Đạo Phật được xây dựng trên nền tảng từ bi và trí tuệ. Trong bộ “Đại trí độ luận” quyển 27 của Ngài Long Thọ có nói: “Từ bi là căn bản của đạo Phật”. Do vậy, chất liệu “từ bi” không thể thiếu trong giáo lý đạo Phật. Đức Phật đã dạy:
“Từ năng dữ nhất thiết chúng sinh chi lạc
Bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ”.
“Từ” là lòng yêu thương, thường đem vui cho tất cả chúng sinh. “Bi” là lòng thương xót, dứt trừ đau khổ cho hết thảy chúng sinh. Ở đây, một trong những biểu hiện của tình thương, đó chính là bảo hộ sự sống cho chúng sinh ở nghĩa rộng nhất có thể. Thuật ngữ Phật học biểu đạt về hiện thực sinh động này bằng hai chữ ngắn gọn: phóng sanh.

Phóng sanh nghĩa là giải phóng cho sự sống, những con vật bị nhốt và sắp bị giết chết để lấy thịt. Chúng ta bỏ tiền ra để mua những con vật sắp bị giết oan, thả tự do cho chúng.
Phóng sanh là cứu giúp những chung sinh thoát khỏi những khổ đau, còn là cứu mạng, kéo dài sự sống của mọi loài sinh vật. Phóng sanh thể hiện tâm từ bi của người thực hiện, giúp cho con đường tu tập ngày một tốt lên.
Phóng sinh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam Bảo và sám hối nghiệp chướng. Thể hiện lòng đại từ bi, nên trong nghi thức phóng sinh có lễ quy y, sám hối cho con vật trước khi phóng sinh. Nhưng chúng ta cũng không nên quá chấp vào hình thức, tiến hành những nghi lễ rườm rà, câu nệ. Khi phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, rốt ráo; nghi lễ ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ; không nên nặng phần hình thức, tránh cho các sinh vật phải kéo dài nỗi sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng bị mất mạng trước khi được phóng thả ra môi trường.

“ Ta thương chim trời tung bay ngàn hướng
Ta thương đàn cá bơi lội giữa dòng
Thương cho chúng sinh nặng nề nghiệp chướng
Luân hồi sinh tử nghìn kiếp long đong.”
Cuộc đời này cần lắm tình yêu thương và hạnh phóng sinh chính là một trong những cách thức để tình yêu thương ấy lan tỏa trong đời sống. Tình thương không thôi vẫn chưa đủ, mỗi người cần phải có nhận thức sâu sắc về hiện thực, về chuyên môn để “dẫn” tình thương đi đúng hướng. Đến với chân lý không chỉ có một con đường. Chúng ta nên “tùy duyên” vận dụng nhiều con đường, nhiều phương tiện phù hợp với sức lực, hoàn cảnh, điều kiện… để hành trình đi đến chân lý không tiêu tốn quá nhiều thời gian và công sức.
Khánh Linh