Thứ năm, 27/06/2024 23:46:30 (UTC+7) 5,678,909,876,577,297

Ký ức mùa trăng

Đức Thuận

Lại một mùa trăng nữa đang về, mùa của sự đoàn viên ấm áp, của những niềm vui thơ trẻ, cũng là mùa của niềm khát khao sự đủ đầy viên mãn, như ánh trăng tròn vành vạnh đêm Trung thu. Vào mỗi dịp Tết Trung thu, tôi lại nhớ đến những buổi tập dượt chuẩn bị cho hội trại đêm trăng và tiếng trống ếch – âm thanh vang rền vọng mãi tuổi thơ tôi…

Khó có thể nói Tết Trung thu đã có từ bao giờ. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Tết Trung thu bắt nguồn từ Trung Quốc và có từ lâu đời. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam, nó dần dần mang những sắc thái đặc trưng của văn hóa bản địa, của nền văn minh lúa nước. Như tục treo đèn, rước đèn, bày cỗ trông trăng, hay múa lân bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng, tục rước rồng, theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Huyên trong tác phẩm “Hội Hè Lễ Tết của người Việt” lại có nguồn gốc từ Việt Nam, do ở Việt Nam nghề nông với việc trồng lúa nước là chủ đạo. “Mọi người rất coi trọng những trận mưa làm cho đất đai mầu mỡ. Ở xứ này, rồng là biểu tượng của mưa và sự phì nhiêu.” Cho nên, vào dịp tết Trung thu, người ta long trọng rước rồng qua các phố, với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa vụ phì nhiêu. Hay tục hát trống quân, theo Phan Kế Bính trong “Việt Nam Phong Tục”, lại có ở Việt Nam từ thời Nguyễn Huệ. Khi đem quân ra Bắc, quân sỹ nhớ nhà, nên Nguyễn Huệ đã bày ra trò hai bên giả trai, gái hát đối đáp nhau cho vơi đi nỗi nhớ. Khi hát có trống đánh nhịp, nên gọi là hát trống quân…

Những chiếc đèn tự chế cũng được các bạn nhỏ cực kỳ yêu thích.

Dù có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu, ngày Tết Trung thu trong ký ức của những người như tôi, đều thật ấm áp và nhiều kỷ niệm: đó là sự đoàn viên trong gia đình, là những buổi tập duyệt để chuẩn bị cho hội trại đêm trăng, là ánh trăng vằng vặc đêm Trung thu.

 

Tôi sinh ra ở vùng quê đồng bằng sông Hồng. Vào những thập niên cuối của thế kỷ trước, khi vừa kết thúc chiến tranh, làng quê chưa có điện, chỉ có đèn dầu và ánh trăng nên mỗi độ trăng tròn, đặc biệt là rằm tháng Tám, ánh trăng được “tận hiến” ánh sáng của mình, bao phủ muôn vật. Trần gian cũng đắm mình trong ánh sáng vằng vặc đó. Với những người sinh ra ở nông thôn những tháng năm gắn liền với ngọn đèn dầu hằng đêm, ký ức về ánh trăng rằm tháng Tám sẽ không thể nào quên. Tháng Tám cũng là lúc thời vụ tương đối nhàn hạ nên các gia đình thường chuẩn bị cho ngày rằm chu đáo trước cả tháng. Mỗi gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên. Nhà nghiên cứu Phan Kế Bính còn cho rằng, có gia đình làm cỗ ba ngày cúng gia tiên và cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi. Nông thôn thời đó, ngoài đồng áng cũng không có việc gì nhiều, nên đây cũng là dịp gia đình có thời gian đoàn tụ rất đầm ấm.

Khung cảnh rước đèn dưới ánh trắng ngày xưa là một kỷ niệm khó quên của thế hệ 8x. (Ảnh: Ngọc Thiện)

Ngoài tính chất đoàn viên trong từng gia đình, Tết Trung thu còn có rất nhiều hoạt động tập thể, đặc biệt là cho con trẻ (Phan Kế Bính gọi đây là “Tết trẻ con”), nên làng quê rất nhộn nhịp. Thời gian này là kỳ nghỉ hè của học sinh nên việc học hành được gác lại, nhưng hoạt động của các đội thiếu niên lại khá sôi động. Để đón Tết Trung thu, các đội thiếu niên trong xã thường tổ chức hội thi các tiết mục: văn nghệ, duyệt đội, cắm trại… Mỗi làng có 1 đội và chúng tôi tập dượt trước cả tháng. Vì là “thi thố”, đội nào cũng muốn chiến thắng, nên việc tập luyện được thực hiện rất nghiêm cẩn và tự giác. Cứ tối tối, trẻ con lại ríu rít rủ nhau đi tập và tiếng trống ếch vang khắp xóm làng. Dưới nhịp trống ếch kèm tiếng còi, chúng tôi tập “duyệt đội” đi đều bước, tập các tiết mục múa hát, các trò chơi rất phong phú. Cuộc thi thường được tổ chức vào tối 14, trước hôm rằm. Cùng với các tiết mục văn nghệ, duyệt đội, trò chơi là thi cắm trại. Trại nào cũng treo ảnh Bác Hồ, các đội cùng cố gắng trang trí thật đẹp. Trong cuộc thi, ai cũng muốn trại mình đẹp nhất, cắm nhanh nhất, các tiết mục hay nhất nên rất náo nhiệt, nhộn nhịp. Chiều ngày rằm, lúc tổng kết và công bố kết quả cuộc thi vẫn là thời điểm quan trọng và hồi hộp nhất. Dù phần thưởng cho đội chiến thắng chỉ là ít cây bút, mấy quyển truyện, cuốn vở… nhưng tất cả thành viên của đội thắng hay thua đều vui sướng ngập tràn, một niềm vui tròn trịa, trong vắt như ánh trăng.

rung thu hiện nay được trang hoàng lộng lẫy nhưng lại chẳng còn không khí xưa.

Sau khi tổng kết cuộc thi là màn bày cỗ trông trăng và phá cỗ. Mâm cỗ Trung thu những năm ấy, vật chất thật giản đơn, nhiều lắm thì được mấy tấm bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, chủ yếu là những vật phẩm các gia đình góp lại: trái bưởi, nải chuối, quả na, quả hồng, quả thị… bày lên mâm và mang ra giữa sân kho của cả làng, nơi thường tổ chức những hoạt động tập thể, để “trông trăng”. Chúng tôi cũng tự kết những cây đèn ông sao, tự làm những chiếc đèn lồng với sự hỗ trợ của người lớn… Vật chất giản đơn là vậy, nhưng, những đứa trẻ như tôi vẫn thấy đủ đầy, viên mãn. In đậm trong ký ức của tôi vẫn là sự sum vầy của gia đình, bạn bè và tình làng nghĩa xóm trong ánh trăng vằng vặc giữa thu. Một sự bình yên, hòa ái đến thánh thiện.

Khung cảnh Trung thu đông đúc, người người chen chúc nhau đã quá quen thuộc hiện nay. (Ảnh: Infonet)

Ngày nay, cuộc sống đã hiện đại hơn nhiều, phương tiện vật chất các gia đình được nâng lên, ánh điện đã về tận làng quê thay thế cho ngọn đèn dầu. Nó dường như đã làm ánh trăng phần nào bị lu mờ, quên lãng. Nhưng nhìn chung, Tết Trung thu vẫn là một dịp lễ hội quan trọng để gia đình sum họp, đoàn tụ với mâm cỗ dâng lên thờ cúng tổ tiên và cầu nguyện Trời Phật gia hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi.

 

Hẳn nhiên, Trung thu vẫn là dịp con trẻ háo hức đón chờ với niềm hân hoan được nghe tiếng trống lân rộn ràng, được rước đèn sắc màu rực rỡ, được phá cỗ trông trăng cùng hình ảnh chú Cuội, chị Hằng v.v. Tất cả những điều đó rồi sẽ trở thành ký ức tốt đẹp của mỗi người, như một hành trang nâng đỡ bước chân trên đường đời gập ghềnh sóng gió, để mỗi lần đến dịp Tết Trung thu, chúng ta nhớ lại như một sợi dây gắn kết với gia đình, làng xóm, quê hương, nơi ai cũng muốn và có thể trở về sau những thăng trầm của kiếp nhân sinh.

 

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

XEM NHIỀU