Thứ tư, 19/06/2024 04:01:53 (UTC+7) 45,678,910,152

Nét đẹp mùa an cư theo tinh thân giới luật

TT Thích Minh Hạnh/ Phật Giáo và Doanh Nhân

Chánh pháp mà đức Phật giảng dạy có được tuyên dương và trường tồn hay không thì Tăng đoàn là một trong những yếu tố quyết định. Nếu Tăng bị phân hóa, chia rẽ, đấu tranh, phỉ báng nhau, thiếu đoàn kết, thiếu hòa hợp và thiếu hẵn nếp sống thanh tịnh thì cũng là lúc ngôi nhà Phật pháp đang dần bị rạn nứt và sụp đổ. Bởi lẽ, bản thể của Tăng chính là sự hòa hợp, thanh tịnh. Nếu tăng chỉ hòa hợp nhưng không thanh tịnh thì sự hòa hợp đó khác gì “tặc trụ” tự xưng Tỳ-kheo Thích tử; còn nếu như chỉ thanh tịnh nhưng thiếu đi sự hòa hợp thì lấy gì để tạo nên một cộng đồng an lạc. Tinh thần hòa hợp thanh tịnh ấy được thể hiện rõ qua Pháp An cư.

Theo Tứ Phần Luật, nguyên nhân mà đức Phật quy định lễ an cư chính là do sự cơ hiềm của các cư sĩ đối với nhóm lục quần Tỳ-kheo, nhóm lục quần Tỳ-kheo đi du hành trong nhân gian vào tháng mùa hạ, trời mưa, nước lớn nên trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết côn trùng và cỏ non. Bên cạnh đó pháp an cư này không chỉ riêng đạo Phật mới có, mà ngoại đạo thời đó cũng đã có truyền thống an cư này. Thế nhưng truyền thống An cư kiết hạ của đạo Phật có nhiều điểm riêng biệt.

Theo kinh Đại Điển Tôn (Mahà-Govinda-suttanta), việc an cư đã được chư Phật quy định từ lâu. Pháp an cư không chỉ để tránh dẫm đạp sinh linh, mà cũng chính là thời gian thích hợp nhất để các tu sĩ tập trung tu học. Thêm vào đó, an cư là biểu hiện tinh thần sống chung hòa hợp của cộng đồng Tăng già. Nhân mùa an cư, Tăng Ni tụ hội lại một nơi, thỉnh những vị đạo cao đức trọng nhắc nhở, dạy bảo tu hành. Nhờ những bậc có kinh nghiệm trên bước đường tu hành đi trước, chỉ dạy lại cho người sau. Do đó, trong đại chúng ai cũng có đủ duyên tu tiến, không trở ngại, không lùi bước. Đồng thời an cư cũng là dịp để hàng đệ tử tại gia có điều kiện thuận lợi tu học Phật pháp và ủng hộ hàng Tăng bảo.

Theo lịch Ấn Độ, mùa an cư bắt đầu từ mồng một trăng trong tháng A sa đà, tức nữa tháng sáu dương lịch, kéo dài suốt ba tháng cho đến ngày trăng tròn tháng Ất thấp phược đệ xà.

Theo ngài Huyền Trang và Pháp Hiển thì mồng một tháng A sa đà tương đương với ngày 16/6 theo lịch của Trung Hoa. Các nước Phật giáo phương Nam bắt đầu an cư vào ngày 16/6 theo lịch Trung Hoa. Nhưng ở Trung Hoa, pháp an cư được quy định từ ngày 16/4 theo lịch Trung Hoa. Sự quy định này chúng ta có thể thấy rõ ràng chúng được lấy cơ sở từ bản dịch chữ Hán Kinh Vu lan, theo đó mà ngày tự tứ được tổ chức vào ngày 15/7 theo lịch Trung Hoa. Bởi vậy, các nước ảnh hưởng Trung Hoa đều theo thông lệ này. Theo thông lệ của nước ta , tiền an cư vào ngày 16/4 âm lịch, và từ ngày 17/4 đến 16/5 thuộc về hậu an cư.

Ngày nay đất nước ngày mỗi phát triển, đường sá rộng lớn, không còn phải dẫm đạp các loài côn trùng nữa. Thế nhưng tuân theo lời đức Phật dạy chúng ta cũng kiết hạ an cư. Thời này chúng ta không phải vì tâm đại bi vì sợ vô tình làm chết các loài côn trùng hay dẫm lên cỏ non nữa. Ngày nay chúng ta cùng nhau chung ở một điểm, một khu vực để rồi cố gắng tinh tấn tu hành, thúc liễm thân tâm để trau dồi tam vô lậu học. Cũng nương nhờ các vị có Giới, có Định, có Tuệ đi trước, hiểu đạo hơn, thâm sâu Kinh, Luật, Luận hướng dẫn chỉ dạy chúng ta cố gắng tu cho có kết quả tốt. Trong Luật Tứ Phần, đức Phật có nói đến bảy nguyên tắc chi phối đời sống Tăng già.

Bảy nguyên tắc ấy như sau:

  1. Các tỳ-kheo cần phải thường xuyên tập họp, và tập họp đông đảo, để giảng luận chánh pháp, khiến cho có sự hòa thuận trên dưới của các tỳ-kheo.
  2. Các tỳ-kheo phải tụ họp trong tinh thần hòa hiệp, giải tán trong tinh thần hòa hiệp, và chấp hành Tăng sự trong tinh thần đoàn kết.
  3. Chúng tỳ-kheo không ban hành những luật lệ không thích hợp, những luật lệ không đáng được ban hành, và cũng không bãi bỏ những luật lệ đã được ban hành từ trước; sống đúng những gì đã được quy định bởi cộng đồng Tăng lữ.
  4. Các tỳ-kheo luôn luôn phải kính trọng, phục vụ các tỳ-kheo trưởng lão, những vị có nhiều kinh nghiệm tu tập trong Chính Pháp Luật, sẵn sàng nghe theo những lời khuyên dạy của các bậc trưởng thượng như thế.
  5. Các tỳ-kheo sống không bị lôi cuốn bởi những tham ái.
  6. Trú xứ cộng đồng các tỳ-kheo luôn luôn là những trú xứ nhàn tịnh.
  7. Các tỳ-kheo sống an trú trên chính niệm tạo thành một cộng đồng sinh động, khiến cho các bạn đồng tu từ những phương khác nếu chưa đến thì muốn đến, và đã đến thì muốn cùng sống và cùng tu tập trong sự an lạc.

Cũng vậy, Bậc xuất gia là người mang trên vai lý tưởng “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, bước chân vào cuộc đời là những hoài bão, những gánh vác trên vai. Thế nhưng để đi vào đời mà còn giữ nguyên được bản tâm xuất gia, giữ vững đời phạm hạnh là điều không dễ dàng. Chúng ta thường áp dụng lối sống “Tùy duyên” để đưa đạo vào đời, phải sống đúng ý nghĩa của nó là “tùy thuận chúng sinh, dĩ văn tải đạo” chớ để “tùy duyên” đó lại theo “phan duyên trần cảnh, ô nhiễm thân tâm”. Thế nhưng, với sự phát triển của xả hội càng ngày càng hiện đại hóa, văn minh và phát triển, thì chúng ta cũng phải dùng chút phương tiện thiện xảo để giáo hóa, đưa chúng sanh hiểu đạo, từ đó sẽ dễ đưa ánh sáng Phật pháp đến từng cá nhân, gia đình và xã hội một cách hợp lý và trí tuệ. Người xuất gia hòa nhập vào thế gian bởi rằng “Phật pháp bất ly thế gian giác”, nhưng chỉ hòa chứ không tan, nếu tan thì khác gì người đời. Thế mới nói rằng người xuất gia phải “tâm hình dị tục”.

Với người xuất gia phát tâm dũng mãnh rời bỏ gia đình cạo bỏ râu tóc, khoác áo nâu sồng, mang y hoại sắc, sống đời phạm hạnh, theo đúng con đường đức Phật đã đi. Dù đã phát tâm rời khỏi căn nhà thế tục thế nhưng vẫn có lúc bị nghiệp lực lôi kéo, tâm tình lên xuống, khi hành trì thiền định nghiêm mật, nhưng lúc phóng dật phạm lỗi không bao giờ phát huy được Trí huệ tâm linh. Vì thế người xuất gia, một năm mười hai tháng có biết bao nhiêu Phật sự bận rộn như du hóa, hoằng pháp, hoạt động xã hội, từ thiện, có duyên sự nay đi đây mai đi đó, không ở một chỗ nỗ lực tấn tu. Đến mùa an cư mọi việc đều gác qua, dồn hết tâm lực cho việc tu học thôi, phải cố gắng đem hết tâm lực mình tu và học cho được kết quả tốt.

“Buộc tâm lấy giới làm dây

Lắng tâm lấy định xây dựng đạo tràng

Rõ tâm đuốc tuệ soi đàng

Tâm không, cảnh tịch, Niết bàn an vui”.

Trong Kinh A Di Đà, đức Phật giới thiệu về cõi nước cực lạc phương Tây, nơi mà được diễn bày là không khổ, toàn vui, hạnh phúc an lành theo đức Phật A Di Đà. Men theo lời kinh để thử xem một ngày bên Tây phương sinh hoạt như thế nào. Buổi sáng mọi người hứng hoa đi khắp mười phương dâng kính Phật, trưa về lại thọ thực thiền hành trong chánh niệm từ bi, chiều nghe đạo âm diệu pháp học kinh, tối đến lại chuyên cần nhiếp tâm mình vào định. Cả ngày sống trong Giới-Định-Tuệ như vậy thì làm sao không an, không vui cho được. Cũng vậy, ba tháng an cư chúng Tăng trở về một trú xứ, nhiếp tâm vào lục thời tu tập, cùng nhau chấp tác trong niềm vui, cùng nhau thuyết giới trong tinh thần hòa hợp thanh tịnh, cùng nhau tụng Kinh, niệm Phật, tọa Thiền trong chánh niệm tỉnh thức, cùng nhau trao đổi sẻ chia những kiến giải, kinh nghiệm tu hành, đồng thời thể hiện tình huynh đệ, tinh thần hòa hợp như nước với sữa. Để sống chung trong một môi trường như vậy đòi hỏi sự tương tác, đồng cảm, thấu hiểu và tinh thần nâng đỡ nhau trong quá trình tu tập. Thế mới gọi là An cư vậy!  Đó cũng chính là tinh thần Lục hòa cộng trụ mà đức Phật dạy vậy: “Ānanda, có sáu nguyên tắc của sự thân ái tạo nên tình yêu và sự tôn trọng, thái độ không tranh chấp, sự hòa hợp và đoàn kết bao gồm: Thân hòa cùng ở, khẩu hoà không tranh cãi, ý hoà cùng vui, giới hoà cùng tu tập, thấy biết cùng nhau chia sẻ, lợi dưỡng cùng nhau phân chia hợp lý…, nếu các vị Tỳ Kheo luôn duy trì thực hiện sáu nguyên tắc này sẽ dẫn đến hạnh phúc lợi lạc dài lâu”.

Akira Hirakawa cho rằng:

Tinh thần hòa hợp của Tăng già được ví như ‘nước của biển’. Ở đây, lấy 8 ví dụ để làm rõ tinh thần hòa họp mang tính đặc trưng trong Phật giáo:

  1. Sự tu học của Tăng già, giống như đại dương càng ra xa càng sâu dần;
  2. Đệ tử Phật gìn giữ giới pháp giống như nước trong đại dương không bao giờ vượt quá bờ của nó;
  3. Người phạm tội trong Tăng già chắc chắn phải bị cử tội, cũng giống như đại dương không bao giờ giữ tử thi trong biển mà luôn quăng nó lên bờ;
  4. Người muốn gia nhập Tăng già cần phải loại bỏ tư tưởng giai cấp chủng tánh, tất cả đều gọi là ‘Sa môn thích tử’, như nước trăm sông chảy về biểu không còn danh xưng nào khác;
  5. Tất cả thành viên trong Tăng già đều thành tựu sự giải thoát giống nhau, như nước của đại dương cùng có chung vị mặn;
  6. Những đều chứng đắc của các thành viên trong Tăng già giống nhau không thêm không bớt, giống như nước của trăm sông đổ về biển, không phải vì vậy khiến cho nước biển có tăng có giảm;
  7. Trong Tăng già vốn có đầy đủ giáo pháp và giới luật, giống như trong đại dương ẩn chứa nhiều báu vật;
  8. Trong Tăng già có nhiều đại đệ tử an trú, cũng giống như trong đại dương có nhiều loại cá lớn trú ẩn. Đây là 8 đặc điểm của Tăng già mà các hội chúng khác không có, nên gọi là ‘tám pháp vị Tằng hữu’ (aṣṭa adbhuta-dharma) của Tăng già.

Phàm muốn vượt thoát khỏi bến mê để vượt qua bỉ ngạn, muốn trừ bỏ cuộc sống triền phược tăm tối để đi đến Niết bàn an vui tịch tĩnh, thì hành giả phải nghiên trì Tịnh giới. Bởi lẽ Giới là nền tảng cho Định và Tuệ, là áo giáp để trang nghiêm pháp thân, là phao đưa người vượt qua bể khổ, đồng thời cũng là mạng mạch của Phật pháp, là thuyền bè đưa người đến Tịnh thổ an vui. Giới hạnh của người xuất gia rất quan trọng trong sự tu tập đạt đến giải thoát. Những điều mà chúng ta đã phát tâm lãnh thọ trước Tam bảo thì cần phải luôn khắc ghi và nhớ nghĩ suy xét trong tâm. Trong mùa an cư, cứ mỗi nữa tháng, chúng tăng phải thuyết giới (bố tát) một lần để nhắc nhở mình phải luôn giữ gìn cẩn thận những giới luật đã thọ, không để cho sai phạm. Ngày quan trọng đó được gọi là ngày Trưởng tịnh, tức là trưởng dưỡng sự thanh tịnh, làm lớn mạnh sự trong sạch ở trong giới phẩm.

Trong kinh Hoa Nghiêm kệ ngôn rằng: “Giới thị vô thượng bồ đề bổn, ưng đương cụ túc trì tịnh giới, nhược năng kiên trì ư phạm giới, thọ tắc như lai sở tán thán”. Hay Trong Kinh Niết Bàn dạy rằng: “Nhất thiết chúng sanh tuy hữu Phật tánh, yếu nhân trì giới, nhiên hậu nãi kiến, nhân kiến Phật tánh, đắc thành chánh giác”.Có nghĩa là “Nếu không có hộ trì giới luật làm sao được Phật tánh? Tất cả chúng sanh dù sẵn có Phật tánh, nhưng phải nhờ trì giới. Sau đó Phật tánh mới hiển lộ, nhân thấy Phật tánh mới chứng được giác trí”.

Bởi vậy tịnh hạnh thành tựu là nhờ có đầy đủ đạo nghi và được trong sạch tròn sáng là nhờ giữ giới trọn vẹn. Đạo nghi chính là sự uy nghi trong đạo pháp. Khi xưa, Đức Phật vừa nhìn thấy hình tướng của một Sa môn thì phát tâm vượt thoát già, bệnh, chết để xuất gia tìm đạo. Khi ngài Xá Lợi Phất nhìn thấy Tỳ kheo Mã Thắng liền phát tâm xuất thế và khi nghe được bài kệ được giác ngộ vào dòng Thánh. Vậy nên, tất cả ý nghĩa và bản chất thật sự của chữ ‘Tăng’ há chẵng phải nằm ngay ở nơi oai nghi giới hạnh hay sao?.

Tổ Quy Sơn đã khẩn thiết nhắc nhở chúng ta trong văn cảnh sách: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. Bởi vậy, ta thấy rằng người xuất gia há chăng là vì cơm áo, hay hoàn cảnh, mà một lòng tha thiết muốn nối thạnh dòng Thánh, chấn nhiếp ma quân, lấy đó mà báo đáp bốn ân, cứu giúp ba đường khổ. Đối với việc bước lên địa vị Tăng bảo quả là niềm khát khao lớn, phải có một ý niệm như thế, một tâm Bồ đề vững chãi như vậy mới thật sự xứng đáng đứng vào hàng “Trưởng tử Như Lai”. Đối với người xuất gia tu hành, để đền đáp được Tứ trọng ân không chi khác, cần phải tinh tấn tu hành, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, phát triển đạo lực để giải thoát tự thân và giáo hoá, cứu độ chúng sinh. Trong ba tháng an cư, nếu hành giả công phu tu tập một cách nghiêm mật, một mặt đem lại công đức cho người hành trì, mặt khác đem lại an tịnh và lợi lạc cho những người sống cùng trong môi trường hay trú xứ. Để rồi từ đây, Tăng Bảo tiếp tục là điểm tựa vững chãi cho quần chúng nương nhờ.

Hình ảnh Tăng già trong tấm áo nâu sồng giản dị, chiếc huỳnh y giải thoát, cùng chung sống hòa hợp, ngày ngày tinh tấn tu tập luôn là nguồn cảm hứng động viên cho hàng cư sĩ. Phật tử tại gia một lòng khát ngưỡng giáo pháp, mong muốn được học hỏi lời Phật dạy để áp dụng vào cuộc sống, nhằm chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau. Ba tháng an cư, chúng Tăng ở tại một trú xứ không đi ra ngoài cương giới, trừ khi có duyên sự đặc biệt. Cũng vì thế mà hàng cư sĩ tại gia vào những ngày chúng Tăng an cư kiết hạ thường chung tay góp sức, kẻ góp của người góp công, tùy theo năng lực và hoàn cảnh của mình mà tận lực ủng hộ đạo tràng an cư để vun bồi phước đức. Cúng dường chư Tôn đức Tăng, Ni an cư tịnh tu tam vô lậu học, để Phật pháp được trường tồn ở thế gian, là điều nên làm đối với giới cư sĩ tại gia. Nhờ bố thí, cúng dường và học hỏi giáo lý Phật pháp nơi Tăng già trong mùa an cư mà hàng Phật tử được phước đức sâu dày, thăng tiến trong đời sống tâm linh. Từ mối quan hệ qua lại lẫn nhau giữa Tăng đoàn và quần chúng Phật tử mà kết chặt vững bền giữa tứ chúng đệ tử Phật. Khi mối quan hệ tứ chúng được thắt chặt thì hệ quả tất yếu là Phật pháp sẽ trường tồn tại thế gian.

An cư kiết hạ hành trì giới luật từ đó mà trang nghiêm pháp thân. Để rồi sau mỗi mùa hạ, chúng Tăng có thêm năng lượng, đủ trí lực, đủ bản lĩnh, đủ nhẫn nhục, đủ từ bi, đủ khiêm hạ, đủ bất khuất để dấn thân trong sứ mạng: “hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”. Chỉ mong sao, trong giới xuất gia của chúng ta càng ngày càng có những tấm gương sáng cho bốn chúng noi theo và xứng đáng làm ngọn đèn Tam bảo soi sáng khắp cùng ba cõi, dẫn dắt muôn loài đến chỗ chân thật an vui.

Chùm ảnh đẹp đầu mùa An cư của Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM:

Có đến 1.200 Tăng Ni hành giả an cư tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM
Phật tử tác pháp cúng dường chư Tăng Ni an cư
Giờ quá đường
Vững chãi, thảnh thơi
Đi như một dòng sông
Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui…
Chư Tăng hành giả
Con đường sáng đẹp
Nét đẹp chốn thiền môn mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2566
Bình bát – vật bất ly thân của người xuất gia
Giờ quá đường
Phật tử về hạ trường công quả, cúng dường
Chư Ni hành giả
Thảnh thơi
Sống trong tinh thần Lục hòa
Chư Tăng quá đường

XEM NHIỀU