Như Lai (Tathàgata) là một trong những danh hiệu của Đức Phật. Chúng ta thường nghe, Như Lai là bậc “Không từ đâu đến và cũng không đi về đâu” (Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai – Kinh Kim Cang). Kinh tạng Pàli nói về Như Lai dễ hiểu hơn, là bậc “Nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy”.
Kinh Trường bộ (số 29, kinh Thanh tịnh) ghi: “Này Cunda, trong thời gian giữa đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác và đêm Như Lai nhập Vô dư y Niết-bàn giới, trong thời gian ấy, những gì Như Lai nói trong khi thuyết giảng, nói chuyện hay trình bày, tất cả là như vậy chớ không gì khác. Do vậy mới gọi là Như Lai. Này Cunda, Như Lai nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy; nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy nên được gọi là Như Lai”.
3 thông điệp đặc biệt về nơi đản sinh của Đức Phật
“Tất cả là như vậy” trong đoạn kinh “Những gì Như Lai nói trong khi thuyết giảng, nói chuyện hay trình bày, tất cả là như vậy chớ không gì khác” là như thị, như thực, như chơn. Đức Phật chỉ nói ra sự thật, cái thấy biết nhờ kinh nghiệm chứng ngộ và con đường đạt đến cái thấy biết vô thượng ấy. Ngài nói rõ sự thật về khổ và con đường diệt khổ. Đức Phật là bậc Đạo sư, người thầy chỉ đường; con đường trở nên Thánh đầy gian khổ mà Ngài đã đi qua.
Là bậc giác ngộ, hiền triết nhưng Đức Phật không phải là nhà tư tưởng, triết học. Ngài không xây dựng học thuyết mà chỉ chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những vướng mắc nội tâm cho đệ tử bằng sự thấy biết của mình. “Nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy” thoạt nhìn như đơn giản, bình thường nhưng thật sự phi thường. Nói ra sự thấy biết bằng trải nghiệm, những gì đã kinh qua đồng thời làm được, sống trọn vẹn với những gì mình nói.
Kinh Trường bộ (số 19, kinh Đại điển tôn) ghi: “Thế Tôn nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Một vị nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy, thành tựu các pháp và tùy pháp như vậy, một vị đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn”.
Sau khi giác ngộ Đức Phật tuyên bố “Những gì nên làm thì đã làm, gánh nặng đã đặt xuống” rồi thì đâu cần làm thêm gì nữa. Nhưng với chúng sinh thì Ngài cần phải làm, đó là chuyển mê khai ngộ, trọng tâm của hơn 45 năm tùy duyên hoằng pháp độ sinh. “Nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy” vì Như Lai hằng sống với cái thấy biết chân thật, trí tuệ sáng tỏ nên tất cả hiện toàn chân.
Mùa Phật đản về, học theo hạnh Như Lai, hàng đệ tử chúng ta cần “Nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy”. Có lẽ, nếu chưa thành tựu được nhiều trên con đường Giới-Định-Tuệ thì chúng ta cần lắng nghe và tu tập nhiều hơn nói. Thà im lặng mà hùng tráng còn hơn sôi nổi mà dối mình, gạt người. Đường đạo thì dài xa, nghiệp lực vốn nặng nề, chướng duyên luôn vây bủa. Thành ra, vì để đền ơn Tam bảo và tiếp dẫn hậu lai mà phải nói đạo, thuyết pháp nhưng thực sự không tương ưng nên mãi tàm quý không thôi.
Kinh Tăng chi bộ (chương IV Pháp, phẩm Uruvela, phần Thế giới) cũng ghi: “Này các Tỳ-kheo, Như Lai nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy. Vì rằng nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy, nên được gọi là Như Lai”. Sự phi thường của Như Lai được làm nên từ những điều bình thường. Đó là hạnh giải tương ưng, ngôn hành hợp nhất. Ai làm được như thế là bậc Tôn quý ở đời (Thế Tôn), là Như Lai.