Logo chính thức của Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025
[Nội dung rất dài (hơn 4500 chữ), mang tính toàn diện. Mấu chốt nằm ở đoạn sau. Muốn hiểu đoạn sau, nên đọc từ đầu. Xin chú ý bốn lần “nhấn mạnh”. Trân trọng!]
Kính lễ đức Thế Tôn!
Tán thán vị hành giả với tâm Sằng đề Ba la mật!
Dạo gần đây, một hành giả hành khất rất đáng được khâm phục và kính trọng bởi tâm kiên định và niềm tin nơi chánh pháp mãnh liệt với hạnh mền trời chiếu đất, ăn ngày chỉ một và đặc biệt không nhận “tiền” được thí chủ cúng dường kèm theo câu nói, nhận tiền là phạm giới và không giải thoát được. Vị hành giả ấy, bản thân ngài không có gì sai qua cách sống và trải nghiệm Phật pháp theo quan điểm cá nhân của chỉ riêng mình như vậy, nhiều mặt thật đáng ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, điều đáng đau lòng là sau sự xuất hiện của hành giả ấy cùng tư tưởng cá nhân của mình, Thánh hiệu của đức Thế Tôn, Thích Ca Mâu Ni, đấng Năng Nhân Tịch Mặc bỗng bị cải biên bởi một số những phần tử với các loại hình khẩu hiệu “ủng hộ Chân tu”, “bài trừ xàm Tăng, thợ tu” thành “THÍCH CAR MONEY”, tạm dịch là “thích xe hơi, ham tiền bạc”, một sự mượn danh hiện tượng với vốn liếng thiếu tri thức Phật học cùng một cơ quan tư duy rỗng tuếch, phiến diện và nét bất kính đến quặn lòng đối với đức Thế Tôn.
Một khi đã nói đến đây, có lẽ nguồn xung lực đã đủ để thúc đẩy luồng hỏa khí trong một số cá thể lên mức kim chạm vạch đỏ. Nhưng xà lơ một chút đó là quý vị có thắc mắc vì sao động từ “Chửi” sẽ biến thành danh từ làm tân ngữ và làm đối tượng của động từ “Ăn” thành “Ăn chửi” hay không? Vì kết quả của việc ăn chính là có thể tiêu hóa, và quá trình này đưa đến tác dụng là cung cấp nguồn nhiên liệu cho sự việc được tiếp tục vận hành và đi được đến hướng nó cần phải đến. Sẵn sàng và trân trọng!
Đầu tiên, cúi mặt hổ thẹn thưa rằng, nếu bất cứ ai thuộc hàng Tăng nhân, Tu sĩ, nhưng dùng mưu mô cầu tiền bạc hoặc dùng tiền bạc vào những động sản hay bất động sản như căn hộ, villa, xe cộ, hàng hiệu, vật quý của lạ, các thú vui thuộc thể chất hoặc tinh thần, v.v. mang tính vì dục vọng cùng thỏa mãn của bản thân hoặc cá nhân ngoài bản thân, không phải hướng đến lợi ích chung cho tha nhân, cho xã hội cộng đồng, cho muôn loại thì điều đó hoàn toàn xứng đáng bị chỉ trích và lên án, bởi nó không phù hợp, chống phản với Đạo đức học Giới luật Phật giáo. Nghìn lần tàm quý!
Có điều…
Thời đại cải tiến, xã hội đổi thay, thời cuộc biến động thì không gì là ở yên tại chỗ nguyên thủy, đây là tính Duyên sanh và Vô thường trong Phật giáo.
Có thể xác nhận rằng, đức Phật là một nhà cải cách lỗi lạc và Luật Phật cũng được chế định theo xu hướng đó, có nghĩa, xã hội đổi thay, đời sống sinh hoạt của tu sĩ cũng có thể theo đó thay đổi. Để dẫn chứng cho việc này:
– Lịch sử Phật giáo và Luật tạng chép: Mười hai năm đầu tiên, Tăng đoàn đức Phật không hề có Giới luật, sau đó mới hình thành. Điều này cho thấy, đức Phật là người biết nhìn nhận thời cuộc và biết điều gì sẽ tương ứng với thời cuộc. Nói cách khác, đạo Phật được phát triển theo dòng chảy xã hội ngay từ thời Phật, ít nhất là xuyên suốt 45 năm hoằng pháp của đức Phật .
– Luật tạng chép: Các Giới bổn, như 250 của tỳ kheo cùng 348 giới của tỳ kheo ni, v.v., được chế định xuyên suốt từ năm thứ 12 hoặc 13 đến khi đức Phật nhập diệt theo quy tắc khi có sự việc bất hảo, chư Tăng hoặc hàng vua, quan, cư sĩ trình lên và đức Phật sẽ xem xét rồi chế định, sau đó, còn được bổ sung, chỉnh sửa về sau bởi hàng đệ tử của ngài. Điều đó cũng thuyết minh, Giới luật cũng thuận theo dòng đời mà chế định, chẳng phải vốn là thứ được chế tác ra tại duy nhất một thời điểm thông qua suy nghĩ chủ quan hay mang tính cá nhân đến từ độc nhất mỗi đức Phật.
– Luật tạng chép: Giới luật có bốn tính chất, trong đó có tính Khai, nghĩa là sẽ mở ngoại lệ cho hoàn cảnh cùng trường hợp cần thiết, vì tinh thần của Giới luật không mang tính cơ giới máy móc cùng khô khan cứng cỏi. Không hiếm để thấy biểu hiện của tính chất này trong bất cứ bộ Luật Phật giáo nào. Đây là dẫn chứng tiếp theo.
– Kinh và Luật tạng chép: Trích kinh Du Hành, đức Phật đã tuyên bố với tôn giả A Nan trước khi nhập diệt rằng, Trong Giới luật, những giới nhỏ nhặt, không hợp địa phương, phong tục, thời thế có thể thay đổi, gia giảm. Tuy nhiên, tôn giả Ma ha Ca Diếp đã không thực hiện di huấn này của đức Phật vì ngài cho rằng chưa thấy được tính cụ thể nằm ở giới điều nào, đây là quan điểm vô cùng cá nhân của ngài ấy và rất nhiều người đến nay vẫn xem là đúng, tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ càng, chúng ta sẽ thấy được rằng cách làm đó của tôn giả Ca Diếp đã bị một cộng đồng Tăng đoàn do trưởng lão Phú Lan Na đứng đầu ở miền Nam phản đối kịch liệt (trích Luật Ngũ Phần). Đây là dẫn chứng tiếp theo cho việc được phép thay đổi đôi chút Giới luật thuận theo thời thế.
– Lịch sử Phật giáo Trung Quốc chép: Nông thiền, được lập nên bởi thiền sư Bách Trượng tại núi Pháp Cổ, là hình thức chư Tăng tự canh tân, trồng trọt để phục vụ tu học và được xem như một cải cách mới mẻ đương thời, do các tự viện thời ấy thường tọa lạc trên núi cao, cách xa quần chúng, hơn nữa, việc làm ấy cũng để giảm bớt gánh nặng và đường xa cho quần chúng. Thời đại của thiền sư Bách Trượng (nhà Đường) cách đây khoảng 1300 năm, do đó, vào thời nay, khi vô vàn sự kiện lịch sử, văn hóa đã đi qua, việc cách tân theo thời thế được xem là hợp lệ, miễn là thích hợp với tinh thần “Hoằng pháp lợi sanh”.
– Luật Tứ Phần chép: Nếu An cư, phải xem xét địa phương ấy có người hộ trì và cung cấp thức ăn nước uống hay không. Nếu nương tựa người chăn bò An cư thì khi họ du mục đi thì nên đi theo họ. Từ đây đã thấy rất rõ tinh thần phương tiện trong Giới luật, vì mục đích sống còn để vận hành mạng mạch Phật pháp thì được thuận theo dòng đời. Trải qua gần ba thiên niên kỷ, điều đó được áp dụng cho “tiền” cũng chẳng có chi kỳ quái.
Khách quan mà nói, con cháu thời nay làm gì còn việc cạo đầu trọc, nhuộm răng đen, nữ mặc yếm, nam đóng khố như thời ông bà ta ngày xưa. Con cháu cũng chuyển sang nghe nhạc ngoại quốc chứ mấy ai chuyên nghe cổ nhạc, quan họ, cải lương mấy nữa. Việc sáng ăn mỳ Hàn, trưa pizza Ý, chiều sushi Nhật, tối trà sữa Đài Loan đã trở nên quá quen thuộc trong giới trẻ. Do đó, xin đừng nói rằng “thời đó đức Phật đã … như vậy… nên… các ông cũng phải như vậy…”. Ví dụ, trong Giới bổn có điều: Tỳ kheo phải đợi nửa tháng mới được tắm một lần (vì có nguyên do cụ thể), nếu áp dụng vào ngày nay, mình đố ai dám gần các thầy hay đến chùa, việc cố chấp giữ giới như vậy lại chính là phá giới. Hoặc ý kiến rằng, trong Luật đức Phật không hề cấm tỳ kheo dùng chất kích thích (vì thời đó làm gì đã có), cho nên có thể thực hiện mà không xem là phá giới, đây cũng là đại tà kiến.
Nói đến đây, mình nghĩ rằng, nếu đức Phật sống trong thời đại ngày nay, việc chư Tăng sử dụng tiền bạc và kêu gọi cúng dường để “dùng làm kinh phí cho những công tác thuần Phật sự” sẽ hoàn toàn được chấp nhận. Xin nhấn mạnh lần thứ hai, người nào dùng tiền thí chủ vào mục đích cá nhân, dù hợp Pháp luật nhưng không hợp Đạo đức Giới luật Phật giáo, đó là điều mặc sức cho cộng đồng lên án. Nhưng về mặt quần chúng, cần mọi người bám vào tính khách quan làm nền tảng và có cái nhìn chi tiết, cụ thể đối với từng sự việc, tránh chuyện “quơ đũa cả nắm” hay “một con ngựa đau cả tàu ‘mất’ cỏ”.
Nói về tiền, bản chất của tiền là giấy, đốt là cháy. Từ sâu trong thực tế, kỳ thực mỗi chúng ta không một ai cần tiền, vì cần tiền là cần tờ giấy, chúng ta cần giấy để làm chi? Chúng ta chỉ cần những vật dụng hay tài sản thuộc giá trị vật chất hoặc tinh thần với mục đích đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu tích cực (đôi khi là tiêu cực) của cá nhân, và tiền là vật mang giá trị đổi chác trung gian cho những thứ ấy.
Đức Phật, một bậc Thánh hiền bộ hành, khất thực, độ sanh, nhưng đó là vào thời điểm 2600 năm về trước, không riêng gì Tăng đoàn, tất cả Sa môn đoàn ngoại đạo khắp Ấn Độ cũng chẳng ai sử dụng tiền, đó là nét văn hóa cổ đại riêng biệt của người Ấn. Xét trên góc độ lịch sử học, góc độ “không sử dụng tiền”, địa vực mà đức Phật hoằng hóa trong suốt 45 lăm chỉ khoảng hơn 1/4 tiệm cận 1/3 diện tích toàn cõi Ấn Độ, tức chỉ khoảng hơn 01 triệu ki lô mét vuông, gấp ba, bốn lần lãnh thổ Việt Nam. Một giả thiết được đặt ra, vào thời đại ngày nay, với sự hỗ trợ bởi công nghệ và phương tiện hiện đại, nếu phải đích thân đi đến cùng trực tiếp giảng dạy, với diện tích như trên, cộng thêm tinh thần hoằng pháp tinh cần không mỏi mệt của đức Phật, ngài chỉ cần từ 01 đến 03 năm chứ chẳng phải suốt 45 năm như lịch sử. Hơn nữa, phạm vi hoằng hóa của ngài sẽ là toàn thế giới khi mà từ Ấn Độ đến Hoa Kỳ, Âu Châu hay bất cứ quốc gia nào đều không mất đến một ngày đường chứ chẳng phải chỉ gói gọn trong đất Ấn. Tuy nhiên, tất cả những công nghệ, phương tiện ấy, đều đòi hỏi một thứ “tiền”, vì không phải nơi đâu người ta cũng là Phật tử và biết bạn là Tăng sĩ. Điều cần nói ở đây là, hiện tại đức Phật đã không còn nên ngài không thể thực thi những tính thuận lợi ấy, do đó, những hàng đệ tử thời hiện đại của ngài phải thay thế Phật nắm vững sứ mệnh truyền bá chánh pháp bằng mọi giá. Với thời đại công nghệ ngày nay, nếu cứ mãi chấp chặt cụm từ “THỜI ĐỨC PHẬT”, Phật không dùng tiền, tôi không dùng tiền, thì đó là sự Chấp trước, chướng ngại lớn của sự làm đạo và truyền đạo, không phải cách hành sự thông minh chiếu theo phương tiện quyền xảo của pháp Đại thừa và đặc biệt là Bồ tát đạo.
Bởi, thời Phật, chư Tăng nếu không có tự viện thì có thể cư trú trong rừng, núi, mỗi ngày vào thôn khất thực một lần, nhân dịp đó sẽ hóa độ người dân hữu duyên.
Tuy nhiên…
Đó là vào thời điểm hai mươi sáu thế kỷ trước, thời mà khi bạn đi hàng cây số mới may mắn bắt gặp một, hai căn nhà, khắp nơi đều là rừng rậm hoang vu, tịch mịch. Còn ngày nay, rừng núi đã ít, lại phần lớn tách biệt khỏi tầm mắt của khu dân cư, còn lại đều thuộc quản lý của nhà nước, thử nghĩ một Tăng đoàn mỗi ngày đều cư trú nơi bìa rừng để tu tập, thì việc vệ sinh cá nhân, tắm, giặt, v.v., sẽ là một bất tiện cực kỳ lớn cho tập thể và gây ô nhiễm cho cảnh quan, môi trường. Chưa kể, khoảng cách từ cánh rừng này đến cánh rừng khác không phải lúc nào cũng là một ngày đường, nếu khi chưa tìm thấy nhưng trời đã tối thì Tăng đoàn sẽ dừng chân nơi đâu, nghĩa trang chăng? Vậy nếu nghĩa trang cũng chẳng có, chẳng lẽ lại lê lết nơi vỉa hè, lề phố, gây mất trật tự công cộng và lấn chiếm lòng lề đường? Tin mình đi, ban đầu hay khi chỉ có một vài người thì chưa thấy có gì, thậm chí còn là điều hay lẽ phải, vì thứ gì mới lạ, thứ đó tuyệt hảo, nhưng về lâu về dài, chính sự kiện màn trời chiếu đất với số lượng lớn như cả Tăng đoàn cùng những sự thật hiển nhiên như vẻ ngoài lết thết, thân thể thiếu sức sống vì không phải ai cũng có định lực như hành giả, bệnh tật phát sinh, tinh thần kiệt quệ, cộng thêm việc kinh sách không thể được mang theo toàn bộ trong suốt quá trình du hành, đầu óc không thể học tập với thân thể đã rệu rã, cuộc sống nay đây mai đó khó đáp ứng được nhu cầu học đạo cho mọi tầng lớp quần chúng, vì làm sao có thể gặp mặt một lần thì họ liền hiểu đạo rồi áp dụng điều đó vào đời sống để mang đến an lạc cho mình và người, đây mới chính là điều sẽ gây nên dị nghị trong công chúng. Thêm vào đó, những thành thị lớn, ở Việt Nam như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, v.v., những nơi mà một quần thể cây cối lớn còn khó tìm thấy, huống chi là rừng rậm thì Tăng chúng sẽ cư trú nơi đâu? Như vậy, chẳng lẽ những địa phương như thế không đáng để đạo Giải thoát của đức Phật có mặt hay sao? Tóm lại, trong thời đại ngày nay, chư Tăng chỉ có thể cư trú tu học tại chùa, tu viện, và tại chốn Già lam ấy hoằng dương Đạo đức Phật học.
Tiếp theo, mỗi địa phương, mỗi vùng miền đều khác nhau về điều kiện dù riêng hay chung, nếu nói rằng chư Tăng không được nhận tiền cúng dường, vậy ngôi chùa sẽ do ai đứng ra kiến tạo? Mất bao lâu hoàn tất để đáp ứng nhu cầu tu tập trong Tăng đoàn? Về vấn đề ăn mặc, tu học, điện nước ai sẽ là người đứng ra giải quyết? Vấn đề chăm sóc sức khỏe, thuốc thang? Khi Phật giáo thuộc địa phương hay cộng đồng cần tổ chức sự kiện Pháp sự, ai sẽ thay mặt gánh vác tất cả điều kiện cần? Khi khóa tu, khóa lễ, sự kiện tu học với số lượng người tham dự đông đảo được cử hành, ai lại là người quán xuyến đủ tất cả để xử lý mọi mặt cho một sự kiện hoằng pháp được hoàn mỹ? Hay khi Tăng đoàn tăng thêm số lượng, điều kiện về phòng ốc sẽ được đáp ứng kịp thời như thế nào?
Không chỉ có như vậy, vấn đề về một Tăng đoàn được vận hành cho sứ mệnh truyền bá chánh pháp còn phức tạp và đa đoan hơn rất nhiều. Nếu chư Tăng hoàn toàn không nhận tiền vì xem nó là “thứ xấu xa”, thì việc phó thác toàn bộ cho hàng tại gia thực hiện dưới sự chỉ đạo của chư Tăng sẽ không bao giờ đạt được mục đích tốt đẹp thập phần, bởi hàng tại gia ấy vô phương để một người lo liệu tất cả, còn nếu phải giao phó cho số đông, bảo đảm không tránh được việc chín người mười ý, hoặc khi cần chẳng có, khi có chẳng cần, vì không ai hiểu chuyên môn Phật pháp và Phật sự bằng chính hàng Tăng sĩ nên có thể từ điều đó sẽ dẫn đến sóng gió thị phi còn mãnh liệt hơn việc chư Tăng tự chủ cầm tiền thực hiện.
Do đó, nếu đức Phật tại thế vào thời điểm ngày nay, phần nhiều việc Tăng chúng nhận tiền cho mục đích hoằng dương Phật pháp sẽ được chấp thuận. Bởi ở thời đại của mình, đức Phật đã thu thập và ứng dụng rất nhiều những trào lưu của xã hội vào đời sống Tăng đoàn (Sa môn đoàn, An cư, Bố tát, v.v.), thì chẳng lý do gì vào thời đại ngày nay mà ngài cấm cản cả, bậc có trí tuệ sẽ biến bất cứ hành động gì mà vị ấy thực hiện thành giá trị trí tuệ đích thực, bất kể đó là gì.
Quý vị sẽ nghĩ sao nếu một vị thầy chỉ ăn cháo trắng gạo hẩm với muối và di chuyển bằng xe đạp cà rịch cà tang? Thật thanh bần và cao cả, đúng không? Tuy nhiên, cách đây hơn 70 năm, vị thầy ấy đã bị chỉ trích thậm tệ, mặc dù vào thời đó, hai món trên cũng không có gì là quá khan hiếm. Nhưng việc ấy không sai, thầy vẫn tiếp tục, từ đó người ta xem thầy là “ông thầy Việt Nam đầu tiên dám đạp xe ngoài đường”, đó chính là sư ông Nhất Hạnh. Do đó, vấn đề không nằm ở bản thân sự việc, mà nó chỉ nằm ở cách đánh giá “có khi đúng, lắm khi sai” của quần chúng.
Xin nhấn mạnh lần thứ ba, tiền bạc thí chủ nếu dùng vào mục đích cá nhân bất như Pháp sẽ là điều trái ngược Đạo đức Giới luật Phật giáo. Loại trừ những cá nhân tiêu cực mà quý vị đã thật sự biết trong giới Phật giáo, hãy cứ chỉ trích theo ý quý vị, mình xin chắp tay, cúi đầu. Nhưng chỉ có cá nhân tiêu cực mới là ung nhọt, Phật giáo là bạch tượng vương tuyệt đẹp, hùng dũng, Tăng đoàn là đàn voi tề chỉnh, đoan chánh, chẳng ai vì một cái nhọt mà giết đi con voi hay cả đàn voi cả.
Còn việc chư Tăng kêu gọi cúng dường, nếu có mục đích cho việc đó, thì chẳng gì là sai trái cả. Sau đây là dẫn chứng:
– Luật tạng cho phép việc chủ động xin, như khất thực thì khất chính là xin, thực là thức ăn. Trích Luật Tứ Phần, cho phép tỳ kheo chủ động xin những vật dụng cần thiết như y, bát, ngọa cụ, thuốc thang, v.v., như vậy việc kêu gọi cúng dường cho mục đích cộng đồng gắn với Phật giáo sẽ không sai lầm. Cái sai lầm của quần chúng là chỉ nhìn “hành động” kêu gọi chứ không thèm nhìn vào “mục đích” kêu gọi. Nghe hai chữ “cúng dường” là la, thấy số tài khoản là mắng.
– Tinh thần Phật giáo Đại thừa là phương tiện quyền xảo, tất cả vì mục đích lợi tha: Trong Phật giáo Đại thừa, không một ai bị bỏ lại. Đây là tông chỉ. Do đó, việc kêu gọi từ quần chúng chỉ vì phục vụ lại quần chúng trong phạm vi Phật pháp.
– Theo thống kê, số tiền Phật giáo Việt Nam đã đóng góp cho công tác từ thiện từ 2017 – 2022 là gần 13.000 tỷ đồng, chưa tính những khoản tại cá nhân địa phương không cần báo cáo.
– Tất cả những khóa tu, khóa Thiền, khóa học Phật tại các tự viện thì 99,9% là miễn phí và được chư Tăng hỗ trợ mọi mặt về các vấn đề sinh hoạt, ăn mặc, chỗ ở.
– Hơn hai năm Đại dịch Covid-19, cùng những đợt thiên tai, bão lũ, hạn hán, không một tổ chức nào hướng về đồng bào một cách không phân biệt nhiều hơn Phật giáo.
– Mọi kinh sách, truyền thông giáo dục Phật học, đều được biên tập, phiên dịch, thuyết giảng, ấn tống và truyền bá đến mọi người một cách không phân biệt trên mọi nền tảng và không hề thu phí bắt buộc.
Tất cả những điều này, nếu không dùng tiền, sẽ lấy từ nơi nào ra nguồn tri thức cùng nguồn lực để cống hiến, dấn thân, hóa độ?
Giả lập ra một vị Tăng sĩ có tâm nguyện cống hiến hết mình cho Phật pháp, cho chúng sanh nhưng trong tay không một đồng tiền, như vậy thì những tình huống sau sẽ xảy ra:
– Khi cần một chiếc xe giúp việc hoằng pháp được nhanh chóng. “Xin thầy hãy tự đi, dù biết thầy có tâm đạo, nhưng tôi không thể cho thầy chiếc xe này được, vì vợ con tôi cũng cần có cơm để ăn”.
– Khi cần đi xa để hoằng pháp. “… Vợ con tôi cũng cần cơm ăn nên tấm vé xe/máy bay này không thể cho không thầy được”.
– Khi cần phương tiện truyền thông truyền bá chánh pháp. Cũng như thế “Xin thầy thương cho, vợ con tôi cũng cần cơm để ăn”.
– Thậm chí khi xin nơi ở hay chẩn khám bệnh tật hoặc bất cứ vấn đề nào cũng vậy, “Xin thầy thông cảm cho, dù rất thương xót thầy, nhưng tôi không thể”.
Đặc biệt, với bản thân vào thời gian là du học sinh, mình cảm nhận sâu sắc giá trị của đồng tiền nơi đất khách quê người, nơi mà chỉ có “Người-tiền-vật chất” chứ chẳng có “Tăng sĩ-tịnh tài-vật cúng dường”. Thời gian ấy, muốn được quyển sách để nghiên cứu Phật học, Ok! Mời trả tiền. Muốn tham thính buổi tọa đàm Phật học, Ok! Mời đóng tiền. Họ nói, vì chúng tôi không phải người xuất gia? Phật học chỉ là một môn học với chúng tôi, cũng khách quan như bao nền học thuật khác mà thôi, không có tính thiêng liêng gì nhiều đâu, nên chúng tôi cũng cần tiền để sống, cần cơm để ăn, cần nhà để ở, vì vậy mong bạn hãy trả tiền.
Một số Tăng sĩ có tâm và có tầm với Phật pháp nhưng không tiền thì sẽ bất lực như vậy trong thời đại ngày nay. Lúc đó liệu những người tung hô sự “chân tu” kia có tiếp sức cho sự “chân tu” này hay không?
Xin đừng nhìn vẻ hào nhoáng của một số tài khoản khổng lồ để đánh giá chung hàng Tăng sĩ. Rất nhiều ước mơ, hoài bão cống hiến cho Phật pháp, cho nhân sinh của những Tăng sĩ đã bị bỏ dở hoặc chấm dứt vĩnh viễn chỉ bởi ba chữ “Không có tiền!”, đây là sự thật.
Nếu Tăng sĩ không thông qua phương tiện đồng tiền để có được tính tự chủ động trong công cuộc hành đạo, chất lượng Tăng sĩ chắc chắn sẽ ngày một xuống cấp do vô pháp để có được sự thuận tiện trong mọi nhu cầu tầm học cùng hành đạo. Khi ấy, những người có tiền và dùng tiền sẽ dần dần nắm trọn nền Phật học và cai quản chúng theo cách của họ, và như đã trình bày bên trên, sự học Phật ấy chỉ để giải quyết nhu cầu cá nhân, chẳng phải xem học Phật là con đường cùng đích đến của đời này với vô lượng đời sau cho đến tột cùng, như thế là “biết” Phật chứ chẳng “hiểu” Phật. Đến lúc ấy, người có tu nhưng không có tiền thì không hiểu Phật pháp, và Phật pháp, lời dạy thiêng liêng xuyên suốt chiều dài lịch sử bởi đức Thế Tôn vĩ đại lại được tiếp nhận thông qua những người không tu nhưng có thứ được biểu hiện dưới dạng tờ bạc, “tiền”. Đúng là bạc thật, là bạc bẽo vậy. Nghĩ đến viễn cảnh đó, liệu Phật giáo sẽ đóng cửa hay sao? Chắc chắn vậy! Và đó mới chính là lúc Mạt pháp và Tận pháp thật sự.
Nếu quý vị đã thấy cảnh một sư thầy phải đeo bảng “Ai ăn bánh giò chay không?” nơi ngã tư đường để kiếm từng đồng tiền sữa tả cho các em cô nhi, hay một sư cô với mâm tương chao trước mặt chốn họp chợ chỉ để tôn tượng đức Phật được tránh khỏi cái họa nắng mưa, hoặc khi có một căn bệnh ập đến, thì ta mới hiểu được, người chân tu nhưng khi chưa thoát cõi Ta Bà, vẫn phải “kham nhẫn” theo cái tên của cõi này mà nắm lấy đồng tiền.
Tóm lại…
Tiền không có lỗi, bản thân nó là trung tính, không thiên về bất cứ cá nhân, tổ chức, khái niệm, quan điểm, tín ngưỡng, sùng bái nào. Người có trí tuệ và đạo đức, xem tiền là phương tiện và vận dụng nó để mở lối cho những con đường mà hai bên xanh rợp những hoa trái tươi mọng mang hương vị giải thoát và dẫn thẳng đến rừng Bồ đề ngát hương vĩnh cữu. Người thiếu đi trí tuệ và đạo đức thì theo nó để đi xuống hố.
Kỳ thực, chẳng ai cần tiền, hàng tại gia, người thế tục hay chư Tăng cũng vậy, chẳng một ai cần tờ giấy để làm gì, chỉ là xã hội quy định nên đồng tiền, xem nó như thước đo cho mọi giá trị quy đổi để mọi sự giao dịch tránh xảy ra hỗn loạn, mất cân bằng. Bằng tính phương tiện quyền xảo, vẫn là câu nói ấy: “Trong Đại thừa, không một ai bị bỏ lại”, Phật giáo biến nó trở thành phương tiện để chư Tăng có được sự “tự chủ”, “tự quyết” trong vấn đề hành đạo và để tránh việc chấp trước lệ cũ dẫn đến “thứ cần chẳng có, thứ có chẳng cần”; “thứ cần thì khan hiếm, thứ dư lại vô quan”.
Nhắc lại và nhấn mạnh lần thứ tư, mọi cách để có được đồng tiền hoặc cách sử dụng đồng tiền không đúng như Pháp, xứng đáng bị lên án, chỉ trích và trừng trị theo đúng luật nhân quả.
Vấn đề chỉ nằm ở nơi con người và dục vọng, thứ che mất đi ánh sáng của họ, chứ chẳng nằm nơi tiền. Hoại nhân thì dù không tiền, vẫn sẽ đặt ham muốn bất hảo của cá nhân hắn vào bất kỳ thứ gì khác. Tiền, vô tội!
Logo chính thức của Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Kiên Giang: Khóa tu “Bát quan trai” tháng 11 năm Giáp Thìn tại chùa Phật Quang
Những dấu hiệu để nhận biết bậc Thánh tăng
Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM tổ chức lễ Tốt nghiệp năm 2024 cho gần 400 Tăng Ni sinh