Tiền Giang: Hòa thượng Thích Thiện Thống chia sẻ tại khóa Kiết Đông lần 2
Trong suốt chiều dài lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam, hiếm có vị vua nào lãnh đạo đất nước, chống giặc ngoại xâm mà để lại một di sản văn hoá lớn như Đức vua Trần Nhân Tông. Ngài là một vị vua đặc biệt, để lại cho chúng ta rất nhiều
Trong suốt chiều dài lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam, hiếm có vị vua nào lãnh đạo đất nước, chống giặc ngoại xâm mà để lại một di sản văn hoá lớn như Đức vua Trần Nhân Tông. Ngài là một vị vua đặc biệt, để lại cho chúng ta rất nhiều chiêm nghiệm, suy ngẫm. Nhân kỷ niệm 716 năm ngày Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử và những giá trị mà Phật Hoàng để lại. Đó là lý do truyền cảm hứng, thúc đẩy tôi nghiên cứu và thực hiện bài viết này.
Theo sử sách ghi chép lại, vua Trần Nhân Tông sinh năm ngày 7 tháng 12 năm 1258, tên thật là Trần Khâm, là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Hậu. Tương truyền khi vua sinh ra đã có thân hình khác thường, sự tinh anh thánh nhân, sắc thái như vàng, thể chất và thần khí tươi sáng, nên được ông nội và vua cha gọi bằng cái tên ưu ái là Kim tiên đồng tử. Từ nhỏ ngài đã bộc lộ trí tuệ và lòng từ bi khác biệt, nên được ông nội và vua cha quan tâm chu đáo, hết lòng dạy dỗ kỹ lưỡng, mời nhiều nhà nho về dạy cho vua học. Nên vua rất am tường nhiều lĩnh vực.
Năm 16 tuổi, ngài được lập làm Đông cung Thái tử và kết duyên với công chúa Nguyên Thánh – Trưởng nữ của Hưng Đạo Đại Vương. Mặc dù ba lần từ chối và nhường ngôi cho em mình, tuy nhiên vua cha không chấp thuận. Có những lần vua trốn lên núi Yên Tử xuất gia tu đạo, nhưng vua cha đã cho quan quân mời về. Bất đắc dĩ ngài phải quay về và chấp nhận ngôi Thái tử, để giữ lòng hiếu thuận với cha mẹ và tròn trách nhiệm với đất nước. Nhưng từ đó ngài vẫn luôn duy trì nếp sống thanh tịnh theo tinh thần Phật giáo và thường lui tới chùa Tư Phúc trong Đại Nội nghiên cứu Phật học, thiền học và đàm đạo cùng Tuệ Trung Thượng sĩ, là bác họ và tôn xưng làm thầy.
Năm 1280 ngài lên ngôi vua lúc 20 tuổi. Khi kế tục sự nghiệp của vua cha, ngài cho thi hành nhiều chính sách khoan hoà thân dân, lấy đức trị quốc, chăm lo cho dân chúng và quốc gia hoà bình thịnh vượng. Đối với quần thần như chân tay, và vỗ về muôn dân như con, nhẹ hình phạt, giảm thuế khoá, thưởng phạt nghiêm minh. Sử gia khen ngợi ngài là vị vua hiền của triều đại nhà Trần, hết lòng đóng góp cho sự phát triển đất nước vào cuối thế kỷ 13.
Khi giặc Nguyên Mông trở lại xâm chiếm Đại Việt lần thứ 2. Vua cùng với vua cha và triều đình đã lãnh đạo nhân dân đứng lên kháng chiến chống giặc. Quân Nguyên Mông nổi tiếng thế giới là đội quân hùng mạnh, “bách chiến bách thắng”, vó ngựa đi đến đâu là cỏ không mọc được đến đấy, nên nhiều quan quân trong triều chỉ nghe tiếng mà khiếp sợ. Mặc dù khi đó có Thái Thượng Hoàng cùng gánh vác, nhưng trọng trách chính chỉ đạo cuộc chống ngoại xâm vẫn dồn lên đầu vị vua trẻ. Trước bối cảnh ấy, vua Trần Nhân Tông đã triệu tập Hội nghị Bình than, xin ý kiến của các Vương hầu, Tướng lĩnh nhà Trần, bàn kế sách chống giặc. Tại Hội nghị, dù là vị vua trẻ nhưng phong thái của ngài tỏ ra vô cùng đĩnh đạc, tầm nhìn sâu rộng và thể hiện tài năng biết cách dùng người, cùng với tính tình đức độ bao dung, đó là việc trọng dụng Trần Hưng Đạo. Bấy giờ giữa dòng trưởng của Trần Hưng Đạo và dòng thứ của vua có hiềm khích, trong nhiều chuyện còn bị “xử ép”, và từng nổi loạn. Vậy mà vua đã không truy cứu chuyện cũ, mà ứng xử hài hoà và trọng dụng Trần Hưng Đạo và còn giao cho trọng trách Quốc công Tiết chế, thống lĩnh toàn bộ Quân đội (tương đương chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay). Đáp lại ân sủng và sự tin tưởng của nhà vua, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã gạt bỏ tình riêng, hết lòng cống hiến tài năng quân sự của mình, phục vụ đất nước. Và một tướng nữa là Trần Khánh Dư, tuy lắm tài nhưng cũng nhiều tật, bị phạt tội, phải kiếm sống bằng nghề bán than, cũng lướt qua nơi tổ chức Hội nghị. Vua biết chuyện liền ra ngay lệnh chỉ tha tội cho Trần Khánh Dư, gọi vào dự họp và giao cho chức vụ Phó Đô đốc tướng quân.
Sau Hội nghị Bình than với các tướng lĩnh hoàng tộc là Hội nghị Diên hồng với các bô lão quốc gia. Lần đầu tiên trong thời kỳ quân chủ chuyên chế Việt Nam có một Hội nghị quy tụ lòng người, phát huy dân chủ cao như thế. Lần đầu tiên những tiếng hô “quyết đánh, đánh, đánh” vang lên trong một Hội nghị và vua Trần Nhân Tông cùng với vua cha của mình trong hai Hội nghị đó thực sự đã phất cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Lịch sử ghi nhận và tôn vinh tinh thần dân chủ, cởi mở của vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông về tổ chức sự kiện trọng đại của đất nước để trưng cầu dân ý. Thật đẹp biết bao khi chứng kiến hình ảnh Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản bóp nát quả cam ở bên lề Hội nghị, và muôn người như một đồng thanh hô tiếng “đánh” ở Hội nghị Diên hồng.
Tại cuộc chiến, đứng trước thế giặc mạnh như vũ bão, mặt trận Khâu cấp Nội bàng thất trận, đại quân Trần đã phải rút về Vạn kiếp. Nhiều tướng lĩnh thua trận sợ hãi nên viết thư đầu hàng giặc. Vậy mà ngài vẫn ung dung tự tin. Quả nhiên sau đó quân ta dành thắng lợi. Có lẽ chính lòng vua tôi tướng lĩnh và quân dân như một ấy đã làm nên chiến thắng vang dội năm xưa trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Dưới sự dẫn dắt của Trần Nhân Tông, triều đại nhà Trần là một thời thịnh trị và trở thành một trong những triều đại hiển hách nhất cả về võ công và văn trị trong lịch sử Việt Nam. Và tinh thần vệ quốc được phát huy ở mức cao nhất, toàn dân sục sôi chuẩn bị, quân sĩ tỏ thái độ quyết không đội trời chung với địch. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện những vị nguyên soái, đại tướng lỗi lạc như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão…
Sau khi đất nước hoà bình, tấm lòng bao dung hiếm có của nhà vua lại rộng mở. Ngài đã không truy cứu những người nao núng tinh thần viết thư đầu hàng giặc, mà khoan dung độ lượng, cho họ cơ hội lấy công chuộc tội, và vua cho đốt tất cả thư từ trao đổi qua lại giữa họ trước sự chứng kiến của quan quân Triều đình. Việc này được sử sách ca ngợi là có tác dụng an dân và định nhân tâm một cách sâu sắc, để rồi trong toàn bộ công cuộc mở rộng bờ cõi và xây dựng nền văn hóa, Ngài đã tụ hội được những người giỏi nhất dốc sức cho đại nghiệp.
Trần Nhân Tông thực sự là vị vua anh minh, kiệt xuất, có tầm nhìn lớn. Với những đóng góp của mình, ông đã trở thành 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam được người đời kính trọng. Uy tín và tầm ảnh hưởng của ngài lan rộng mạnh mẽ cả trong nước và Quốc tế. Là người có công lớn trong việc tạo dựng nên một triều đại thịnh trị, kéo dài gần 2 thế kỷ 1226 – 1400. Là lãnh tụ tối cao của Hào khí Đông A – biểu tượng của tinh thần yêu nước, đoàn kết nhân ái, tinh thần độc lập, tự tôn dân tộc, một vị minh quân, nhà chính trị uyên bác, nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà giáo dục đạo đức, nhà văn hóa tâm linh, nhà thiền học và là một vị cao tăng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam. Với sự giác ngộ, thấy biết sáng suốt bên trong mình và những đóng góp to lớn cho Đạo pháp và dân tộc, Ngài đã được người đời suy tôn là Phật Hoàng – hay còn gọi là Vua Phật. Ngài là tấm gương sáng về phẩm hạnh tu hành, người sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc văn hoá Việt Nam, kết hợp đạo pháp và hệ giá trị, đạo lý của nhân dân: “đem đại nghĩa, thắng hung tàn/ lấy chí nhân, thay cường bạo” – một tư tưởng đã thấm nhuần trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc bao đời nay, hoà quyện với tinh hoa của Phật giáo từ bi, trí tuệ, mang tinh thần nhập thế, hoà hợp giữa quyền lực và tâm linh, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Phật giáo .
Năm 1301, vua vi hành sang nước Chiêm Thành. Tại đây vua đã khéo léo thuyết pháp cho vua Chiêm nghe. Bằng tài năng và đức độ của mình, vua đã cảm hoá được vua Chiêm là Chế Mân, khiến Chế Mân tâm phục khẩu phục. Cuộc gặp gỡ với vua Chế Mân của vương quốc Champa là một sự kiện chính trị đặc biệt, dẫn đến cuộc hôn nhân nổi tiếng giữa công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân, sự kiện này không chỉ là một câu chuyện về tình yêu, hôn nhân, mà còn là một chiến lược ngoại giao khéo léo của Trần Nhân Tông nhằm củng cố mối quan hệ bang giao giưa hai nước Đại Việt và Champa, đồng thời mang lại lợi ích mở rộng lãnh thổ đất nước. Trước đó Đại Việt và Champa có nhiều xung đột và căng thẳng, tuy nhiên sau khi Champa bị đánh bại trong một số trận chiến, vua Chế Mân đã chủ động tìm kiếm một mối quan hệ hoà hảo với Đại Việt để củng cố hòa bình. Chế Mân đã đề nghị được cưới Công Chúa Huyền Trân con gái của Trần Nhân Tông. Đổi lại Chế Mân sẵn sàng dâng tặng hai Châu ô và Châu lý, thuộc khu vực tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay cho Đại Việt. Với tinh thần hòa bình và ý thức chiến lược, Trần Nhân Tông đã đồng ý đề xuất của Chế Mân. Cuộc hôn nhân giữa họ được xem là một bước đi ngoại giao quan trọng, giúp củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia. Không chỉ mở rộng lãnh thổ mà còn giúp giảm bớt căng thẳng quân sự giữa hai nước trong nhiều năm. Mở ra cánh cửa Đại Việt cho các đợt di cư và khai hoang, phát triển kinh tế và văn hóa cho vùng đất mới. Đây cũng là hành trình Nam tiến, mở rộng lãnh thổ lâu dài của Đại Việt. Tuy nhiên giai thoại này cũng không thiếu những bi kịch sau đó. Vua Chế Mân đột ngột qua đời, theo tập tục của Champa, Công Chúa Huyền Trân sẽ phải lên giàn hỏa thiêu để tuẫn tang theo chồng. Nhận được tin này, vua đã nhanh chóng cho quân đến Champa lấy cớ thăm viếng để cứu công chúa trở về Đại Việt, kết thúc một cuộc hôn nhân ngắn ngủi, mang tính chiến lược cao.
Cuộc đời của ngài đã truyền cảm hứng cho rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu.. khám phá, tìm hiểu. Nhiều giai thoại kể lại rằng, ngoài tài năng quân sự, chính trị, ngoại giao…, vua còn là một thi sĩ, một nhà thiền học. Qua những bài thơ còn lưu truyền lại, cho thấy tầm vóc của một thi nhân lẫy lừng. Nhiều bài thể hiện tư tưởng tâm hồn của một nhà thiền, vốn tâm tư mong muốn xuất gia từ nhỏ. Sử gia ghi chép lại, có thời gian ông quá mải mê việc giữ gìn giới luật, đến nỗi người gầy hốc hác. Vua cha thấy vậy lo lắng và nói: “Trẫm nay đã già yếu rồi, chỉ trông mong vào một mình con. Nếu con cứ như thế này thì cơ nghiệp lớn của tổ tông rồi sẽ ra sao?”. Chính những lời nói lay động của cha đã làm cho ông phải suy nghĩ lại và để tâm hơn đến việc triều chính.
Sau khi đất nước đã ổn định, Trần Nhân Tông quyết định nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông và bắt đầu con đường tu hành. Ông chọn núi Yên tử làm nơi tu học. Hành động bỏ con đường chính trị đầy quyền lực và vinh hoa phú quý, để dấn thân vào con đường tu tập đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, nhiều luận giải khác nhau. Cho nên một thi sĩ hậu sinh đã xúc cảm viết về câu chuyện này:
Làm vua mà cũng chán
Bỏ đi theo mây ngàn
Một nước cờ Yên Tử
Làm nặng lòng thế gian?
Thế gian hậu thế vẫn nặng lòng phân vân, lý giải tại sao có một ông vua ngồi trên ngai vàng hưởng cuộc sống nhung lụa giàu sang, mà lại đi tu như vậy. Có lẽ cũng giống như ông nội mình là Trần Thái Tông, và cha Trần Thánh Tông đều là những người mộ đạo, có tâm hướng về Phật ; nhưng sâu xa hơn cả, ngài hiểu rằng: hôm nay giặc đã đi, nhưng ngày mai không đảm bảo là giặc không đến nữa. Mà muốn đánh giặc một cách bền vững lâu dài, thì gươm giáo không thôi chưa đủ, sức mạnh quân sự không thôi chưa đủ, hình như một triều chính, một quốc gia, một dân tộc cần sức mạnh nhiều hơn thế, đó là sức mạnh của văn hoá, tư tưởng tinh thần và có lẽ ngài hiểu rằng sức mạnh của một dân tộc chủ yếu phải được thể hiện bởi những giá trị như lòng nhân ái, tinh thần bác ái, yêu thương và khả năng hóa giải các mâu thuẫn để tạo nên sức mạnh đoàn kết. Nhận thức đó đã giúp ngài kết hợp những tinh hoa của giáo lý Phật giáo với tư cách là một hệ tư tưởng, một hệ thống giáo dục lớn và những yếu tố căn bản nhất của nền văn hóa vốn có bề dày và được thử thách. Do đó ngài dấn thân đi tìm cầu đạo là đi tìm một đường lối tư tưởng, một sức mạnh về văn hoá cho dân tộc. Khi đã đắc đạo và trở thành vị tổ thứ nhất trong Tam Tổ Trúc Lâm, Phật Hoàng Trần Nhân Tông có viết một bài thơ nổi tiếng, mà mỗi khi đọc chúng ta đều thấm thía và có những chiêm nghiệm, suy tư cho riêng mình:
Thuở nhỏ biết gì tời sắc không
Xuân đến náo nức ở trong lòng
Chúa Xuân nay được ta khám phá
Ngồi lặng mà xem một cánh hồng.
Thuở nhỏ biết gì tới sắc không: đó là cái thời mà con người chưa biết đạo, còn trống trải, nghèo nàn về tâm linh. Xuân đến náo nức ở trong lòng: tức là thời kỳ cái tâm còn lăng xăng, còn bị vướng bận bởi nhiều thứ xung quanh, chứ chưa thâu nhiếp được tâm, chưa đưa tâm trụ về một điểm, chưa tìm được thế đứng cho mình, mà còn bị chi phối, phân tâm bởi rất nhiều những thứ lao xao ngoài cuộc sống. Nhưng “Chúa Xuân nay được ta khám phá”, tức là con người đã ngộ đạo, đã hiểu được quy luật của đất trời, hiểu được bản chất của vũ trụ, thì “Ngồi lặng mà xem một cánh hồng”: cái tâm tĩnh rồi, hiện hữu ở đây rồi, cho nên một cánh hồng rơi, một chuyển động nhẹ của tạo vật, của vũ trụ xung quanh mình đều không làm mình xao động. Quý vị thân mến! Hôm nay chúng ta tưởng nhớ Thượng hoàng, Phật hoàng Trần Nhân Tông là chúng ta cùng nhau nhắc nhớ lại nhiều giá trị cao đẹp mà ngài đã tạo dựng trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Ngài mãi mãi in dấu trong dòng chảy lịch sử với hình ảnh của một vị vua anh minh đã phất cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước, để trở thành sức mạnh tổng hợp, bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Ngài là một vị minh quân, không ngừng tu dưỡng rèn luyện, không ngừng uốn nắn dạy bảo, nâng tầm vua con của mình để gìn giữ được cơ nghiệp mà tiền nhân đã tạo dựng. Ngài là vị vua đặc biệt khi từ bỏ Hoàng bào, khoác áo cà sa, nhưng không phải để trốn đời, mà là ấp ủ một nguyện đẹp, là khai mở một tầm nhìn lớn hơn cho dân tộc, một hành trình mới, một đường lối tư tưởng mới tiến bộ, lâu dài và bền vững. Vì theo quan điểm của ngài, biết phật thì sẽ biết lo cho dân. Đó cũng là sự kế thừa tư tưởng của ông nội Trần Thái Tông đã từng dạy: lấy cái lo của dân làm cái lo của bậc quân vương, lấy cái suy nghĩ và nguyện vọng của dân, làm suy nghĩ và nguyện vọng của bậc quân vương thì nước cường, dân thịnh, quốc thái, dân an. Chính vì thế ông tìm tới đạo Phật là tìm tới một hướng đi riêng cho dân tộc Việt ở giá trị đạo đức, giá trị văn hoá tinh thần. Đây cũng là lý do Phật giáo rất thịnh hành thời nhà Trần. Ở ngài là sự hoà hợp các tôn giáo, hoà hợp lòng dân, tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy tuy không trực tiếp tham gia chính sự, nhưng ngài vẫn gián tiếp cố vấn cho con là vua Trần Anh Tông trị quốc an dân. Ngài dành nhiều thời gian đi thăm nhiều làng mạc, khuyến khích người dân sống đạo đức, từ bỏ các tệ nạn mê tín dị đoan.
Đến đây, mỗi người có thể sẽ có những chiều kích cảm nhận khác nhau về một vị vua đặc biệt, từ những lăng kính, những góc nhìn khác nhau, nhưng có lẽ điểm gặp gỡ giữa chúng ta là sự cảm nhận một nguồn ánh sáng từ trái tim của Phật hoàng, là sự thức tỉnh, sự thấy biết từ bên trong của ngài, dẫn lối chúng ta.
Từ nhỏ ngài đã nghĩ đến con đường tu hành và đặc biệt hứng thú với Phật giáo. Ngài thường cùng vua cha lên núi Yên Tử nơi có phong cảnh thiên nhiên yên bình để học hỏi và thiền định. Năm1293 sau khi trị vì được 15 năm vua nhường ngôi cho con và chọn con đường tu học. Thiền phái Trúc lâm do ngài sáng lập không chỉ mang tính tôn giáo mà còn lồng ghép triết lý sống tự tại và hòa hợp với thiên nhiên; là sự kết hợp giữa đạo và đời, giữa quyền lực và từ bi.Triết lý của ngài không chỉ gói gọn trong việc tu hành mà còn phản ánh tinh thần trách nhiệm với đất nước. Ngài kêu gọi mọi người tu hành không phải để xa rời thực tế, mà để giữ tâm tĩnh lặng giữa cuộc sống đầy biến động. Với phương châm “Cư trần lạc đạo”, ngài đã truyền đạt thông điệp rằng: Không cần phải từ bỏ tất cả để đi tìm chân lý, mà sống giữa đời vẫn có thể đạt đạo. Ngài để lại nhiều bài thiền, luận, bài thơ và giáo lý để truyền bá triết lý của mình. Tư tưởng của ngài không chỉ ảnh hưởng đến phật giáo Việt Nam mà còn góp phần định hình nền văn hóa và tư tưởng của người Việt trong nhiều thế kỷ. Hành động từ bỏ ngai vàng để xuất gia của Trần Nhân Tông mang một ý nghĩa sâu sắc, nó không chỉ phản ánh tinh thần từ bi không dính mắc của Phật giáo, mà còn thể hiện lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Trần Nhân Tông không chối bỏ trách nhiệm của mình với quốc gia, mà ngược lại ở ông là một con người có tầm nhìn lớn, ông tìm kiếm một con đường khác để giúp quốc gia dân tộc, bằng việc xây dựng hệ tư tưởng hệ giá trị vững chắc, lâu bền, đó là con đường tu hành, như một cách để hướng dẫn và làm gương cho hậu thế. Ngài không chỉ là một vị vua mà còn là một bậc thầy trong việc hài hòa, cân bằng giữa đời sống thế tục và con đường tâm linh gốc rễ của con người. Việc nhường ngôi con và dành trọn đời cho con đường nghiên cứu, ứng dụng phật giáo vào cuộc sống là một minh chứng cho tầm nhìn vượt thời gian của ngài, đóng góp sâu sắc vào sự nghiệp giáo lý nhà Phật. Kết hợp giữa đời sống thế tục và tu hành tạo ra một con đường phật giáo gần gũi với đời sống người dân. Mở ra con đường tu hành không chỉ cho các tăng ni, mà còn cho những người dân bình thường, hướng dẫn họ cách giữ tâm an định giữa đời thường. Một tư tưởng tiến bộ, nhân văn, triết lý sống giản dị, thanh thoát giúp con người tìm thấy sự bình an trong tâm hồn. Ngài cũng đóng góp vào việc xây dựng chùa và Trung tâm Phật giáo, tạo ra những cơ sở tu hành và là nơi lưu giữ tinh hoa phật giáo. Di sản của Trần Nhân Tông không chỉ dừng lại ở Phật giáo, mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần và tâm linh của dân tộc. Ngài là vị vua đã nâng cao tầm vóc của triều đại nhà Trần bằng việc kết hợp giữa cai trị quốc gia và xây dựng hệ giá trị văn hoá tinh thần làm nền tảng tư tưởng.
Từ bỏ ngai vàng để trở thành một thiền sư không chỉ là một hành động cá nhân, mà còn thể hiện tính trách nhiệm cao với dân tộc. Ngài là biểu tượng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh chính trị và sức mạnh tâm linh. Một hình mẫu cho các nhà lãnh đạo sau này. Triều đại nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Trần Nhân Tông không chỉ nổi bật với những chiến công quân sự, mà còn là thời kỳ phát triển rực rỡ về văn hóa tư tưởng và giáo dục xuyên suốt thời đại. Ngài đã đặt nền móng cho tư tưởng nhân văn và khoan hoà, ái dân; tôn vinh giá trị của con người và tinh thần quốc gia, Trần Nhân Tông không chỉ xây dựng một triều đại thịnh vượng, mà còn để lại một di sản mang dấu ấn sâu đậm trong lòng dân, trở thành một nhân vật lịch sử vĩ đại, được tôn kính như một bậc Hiền nhân. Ảnh hưởng của Trần Nhân Tông không chỉ giới hạn trong thời đại của ngài, mà còn kéo dài nhiều thế kỷ cho đến ngày nay. Không chỉ trong nước, mà ngài còn là vị Hoàng đế Việt Nam có tầm ảnh hưởng Quốc tế. Tên tuổi của ngài được đặt cho một Học Viện nghiên cứu đặt tại Thành phố Boston Hoa kỳ vào năm 2012, do một nhóm giáo sư, nhà nghiên cứu trường Đại học Harvard – một ngôi thuộc top trường danh giá nhất thế giới, là cái nôi của trí tuệ nước Mỹ, và do Giáo sư Thomas Patterson làm Chủ tịch. Giáo sư Thomas Patterson cho biết: “Khi được mời giữ vai trò lãnh đạo tại Viện Trần Nhân Tông, tôi đã chấp nhận với tất cả sự nhún nhường. Nhiều năm trước, tôi là một người lính Mỹ tới Việt Nam và tôi đã đem lòng yêu đất nước, con người và lịch sử của Việt Nam. Đó là thời điểm lần đầu tiên tôi nhận biết về Trần Nhân Tông, vị vua đã hoàn thành được điều mà nhiều người không làm được: chiến thắng quân Mông Cổ trong thế kỷ XIII. Tuy nhiên, mãi đến năm 2010 tôi mới có được một sự hiểu biết đầy đủ về tầm vóc của ông khi tôi cùng vợ đến viếng Yên Tử ở Quảng Ninh. Chính vào thời điểm này tôi bắt đầu ngưỡng mộ sự hy sinh lớn lao của ông đối với đất nước. Tôi rất vinh dự khi được đóng góp một phần nhỏ trong việc thúc đẩy di sản Trần Nhân Tông để lại, thu hút sự quan tâm của mọi người ở Việt Nam và nơi khác”. (trích nguồn tư liệu Báo Doanh nhân Sài gòn, số ra ngày 14/08/2012, tác giả Hoàng Văn). Lấy chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng những tư tưởng nhân ái, giàu trí tuệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống”, để nghiên cứu. Nhằm quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông trên toàn thế giới, thúc đẩy hoà bình cho nhân loại. Viện tổ chức trao giải thưởng Quốc tế Trần Nhân Tông về “Hoà giải và yêu thương” hàng năm. Thật tự hào, biết ơn và tri ân một vị tiền nhân của dân tộc Việt, mang tầm vóc, giá trị cao quý của cả nhân loại – biểu tượng của trí tuệ, lòng nhân ái và từ bi.
Tư tưởng và triết lý sống của ngài đã thấm nhuần vào văn hóa tư tưởng và tâm hồn của người Việt, trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần của nhân dân. Ngài là biểu tượng cho lòng từ bi, trí tuệ và sự tĩnh giác, thấy biết sáng suốt – một trí tuệ nội sinh từ bên trong mỗi người. Và tinh thần dũng cảm không chỉ trong vai trò một nhà lãnh đạo chính trị, mà còn là một bậc thầy minh triết, một Nhà văn hoá tâm linh vĩ đại.
Di sản của phật hoàng Trần Nhân Tông là một di sản toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa và tôn giáo… Không chỉ là một vị vua anh minh, mà còn là người làm rạng danh phật giáo Việt Nam, mang lại cho dân tộc một hệ tư tưởng sống nhân văn, phong phú về tinh thần. Hành trình của ngài từ ngai vàng đến đỉnh núi Yên Tử, từ vị thế của một ông vua quyền lực, đến vai trò của một vị thiền sư tôn quý, là một hành trình phi thường không chỉ có ý nghĩa bài học lịch sử quý báu, mà còn là tấm gương về lối sống hòa hợp giữa đời thường, một phong cách nhẹ nhàng trầm tĩnh, giàu tính chiêm nghiệm. Hoà quyện giữa quyền lực, đạo đức và tình yêu thương muôn người, vạn vật. Cuộc đời ngài không chỉ là những quyết sách, những chiến lược, chiến công lừng lẫy, mà còn là một hành trình sâu sắc tự thân hướng tới sự giác ngộ, thức tỉnh. Khi nhắc đến ngài chúng ta không thể không nghĩ đến những giai thoại đầy cảm hứng, mỗi câu chuyện phản ánh một phần con người của một vị vua với đầy đủ những phẩm chất cao quý nhất là: “bi – trí – dũng”.
Sau khi xuất gia và trở thành thiền sư tại núi Yên tử,Trần Nhân Tông không chỉ tập trung vào việc tu hành cá nhân, mà còn giảng dạy cho mọi người cách giữ lòng thanh tịnh giữa cuộc sống đời thường. Ngài cho rằng không cần phải xa rời thế gian từ bỏ tất cả để đạt được giác ngộ, thay vào đó người ta có thể sống trong đời, làm việc giữa xã hội, nhưng tâm hồn vẫn giữ được sự thanh tịnh, không bị phiền não, nếu chú tâm, hiện hữu vào mỗi việc làm của mình, sẽ không bị tạp niệm chi phối. Điều này thể hiện rõ qua bài thơ nổi tiếng “Cư trần lạc đạo”.
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc san hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Nhân Tông – Trần Khâm
Dịch là:
Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền
Cuộc đời chúng ta gặp nhiều duyên khác nhau, hãy tuỳ duyên mà sống, vui vẻ đón nhận cảnh. Các vị đắc đạo đói thì ăn, có gì ăn nấy, ăn với cái tâm không phán xét. Chúng ta sở dĩ chưa đạt đạo là vì ta ăn trong sự kén chọn, phải là món mình thích mới ăn, ta còn mang cái tâm khen chê đồ này ngon, đồ kia dở, sinh tâm vướng chấp, đủ các chuyện trong vấn đề ăn, không dừng được cái tâm của mình. Người đắc đạo mệt thì ngủ, không có suy tư tính toán, còn chúng ta đi ngủ rồi còn toan tính, suy nghĩ đủ thứ. “Trong nhà có báu”, của báu ở đây không phải là vàng ngọc châu báu, kim cương mà ý ngài muốn cho chúng ta biết là trong mỗi người đều có phật tính, tính giác sáng suốt là của báu, chính là cái tâm phật, cái tâm chân thật, là tính chân như sáng trong vốn có của mỗi người. Cũng như Đức Phật nói “chúng sanh đều có tâm phật, ta là phật đã thành, còn chúng sinh là phật sẽ thành”. Nhưng chúng ta không biết nên mải mê đi tìm phật ở ngoài, nên không ngộ được tính phật. Nếu ta nhận ra cái tâm bình an, cái phật tính trong mỗi người, thì là lúc chúng ta ngộ đạo, “kiến tánh thành phật”, thấy cái tánh, ngộ ra được cái biết, thấy được bản chất vấn đề, thấy ra chân lý sự thật, tức là chúng ta ngộ đạo.
Ở đây ngài chỉ rõ cho chúng ta con đường tu đạo đơn giản hơn, mỗi ngày chỉ cần nhìn sâu vào mình, tự nhận thức về mình, biết cái hay cái dở và kịp thời sửa chữa, chắc chắn sẽ đạt kết quả. Vì vậy hãy đừng tìm kiếm bên ngoài nữa, vì ở ngoài chẳng có gì đâu mà tìm, hãy quay vào bên trong, tu sửa thân tâm, lau đi lớp bụi trần, để báu vật trong mình được hiển lộ, viên ngọc bên trong mình được phát sáng, vì “tâm sáng sạch trong tâm tức phật”.
Phật không ở trong pháp
Phật không ở trong tăng
Phật ở chốn lục căn
Phật ở nơi phiền não
Người lên non tìm đạo
Người lên chùa tìm kinh
Chẳng chịu đi tìm mình
Làm sao tìm thấy phật.
Và người nói “đối cảnh vô tâm” mỗi ngày chúng ta phải đối diện với nhiều cảnh khác nhau, có vui buồn, có đẹp xấu, có hài lòng, có đớn đau… ngài khuyên chúng ta hãy bình tâm trước cảnh “đối cảnh vô tâm”, hãy tĩnh lặng và bình an, không để tâm vướng chấp vào cảnh và bị cảnh cuốn đi. Giữ cái tâm trụ vào khoảnh khắc hiện tại thì đó là “tâm vô”. Khi tâm không bị bấn loạn xáo trộn, không so sánh, hơn thua, được mất… không bị chi phối bởi cảnh thì ta không cần phải thiền, không cần phải ngồi yên bất động nữa. Vì bản chất của thiền là để yên tĩnh, khi tâm đã định thì không cần đến thiền. Không bị vướng chấp vào cảnh thì sẽ không sinh tâm phiền não, đó là lúc ta đạt đến trạng thái “vô tâm”, tâm không. Và cốt lõi của việc tu thiền theo Phật giáo đời Trần được khẳng định qua tôn chỉ “Soi rọi chính mình, tỏ sáng chân tâm”.
Việc hành đạo, tu đạo không cần tìm ở đâu xa xôi, hãy quay về trong mình để tu sửa tâm mình sao cho ngay chính, chăm lo nuôi dưỡng vun bồi vườn tâm của mình. Trong tâm có phật, cuộc đời sẽ có phật. Chính cái triết lý đơn giản “phật tại tâm” mà người nông dân ở quê không biết chữ, cũng biết hướng con cháu của mình sống tốt lành. Sống với lòng thiện lương thì trái tim sẽ được phát sáng (gọi là mặt trời trong tim). Hạnh phúc ở trong ta, an vui đã có tại nơi này rồi, đó chính là sự bình an nội tâm.
Kho tàng trí tuệ có câu:
Ngộ thì giây phút thoát ra
Mê thì kiếp kiếp làm mà làm chi.
Ngộ ra, sáng ra, thấy ra sự thật về mình, thì ta sẽ được thoát ra, được cởi bỏ cái gánh nặng trong tâm trí bấy lâu đè nén, giới hạn mình.
Bài kệ chỉ 4 câu nhưng gói ghém tư tưởng triết lý sâu xa về đạo lý của ngài, trở thành tôn chỉ quan trọng của dòng Thiền trúc lâm. Cho thấy sự khác biệt của phật giáo Việt Nam dưới thời Trần Nhân Tông không xa rời thực tế, mà giản dị, gần gũi với cuộc sống con người, thật quý và trọng biết bao. Ngài thường xuống núi giúp đỡ những người dân nghèo, không chỉ giảng giải phật pháp, mà còn dùng tiền bạc và vật phẩm mình có để cứu giúp họ. Ngài đã cứu mang những người không nơi nương tựa và dạy họ cách sống tự lập, không phụ thuộc vào người khác. Những hành động của ngài không chỉ giúp đỡ trực tiếp, mà còn là âm hưởng, có tác động tích cực lan toả rộng lớn, tạo nền tảng đạo đức tư tưởng văn hoá tinh thần cho những thế hệ sau. Cuộc đời và sự nghiệp của vua Trần NhânTông là biểu hiện cao đẹp nhất của tinh thần nhập thế, đạo pháp gắn liền với dân tộc. Là minh chứng sống động cho triết lý sống dung hòa giữa đạo và đời, mang giá trị xuyên suốt thời đại, một di sản bất tử cho dân tộc. Đi tu không phải để trốn đời yểm thế, mà để nhập thế cứu đời, có điều ngài cứu đời không phải theo kiểu một ông vua, mà theo kiểu một Thánh nhân.
Làm vua chỉ chăn dân trăm họ
Làm Phật cứu độ cả muôn loài
Bởi vậy tấm gương vua Phật tuy ẩn mà lại hiện, tuy mờ mà lại sáng, ngài bứt khỏi cái bình thường, để vượt lên cái phi thường. Bởi thế hàng ngàn năm qua, bao triều đại thịnh suy, bao người đã làm vua, song có ai được nhân dân ngưỡng vọng, tôn thờ như vua Phật Trần Nhân Tông. Ngài từ bỏ cuộc sống nhung lụa trên ngai vàng, tâm không đắm chìm trong lạc thú thế gian, từ bỏ cái chức vị cao sang của nhà vua, trở về nơi tôn quý của nhà Phật, từ bỏ cái nhất thời hữu hạn, trở về với cái vô hạn, trở thành vị thiền sư vĩ đại nhất trong lịch sử.
Ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu Thân 1308 Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt tại Ngoạ Vân Am Tự trên đỉnh núi Yên Tử, hưởng thọ 51 tuổi. Đến nay dù đã trải qua hơn 700 năm, trải qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, nhưng tư tưởng, tinh thần của Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn còn vẹn nguyên giá trị, vẫn sáng mãi, soi rọi vào những góc khuất của trần thế, như Nhà sử học Giáo sư Vũ Khiêu từng nói:
“Ngọc sáng, gương trong vua hoá Phật
Tài cao, chí lớn Phật làm vua
Tấm gương nhân ái soi kim cổ
Ngọn đuốc quang minh rạng đất trời.”
Tuệ Nhã
Tiền Giang: Hòa thượng Thích Thiện Thống chia sẻ tại khóa Kiết Đông lần 2
HOẰNG DƯƠNG TƯ TƯỞNG PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG VÀO ĐỜI SỐNG
Ninh Bình: Chùa Bái Đính tưởng niệm 13 năm ngày viên tịch của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ
Logo chính thức của Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Kiên Giang: Khóa tu “Bát quan trai” tháng 11 năm Giáp Thìn tại chùa Phật Quang