Logo chính thức của Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Ngày giỗ Má, tôi về lại căn nhà xưa, nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên bên cạnh Má và các anh chị trong gia đình quây quần 10 anh chị em lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười của người dân quê. Tuổi thơ tôi bên dòng sông Hậu hiền hoà thoạt ẩn thoạt hiện khi xe lướt qua cổng tam quan vào nội ô thành phố Châu Đốc, cảm xúc bồi hồi của tình thương yêu còn nguyên vẹn với những người thân yêu trong gia đình đã lâu không gặp, tận đáy lòng chợt dâng lên niềm xót xa khi nhận ra đã có quá nhiều đổi thay trải dài suốt 32 năm qua, kể từ khi tôi rời xa chốn này để du phương học đạo. Từng ấy thời gian cũng đủ để cho tôi hiểu được câu “sắc không”. Vô thường biến đổi của mỗi năm nghiệt ngã như một con sông chảy tràn ngập trắng cánh đồng lúa bạt ngàn quê tôi: vừa êm đềm từng con sóng lao xao như tiếng mẹ ru, lại vừa giận dữ như muốn trút mọi oán thù lên số phận nhỏ nhoi của con người giữa mênh mông sông nước.
… Quỳ thắp nhang trước mộ Má, tôi thấy như Má thật gần, mà cũng rất xa: nhìn di ảnh càng thêm nhớ, tìm dáng dấp chỉ thêm buồn, khói nhang nghi ngút thay lời, đợi chờ bao năm mòn mỏi. Ai rồi cũng sẽ phải ra đi, những cuộc ra đi không hẹn ngày tái ngộ ấy đã và đang như con dao cắm sâu trong trái tim những người còn ở lại với bao nỗi nhớ thương da diết trong cõi đời chênh vênh của tình người nhiều hỷ nộ, lắm bội vong. Lau bia mộ, con có cảm giác như ánh mắt u uất của má như muốn nói điều gì. Má biết không, có rất nhiều điều con muốn nói với Má mà chưa được nói kể từ ngày Má bỏ con đi trong chiều đông năm đó, gió không lạnh nhưng lòng con buốt giá khi nhận ra mình là đứa trẻ mồ côi trong căn nhà chỉ còn tiếng khóc của chị em con bên bàn thờ Má. Tự tay gỡ từng chiếc bánh, rót một chung nước, dọn từng chén cơm trước ngôi mộ im lìm dưới bóng cây hoàng yến, sâu thẳm tận đáy lòng, con nhớ Má vô cùng, con thèm lắm được nắm bàn tay của Má như ngày xưa. Má gian truân một đời, dành mọi an lành cho con; đớn đau đoạn trường, giờ con khôn lớn nên người thì Má lại xa thẳm mù khơi với hình hài sương khói. Tôi muốn nhắn đến ai đó đang còn mẹ một bài thơ như lời thầm thì tha thiết để không tiếc nuối trong đời:
Mẹ cho con nắm bàn tay,
Bàn tay mẹ ẵm con ngày xa xưa.
Mẹ ơi nếu lỡ một mai,
Mẹ về với đất tay ai con cầm?
…
Bên cạnh mộ Má là Ba, rồi sau lưng Má là có 5 người con, cháu thân yêu của Má: anh Hai, anh Tư, chị Năm, anh Tám và thằng Tý – đứa cháu ngoại Má thương. Má chắc không còn buồn như thuở chia xa năm đó, nhưng con và các anh chị còn lại thì đau buồn khi tử biệt lặp lại, chồng chất nỗi xót xa mỗi khi lại đưa một người thân trong nhà đến bên Má tại nơi này. Đi qua từng ngôi mộ, lòng tôi quặn thắt khi bắt gặp ánh nhìn đau đáu của các anh chị từ di ảnh trên mộ bia. Từng người thân đã vui buồn cùng tôi trong chuỗi ngày thơ ấu, giờ nằm im trong lòng đất lạnh mặc cho mưa nắng phũ phàng, tuế nguyệt phong sương. Anh chị bỏ tôi đi xa, gối mỏi chân mòn đường xa dịu vợi, gối mỏi chân mòn, mọi người còn buồn không? Rồi mai đây trên những bước gian nan, chân cũng hụt hẫng khi nhận ra chỉ còn mình ta trơ trọi giữa đường trần. Cát bụi là ta thôi! … Về nhà bày cơm canh quả phẩm lên cúng giỗ Má, trên bàn thờ tăm tắp đến 5 di ảnh. Tôi, chị Sáu, chị Bảy và chị Tám chắp tay dâng hương, rót trà mà mỗi người một cảm xúc mơ mơ hồ hồ về ký ức căn nhà này của ngày bên nhau đầy ắp kỷ niệm ngọt ngào lẫn cay đắng theo thăng trầm cuộc sống ngày đó. Tóc các chị đã trắng, tôi muốn bật khóc khi thấy khoảng cách của chị em tôi dường như đã định đoạt dưới bàn tay nghiệt ngã vô thường, già bệnh ly tan. Các chị, người thắp hương tưởng niệm người đã khuất, dạ bùi ngùi thương nhớ không nguôi; tôi đứng chờ bên cạnh, chạnh lòng không dám nghĩ đến viễn cảnh ngày mai của những người chị thật sự đã già yếu, mỏi mòn ngay trong căn nhà chịu nhiều cuộc tang thương, ly biệt này. Tôi ngậm ngùi với bao nỗi suy tư lẫn hoài niệm, bên tai văng vẳng tiếng hát ca khúc Bên đời quạnh hiu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vọng lại từ nhà hàng xóm:
“Rồi một lần kia khăn gói đi xa,
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà.
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế!
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ.”
Logo chính thức của Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Kiên Giang: Khóa tu “Bát quan trai” tháng 11 năm Giáp Thìn tại chùa Phật Quang
Những dấu hiệu để nhận biết bậc Thánh tăng
Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM tổ chức lễ Tốt nghiệp năm 2024 cho gần 400 Tăng Ni sinh