Thứ tư, 05/06/2024 04:28:17 (UTC+7) 675,869,939

NÉT ĐẸP CỦA DOANH NHÂN-PHẬT TỬ

TS Nguyễn Thuỳ Linh

Doanh nhân và doanh nhân Phật tử là hai khái niệm có sự giống và khác nhau. Giống nhau ở chỗ, họ đều được gọi là doanh nhân, “những người có vị trí trong một doanh nghiệp và làm công việc quản trị trong doanh nghiệp”. Khác nhau là, ngoài vai trò là doanh nhân thì doanh nhân Phật tử còn là người đệ tử Phật. Doanh nhân không phải là Phật tử thì họ không cần phải có nhiệm vụ đối với sự phát triển Phật giáo, nếu có chỉ là cảm tình cá nhân hơn là bổn phận. Ngược lại, doanh nhân Phật tử sẽ có ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự tồn vong của Phật giáo. 

Cùng với sự phát triển của Đạo Phật, giữa Phật giáo và doanh nghiệp, giữa Tăng đoàn và doanh nhân luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Phật giáo ra đời đã kết nối nhân duyên sâu sắc với những doanh nhân. Lịch sử ghi lại sau khi Đức Phật thành đạo, người quy y và cúng dường sớm nhất cho Thế Tôn là hai anh em doanh nhân người Bắc Thiên Trúc: Trapusa (Đề Vi), Bhallika (Ba Lợi), đây cũng chính là hai vị Ưu-bà-tắc đầu tiên của Phật giáo. Các doanh nhân Phật tử từ xưa đến nay luôn là những vị hộ pháp đắc lực cho Phật giáo.  Họ cúng dường các nhu yếu phẩm cho chúng Tăng, xây dựng đạo tràng, tự viện để bảo đảm đời sống ổn định cho các vị xuất gia yên tâm tu tập, điển hình như: vườn Cấp Cô Độc, tịnh xá Trúc Lâm .

Những nét đẹp của doanh nhân Phật tử

  1. Có niềm tin sâu sắc vào Tam bảo

Sự khác nhau cơ bản nhất giữa doanh nhân Phật tử và một doanh nhân không phải là Phật tử là niềm tin vào Thế Tôn và giáo lý Đức Phật đã truyền trao. Doanh nhân Phật tử sẽ tình nguyện giữ gìn tam quy, ngũ giới, tu tập tự thân, phát nguyện hộ trì Chánh Pháp, không theo lối sống trái với đạo đức xã hội và phát huy tinh thần xây dựng Phật giáo tại nhân gian.

Giáo lý nhà Phật bao hàm cả một số quy phạm đạo đức của thương nghiệp. Như Đức Phật từng dạy, chúng đệ tử phải tuân theo chánh nghiệp và chánh mạng trong giáo lý Bát chánh đạo. Người đệ tử Phật không được sát sinh, trộm cắp, tà hạnh… Từ những giới pháp căn bản ấy, người doanh nhân Phật tử phải yêu quý và giữ gìn môi trường sống, trải tâm từ bi yêu thương bố thí cho vạn loài. Chánh mệnh chính là chỉ đời sống đúng đắn, tức là sống với ngành nghề vừa tốt lại phù hợp với tinh thần chánh mệnh, không tham gia vào những ngành nghề phi pháp và vượt quá giới hạn đạo đức nhân sinh để tự thân mỗi vị đều trở thành nhân chứng cho chân lý “Phật pháp không xa rời pháp thế gian”.

  1. Tu tập để trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày

Những doanh nhân Phật tử luôn khắc phục khuyết điểm, điều chưa tốt của bản thân để trở nên hoàn thiện hơn và đi đến sự giải thoát giác ngộ, không còn chấp và vướng mắc. Càng có địa vị xã hội, họ càng khiêm cung lễ độ, không tự cao trong lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động. Dù gặp bất cứ hạng người nào, cư xử ra sao họ vẫn luôn ý thức mình là người con Phật, quán chiếu xây dựng giá trị trong giao tiếp, cố gắng để mọi người cảm nhận nét đẹp của người doanh nhân Phật tử.

3.Sống có trách nhiệm và lòng tri ân đối với xã hội

Phước đức và trí huệ là điều kiện cần để hướng đến sự giải thoát. Nó có khả năng giúp con đường tu tập của chúng ta thuận lợi hơn. Trong Phật giáo, quan niệm về phước điền có ba bộ phận cấu thành: Kính điền (cung kính phước điền), Ân điền (báo ân phước điền) và Bi điền (bi mẫn phước điền). Ba yếu tố này biểu đạt tâm cung kính đối với Tam bảo và còn có nghĩa là tâm biết ơn đối với cha, mẹ, Thầy tổ cho đến tình thương dành cho người khốn khổ, nghèo hèn. Nhờ những quan niệm này, người doanh nhân Phật tử tỉnh thức luôn hành trì theo tinh thần tri ân và báo ân trong đời sống hằng ngày. Họ luôn sống với lòng biết ơn, biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Bên cạnh đó, doanh nhân Phật tử còn nhận thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội, với cộng đồng, thực hiện trách nhiệm đó cũng là một cách thể hiện lòng biết ơn đối với xã hội. Cho nên, trong xã hội hiện đại, có thể thấy rất nhiều doanh nhân Phật tử đồng hành, chung tay với cộng đồng và các cá nhân. Đó là những hình ảnh đẹp đẽ của người con Phật trong vai trò doanh nhân.

  1. Tỉnh thức để hiểu rõ giá trị của tài sản hữu hình và vô hình

Tài sản vật chất ở thế gian chia làm hai phần: tài sản cố định và tài sản lưu động. Tài sản hữu hình là loại tài sản cố định, chỉ mang tính tương đối như: nhà cửa, đồ vật…. Những tài sản này sẽ hao mòn, tuổi thọ sử dụng đều hữu hạn. Nếu như nói có món tài sản cố định không thay đổi thì chỉ có Pháp bảo. Món tài sản này xem như vô hình nhưng nó đi cùng sự sanh tử của chúng ta, sẽ không bị thay đổi hay mất đi khi chúng ta chuyển đổi sinh mệnh. Không những như thế, hạt giống thiện lành này sẽ không ngừng chi phối sự giàu có trong đời sống thế tục. Do đó, Pháp bảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vượt qua những giá trị bên ngoài như tiền tài, của báo hữu hình vì Phật pháp sẽ giúp giải quyết những khó khăn trong đời sống, thiết lập quan niệm nhân sinh đúng đắn, giúp giải thoát những phiền não của kiếp người, đồng thời tạo nên nguồn tài sản quý giá vô tận của nhân sinh. Thành tựu trí huệ, thành tựu công đức vô lượng, ý nghĩa này cao cả đến nỗi những giá trị vật chất bên ngoài không thể thay thế được.

Người doanh nhân Phật tử tỉnh thức, thấm nhuần giáo lý sẽ hiểu tài sản một cách đúng đắn, nắm rõ “pháp tài” sẽ hơn hẳn “thế tài”, mới có thể thông qua việc sử dụng những tài vật bên ngoài tạo nên giá trị mục đích đi tìm công đức pháp tài.

  1. Luôn biết lấy đức làm gốc trong cuộc sống và hoạt động kinh doanh

Việc tự giác giữ gìn đạo đức là điều tất yếu của một Phật tử thuần thành.  Giữ vững đạo đức thương nghiệp, kinh doanh theo chữ tín, tự giác tuân thủ và xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, phát triển bền vững là những đức tính tốt đẹp của doanh nhân Phật tử. Người doanh nhân Phật tử đại diện cho tầng lớp tài năng   trong xã hội, luôn biết  hành theo tinh thần đạo đức Phật giáo, dùng hành động thực tế để thể hiện niềm tin và sự quyết tâm trong việc giữ gìn, quán triệt những đạo đức kinh doanh của người doanh nhân Phật tử.

Sự thành công của doanh nhân Phật tử trong các hoạt động kinh doanh luôn được quyết định bởi tâm thiện và việc làm thiện. Phước và đức có mối quan hệ nhân quả, giống cái biết mầu nhiệm của trời đất. Doanh nhân kinh doanh dựa theo thiện tâm, thiện hành thì tự nhiên có thể nhận được những phước báu và công đức xứng đáng. Đây chính là quy tắc thực tiễn, sự vận hành hợp tình hợp lý giữa đạo đức – xã hội – cá nhân. Vận mệnh và những công đức tài bảo của một doanh nhân có được đều hình thành bởi mối tương quan với quá trình hoạt động theo giá trị nguyên lý của chúng.

Doanh nhân Phật tử và sự thành công của họ trong việc vận hành kinh doanh, trên bản chất đều là thể hiện sự thành công của thực tiễn đạo đức Phật giáo: chỉ có kinh doanh dựa trên chữ tín, với lòng từ bi, khoan dung, bình đẳng, hòa ái làm nền tảng cho đạo đức thương nghiệp, làm thăng hoa văn hóa doanh nghiệp, đồng thời giữ gìn sự đoàn kết thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại, phát triển và sẽ tạo nên một xã hội hòa ái tốt đẹp.

XEM NHIỀU

27/12/2024 17:00:49

PHẬT GIÁO VIỆT NAM LUÔN HỘ QUỐC AN DÂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

Đại lễ cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa  Việt Nam ra thế giới và góp phần truyền tải thông điệp hòa bình, phát triển bền vững các giá trị nhân văn cốt lõi của Phật giáo đến toàn thể nhân loại. Thân người...
26/12/2024 15:48:53

Hà Nội: Phân ban Ni giới phía Bắc tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động Phật sự năm 2024, đề ra phương hướng công tác năm 2025

Với công tác Hoằng Pháp, để tiếp nối theo dấu chân của đức từ phụ ” cả cuộc đời hoàng dương chính pháp lợi lạc quần sinh”, việc hoằng pháp của Phân ban Ni giới các Tỉnh Thành còn hạn chế, nhưng tất cả chư Ni trong các Tỉnh Thành đều đem...