Chiều đi từ nhà đến chùa là tiến trình tịnh hóa tự thân, tự giác tự độ. Chiều trở lại từ chùa về nhà là tiến trình phát tâm bồ-đề hành trì Bồ-tát đạo, giác tha độ tha. Đi đến nơi về đến chốn cả hai chiều là Giải thoát viên mãn, Giải thoát tự thân và Giải thoát tha nhân.
Đi hành hương có lộ trình hai chiều từ nhà đến chùa và tự chùa trở lại nhà. Đây là pháp hữu vi hiện thực, thân tướng tức xác phàm của hành giả đảm nhận. Đây cũng là pháp vô vi siêu thực, tâm thế gian chuyển hóa thành tâm Phật tức pháp tánh Như Lai. Chiều đi từ nhà đến chùa là tiến trình tịnh hóa tự thân, tự giác tự độ. Chiều trở lại từ chùa về nhà là tiến trình phát tâm bồ-đề hành trì Bồ-tát đạo, giác tha độ tha. Đi đến nơi về đến chốn cả hai chiều là Giải thoát viên mãn, Giải thoát tự thân và Giải thoát tha nhân.
Dọc theo con đường Giải thoát ở cả hai chiều, người con Phật xuất gia cũng như tại gia cần xác định đạo vị của mình hiện đang trụ ở pháp giới nào ? Người, Trời, Thanh văn hay Duyên giác ở chiều đi xuất thế ? Bồ-tát bậc nào ở chiều trở lại nhập thế ? Có xác định được đạo vị, mỗi bước chân trên tiến trình Giải thoát mới vững vàng chắc chắn, không rơi vào tình trạng chập choạng vấp té, mê lầm lạc vào Vọng tưởng tà kiến, biến thành đệ tử của ma đạo lúc nào không hay. Có xác định được đạo vị tức mức độ đạo quả đã thực chứng, người khéo tu mới hoan hỷ an lạc trong việc cất bước không ngừng trên con đường Giải thoát.
Đi hành hương (Phần 3)

Ảnh minh họa.
Luôn luôn không ngừng tiến trên con đường Giải thoát, người khéo tu luôn luôn soi tỏ từng bước đi của tự thân. Sau đây là hai bài thi kệ có nội dung ghi lại cảm nhận của hành giả mới sơ ngộ pháp giới Chân Như:
Phút Giây Tỉnh Thức
Đến chùa đi tìm Phật
Chỉ thấy tượng ngồi im,
Tiếng mõ kêu Cốc ! Cốc !
Nghe vang động cửa Thiền.
Niệm cầu xin gặp Phật
Trong pháp giới vô biên,
Chợt thấy mình không thật
Bấy lâu mộng triền miên !
Bỗng dưng bừng mở mắt
Thấy Phật đang dịu hiền
Nhìn mình ! Tâm tràn ngập
Niềm hoan hỷ an nhiên !
Đi Chùa Hoài Cảm
Boong ! Boong ! Nghe đổ tự bên tê,
Trời rạng mây tan khắp mọi bề.
Tỉnh mộng mới hay là có mộng,
Đương mê cứ tưởng quyết không mê !
Trăm năm quán cảnh còn vướng mắc,
Một niệm sanh tâm đã nguyện thề.
Tự thấy lòng mình vang vọng mãi
Hồi chuông như dục sớm quay về!
Về nhà hay về chùa ? Hàm ý tu nhập thế hay tu xuất thế ? Về nơi nào cũng là hội nhập vào pháp giới Chân Như, có được tri kiến Như Lai. (1)
Chú thích:
1. Tri kiến Như Lai: Cũng gọi là Tri kiến Phật. Đây là nói tắt, nói đầy đủ là Kiến (mắt), Văn (tai), Giác (mũi, lưỡi, thân), Tri (ý, tâm). Tri kiến của Phật và của phàm phu đều do sáu căn mà ra, ở phàm phu thì vọng động, ở Phật thì thuần tịnh bất động.
Bảo Thông
HỖ TRỢ CHÚNG TÔI
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Hỗ trợ duy trì Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam)
“Chúng tôi tin rằng sự tài trợ của các bạn không chỉ giúp chúng tôi làm tốt phận sự của mình mà còn gia tăng mãnh liệt năng lượng sự thiện tâm của chính bạn tới cộng đồng”.
Nguồn:https://phatgiao.org.vn/