Thứ Ba, 19/03/2024, 18:36 (GMT +7)
| Hà Nội,

”Những sai phạm vừa qua không là hình ảnh đại diện cho ngành y”

0506ee4c20f5eaabb3e4 8790 1641379577

Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng nhưng không là hình ảnh đại diện cho ngành Y tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, chiều 5/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi thời gian qua “đã làm xói mòn lòng tin đối với ngành”.

Tuy nhiên, ông nói những vi phạm, sai sót đó không thể làm phai mờ nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành y tế trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua cũng như sắp tới.

Theo ông Long, dịch bệnh không chỉ là vấn đề y tế mà còn tác động toàn diện mọi mặt kinh tế – xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đến nay, Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh, mạnh hơn nhiều lần so với các biến chủng cũ.

Cuộc chiến chống dịch chưa có tiền lệ “đã tạo ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế, đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua”. Nhờ sự đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân, ngành y tế đã trụ vững, từng bước kiểm soát dịch bệnh để cả nước chuyển sang giai đoạn mới thích ứng an toàn với Covid-19.

Nhiều giải pháp chuyên môn chưa từng có đã được triển khai kịp thời, phù hợp với từng giai đoạn, như giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập các trung tâm hồi sức, các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà… Việt Nam đã và đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất lịch sử.

Lãnh đạo ngành y tế nhận định, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn. Số ca mắc có thể tăng nhanh, ngay cả khi đã tiêm vaccine. Những nghiên cứu thời gian gần đây cho thấy biến chủng Omicron có thể ít gây chuyển nặng hơn so với Delta, nhưng nếu để biến chủng này lây lan diện rộng ở Việt Nam, số ca nhiễm tăng nhanh, sẽ vẫn gây quá tải hệ thống y tế, khiến số ca tử vong tiếp tục tăng lên.

Vì vậy, năm 2022, ngành Y tế sẽ ưu tiên nhiệm vụ hàng đầu là tập trung chống dịch, góp phần phục hồi kinh tế – xã hội. “Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn trước mắt, bởi mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh”, ông Long nói.

Ngoài ra, ngành Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi; Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi; Luật Dược sửa đổi… Công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong ngành sẽ được đẩy mạnh.

Giải trình trước Quốc hội vào tháng 11/2021, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long từng phát biểu, những sai phạm xảy ra trong ngành y khiến “chúng ta rất đau lòng, nhưng phải xử lý đúng quy định”.

Thời gian qua, nhiều cán bộ công tác trong lĩnh vực y tế đã bị cơ quan điều tra xử lý.

Cuối tháng 10/2021, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, 54 tuổi, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố về Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Tuấn bị cáo buộc liên quan sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội – nơi ông từng làm giám đốc.

Ngày 18/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) khởi tố ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương – CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan vụ án, ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thiết bị Việt Á, cùng một số thuộc cấp cũng bị khởi tố.

Ngày 31/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) đã khởi tố ông Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế), Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng tội danh với hai nhân sự thuộc Bộ Y tế trên, C03 đã khởi tố ông Trịnh Thanh Hùng (Vụ phó Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ).

Liên quan vụ án, ông Nguyễn Văn Định (Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật, CDC Nghệ An) và Nguyễn Thành Danh (Giám đốc CDC Bình Dương) cùng bị khởi tố với cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Chia sẻ:
Facebook
Twitter
WhatsApp
Email
Print

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TÌM KIẾM

Ads 300x250