Chủ nhật, 11/08/2024 18:26:06 (UTC+7) 108

Trao giải cuộc thi “Vu Lan – Mùa Hoa Hiếu Hạnh” do Ban Trị sự GHPGVN Q. Bình Thạnh tổ chức

Phạm Văn Cường

“Đây chính là giá trị tinh thần to lớn và ý nghĩa sâu sắc của cuộc thi ‘Vu lan – Mùa hoa hiếu hạnh’ do Phật giáo quận Bình Thạnh tổ chức”, Thượng tọa nhấn mạnh. “Thầy muốn nhắn nhủ với các con rằng, những lời hay ý đẹp trong những bài thi này cần được thể hiện ngay trong đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân chúng ta. Như vậy, vườn hoa hiếu hạnh không chỉ nở trong tiết Vu lan mà sẽ được nở quanh năm, xuân, hạ, thu, đông”, Thượng tọa Trưởng ban Tổ chức chia sẻ với các thí sinh tham dự.

Với 60 bài dự thi gồm các thể loại văn, thơ, tranh vẽ, video… tham dự cuộc thi “Vu Lan – Mùa Hoa Hiếu Hạnh”, Ban Giám khảo đã chọn ra các tác phẩm đạt chất lượng và trao giải vào chiều ngày 10/8/2024, tại chùa Dược Sư (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Ban Trị sự GHPGVN Q.Bình Thạnh tổ chức cuộc thi “Vu Lan – Mùa Hoa Hiếu Hạnh”. Cuộc thi viết chủ đề “Bến đỗ bình yên” nhân mùa Vu lan – Báo hiếu Phật lịch 2567. Cuộc thi được tổ chức nhằm hướng đến Đại lễ Vu lan – Báo hiếu Phật lịch 2568, qua đó nhắc nhở mọi người về những giá trị đạo đức tốt đẹp, về lòng hiếu thảo của đạo làm con và tinh thần tri ân, báo ân đối với các bậc sinh thành.

Tham dự lễ trao giải cuộc thi “Vu Lan – Mùa Hoa Hiếu Hạnh” có sự hiện diện của Thượng tọa Thích Tâm Chơn, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN Q.Bình Thạnh, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi; chư vị trong Thường trực Ban Trị sự Phật giáo quận; chư Ni chùa Dược Sư; các thí sinh và Phật tử.

Mở đầu chương trình, đại chúng xem video báo cáo cuộc thi “Vu Lan – Mùa Hoa Hiếu Hạnh”. Theo đó, trải qua hơn một tháng phát động cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được gần 60 bài dự thi, từ khắp các tỉnh thành gửi về tham gia, với nhiều thể loại khác nhau như: văn xuôi, truyện ngắn, hồi ký, tự sự, tranh vẽ, video… Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, những điều thầm kín tận đáy lòng về cha mẹ mình được các thí sinh bộc bạch một cách chân thành nhất.

Qua ba vòng chấm thi của Ban Giám khảo và sự bình chọn của khán giả, Ban Tổ chức đã công bố và trao 5 giải thưởng thuộc hạng mục Bài dự thi được cộng đồng mạng bình chọn; cũng như 7 giải thưởng cho các hạng mục do Ban Giám khảo chấm điểm.

Dịp này, đại chúng cũng  lắng nghe những chia sẻ thân tình của các tác giả về cảm hứng sáng tác, nội dung câu chuyện cũng như những tâm tư nguyện vọng của mình khi tham dự cuộc thi.

Với bạn Võ Thị Minh Thùy thì đây là lần đầu tiên tham dự một cuộc thi viết nhân mùa Vu lan. Khi biết mình đạt giải, bạn đã mời ba mẹ đến tham dự lễ trao giải để chung vui cùng với mình. Bạn chia sẻ: “Trước giờ, con chưa từng bày tỏ những lời yêu thương đến cha mẹ, qua cuộc thi này con cũng muốn gửi tình cảm của mình đến với hai đấng sinh thành. Thời gian tới, con sẽ nói những lời yêu thương đối với cha mẹ và dành thời gian cho gia đình của mình nhiều hơn nữa”.

Phát biểu tổng kết, Thượng tọa Thích Tâm Chơn nhận định cuộc thi đã có những bài viết vô cùng xúc động, những câu chuyện thật ý nghĩa về lòng hiếu thảo, tình thương yêu của con cái đối cha mẹ; qua đó, góp phần lan tỏa những gương hiếu hạnh trong xã hội hiện nay. “Đây chính là giá trị tinh thần to lớn và ý nghĩa sâu sắc của cuộc thi ‘Vu Lan – Mùa Hoa Hiếu Hạnh’ do Phật giáo quận Bình Thạnh tổ chức”, Thượng tọa nhấn mạnh. “Thầy muốn nhắn nhủ với các con rằng, những lời hay ý đẹp trong những bài thi này cần được thể hiện ngay trong đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân chúng ta. Như vậy, vườn hoa hiếu hạnh không chỉ nở trong tiết Vu lan mà sẽ được nở quanh năm, xuân, hạ, thu, đông”, Thượng tọa Trưởng ban Tổ chức chia sẻ với các thí sinh tham dự.

Ở hạng mục do Ban Giám khảo chấm điểm: giải nhất thuộc về tác giả Lê Văn Nhân với tác phẩm “Thanh âm chiều”; giải nhì: tác phẩm “Nhớ cha” của Lê Đặng Tấn Phát; giải ba thuộc về tác giả Bùi Mai Anh với tác phẩm “Vu lan – Mùa hoa hiếu” và “Mẹ ơi! Con muốn về nhà…” của Đặng Hoàng An; Bài dự thi “Về nhà để chữa lành” (Võ Thị Minh Thùy) và “Nghĩ về hai đấng sinh thành” (Sư cô Thích nữ Huệ Như) đạt giải khuyến khích.

Ở hạng mục do cộng đồng mạng bình chọn, tác phẩm “Nghĩ về hai đấng sinh thành” của Sư cô Thích nữ Huệ Như đạt giải nhất; giải nhì thuộc về tác phẩm “Thanh âm chiều” của tác giả Lê Văn Nhân; giải ba thuộc về tác giả Võ Thị Minh Thùy với bài dự thi “Về nhà để chữa lành”; đồng đạt giải khuyến khích là 2 tác phẩm “Vu lan – Mùa hoa hiếu” của Bùi Mai Anh và “Nhớ cha” của Lê Đặng Tấn Phát.

Trích nguồn: Báo Giác Ngộ

XEM NHIỀU