Thứ Ba, 05/12/2023, 11:53 (GMT +7)
| Hà Nội,

Nguyên nhân làm cho triều đại nhà Trần hưng thịnh (II)

Nha Tran Da Bien Dai Viet Thanh Ong Lon Phuong Nam Nhu The Nao 8 195052 0646
Các vua Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông vừa là một vị nguyên thủ quốc gia, vừa là một nhà lãnh đạo tinh thần. Họ là những nhà đạo đức gương mẫu, vừa có kiến thức thế học vững chắc, lại vừa có trình độ Phật học uyên thâm.
3. Những nhà ngoại giao xuất sắc làm vinh dự quốc gia dân tộc

Khi Ô Mã Nhi tiến quân đến Đông Bộ Đầu, Nhân Tông muốn dò xét tình hình của địch, sai Đỗ Khắc Chung đến doanh trại của y nói là đến xin thương thuyết. Để trấn áp tinh thần của sứ giả, Ô Mã Nhi cật vấn nhiều điều khúc mắc, nhưng Khắc Chung vẫn bình tĩnh, thản nhiên, đối đáp lưu loát, khiến cho họ Ô rất khâm phục, bảo với các tướng lĩnh của y: “Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên… giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước của nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được” (ĐVSKTT, II, tr. 51)

Tài ứng đối lanh lẹ của sứ giả Đại Việt một lần nữa ta lại thấy xuất hiện ở Mạc Đĩnh Chi (1284 – 1361) khi ông làm trưởng đoàn ngoại giao đi sứ nhà Nguyên  năm 1308. Lúc tiếp xúc với triều thần phương Bắc, ông đã làm cho họ thán phục tài hùng biện của mình. Đến khi vào chầu, nhân lúc nước ngoài dâng quạt, vua Nguyên bảo các quan làm bài minh, Đĩnh Chi liền cầm bút viết xong bài minh như sau:

Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho,

Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngạ phu,

Y, dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng,  duy ngã dữ nhĩ, hữu nhi thị phù.

(Chảy vàng tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho,

Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo.

Ôi! được dùng thì làm, bị bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là như thế ru!). (ĐVSKTT, II, tr. 93)

Qua đó, vua tôi nhà Nguyên lại càng thêm khâm phục. Và tương truyền vua Nguyên đã phong cho ông danh hiệu: “Lưỡng quốc trạng nguyên” (Trạng nguyên cả hai nước).

nha-tran-da-bien-dai-viet-thanh-ong-lon-phuong-nam-nhu-the-nao-8-195052

Lại chuyện Nguyễn Đại Phạp cầm đầu phái đoàn ngoại giao nước ta sang sứ nhà Nguyên năm 1292. Khi thăm các quan hàng tỉnh, thấy Chiêu Quốc vương Ích Tắc ngồi đó, Đại Phạp chào hỏi mọi người, chỉ chừa Ích Tắc. Ích Tắc hỏi: “Ngươi không phải là tên biên chép ở nhà Chiêu Đạo Vương đó sao? Đại Phạp đáp: Việc đời thay đổi, Đại Phạp trước vốn là tên biên chép cho Chiêu Đạo Vương, nhưng nay là sứ giả, cũng như Bình Chương xưa kia là con vua, mà nay lại là người hàng giặc. Ích Tắc có vẻ hổ thẹn” (ĐVSKTT, II, tr. 66)

Chẳng những khi đi sứ sang phương Bắc các sứ giả đã làm cho Bắc triều phải kính nể người Việt, mà lúc sang sứ phương Nam, các nhà ngoại giao nước ta cũng làm cho họ phải thay đổi cả thông lệ. Theo nghi lễ Chiêm Thành, sứ giả khi vào triều, phải lạy chúa Chiêm trước, rồi mới mở đọc chiếu thư. Nhưng khi Nhữ Hài đến đó, lúc vào triều kiến, liền bưng chiếu thư để trên án, nói với chúa Chiêm: “Từ khi sứ Thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư thực như trông thấy mặt thiên tử nên tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc”. Từ đó về sau, sứ thần ta sang Chiêm Thành không còn lạy chúa Chiêm nữa. (ĐVSKTT, II, tr. 86). Vì vậy mà ông được Thượng hoàng Nhân Tông khen: “Nhữ Hài đúng là người giỏi”.

Đành rằng nhân tài thời nào cũng có, nhưng các sứ giả ngoại giao đi sứ nước ngoài đã không làm mất thể diện quốc gia, mà còn khiến cho các lân bang phải kính nể, thán phục, thì phải thừa nhận đời Trần thật là đặc sắc.

4. Trên dưới đoàn kết một lòng

Nhờ có đời sống gương mẫu, các vua đời Trần đã cố kết được lòng người, khiến cho toàn dân đoàn kết, trên dưới một lòng, thậm chí đứa trẻ con cũng thấy mình có trách nhiệm khi Tổ quốc lâm nguy. Vì vậy mà khi triều đình họp bàn việc chống giặc ngoại xâm, Hoài Văn Hầu Quốc Toản lúc này còn nhỏ chưa được phép tham dự, phấn khích bóp nát quả cam đang cầm trong tay lúc nào không biết. Sau đó lui về huy động gia nô, sắm sửa vũ khí, dựng một lá cờ đề 6 chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, báo ân vua), rồi tự động điều quân xông pha đánh giặc. (ĐVSKTT, II, tr. 46)

Thượng tướng Quang Khải và Hưng Đạo Vương vốn ít thân nhau, người ta ngờ rằng giữa hai bên có điều gì hiềm khích. Để giải mối nghi ấy, một hôm hai người gặp nhau, bèn tắm cho nhau. Hưng Đạo nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”, Quang Khải cũng bảo: “Hôm nay được Quốc Công tắm rửa cho”. Từ đó tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. (ĐVSKTT, II, tr. 70)

Một chi tiết rất nhỏ này đã nói lên cái ý nghĩa rất lớn là tinh thần đoàn kết giữa mọi người. Nhất là ý thức gia đình, tình gia tộc keo sơn. Đọc trong lịch sử xưa nay, chúng ta ít thấy triều đại nào mà tình gia tộc nồng nàn như triều đại nhà Trần.

Đánh, tiếng hô vang dội thốt ra từ cửa miệng của các bô lão tại hội nghị Diên Hồng do Thượng hoàng Thánh Tông triệu tập. Đấy là biểu hiện của sự nhất trí và quyết tâm cao, đồng thời là sự thách thức đối với dã tâm xâm lăng của địch. Có lẽ sử thần Ngô Sĩ Liên đã nói đúng khi nhận định về việc này: “Giặc Hồ vào cướp là nạn lớn của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn, há lại không có kế sách gì chống giặc hay sao mà phải đợi ban yến hỏi kế các phụ lão? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, cũng để dân chúng nghe lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy”. (ĐVSKTT, II, tr. 48)

Ba lần chiến thắng quân Nguyên, tạo ra một đoạn sử hiển hách nhất của dân tộc, phải chăng các vua Trần đã khéo lợi dụng được sự nhất trí ủng hộ của toàn dân? Trong dân gian có câu tục ngữ: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Thế thì sự đoàn kết quả là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cả tập thể.

5. Tinh thần tự tín, tự cường

Tinh thần đoàn kết là một nhân tố cần thiết, nhưng muốn được đoàn kết, nhà lãnh đạo phải có ý chí tự tín, quyết đoán thì mới thuyết phục được mọi người tuân theo mệnh lệnh của mình.

Tháng 12 năm 1255 thế giặc đang tiến mạnh, quân ta phải lui về giữ sông Thiên Mạc, Thái Tông liền dời thuyền đến chỗ thái sư Trần Thủ Độ (1194 – 1264) hỏi kế chống giặc. Thấy tâm trạng đang lo lắng của Thái Tông, Thủ Độ trả lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo gì khác” (ĐVSKTT, II, tr. 26)

Lời nói đầy tự tin của Thủ Độ có một tác dụng rất lớn, vừa khiến cho Thái Tông yên lòng, vừa động viên mạnh mẽ lòng dũng cảm chiến đấu của ba quân.

Cùng một lối nói cương quyết và đầy khí phách là câu trả lời của Hưng Đạo với Thánh Tông. Khi quân Nguyên đang rầm rộ tiến vào kinh thành, Thánh Tông giả vờ hỏi ông: “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”. Hưng Đạo trả lời: “Bệ hạ chém đầu thần trước rồi hãy hàng”. Và một lần khác vua Nhân Tông đến hỏi tình hình quân giặc thì ông đáp thản nhiên: “Năm nay đánh giặc nhàn” (ĐVSKTT, II, tr. 57)

Thủ Độ có công xây dựng cơ nghiệp nhà Trần, có tinh thần gia tộc rất mạnh, việc gì cũng lo toan chu đáo, hành động thì cương quyết tự tin. Kế thừa truyền thống của gia đình, Hưng Đạo tỏ ra là một bậc anh hùng  lỗi lạc, văn võ song toàn, vừa tự tin vào tài năng của mình, vừa biểu lộ tấm lòng yêu nước cực độ. Nhân cách và tài trí của ông khiến cho triều đình vững lòng, quân sĩ phấn khởi. Ba lần chiến thắng quân Nguyên, công ông không nhỏ. Mỗi lần lật lại trang sử xưa, chúng ta không khỏi xúc động và hãnh diện nhớ đến hình ảnh lẫm liệt của bậc anh hùng xuất chúng đời Trần.

6. Tinh thần độc lập tự chủ

Tinh thần tự tín, tự cường cần thiết để xây dựng đất nước như thế nào thì tinh thần độc lập, tự chủ cũng không kém phần quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Bằng tinh thần độc lập, các văn nhân nước ta đã có ý thức tạo một thứ chữ riêng cho dân tộc gọi là chữ Nôm. Công việc này đã manh nha từ trước, nhưng phải đến đời Trần nó mới hoàn chỉnh. Bài văn tế cá sấu nổi tiếng của Nguyễn Thuyên là một ví dụ. Ông làm bài văn này giống như việc tế cá sấu trước kia của Hàn Dũ, nên được vua Nhân Tông ban cho họ Hàn, gọi là Hàn Thuyên. Nhưng rất tiếc bài văn ấy nay không còn nữa. Ngoài ra, Nhân Tông còn có hai bài là Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Huyền Quang (1254 – 1334) có Vịnh Vân Yên tự phú. Và tương truyền Mạc Đĩnh Chi có Giáo tử phú. May thay các áng văn này hiện nay vẫn còn. Đó là những bảo vật trong kho tàng văn học nước nhà.

Tính độc lập tiêu biểu nhất là câu trả lời của vua Minh Tông (1314 – 1329) với triều thần. Nhân các ông Lê Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ, vua nói: “Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam Bắc khác nhau, nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng cốt tìm đường tiến thân, thì sinh loạn ngay” (ĐVSKTT, II, tr. 138)

Vua Nghệ Tông (1370 – 1372) cũng nói: “Triều đình dựng nước tự có pháp độ riêng không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam Bắc đều làm chủ nước mình, không cần phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị (1358 – 1369) kẻ học trò mặt trắng làm việc nước không hiểu thâm ý khi lập ra pháp độ, cho nên đem pháp chế cũ của tổ tông thay đổi theo phong tục phương Bắc, như y phục ca nhạc và nhiều thứ khác. Bắt đầu từ nay chính trị phải trở lại đúng lệ đời Khai Thái (1324 – 1329)”.

Qua đó, chúng ta thấy rõ ý thức tự chủ quốc gia và tinh thần độc lập dân tộc của các vua đời Trần và những nhà yêu nước tiến bộ. Họ muốn tạo ra một bản sắc đặc thù Việt Nam, tách rời ảnh hưởng của phương Bắc bằng một niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của cha ông.

7. Những phẩm cách đặc biệt

Người xưa nói: “Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân” (một nhà có lòng nhân thì cả nước có lòng nhân). Phải chăng nhờ ảnh hưởng tinh thần độc lập và tự trọng của các vua Trần mà Bình Trọng đã khẳng khái trả lời với tướng giặc khi ông bị bắt. Biết ông là bậc danh tướng, quân giặc muốn thuyết phục ông hàng, nhưng Bình Trọng thét lớn: “Ta thà làm quỷ nước Nam, quyết không thèm làm vương đất Bắc” (ĐVSKTT, II, tr. 51). Lời khẳng định ấy vừa biểu lộ khí phách hào hùng của một viên danh tướng, vừa tự gắn chặt đời mình với hồn thiêng sông núi thân yêu.

Trần Liễu (1211 – 1251) vốn đau buồn về việc mất Thuận Thiên có ý hiềm oán Thái Tông, nên khi lâm chung cầm tay Quốc Tuấn bảo phải chiếm lấy ngôi báu. Quốc Tuấn không cho là phải. Sau đó muốn thử lòng hai kẻ tùy tướng là Dã Tượng và Yết Kiêu, Quốc Tuấn bèn đem lời cha dặn nói với hai người ấy. Hai ông cùng đáp: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu” (ĐVSKTT, II, tr. 77).

Quốc Tuấn là bậc danh tướng có học thức rộng nên biết phân biệt lẽ phải trái, điều đó cũng dễ hiểu; nhưng hai người kia là kẻ tùy tướng ít học, mà biện luận sáng suốt, có nghĩa khí cao thượng như vậy thật đáng thán phục.

Đó là khí phách đặc biệt của các võ tướng, và sau đây là đức liêm khiết của bậc danh thần. Đĩnh Chi vốn tính thanh liêm, nên gia thế rất thanh bạch. Vua thương tình cảnh ấy, sai người ban đêm mang mười quan tiền bỏ vào nhà ông. Hôm sau vào chầu, ông cứ tình thật tâu lên vua việc ấy, vua bảo: “Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu”. (ĐVSKTT, II, tr. 108)

Bề tôi thì sống đạm bạc, liêm khiết, nhà vua thì quan tâm đến từng đời sống của mỗi triều thần. Ôi! thực là cảnh vua Thánh, tôi hiền hiếm có.

Ngoài ra, còn có Chu Văn Trinh (? – 1370) là người thẳng thắn, cương nghị, giữ bền tiết tháo, không cầu danh lợi. Khi dâng thất trảm sớ (sớ xin chém 7 tên nịnh thần) lên vua Dụ Tông (1341 – 1369), không thấy vua trả lời, ông bèn rũ áo từ quan, về nhà mở trường dạy học, học trò ông có nhiều người đỗ đại khoa, giữ những chức vụ lớn trong triều đình. Phạm Sư Mạnh, Lê Quát làm đến Hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy ở dưới giường, được hầu chuyện cùng thầy thì lấy làm mừng lắm. Ai có điều không tốt thì ông thẳng thắn nghiêm trách, thậm chí quát đuổi không cho gặp mặt. Nhân cách đặc biệt của ông như thế nào qua lời bình luận của sử thần Ngô Sĩ Liên sau đây có thể thấy rõ: “Văn Trinh thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói mãnh liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm sau nghe phong độ của ông há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông thật đáng được coi là ông tổ của các nhà Nho nước Việt ta mà thờ vào Văn miếu vậy” (ĐVSKTT, II, tr. tr.152-53)

Xem thế đủ thấy nhân cách và đạo đức của các bậc tôi hiền là những nhân tố rất thiết yếu để xây dựng một xã hội có tôn ti trật tự và ổn định nhiều mặt. Phẩm hạnh của họ là những tấm gương sáng để mọi người noi theo, và nhờ đó tạo thành giềng mối kỷ cương cho một xã hội lý tưởng.

Những nguyên nhân mà chúng ta đã tìm hiểu trên tạo thành các nhân tố tích cực để đưa đất nước đến phú cường. Điều đó hiển nhiên, nhưng thử hỏi động lực nào đã tựu thành các nguyên nhân ấy, và nguyên nhân nào là cốt lõi trong tất cả mọi nguyên nhân?

8. Đời Trần lấy Phật giáo làm quốc đạo

Trong bài văn bia chùa Thiên Phúc, Lê Quát than phiền: “Cái thuyết họa phúc của nhà Phật sao mà cảm động lòng người sâu sắc đến thế? Trên từ vương công dưới đến thứ dân, hễ nói đến việc bố thí cúng dường Phật sự thì dù hết tiền, hết của cũng không tiếc. Ngày hôm nay được cúng tiền vào việc xây chùa, dựng tháp thì lấy làm hân hoan như là ngày hôm mai sẽ được báo ứng tốt đẹp. Thế nên từ trong kinh thành đến ngoài châu phủ, khắp nơi thôn cùng ngõ hẻm, không cần ra lệnh mà cũng tuân theo, không bắt phải thề mà vẫn giữ đúng. Hễ chỗ nào có nhà ở thì có chùa Phật. Chùa hư nát thì sửa lại; lâu đài, chuông trống chiếm tới phân nửa dân cư. Sự hưng thịnh của đạo Phật quá dễ dàng mà sự tôn sùng thì rất mực”. (Việt Nam Phật giáo sử luận, I, Nguyễn Lang, tr. 414)

Và văn bia chùa Khai Nghiêm, Trương Hán Siêu (? – 1354) viết: “Tượng giáo đặt ra là để đức Phật dùng làm phương tiện tế độ chúng sanh, khiến cho người ngu không biết, người mê không ngộ nương vào đó mà trở về con đường thiện… vì thế những nơi u nhã thanh kỳ trong nước, chùa chiền đã chiếm mất một nửa”. (Thơ văn Lý Trần, II, thượng, tr. 748)

Tuy hai nhà nho Siêu, Quát không ưa đạo Phật, tìm cách chỉ trích, nhưng qua đó chúng ta thấy hai ông đã chứng minh một cách cụ thể đạo Phật lúc bấy giờ rất hưng thịnh, trên từ vương khanh, dưới đến lê dân đều rất mực tôn sùng. Giáo lý từ bi cứu khổ, nhân quả, thiện ác đã thấm nhuần sâu sắc trong mọi từng lớp nhân dân. Phật giáo đã khéo triển khai những khía cạnh tích cực, sinh động, thực tiễn và tiến bộ để đáp ứng những nhu cầu thiết thực của thời đại.

Kết luận

Tóm lại, một đất nước có vua sáng, tôi hiền, triều đình hòa mục, trên dưới đồng lòng; trên từ Thiên tử, dưới đến thứ dân, tất cả đều một lòng vì dân vì nước. Trong mọi lĩnh vực quân sự, ngoại giao, giáo dục, chính trị đều có những nhân tài xuất chúng. Mọi người đều có tinh thần độc lập, tự chủ, tự tín và tự cường. Như vậy là đủ điều kiện để xây dựng một quốc gia hùng mạnh. Nhưng điều quan trọng hơn hết là tư tưởng chủ đạo để hướng dẫn tất cả mọi hoạt động ấy. Đó là tinh thần Phật giáo: một tinh thần nhập thế và hành động, từ bi cứu khổ, lấy con người làm đối tượng để phụng sự.

Các vua Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông vừa là một vị nguyên thủ quốc gia, vừa là một nhà lãnh đạo tinh thần. Họ là những nhà đạo đức gương mẫu, vừa có kiến thức thế học vững chắc, lại vừa có trình độ Phật học uyên thâm. Họ dùng đạo Phật để phục vụ mục đích chính trị, nhưng là một nền chính trị nhân bản, dạt dào nghĩa nước tình dân.

Hình ảnh một lãnh tụ quốc gia cầm quân ra trận khi tổ quốc lâm nguy đồng thời cũng là một Thiền sư siêu thoát lúc đất nước thanh bình, đó là kết tinh kỳ diệu của một nền Phật giáo tự chủ trong một quốc gia độc lập và phú cường.

Nguồn:https://phatgiao.org.vn/

Chia sẻ:
Facebook
Twitter
WhatsApp
Email
Print

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TÌM KIẾM

Ads 300x250