Chủ nhật, 23/06/2024 04:37:09 (UTC+7) 98,078,965,581

Ai phá được Đạo Phật?

Đạo Quang/ Phật Giáo và Doanh Nhân

Thật ra, thấy mình hơi ngờ nghệch khi đặt câu hỏi này, nhưng hiện tại, có rất nhiều bộ não đang hỏi, nhiều tâm hồn đang tư duy, nhiều băn khoăn đang xuất hiện, nên bổn nhân cùng trà đàm với các dấu hỏi lăn tăn kia bằng một câu hỏi lăn tăn hơn vậy.
Phật Pháp không thể bị phá hoại được đâu. Tuy nhiên, Phật Pháp có thể suy tàn, vì đâu thì từ từ, chúng ta vừa nhấp ngụm trà vừa tám chuyện.

Trong quá khứ, Phật Giáo biết bao nhiêu lần bị đánh phá. Tại Ấn Độ, thế kỷ 12, lưỡng đầu thọ địch, Phật Giáo vừa bên trong bị Ấn Độ giáo luồng lách biến cải để biến đức Phật thành thần của Hindu, vừa bên ngoài bị Hồi Giáo tấn công giật chùa phá tượng. Tại Trung Quốc, Phật giáo trải qua 4 kỳ pháp nạn lớn, thường gọi “Tam Võ Nhất Tông”. Hàn Quốc thì mới đây khoảng hơn 10 năm, bị chính sách kỳ thị của chính quyền Tin Lành đàn áp dữ dội. Việt Nam thì lịch sử năm 1963 còn chưa ráo mực, trái tim Bồ tát Quảng Đức vẫn còn đập nóng hổi trong lồng ngực của mỗi người Phật tử Việt Nam.
Nhưng kết quả thì sao? Sau cơn mưa trời lại sáng, vì bản chất Phật Pháp vốn là một năng lượng của tâm Phật, của Pháp tính, nó “bao thái hư”, nó “châu sa giới”… thì một vài cuộc tấn công của thế gian bạo tàn hay những tâm hồn đen tối, mưu mô bẩn thỉu so với bầu trời bao la kia, có là gì! Giỏi lắm thì tạo ra một vết thương, cần ít thời gian để hàn gắn, cũng là cơ hội để những tín đồ theo tôn giáo từ bi, trí tuệ của đấng Thích tôn nhìn lại, tin sâu và trung kiên hơn trong việc bảo vệ Đạo.
Xem những diễn tiến đang xảy ra với Phật giáo Việt Nam hiện nay, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội, có đáng lo, đáng sợ hay không? Xin thưa: Đáng lo, nhưng không đáng sợ.
– Vì sao không đáng sợ? Vì như vừa nêu, lực lượng hùng hậu của dã tâm trong quá khứ còn chưa diệt được nền móng Đạo pháp, huống hồ gì ba cái trò bẩn thẩn của truyền thông. Chỉ thành phần quần chúng dễ tin mới bị dẫn dắt, nghe theo, chứ kẻ trí, người có tư duy chín chắn, họ sẽ nhìn bằng cặp mắt sâu sắc để tìm ra chân tướng, không dễ bị dắt mũi đâu. Ví dụ như thầy Trần Việt Quân, người thường dạy kỹ năng sống cho thanh thiếu niên trong những khóa tu mùa hè, đã phát biểu rất chuẩn về phong cách sống và tư duy trước vấn nạn truyền thông. Số đông các trí thức khác, họ không thèm lên tiếng vì chưa cần thiết. Công vụ, lao động sản xuất để tạo ra của cải và giá trị tinh thần cho đời sống nhân loại quý hơn, nên họ đang dành quỹ thời gian quý báu vào đó nhiều hơn. Nếu thật sự nhân tâm chạm tới ngưỡng suy đồi, quá quắt, sẽ có những tiếng nói công tâm xuất hiện, hay những bàn tay thiện xảo sẽ vươn ra tóm cổ những tên giặc tâm bẩn miệng hèn. Không có gì đáng sợ!
– Nhưng tại sao lại đáng lo? Vâng, đây mới là điều cần nói. Chúng ta lo là tại vì nội bộ những người con của đức Phật đang tồn tại nhiều vấn đề: không kiên cố lòng tin, chưa hiểu đúng thực chất lời dạy của Phật, bảo vệ Đạo chưa khéo, và cách ứng xử với ngoại cục còn non nớt, … dẫn đến một bộ mặt Phật Giáo Việt Nam quá nhiều khuyết tật (về hình tướng).
Nỗi lo lớn nhất chính là các “đứa con trưởng của Như Lai” – người chịu trách nhiệm chính trong việc nối tiếp và truyền trao suối nguồn giải thoát của Thế Tôn. Chúng ta không được dùng chữ Tăng trong trường hợp này. Vì Tăng, nói đủ là Tăng Già (Sangha), là một đoàn thể hòa hợp, thanh tịnh, là biểu tượng quý báu ở thế gian. Chỉ có những cá thể Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đắc giới đúng như Pháp, cùng nhau hòa nhập vào trong một đoàn thể, mới gọi là Tăng. Vài cá thể không được gọi là Tăng, một nhóm người đầu trọc mặc áo colorful không phải là Tăng, có xưng “Tăng đoàn” thì cũng giống như diễn viên sân khấu xưng cho vui, hết tuồng thì xong việc. Tăng là tổng hợp của nhiều cá thể thanh tịnh.
Ở đây, chúng ta lo là các cá thể trong Tăng dần dần bị thay đổi. Hoặc là quá dễ dãi trong việc gia nhập, hoặc gia nhập đúng pháp nhưng dần tha hóa, hoặc tâm nguyện thì đúng nhưng hành xử sai, hoặc quá thờ ơ trong việc nhìn lại chính mình nên dần dần phai nhạt nguyện lực thệ đoan xưa,… nhiều kiểu u mù lắm, khó mà kể hết. Mà đâu phải giờ ta mới thấy. Đức Thế Tôn đã biết trước việc này lâu rồi. Trong Tương Ưng Bộ, kinh Cỏ Rơm (Kaliṅga­rūpadhāna Sutta), Ngài dạy:
“Trong tương lai, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sẽ trở thành nhu nhược, tay chân mềm mỏng. Họ nằm trên những đồ nằm mềm mại. Họ ngủ cho đến mặt trời mọc trên những gối bông. Ác ma sẽ nắm được cơ hội, sẽ nắm được đối tượng (để xâm lăng)”.
Ngài nói như thể cho chính tình trạng những người xuất gia ngày nay vậy. Nói vậy không phải để đả phá, chửi bới đâu nhé! Đây là một pháp hành để chúng ta thực tập. Đức Phật đã quán chiếu, ta cùng tập quán chiếu theo Ngài, để tu chỉnh tự thân và tiếp tục hoằng pháp. Chứ không phải vừa nghe được mấy câu kinh cái là toang toang cái mồm lên “đó, đức Phật chỉ mặt ma tăng, xàm tăng”. Bậy bạ không! Tăng (như đã nói trên) tuyệt đối không có ma, không có xàm. Bản thể của Tăng như đại dương, không dung chứa tử thi. Có xác chết nào là sóng đánh vào bờ hết.
Những gì chúng ta thấy, chỉ là một vài Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chưa tròn công hạnh. Mà các cá thể ấy có sai hay đúng cũng là việc của họ, không phải việc của chúng ta. Phạm pháp Phật có Giới luật xử, phạm hiến pháp có Pháp luật xử. Chậm hay nhanh, thì nhân quả luôn công minh, vì nó đâu phải bộ óc con người mà có cảm tính. Chúng ta không phải người tư pháp, hành pháp thì đừng lạm quyền, tiếm quyền, đừng phán quyết, đừng chửi rủa tạo nghiệp. Mà cũng chia sẻ thêm một chút nè: Đừng vội hả hê khi người xấu bị trừng phạt. Vì chúng ta chưa chắc không xấu đâu. Một người có tội, khi bị xử phạt, là họ đã thể nhập đúng diễn trình của nhân quả, như vậy họ đang may mắn. Mà thôi, chỗ này nói ít hiểu nhiều.
Đức Phật còn dạy như vầy nè: “Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”. (Kinh Cái Chốt Trống, Tương Ưng Bộ). Nhiều khi đọc kinh xong thấy y như đức Phật luôn để mắt nhìn mình từng giây vậy. Thật y như những gì đang diễn ra. Rất rất nhiều các vị giảng sư “trẻ” tha hồ bay bướm trong ngôn từ, chọn những lời hay ý đẹp, đú theo trend, hoặc chủ quan duy ý chí, cường điệu hóa tư duy của mình ngang bằng Thánh điển, rồi cứ như vậy mà diễn giảng. Từ đó, kinh điển do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, sẽ dần dần lắng chìm bị bao phủ bởi lớp bụi mờ thời gian.
***
Nỗi lo và nỗi sợ như vừa chia sẻ, theo đó, Phật Giáo sẽ ra sao tùy thuộc vào chính những người trong cuộc. Phật giáo sẽ tồn tại bền vững nhờ mỗi cá thể tự thân trang nghiêm, đoàn kết, hòa hợp, yêu thương và bảo vệ nhau. Phật Giáo sẽ suy tàn nếu mỗi cá nhân không trang nghiêm tự thân, sa sút niềm tin, chia rẻ trù dập nhau, phó mặc tự nhiên không giúp đỡ đồng sự, lo hưởng thụ danh văn và lợi dưỡng, vân vân … mây mây… (Quý tời quơi, cháu nói tới đây cái cũng rùng mình, làm như mình thanh cao lắm. Nam mô Phật! Không ai thanh cao hết đâu, mỗi phút giây cùng nhìn lại mình để tu tập vậy).
Tóm lại, ai có thể phá được Phật Pháp? Đức Phật đã trả lời câu hỏi này trong kinh Đại Bát Niết Bàn: “Sư tử trùng thực sư tử nhục.” Các loài vật trong rừng không con nào có thể đánh bại được sư tử, mà chúa sơn lâm chỉ bị đánh bại bởi chính loài trùng ký sinh trong cơ thể nó mà thôi.
Nam mô Hư Không Tạng Bồ tát (3 lần).

XEM NHIỀU