộng, tâm hình khác tục. Nối thạnh giòng Thánh, hàng phục quân ma, nhằm đền trả bốn ân, cứu giúp ba cõi”[8]. Như vậy, tu sĩ khi xuất gia đã quyết tâm trên con đường của bậc Thánh thì tâm tướng phải noi theo bậc đại hùng, đại trí từ đó mới tự giác, làm lợi lạc quần sanh hà cớ chi để mình vướng vào chuyện thế tục.

Trong lịch sử phát triển Phật giáo, khất thực là hạnh để chúng sanh gieo duyên với Phật pháp và tăng trưởng công đức bố thí. Tu sĩ nhận vật thực cúng dường , thọ ân đàn na tín thí phải dốc lòng tu tập để đền đáp trọng ơn này. Trong Phật giáo lưu truyền đoạn kệ sau:

Phật quán nhất lạp mễ

Nhược trọng tu di sơn

Thực dĩ bất tu đạo

Bì mao đải giác hoàn.

Tạm dịch:

Phật xem một hạt gạo

Nặng như núi Tu Di

Thọ dụng mà chẳng tu

Mang lông đội sừng trả

Với ân trọng như vậy, nếu tu sĩ không ra sức tu tập sẽ không thể đền được ân trên. Do đó, nếu tu sĩ tự tiện kinh doanh, nuôi sống bản thân sẽ vô tình không còn thấy được ân trọng của tín chủ, dễ dàng hành động tùy thích, phóng tâm giãi đãi chỉ cần không phạm pháp luật nhà nước. Viễn cảnh này sẽ dẫn đến mối quan hệ tứ chúng trong Phật giáo có nguy cơ phá vỡ, Tăng chúng chỉ lo kinh doanh để mưu sinh, lười nhác tu tập. Hiện nay, một số tu sĩ đã chọn trở thành “nông tăng”, tu theo “nông thiền” tức tự canh tác để phục vụ đời sống trong tự viện. Đây là hình thức được khuyến khích và phù hợp với các tự viện ở vùng nông thôn, diện tích đất cho phép.

Quan điểm của chúng tôi không đi ngược lại với tinh thần nhập thế trong bối cảnh hiện nay của các tôn giáo. Ngược lại, truyền thống Phật giáo Việt Nam từ xưa luôn hướng đến việc nhập thế nhằm mang lại lợi lạc cho chúng sanh. Chúng tôi không phản đối việc kinh doanh trong Phật giáo, nhưng đối tượng trực tiếp thực hiện, điều hành là ai, hàng hóa kinh doanh là gì mới là điều cần quan tâm. Xuyên suốt quan điểm của chúng tôi, tu sĩ cần tuân thủ giới luật, chuyên tâm tu học nội điển, khuếch dương chánh pháp làm lợi lạc cho chúng sanh, đóng góp vào an sinh xã hội.

Trước nhu cầu của Phật tử, tác động của xã hội, kinh doanh có thể xuất hiện trong tự viện nhưng người trực tiếp thực hiện và quan lý, điều hành nên là Phật tử của chùa. Việc thương thảo của chùa chỉ nên dừng lại ở việc giới hạn khu vực, quy mô, hình thức kinh doanh để tranh ảnh hưởng đến đời sống thiền môn. Vấn đề nhạy cảm như cúng dường lại phần lợi nhuận hoặc giá cả mặt bằng nên được xuất phát từ tùy tâm của người kinh doanh đóng góp vào chi phí sinh hoạt chung của chùa.

Hàng hóa kinh doanh nên được cơ sở Phật giáo hạn chế các mặt hàng phù hợp như tranh tượng Phật giáo, kinh sách Phật giáo đã được kiểm duyệt nội dung, tràng hạt, lộng tán, trang phục Phật giáo, đồ thờ cúng trên bàn Phật, nhang trầm, ẩm thực chay. Đây là việc làm quan trọng, tránh trường hợp kinh doanh tranh tượng, kinh sách không phải Phật giáo, vật phẩm gây mê tín, không phù hợp với tinh thần, tư tưởng của Phật giáo như xin xăm, lộc, bùa bình an,…

Trong đời sống hiện đại, việc gìn giữ giới luật ngày càng khó khăn, tu sĩ phải luôn cân nhắc cảnh giác tự bản thân. Trước những khác biệt về phương xứ, hoàn cảnh phải nhận định tùy duyên mà uyển chuyển để mang lại lợi lạc cho chúng sanh. Do đó, tu sĩ lấy giới luật làm gốc, lấy trí tuệ quán sét hoàn cảnh, tình huống, lấy từ bi làm cốt lõi để có những phương tiện thiện xảo, vừa giữ tròn phạm hạnh, vừa cảm hóa, mang lại lợi ích cho quần sanh.

Kết luận

Phật giáo với nhiều tư tưởng, giá trị hướng con người đến Chân Thiện Mỹ. Những tư tưởng này ngày càng được sự quan tâm của giới kinh doanh. Việc áp dụng giáo lý Phật vào kinh doanh, quản lý doanh nghiệp được xem là một giải pháp hữu hiệu trước những bất ổn của xã hội hiện đại. Hiện nay, Phật giáo được xem là một nguồn lực để phát triển xã hội. Phật giáo đề cao con người, tính nhân văn và tiết kiệm giúp xã hội khai thác hiệu quả nguồn nhân lực và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên.Với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, Phật giáo đóng góp to lớn trong phát triển ngành du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Bằng tấm lòng từ bi, Phật giáo đã góp phần vào giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giúp bình ổn xã hội và tạo điều kiện kinh tế xã hội phát triển.

Dưới tác động của xã hội và nhu cầu của con người, việc kinh kinh các vật phẩm, ẩm thực chay, chương trình du lịch đã xuất hiện trong nhiều tự viện Phật giáo. Kinh doanh trong Phật giáo là một cách tận dụng nguồn lực nội tại, tạo ra những lợi ích xã hội nhất định. Tuy nhiên, về mặt giới luật, kinh doanh, trao đổi buôn bả là phạm giới, cụ thể là giới ni tát kỳ ba dật đề. Tu sĩ Phật giáo với vai trò gìn giữ mạch đạo nên cần chuyên tâm trì giới, tinh tấn tu tập để giáo hóa chúng sanh sống theo chánh pháp, đóng góp vào phát triển xã hội. Việc kinh doanh trong Phật giáo về bản chất không xấu và cũng không có lý do gì để ngăn cản. Tu sĩ không nên can thiệp, liên quan đến việc kinh doanh vì rất dễ khởi lên tâm tham đắm tài sản, dẫn đến những suy nghĩ, hành động, lời nói không đúng với chánh pháp. Kinh doanh trong Phật giáo nên do Phật tử trực tiếp thực hiện dưới sự giới hạn về không gian, quy mô trong tự viện. Hàng hóa kinh doanh cũng cần cân nhắc phù hợp với giáo lý và tinh thần của Phật giáo ở Việt Nam. Giữ gìn giới luật là việc hệ trọng, trong bối cảnh hiện đại, việc gìn giữ phạm hạnh là điều khó khăn. Giới luật giúp kiểm thúc oai nghi Tăng chúng và là thọ mạng của Phật pháp. Ý thức được điều này, Tu sĩ cần tự cảnh tinh bản thân, không lấy lý do tùy duyên mà tự tiện phá bỏ giới luật.

Tài liệu tham khảo

  1. Luật tứ phần. (2013). Việt dịch Thích Đổng Minh. Cà Mau: Phương Đông
  2. Ngọc Linh. (2022). Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai trên 7.000 tỷ đồng từ thiện xã hội trong nhiệm kỳ VIII. Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo chính phủ. Truy cập từ đường dẫn: https://btgcp.gov.vn/tin-trong-nuoc/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-trien-khai-tren-7000-ty-dong-tu-thien-xa-hoi-trong-nhiem-ky-viii-post0Babkr8qyG.html, ngày 16/6/2024.
  3. Ngô Hà Trung. (2023). Những lớp dạy nghề miển phí nhờ tấm lòng bi mẫn. Báo điện tử Công thương. Trích từ đường dẫn: https://tapchicongthuong.vn/nhung-lop-day-nghe-mien-phi-nho-tam-long-bi-man-109139.htm#:~:text=Hi%E1%BB%87n%20c%C3%B3%20kho%E1%BA%A3ng%2010%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng,Nai%2C%20Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20d%E1%BA%A1y%20ngh%E1%BB%81%20%C4%91i%C3%AAu, ngày 16/6/2024.
  4. Thích Thanh Từ. (2023). Quy Sơn Cảnh Sách giảng giải. Hà Nội: Tôn giáo

* Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Đạo đức, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM

** Học viên Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM

[1] Ngô Hà Trung. (2023). Những lớp dạy nghề miển phí nhờ tấm lòng bi mẫn. Báo điện tử Công thương. Trích từ đường dẫn: https://tapchicongthuong.vn/nhung-lop-day-nghe-mien-phi-nho-tam-long-bi-man-109139.htm#:~:text=Hi%E1%BB%87n%20c%C3%B3%20kho%E1%BA%A3ng%2010%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng,Nai%2C%20Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20d%E1%BA%A1y%20ngh%E1%BB%81%20%C4%91i%C3%AAu, ngày 16/6/2024.

[2] Ngọc Linh. (2022). Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai trên 7.000 tỷ đồng từ thiện xã hội trong nhiệm kỳ VIII. Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo chính phủ. Truy cập từ đường dẫn: https://btgcp.gov.vn/tin-trong-nuoc/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-trien-khai-tren-7000-ty-dong-tu-thien-xa-hoi-trong-nhiem-ky-viii-post0Babkr8qyG.html, ngày 16/6/2024.

[3] Luật tứ phần. (2013). Việt dịch Thích Đổng Minh. Cà Mau: Phương Đông, tr. 281.

[4] Luật tứ phần. (2013). Việt dịch Thích Đổng Minh. Cà Mau: Phương Đông, tr. 280.

[5] Luật tứ phần. (2013). Việt dịch Thích Đổng Minh. Cà Mau: Phương Đông, tr. 283.

[6] Luật tứ phần. (2013). Việt dịch Thích Đổng Minh. Cà Mau: Phương Đông, tr. 288.

[7] Luật tứ phần. (2013). Việt dịch Thích Đổng Minh. Cà Mau: Phương Đông, tr. 287.

[8] Thích Thanh Từ. (2023). Quy Sơn Cảnh Sách giảng giải. Hà Nội: Tôn giáo, tr. 75.

XEM NHIỀU