Trong Quy Sơn Cảnh Sách có dạy: “Gần gũi người hiền thì như đi trong sương móc, tuy không ướt áo mà lúc nào cũng thấm đượm”. Giáo dục một đứa bé từ nhỏ cho đến khi trưởng thành nên người là cả một quá trình dày dạn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa gia đình, nhà trường, nhà chùa và xã hội. Nếu không quan tâm chăm sóc thường xuyên đến thanh thiếu niên thì họ sẽ say mê trong các trò chơi, game, thế giới ảo internet, facebook, youtube, hoặc rong chơi với bạn bè, có trường hợp cảm thấy lạc lõng, cô đơn, trầm cảm một mình, như vậy vừa ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, vừa lãng phí thời gian và dễ tiêm nhiễm những thói hư tật xấu do đua đòi theo phong trào với bạn bè.
– Quả đúng như ông bà ta đã nói: “dạy con, dạy thuở còn thơ, măng không lo uốn đợi đến tre mới uốn làm sao được?”. Giai đoạn từ khi sinh ra cho đến 14 tuổi cực kỳ quan trọng định hình nền tảng nhân cách, khuynh hướng cho cả đời người. Môi trường chùa chiền là rất tốt cho các em đến sinh hoạt và có nhiều thời gian sống trong đó để dần dần lĩnh hội được đạo đức Phật giáo, luật nhân quả, hiếu nghĩa, làm điều lành, tránh xa điều ác, tu dưỡng bản thân và dấn thân phục vụ, sống mình vì mọi người để có được một đời sống ý nghĩa, xứng đáng.
Trải nghiệm tuổi trẻ của đức Phật
– Sinh hoạt tại chùa cùng với thanh thiếu niên phật tử khác, em đó có nhiều cơ hội tham gia trò chơi, sinh hoạt ngoài trời, đó là những hình thức thể dục thể thao, phát triển cơ bắp và nhiều cơ quan chức năng trong cơ thể, tốt cho sức khỏe.
– Đặc biệt các em sinh hoạt với nhóm thanh thiếu niên phật tử nơi chùa Việt Hải ngoại thì có cơ duyên tiếp xúc nhiều em gốc gia đình người Việt khác như vậy dễ cảm thông, dễ hiểu nhau hơn, kết bạn thân, có thêm động lực để nỗ lực trau dồi tiếng Việt. Đó là chìa khóa để từng bước thâm nhập văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam.
– Chùa chiền là nơi có lớp dạy về Phật Pháp căn bản và đạo đức, truyền trao kinh nghiệm để tu dưỡng rèn luyện làm chủ Thân Khẩu Ý của mình, hun đúc ý chí, phát triển Giới, Định Tuệ, khai dụng trọn vẹn nhất mọi tiềm năng sẵn có nơi mọi người, nuôi dưỡng lý tưởng cao quý làm tốt Đạo, đẹp Đời. Ở trường lớp. các em chạy đua theo việc nâng cao kiến thức, đòi hỏi tiếp thu và tiêu thụ khối lượng lớn kiến thức, không đủ thời gian để học sâu bộ môn “Rèn nhân cách”, “công dân giáo dục”, “học Đạo làm người” thì nơi nhà chùa các em được giáo dục chú trọng mảng này. Nếu các em phát triển cả ba lĩnh vực: a) hấp thu văn hóa, phong tục tập quán, những tinh hoa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam xuyên suốt 4000 ngàn năm văn hiến, b) văn minh kỹ thuật nơi trường lớp phương Tây và c) tư tưởng, tâm linh, tinh thần nơi Phật giáo thì các em phát triển vững vàng như kiềng ba chân trước mọi biến thiên nghịch cảnh của cuộc đời.
– Như vậy gia đình có nhiều ích lợi nếu thường đưa con em mình đến chùa sinh hoạt. Họ có thể yên tâm làm việc khác khi con em mình tu học nơi đó. Những tu sĩ với đạo hạnh thanh cao, là những “kỹ sư tâm hồn”, là nơi tin cậy cho mọi người quy ngưỡng, nương nhờ, có kinh nghiệm dày dạn trong việc điều ngự, chế phục, làm chủ bản thân mình sẽ dạy các em nhiều hơn về điều hay lẽ phải mà gia đình chưa trang bị được. Môi trường thiêng liêng, thánh thiện đó giúp cho con em họ ý thức nhân quả, kiêng dè điều xấu ác, khắc phục thói hư tật xấu của mình, có thói quen suy nghĩ : không điều gì có thể che giấu được Phật Thánh hay là phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó, do đó biết vâng lời hơn, biết phục thiện hơn. Chùa hỗ trợ rất nhiều cho gia đình trong quá trình giáo dục cho con em phát triển toàn diện.
Tuổi trẻ với vấn đề hổ thẹn
– Lợi ích đối với chùa chiền: có các em sinh hoạt chùa thêm sinh tựu, sinh khí, đó là những cánh tay nối dài của chư tăng là phụng sự viên đầy tâm huyết và đắc lực, có người để lo phụ giúp công việc, công quả, để múa dâng hoa, làm hàng rào danh dự cung nghinh Chư tôn đức và đại biểu, văn nghệ cúng dường, múa lân,… mỗi khi có lễ hội Phật giáo.
– Lợi ích đối với xã hội: chùa chiền là nơi bất vụ lợi, không nhất thiết đòi hỏi những ngân sách từ chính phủ mới tổ chức các hoạt động của mình, lại có thể có chức năng lớn lao và quan trọng giáo dục nên những công dân tốt cho xã hội. Tương lai, vận mệnh của quốc gia dân tộc tùy thuộc rất nhiều vào việc học tập và rèn luyện của các em, các cháu hôm nay. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, không phải đợi một người phạm pháp rồi mới cần đến tòa án, pháp luật mà quan trọng là biết ngăn ngừa từ xa, tốt hơn là nên hướng đạo cho họ đi trên con đường chính. Ngoài ra, đối với những trường hợp cá biệt như các em bị bệnh trầm cảm, thua thiệt nhiều khuyết điểm, nhiều mặc cảm hoặc đang cần quản thúc, cải tạo, cai nghiện, khắc phục thói hư tật xấu,… xã hội an tâm giao phó những công tác ấy cho chùa chiền, nơi có thể bồi đắp, tưới tẩm, chữa lành vết thương của con người để rồi xã hội có được những thành viên có chí hướng thanh cao, năng động tích cực, sống dấn thân, phục vụ, đầy đủ thể lực, trí lực, tâm lực, đạo lực để có nhiều cống hiến cho xã hội thăng hoa.
Thích Đồng Trí