Thứ hai, 17/06/2024 23:56:28 (UTC+7) 54,678,904,568,083

KÍNH TRỌNG – ĐIỀU CẦN THIẾT ĐỂ ĐẤT NƯỚC VỮNG BỀN

admin

Trong thời đại này, chúng ta phải cảnh giác với rất nhiều quan điểm đề cao cái tôi khiến mọi người ít tôn trọng nhau, nguy hiểm hơn là điều này còn đi sâu vào thế hệ trẻ: con cái ít tôn trọng cha mẹ, học sinh ít tôn trọng thầy cô. Chính vì như thế nên sự gắn kết giữa mọi người lỏng lẻo dần, gia đình dễ tan vỡ, cộng đồng dễ xung đột, rồi mỗi người chìm dần vào cô độc quạnh hiu. Nhưng may mắn là xã hội vẫn còn hi vọng bởi còn tồn tại những con người đạo đức, luôn biết tôn kính những điều cao thượng.

Nhân quả của lòng kính trọng là vô cùng to lớn. Ví dụ như có người học giỏi bởi vì họ rất kính trọng thầy cô giáo. Vì kính trọng thầy cô giáo nên họ luôn chăm chú lắng nghe không bỏ sót một chữ nào khi thầy cô giảng bài. Vì kính trọng thầy cô giáo nên luôn cố gắng làm đầy đủ các bài tập được giao về nhà. Hay khi khen ngợi ưu điểm của người nào thì ta dễ thành tựu điểm của người đó.

Kính trọng là một loại tình cảm cao đẹp dành cho người trên mình. Tuy không định nghĩa chính xác được tình cảm kính trọng là gì nhưng ta sẽ nhìn một số biểu hiện để biết rằng tâm lý kính trọng đang tồn tại trong tâm một người hay không.

Đó là ta tin rằng người đó tài đức hơn mình; là sự lễ phép, lễ độ, giọng nói có sự trân trọng, dùng những từ biểu lộ sự kính trọng (dạ, thưa, vâng, …), thích cúi đầu trước người đó, thích ngồi hay đứng thấp hơn, thích đứng sau lưng, thích nhìn với ánh mắt tôn trọng…

Và đặc biệt nữa là ta hay dùng lời lẽ để ca ngợi và thích vâng lời người mà ta kính trọng. Ví dụ khi thấy xuất hiện người nào có tài, có đức hơn mình thì ta khen ngợi họ một cách chân thành vì họ đã làm lợi cho cuộc đời, cho cộng đồng. Nghĩa là sự kính trọng xuất hiện từ chính trong tâm ta, thể hiện qua lời lẽ ca ngợi và ánh mắt ngưỡng mộ của ta dành cho họ. Dần dần, ta phát hiện được điểm đặc biệt của người đó và bị thuyết phục bằng hành động của họ bấy lâu nay chứ không phải vì một nguyên tắc ép buộc nào cả. Ví dụ người cư sĩ phải kính trọng người xuất gia tu hành chân chính. Điều này thể hiện bằng việc chắp hai tay chào, dạ thưa Thầy thưa Cô rồi xưng con, dùng đại từ con để hạ mình, ép mình xuống mà biểu lộ sự kính trọng. Ai hỏi mình cũng hết lời khen ngợi và vâng lời Vị ấy về Chùa tu tập, công quả, phục vụ mọi người.

Một biểu hiện nữa của tâm lý kính trọng nữa là sự trung thành. Ta kính trọng ai thì ta không quay lưng phản bội, không mưu hại, không tính toán những cái xấu sau lưng người đó. Tức là ta kính trọng ai thì ta trung thành với người đó. Đương nhiên trung thành không chỉ có riêng tâm lý kính trọng mà còn một số yếu tố khác mà nhiều tổ chức khai thác. Ví dụ như ngày xưa, vào thời phong kiến quân chủ, cứ vào ngày đầu năm hoặc mỗi tháng, Vua đều lệnh quần thần đến thề độc trong đền thờ. Các quan tướng phải thề trung thành với Vua. Vì nếu quan tướng bất trung thì triều đình bị xáo trộn và đất nước nguy hiểm liền. Nếu quan tướng làm tay sai ngoại bang thì giặc sẽ có cơ hội phá hoại, đánh chiếm đất nước.

TT TS Thích Chân Quang, Thiền Tôn Phật Quang, thuộc núi Dinh, thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Một biểu hiện của sự kính trọng nữa là, ta kính trọng ai thì ta thích phục vụ cho người đó. Có khi người đó sai bảo, ta vâng lời làm liền. Có khi người đó không sai bảo nhưng ta cũng tự suy nghĩ để mà phục vụ người mà mình kính trọng. Ngoài ra, ý phục vụ này còn là đóng góp công sức, tiền bạc, thời gian cho cái người mà ta kính trọng nữa.

Kính trọng mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho từng cá nhân và cả cộng đồng. Khi kính trọng ai, công nhận ai hơn mình có nghĩa là ta thấy minh bé lại, thấp xuống. Lúc đó ta thành tựu được tâm khiêm hạ, dần thành tựu nội tâm cực kỳ tốt đẹp.

Và điều quan trọng hơn nữa, kính trọng là nền tảng của văn hóa xã hội, nền tảng cho sự ổn định và phát triển đất nước lâu bền. Nếu người dân không kính trọng người lãnh đạo thì đất nước đó có nguy cơ rối loạn rất lớn. Thời đại này, một bộ phận cứ hô hào dân chủ, bình đẳng, nhân quyền, làm cho người dân ảo tưởng mình với lãnh đạo ngang hàng. Sự thật là làm sao người dân bằng người lãnh đạo được.

Bởi người lãnh đạo rất tài giỏi, trách nhiệm vô cùng lớn. Mỗi người dân chỉ lo cho gia đình mình, cơ quan mình vài người thì đã rất vất vả rồi. Còn người lãnh đạo phải lo cho cả đất nước mấy trăm triệu người trên nhiều phương diện thì cực kỳ khó khăn, phức tạp. Tâm thế, tài đức của người lãnh đạo đã vượt hơn mình cả triệu lần. Nhưng vì suy nghĩ thiển cận, nhiều người không biết điều đó nên cứ bị ảo tưởng, nghĩ mình bằng lãnh đạo nên bản thân không có tâm kính trọng. Điều này vô tình góp phần khiến đất nước dần dần bị rối ren. Thời phong kiến, kính trọng vị lãnh đạo, kính trọng người làm quan, kính trọng ông vua trở thành một cái tiêu chuẩn của luật pháp, của quy ước xã hội. Nhờ vậy mà xã hội đó bền vững. Hay như ở Việt Nam ngày nay cũng vậy, chúng ta có những nhà lãnh đạo tuyệt vời đang ngày đêm giữ gìn đất nước và xây dựng đất nước. Các Vị không ngại khó khăn gian nguy, kiên định dẹp bỏ tham nhũng và tiêu cực, giúp đất nước tốt đẹp lên từng ngày, có uy tín với Thế giới hơn nữa. Và cũng có những người cán bộ, chiến sỹ hy sinh mà không để lại tên tuổi, hy sinh thầm lặng trong bóng tối. Công của họ đối với đất nước rất là to lớn mà ta không thể biết hết. Bởi vậy, nếu chúng ta biết kính trọng thật lòng các vị lãnh đạo của mình, điều đó sẽ giúp cho văn hóa đất nước thịnh vượng, bền vững. Tâm lý kính trọng thực sự vô cùng quan trọng với vận mệnh quốc gia.

Chúng ta không phải là quốc gia quân chủ, có một vị Vua để tôn thờ như một số quốc gia trên thế giới. Nhưng may mắn là ta có những lãnh tụ vô cùng anh minh, vĩ đại để ta tôn kính. Chúng ta cũng cầu mong dân tộc ta có được những lãnh tụ vĩ đại để ta tôn kính mãi, có như vậy đất nước sẽ rất bền vững.

Vậy nên, dù không còn chế độ quân chủ, không còn vua để tôn thờ một cách công khai thì ta cũng xem ai đó là vua để tôn thờ một cách âm thầm. Nếu có người hỏi ta: Bây giờ qua thời đại dân chủ rồi, tại sao bạn lại tôn thờ lãnh đạo của bạn như vua vậy? Mình có thể trả lời một cách đơn giản không cần phải giải thích nhiều “Có được một vị vua để tôn thờ là điều hạnh phúc trong đời của tôi”.

Ta thường hay nghe nói là phải bảo vệ Đạo Pháp, ta bảo vệ Dân Tộc. Vậy ta phải làm gì để thực hiện điều đó? Nếu lý luận trên xã hội, quân sự, kinh tế, chính trị làm thế nào ta để bảo vệ dân tộc, làm thế nào để bảo vệ đạo pháp thì nhiều thứ lắm. Nhưng cái gốc vẫn nằm ở chỗ là ta phải bảo vệ tâm lý kính trọng trong lòng mình, đối với lãnh tụ, đối với Đức Phật. Đó chính là ta bảo vệ dân tộc và bảo vệ đạo pháp. Và nếu có kẻ nào dùng luận điệu hay cách thức nào khác khiến ta giảm lòng tôn kính với lãnh tụ của ta thì đó chính là kẻ chống phá đất nước, dân tộc và đạo pháp này. Ta phải nhìn và chiến đấu đến cùng để bảo vệ lòng tôn kính đó. Vì tâm tôn kính đó là tài sản vô giá trong lòng, là chất xúc tác, là điều kiện tiên quyết để ta phát triển và bảo vệ đạo pháp, dân tộc ta.

XEM NHIỀU