Chủ nhật, 23/06/2024 03:45:34 (UTC+7) 5,678,999,608

Những căn cứ cho phép chư Tăng nhận tiền, bảo vật trong luật tạng

Thích Như Dũng

Đối với những kẻ trộm Tăng tướng, thì không được Tăng đoàn công nhận là một Tỳ Kheo như pháp, trọn đời họ không được xuất gia, cũng không được khất thực, không được nhận sự cúng dường, lễ bái của tín thí. Vì đó là hạng giả sư. Đã không phải Tăng sĩ Phật giáo thì làm gì có tư cách giữ giới Tỳ Kheo, trong khi chưa được đăng đàn thọ cụ. Nếu chỉ tự đọc giới bổn Tỳ Kheo rồi tự giữ, thì cũng chỉ là kẻ trộm pháp. Như kinh Bách Dụ nói đó là giặc trộm áo vua mà mặc. Nên quý Phật tử không thể dựa vào những kẻ vô trí như thế xúc phạm Tăng đoàn, khi chưa hiểu rõ về Luật Tạng.

1. Theo Luật Ma Ha Tăng Kỳ, Phần Ni- Tát- Kì – Ba- Dật- Đề, 18. Giới cầm tiền bạc:
Sau khi, Phật chế giới không giữ tiền tại thành Vương Xá. Có thầy Tỳ Kheo, tại thành Ca- Duy- Vệ, bị bệnh mà cam chịu thọ bệnh, do không có tiền mua thuốc, cũng không có tiền mua thức ăn bồi dưỡng cơ thể, vì đức Phật chế giới không được cầm sinh sắc và tợ sắc.
Đức Phật đi tuần liêu biết được bèn truyền cho các thầy Tỳ Kheo tại thành Ca-duy-la-vệ dạy, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: “Nếu Tỉ-kheo tự tay cầm sinh sắc, tợ sắc hoặc sai người cầm nắm với ý tham trước thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề”.
Nghĩa là đức Phật khai mở cho phép giữ tiền làm Phật sự, trợ duyên cho đời sống tu học với tâm không tham trước.
2. Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Luật Thập Tụng, quyển 39, Tạp Tụng, Phần Minh Tạp Pháp: “Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó vào ngày Tăng bố tát, phu nhân Mạt Lợi cúng tiền cho Tăng, các Tỳ kheo không thọ, nói là Phật chưa cho thọ, đem việc này bạch Phật, Phật bảo nên thọ”.
Như vậy, thời Phật tại thế, vì thương tưởng tín tâm của đàn việt, đức Phật đã tùy duyên phương tiện cho phép chư Tăng nhận tiền.
3. Tương tự, đối với việc cầm nắm bảo vật. Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Luật Thập Tụng, quyển 39, Tạp Tụng, Phần Minh Tạp Pháp:
Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Ca-chiên-diên có một đệ tử là thương nhơn, vị này từ biển về đem bối ngọc đeo trong người cúng cho Trưởng lão, Trưởng lão không thọ nói rằng: “Phật chưa cho thọ bối ngọc đeo trong người”, bạch Phật, Phật cho thọ.
4. Nguyên văn giới thứ mười là không được nắm giữ sanh tượng (vàng bạc) bảo vật trong Sa Di Luật Nghi Yếu Lược (Hoà Thượng Thích Trí Quang dịch giải) nói:
“Nên khi Phật tại thế, tăng sĩ đều khất thực, không lập bếp núc, áo cơm phòng thất đều tùy ngoại duyên, đặt vàng bạc vào vị trí vô dụng. Nắm giữ mà còn cấm thì sự thanh bạch có thể biết được. Bừa nhằm vàng mà không ngoái lại để ngắm, nho sĩ thế gian còn như thế, Thích tử tự xưng bần đạo thì chứa của làm gì ?
Người xuất gia thời nay không phải ai cũng khất thực, mà hoặc nhập tòng lâm, hoặc ở am viện, hoặc đi phương xa, cũng không khỏi cần đến tiền bạc.
Nhưng quyết định phải biết trái với sự qui định của Phật mà phát sanh sự hổ thẹn to lớn, nghĩ nhớ nỗi nghèo thiếu của người khác mà thường hành bố thí…”.
Như vậy, đối với Phật Giáo Bắc Truyền, chư tổ đã khai cho chư tăng giới không giữ tiền từ lúc còn Sa Di. Nhưng tại sao giới bổn Tỳ Kheo vẫn giữ nguyên vẹn kinh văn về giới cấm này?
Sau khi đức Phật nhập Niết bàn, tại đại hội kiết tập kinh tạng lần thứ I, đã nổi lên sự tranh tụng giữa Tăng già về một số các điều luật “vụn vặt” được A Nan Ðà thuật lại là đức Phật, trước khi nhập Niết bàn, đã cho phép hủy bỏ. Nhưng tôn giả Ca Diếp chủ trì đại hội, phủ quyết:” “Ðiều nào đức Phật đã răn dạy, chư đệ tử phải tuyệt đối gìn giữ, không được phân biệt khinh trọng (Theo Tiểu Phẩm, trong tạng Luật số XI – Cùlavagga XI Vinaya). Vì sợ tị thế cơ hiềm.
Tuy nhiên, theo dòng chảy lịch sử, sự truyền thừa luật Tỳ Kheo, đã có sự phân hoá thành các bộ hiện đang lưu hành gồm: Luật Pali của Phật giáo Nam Truyền; Luật Tứ Phần, Luật Thập Tụng, Luật Ngũ Phần, Luật Ma Ha Tăng Kỳ của Phật giáo Bắc Truyền.
Về cơ bản các giới bổn đều giữ nguyên giá trị lời Phật dạy theo tinh thần của ngài Đại Ca Diếp. Nhưng về mặt ứng dụng tùy theo quốc độ mà tùy duyên bất biến, nên có sự khác nhau về số lượng giới điều thiên về tiểu tiết.
Theo HT. Nhất Hạnh, luật Thập Tụng đã được truyền thừa từ buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta. Tất nhiên, phần Tạp Tụng được trích dẫn như trên đã đề cập đến việc chư Tăng vì muốn cho thí chủ tăng trưởng niềm tin, phước báo mà nhận tiền là hợp pháp. Do đó, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Phật giáo là Quốc giáo, triều đình còn cấp đất, xây chùa, cung tiến tiền bạc, bảo vật, người làm công quả, phục vụ cho đời sống chư Tăng. Nhất là để tỏ lòng kính trọng của Vua quan đối với các bậc cao Tăng thạc đức.
Tuy chư Tăng Bắc Truyền nước ta hiện nay truyền thọ giới Tỳ Kheo theo Luật Tứ Phần nhưng sự thọ nhận cúng dường tịnh tài ấy vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, theo tinh thần của Đại Thừa, ngoài thọ Thanh Văn Giới, chư Tăng phải thọ thêm Bồ Tát Giới căn cứ theo Kinh Phạm Võng Bồ Tát, để thuận duyên cho việc lợi sanh, hành đạo.
5. Về việc giữ tiền của chư Tăng Bắc Truyền, theo Đại Thừa Bồ Tát Giới, đó là phương tiện lợi sanh để tu hạnh bố thí, nếu giữ tiền theo tinh thần Đại Thừa thì chư Tăng không phạm giới. Theo Bồ Tát Giới, Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải, Số 8: Không Được Tiếc Lẫn Tài Pháp:
“Phật tử nếu tự mình tiếc lẫn, bảo người tiếc lẫn – tiếc lẫn với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự tiếc lẫn; nhưng Bồ tát thì bất cứ người nghèo thiếu nào đến cầu xin, cũng phải tùy nhu cầu của họ mà cung cấp những thứ mình có, vậy mà đảo ngược lại, vì tâm địa không tốt, tâm lý hờn giận, nên đến nỗi MỘT ĐỒNG TIỂN, một cây kim, một ngọn cỏ, cũng không cho ai; có ai đến cầu xin Phật pháp, đã không nói cho họ được một câu đủ nghĩa, một bài chỉnh cú, một chút bằng hạt bụi, lại còn nhục mạ họ nữa, thì đó là tội ba la di của Bồ tát”.
Qua đó, đủ thấy giới luật của nhà Phật là tùy duyên nhi bất biến, được ứng dụng uyển chuyển theo từng truyền thống Phật giáo, thời đại, quốc độ mà duy trì chánh pháp. Vì sự trường tồn và phát triển của Phật giáo không thể tách ra khỏi sự phát huy của Tăng đoàn thông qua các đạo sự từ thiện, xây chùa, tạc tượng, in kinh, nuôi chúng và tổ chức tu học cho quần chúng Phật tử.
Việc ngoại đạo chỉ dựa vào giới không giữ tiền của Luật Tỳ Kheo để phỉ báng Tăng đoàn là vô lý. Vì giới luật nhà Phật có khai, giá, trì, phạm. Việc giữ tiền chẳng phải là trọng tội làm mất bản thể Tỳ Kheo, vì đó là giới khinh, được phép sám hối. Huống chi trong Luật Thập Tụng, Sa Di Giới và Bồ Tát Giới của Bắc Truyền đều cho phép chư Tăng vì lợi sanh mà nhận tiền. Còn ngoại đạo chỉ biết đến giới bổn Tỳ Kheo theo luật Tứ Phần, khác nào bọn thầy bói mù xem voi, mà vọng nhận sở tri của mình là chân lý.
Đối với những kẻ trộm Tăng tướng, thì không được Tăng đoàn công nhận là một Tỳ Kheo như pháp, trọn đời họ không được xuất gia, cũng không được khất thực, không được nhận sự cúng dường, lễ bái của tín thí. Vì đó là hạng giả sư. Đã không phải Tăng sĩ Phật giáo thì làm gì có tư cách giữ giới Tỳ Kheo, trong khi chưa được đăng đàn thọ cụ. Nếu chỉ tự đọc giới bổn Tỳ Kheo rồi tự giữ, thì cũng chỉ là kẻ trộm pháp. Như kinh Bách Dụ nói đó là giặc trộm áo vua mà mặc. Nên quý Phật tử không thể dựa vào những kẻ vô trí như thế xúc phạm Tăng đoàn, khi chưa hiểu rõ về Luật Tạng.
Nam Mô Tam Châu Cảm Ứng Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát

XEM NHIỀU