Thứ năm, 27/06/2024 23:14:33 (UTC+7) 3,546,787,243,639

Lạm bàn về giới sát

Thích Như Dũng/ Phật Giáo và Doanh Nhân

Căn bản của đạo Phật là lòng từ bi, đó Bồ đề tâm mà bất kì hành giả Phật giáo nào cũng phải nuôi dưỡng. Từ Thanh Văn cho đến Đại Thừa, Phật dạy giới không sát sanh là tánh giới. Tuy nhiên, phạm vi của giới không sát sanh rất sâu rộng, nếu chẳng hiểu rõ, sẽ làm cho đời sống chúng ta trở nên chướng ngại vì bị sa vào Giới Cấm Thủ. Vì bản chất giới không sát sanh là phát triển lòng từ bi nhờ bảo vệ sự sống.

Theo Tỷ Kheo Giới, HT. Trí Quang dịch, liên hệ đến sát gồm các giới điều: 1/3, 5/19, 5/61, 5/62 xét theo 8 loại trong 250 giới của Luật Tứ Phần ( 1. Khí, 2. Tăng tàn, 3. Bất định, 4. Xả đoạ, 5. Đoạ, 6. Hối quá, 7. Học pháp, 8. Diệt tránh).
1.1. Bốn Giới Khí, tội Ba La Di, phạm vào mất tư cách Tỳ Kheo, không cho sám hối.
Thứ 3 giới đại sát hại. – Nếu tỷ kheo cố ý tự tay sát hại mạng người, hoặc cầm dao đưa cho người, hoặc khen ngợi sự chết, khuyến khích sự chết, rằng quái lạ, anh kia, sống khốn nạn như vậy làm gì, thà chết, đừng sống; với ý thức như vậy mà nghĩ mọi cách để khen ngợi sự chết, khuyến khích sự chết, thì phạm ba la di của tỷ kheo, không còn được sống chung với chư tăng.
2. 6. Chín Mươi Giới Đọa, tội Ba Dật Đề, nếu phạm sẽ phá vỡ các thiện nghiệp, cho phép sám hối.
Thứ 19, giới dùng nước có trùng.- Nếu Tỷ-kheo biết nước có trùng mà tự đem dội trên đất trên cỏ, hay bảo người dội, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 61, giới cố hại súc sinh.- Nếu Tỷ-kheo cố hại tính mạng súc sinh, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 62, giới uống nước có trùng.- Nếu Tỷ-kheo biết nước có trùng mà vẫn uống vẫn dùng, thì phạm ba-dật-đề.
Như vậy, trọng tâm của giới không sát sanh trong giới Tỳ Kheo là không được giết người. Còn đối với các loài sinh vật khác, thì không được cố ý làm tổn thương. Không những riêng giới Bồ Tát, mà rất nhiều trường hợp trong giới Thanh Văn cũng căn cứ trên tâm người phạm mà buộc tội. Đó là xét về mặt động cơ của người giết và tùy theo đối tượng bị giết phải là người hay không, mà quy định mức độ phạm tội nặng nhẹ khác nhau. Vì vậy, nếu Tỳ Kheo cố ý giết người, chẳng phải ngộ sát liền phạm trọng, không cho sám hối, trừ người phạm đầu tiên khi Phật chưa chế giới hay người bị si cuồng.
Phạm vi giới sát của Bồ Tát Giới lại sâu rộng hơn giới Thanh Văn, lấy căn bản của hiếu thuận làm giới. Nên ăn chay là đặc thù của Phật giáo Đại Thừa. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới nói: “đối với bất cứ loài nào, hễ có sinh mạng thì không được cố ý tàn sát. Là Bồ tát thì phải phát khởi lòng từ bi và lòng hiếu thuận thường trú, phương tiện cứu giúp và che chở cho hết thảy mọi loài sinh vật, vậy mà đảo ngược lại, mặc sức khoái ý mà tàn sát, thì đó là tội ba la di của Bồ tát”. Dù phạm Ba La Di, nhưng Giới Bồ Tát vẫn cho phép sám hối.
Chư Tăng Phật giáo Bắc Truyền, đều thọ cả Giới Tỳ Kheo và Bồ Tát Giới. Nếu hiểu, thọ giới để nuôi dưỡng lòng từ bi, tôn trọng và bảo vệ sự sống của muôn loài, thì trước hết phải duy trì tâm bất sát. Nghĩa là không cố ý tước đoạt mạng sống của chúng sanh. Đó là trọng tâm của việc giữ giới không sát sinh.
Như các loài trùng kiến tổn hại đến đời sống con người, cần phải đuổi trừ, nhưng chẳng được sanh tâm sát hại. Nếu lỡ phạm, phải sám hối. Theo tinh thần đó, người cư sĩ tại gia, giữ giới không sát sanh, chủ yếu là không giết người và các loài súc sanh khác, sau mới rải từ tâm đến các loài vi tế côn trùng. Riêng đối với các loài côn trùng gây hại mùa màng, tài sản, sức khỏe của con người, thì tùy duyên xử trí. Nên hạn chế tổn hại chúng đến mức tối thiểu nhất, để tránh ác báo về sau.
Nhưng chẳng vì giữ giới không sát sanh mà cực đoan chẳng mặc quần áo vải vóc vì sợ giết loài tằm như ngoại đạo Loã Thể; không đun nước sôi hay uống thuốc vì sợ diệt vi trùng; không trồng trọt chịu chết đói vì ngại xịt thuốc trừ sâu; không dọn dẹp nhà cửa và giặt giũ vì sợ chết trùng kiến… gây khó khăn cho đời sống thường nhật thì đó là giới cấm thủ. Đứng trước những thực trạng cần phải lựa chọn, thì người Phật tử phải chấp nhận hy sinh vì lợi ích lớn lao hơn, nếu cần phải bảo vệ đời sống tăng đoàn và nhân dân hay vì lợi ích của quốc gia dân tộc.
3. Theo Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh 75, Bộ Luật V, Luật Thập Tụng quyển 11 ghi, Đức Phật đích thân dọn dẹp côn trùng sanh cắn nát nơi giường nệm của chư Tăng. Luật Thập Tụng quyển 37 ghi: nhân vì nhà tắm ẩm thấp sinh trùng, Phật dạy:” Phải quét rửa cho sạch”; Phật sai chư Tăng đun củi nấu nước; các Tỳ Kheo để y dưới đất bị trùng cắn rách, Phật bảo nên giặt giũ; các Tỳ Kheo dùng cỏ Sô Ma trám bát sanh trùng, Phật dạy “nên tháo bát ra phơi rồi trám lại”; Tỳ Kheo bệnh ghẻ, Phật sai đưa đến Kỳ Bà, buộc phải đi tắm. Phật dạy:” Nếu chân có ghẻ, xoa dầu không phạm”…
3. Phật dạy: “trước khi uống nước, phải xem trong nước có trùng hay không”. Các thầy Tỳ kheo dùng thiên nhãn nhìn vào nước, thấy vô số vi trùng không dám uống. Phật bèn quở:” Sao không dùng nhục nhãn để mà nhìn?”.
Nên dạy các Thầy Tỳ Kheo đọc chú Tỳ Ni:
“ Phật nhìn một bát nước
Tám vạn bốn ngàn trùng
Nếu không trì chú này
Như ăn thịt chúng sanh.
Án phạ tất ba ra ma ni soa ha.”
4. Trong Sa Di Luật Nghi Yếu Lược, Chấp Tác Đệ Thập Nhất (Thứ 11, Làm Việc) dạy:”Không được nước sôi đang nóng mà rót bắn trên đất”, vì sợ chết trùng kiến ngoài đất. Đó là tránh việc vô ý giết. Nhưng muốn giữ giới không sát sanh tuyệt đối thanh tịnh phải chứng từ Sơ Quả trở lên. Vì Sơ quả tu đà hoàn cày đất thì côn trùng cách lưỡi cày bốn tất, phàm phu chẳng làm được.
Từ Ngũ giới cho đến Tỳ Kheo giới không bắt buộc phải ăn chay. Chẳng ăn cá thịt là quy định của Bồ tát giới. Cư sĩ tại gia không được trực tiếp giết, không khuyên bảo hay tạo phương tiện người khác giết. Nên cư sĩ chẳng được giết gà, vịt, cá, tôm, cua… nếu mua đồ đã làm rồi thì chẳng bị sự cấm đoán của năm giới. Nhưng là cư sĩ Phật giáo Đại Thừa, để tiến thêm một bước nữa, giữ gìn trọn vẹn giới sát, người thọ ngũ giới rồi nên tập ăn chay.
Trong văn học, sử Phật giáo đã ghi nhận vài trường hợp bắt buộc phải giết người vì lòng từ bi và hộ trì chánh pháp. Đây là tinh thần uyển chuyển của Phật giáo Đại Thừa.
5. Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh có trình bày câu chuyện tiền thân của đức Phật. Bấy giờ Bồ tát buộc phải giết một kẻ làm trinh thám cho 500 tên cướp để ngăn chặn cuộc tấn công của 500 tên cướp này, mặc dầu người do thám đó đã từng là bạn của Ngài.
6. Trong Kinh Huệ Thượng Bồ-Tát Vấn Đại Thiện Quyền, Tiền thân Đức Phật, khi Bồ tát là thuyền trưởng đã giết tên cướp biển để cứu 500 vị thương buôn. Vì không muốn tên cướp biển kia đoạ vào địa ngục. Nhìn bề ngoài, đó là việc ác hạnh, bởi Bồ Tát đang phạm vào giới sát sinh. Nhưng điều ấy đã được thực hiện mà không có chút động cơ ích kỷ nào. Sau khi mạng chung ngài tái sanh lên cảnh giới chư thiên. Đến khi thành Phật, cũng thị hiện trả quả báo, nhưng không phải quả báo mất mạng mà chỉ giẫm gai trên đường !
7. Khi Ngài Cầu-na-bạt-ma, đến truyền giáo ở vùng Java (Indonesia), vào thế kỷ thứ V. Khi ấy, xứ Java bị lân bang xâm lấn. Đức vua hỏi tôn giả, có nên đánh trả không, vì sợ trái với giới luật nhà Phật ? Ngài đã trả lời nhà vua nên thực hiện nhiệm vụ của mình, nhưng khởi tâm đại bi, không được lạm sát.
8. Thế kỷ thứ XI dưới triều vua Langdarma, Phật giáo Tây Tạng bị pháp nạn. Nhà vua này vì ủng hộ đạo Bon, nên tiêu diệt Phật giáo, phá chùa, giết Tăng. Hơn hai năm sau, có một vị Lạt-ma tên là Palgyi Dorjé lẻn vào cung ám sát vua rồi trốn đi. Nhờ đó Phật giáo Tây Tạng không bị tiêu diệt hoàn toàn.
Như Bồ Tát giết tên cướp biển vì cứu người; tổ Nam Tuyền chém mèo khai thị, do tâm đại bi, muốn tìm người nối pháp; Phật Hoàng Trần Nhân Tông lãnh đạo dân ta ba lần đánh thắng quân Mông Nguyên khởi xướng tại Hội Nghị Diên Hồng đều là ý chí của toàn dân, nên không rơi vào định nghiệp, đều có thể sám hối.
Tất nhiên chư Phật, chư tổ vì lợi sanh mà chấp nhận thị hiện trả quả về sau. Nếu vì giữ giới sát sanh mà cam chịu mất nước thì không phải tinh thần của Phật giáo Việt Nam. Trái lại đạo Phật luôn đồng cam cộng khổ cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử để gìn giữ hoà bình độc lập.
Đứng ở góc độ người nắm quyền lực thực thi công lý phải trừ gian diệt ác, người giữ trách nhiệm bảo vệ an ninh tổ quốc đem lại bình yên cho nhân dân buộc phải đánh giặc ngoại xâm hay gặp pháp nạn phải xả thân vì đạo thì người Phật tử phải uyển chuyển theo tinh thần của Bồ tát đạo, vì lòng từ bi mà hy sinh sự giải thoát cá nhân, cho những lợi ích cao quý hơn. Vì giới không sát sanh là bảo tồn sự sống.
Qua đó, đủ thấy những ai lý luận vì giữ giới nên không uống nước chín đun sôi để nguội là tà kiến, hoặc không uống thuốc sổ giun vì sợ giun chết là vô minh… Nên nhớ chết trước khi sáng đạo là một chướng ngại lớn. Đức Phật chế giới bất sát để chúng ta bảo hộ và nuôi lớn tâm từ. Trái lại, vì giữ giới mà sanh cực đoan, cố chấp, thì đó không phải là biệt giải thoát.
Nam Mô Tồi Tà Phụ Chánh Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát.

XEM NHIỀU