PHẬT GIÁO VIỆT NAM LUÔN HỘ QUỐC AN DÂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC
“Có trí tuệ thì không tham trược, thường tự soi sáng, tránh khỏi các lỗi lầm…Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền kiên cố chở chúng sinh khỏi biển sinh, lão, bệnh, tử, là ngọn đèn lớn soi sáng vô minh hắc ám, là liều thuốc hay chữa hết thảy tật bệnh, là chiếc búa sắc chặt gãy cây phiền não. Vậy các vị cần phải lấy sự học hỏi, sự suy nghĩ, sự tu tập mà tự tăng ích cho trí tuệ mình”.(Kinh Di Giáo)
Như vậy, có thể thấy vai trò của trí tuệ trong cuộc sống của mỗi người. Cuộc sống không trí tuệ soi sáng như đi trong bóng đêm vô minh, sẽ đầy bất trắc, khổ đau và phiền não. Hiểu được như vậy, mỗi con người cần trau dồi trí tuệ thường xuyên, suốt cuộc đời.
Trí tuệ không tự nhiên mà có. Nó là sự kết hợp của trí thông minh và sự hiểu biết. Thông minh là thứ có sẵn của mỗi người, và mức độ thông minh ở mỗi người mỗi khác, nhưng sự hiểu biết lại là thứ cần phải tích lũy. Nếu con người có trí thông minh mà không chịu học hỏi thì không thể trở thành người trí tuệ. Đức Phật cũng dạy: “Cần phải lấy sự học hỏi, sự suy nghĩ, sự tu tập mà tự tăng ích cho trí tuệ mình”. Đó chính là sự trau dồi trí tuệ. Trau dồi trí tuệ là sự kết hợp của ba yếu tố:
Học hỏi: Con người ta không phải sinh ra đã trở thành hiểu biết. Muốn trở thành người hiểu biết thì cần học hỏi, học tập, để thâu nạp kiến thức. Kiến thức là nền tảng của trí tuệ và là một loại tài sản đặc biệt, không bao giờ mất đi, không ai có thể đánh cắp. Người có nhiều kiến thức, hiểu biết sâu rộng là một người giàu có, một sự giàu có suốt đời. Chính vì vậy mà muốn trở thành người có trí tuệ trước hết phải học tập. Quá trình học tập đó cần phải thực hiện thường xuyên và suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi, học trong trường và ngoài xã hội, học thầy và học cả những đứa trẻ. Sự học hỏi, học tập đó sẽ mang lại cả kiến thức sách vở và kiến thức xã hội, cả kiến thức hàn lâm và kiến thức thực tế.
Suy nghĩ: Kiến thức là nền tảng của trí tuệ. Nhưng, để trở thành người trí tuệ thì chỉ kiến thức thôi chưa đủ, bởi con người ta nếu không suy nghĩ, chiêm nghiệm, thì khó có thể thấu triệt mọi điều. Cần lắng đọng, tư duy, suy nghĩ để rõ được nghĩa lý, hiểu được sự thật, nhìn rõ lẽ nhân sinh. Bên cạnh đó cũng cần mang kiến thức ra phục vụ cuộc sống, nếu không mang kiến thức ra phục vụ cuộc sống thì khối kiến thức đó cũng không mang lại ích lợi gì nhiều, đôi khi con người như vậy sẽ trở thành người sách vở và không thực tế. Suy nghĩ, tư duy, chiêm nghiệm để sáng rõ mọi điều, thấu triệt lẽ nhân sinh sẽ là sự bổ khuyết cho kiến thức sách vở, tạo nền tảng vững chắc hơn cho trí tuệ con người.
Tu tập: Để trở thành một người có trí tuệ thực sự, thì những người con Phật cần biết tu tập. Tu tập để lắng đọng thân tâm, trau dồi “Giới, Định, Tuệ”. Tu tập là việc trì giới, hành thiền và thực hành những lời Phật dạy. Trì giới để gột sạch bụi bặm trong tâm, hành thiền để thân tâm không loạn động, do thân tâm không loạn động mà trí được định. Khi tâm trí đã định thì tuệ sẽ phát chiếu. Như vậy, tu tập là một việc quan trọng làm cho tâm trí con người sáng suốt, để nhận biết tính chân giả của sự việc, từ đó có sự lựa chọn, lối sống đúng đắn, không sai lầm. Đây là điều kiện thiết yếu để vun bồi trí tuệ. Khi tâm trí sáng suốt sẽ tỏ rõ mọi điều, sẽ không còn mê mờ tăm tối vô minh.
Như vậy, ba yếu tố trên đây phải luôn được trau dồi, trưởng dưỡng thì mới trở thành người có trí tuệ thực sự. Nếu thiếu một trong ba yếu tố ấy sẽ không thể là người có trí tuệ đủ đầy, như trong giới kinh đã nói : “Học hỏi, xét nghe mà không suy nghiệm thì như làm ruộng không gieo mạ. Suy nghiệm mà không thực hành tu tập thì cũng như không tát nước, bừa cỏ, rốt cục không có kết quả. Trái lại, được đầy đủ thì được chứng quả”. Người con Đức Phật có trau dồi trí tuệ, là người có trí tuệ sẽ luôn sống tỉnh thức trong Chánh pháp, với sự hiểu biết, với tâm trí sáng suốt, luôn định được chân, giả, có thể diệt trừ hết phiền não và đạt được an vui, đi đến bến bờ giải thoát Niết Bàn.
PHẬT GIÁO VIỆT NAM LUÔN HỘ QUỐC AN DÂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC
Kiên Giang: Phiên trù bị Đại hội Đại biểu Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh lần thứ VIII
Huế: Sẽ thành lập Ban Trị sự GHPGVN 2 quận mới Phú Xuân và Thuận Hóa trong năm 2025
Tiền Giang: Ban Trị sự Phật giáo TX.Cai Lậy tổ chức Hội nghị Tổng kết Phật sự năm 2024