Logo chính thức của Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, từ những năm đầu công nguyên, Phật giáo đã được tín ngưỡng truyền thống của người Việt tiếp nhận, dung hòa và uyển chuyển phát triển qua thời gian, trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong đời sống dân tộc.
Xưa tới nay, không ít người Việt Nam ta quan niệm phúc, đức được hình thành từ thuyết Luân hồi – Nhân quả của Phật giáo. Nhiều người cho rằng Phật khuyên chúng sinh sống nhân đức để phúc ấm truyền đời cho con cháu, vì thế, người Việt ta mới thường nói: Gieo nhân nào gặt quả ấy.
Thực ra, quan niệm phúc đức đã manh nha hình thành từ thời An Tiêm với bãi An Tiêm ở Thanh Hóa. Người Việt xưa tin như bây giờ chúng ta tin là có nhân có quả nhưng nhân quả chỉ được hiểu đơn giản là “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “ác giả ác báo” và quan niệm Nhân – Quả chỉ được xem như là một lời khuyên về luân thường đạo lý.
Chúng ta đều biết phúc và đức là hai phạm trù khác nhau: Phúc là cái ta đang được hưởng, đức là những điều tốt đẹp ta đang làm để (sẽ) được hưởng phúc ở mai sau. Phúc lớn có thể ảnh hưởng tích cực tới số phận của con người, thậm chí tới nhiều đời, đến khi phúc cạn thì cuộc sống sẽ sảy ra những họa hoạn liên tiếp, bất khả kháng trên nhiều lĩnh vực.
Mối quan hệ giữa phúc và đức như một quy luật tất yếu nên nhiều khi người ta gộp hai khái niệm này vào làm một mà đương nhiên hiểu nôm na rằng: nếu anh sống có đức thì đời anh sẽ được hưởng phúc. Quan niệm như thế rất đúng về giá trị giáo dục đạo đức, nhưng có những trường hợp nếu quan niệm như vậy sẽ “lý giải” không được thỏa đáng. Chảng hạn, có người gian tham, độc ác mà cả đời vẫn gặp may mắn, hạnh phúc, trong khi có người suốt đời chỉ lo làm việc thiện lại gặp nhiều oan trái, cơ cực. Trong những trường hợp như thế, người ta lại tách phúc và đức ra làm hai phạm trù để thốt lên câu than: “Ông ấy sống có đức mà không được hưởng phúc” hoặc “Bà ấy ăn ở thất đức nhưng được hưởng phúc nên đời sướng vậy.”… Những câu than kiểu giải thích như thế nghe vẫn chưa được “hợp lý”, chưa được “thỏa đáng”, nên cổ nhân mới chua thêm rằng:
“Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để phúc cho con”
Hay:
“Phúc đức tại Mẫu”
“Mồ mả làm khá người ta.”
Khi Nho giáo thâm nhập vào nền văn hóa Việt Nam (Nho giáo là một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Khổng Tử (Trung Quốc) phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị, du nhập vào Việt Nam những năm Bắc thuộc.), đứng trước những trường hợp trên đã không đưa ra một lời giải thích, lại “đổ tuột” là do ông Trời đã an bài số mệnh nên con người mới gặp phải những nghịch cảnh trớ trêu như vậy. Nếu căn cứ vào thuyết Thiên Mệnh của Nho giáo thì “ông Trời” đã được đẩy lên vị trí toàn năng, có quyền chi phối và quyết định mọi diễn biến của cuộc đời. Con người chỉ là “đồ chơi” trong bàn tay của tạo hóa: Phải chịu sự sắp đặt của ông Trời, dù chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất, con người cũng phải “y án tuân theo số mệnh”, không được tự do hành động, càng không được phép “cãi lại Mệnh Trời”:
“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
Nho giáo đã không đi tìm căn nguyên của sự “bất công” đó mà dùng thuyết Thiên Mệnh để trốn trách trách nhiệm, cho rằng Trời đã quyết định mọi sự thành công hay thất bại của con người, dù cố gắng đến đâu, muốn “cải số” thế nào thì con người cũng không thể vượt ra ngoài “khuôn thiên của số mệnh.” Tất tật mọi chuyện, dù là sức khỏe, tuổi thọ hay hạnh phúc gia đình, công danh, tài lộc…. đều do ông Trời cầm cân nảy mực.
Quan điểm “tại Trời” của Nho giáo đã làm “tê liệt” ý chí phấn đấu vươn lên của con người, “ru ngủ” con người trong tư tưởng an phận, trông chờ sự đổi thay của số mệnh vào đấng thần linh tối cao là thượng đê (ông Trời). Đây là quan điểm tiêu cực, thụ động, triệt tiêu mọi nỗ lực phấn đấu của con người, gián tiếp làm nhụt tính hướng thiện, tiến thủ trong bản tính của con người. Và đấy cũng là điều trái ngược với nếp sống tình cảm của người Việt, đối lập với quan niệm về phúc – đức trong tín điều của người Việt, vì thế ông cha ta mới có câu: “Đức năng thắng số” hay “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” (Nguyễn Du) để gián tiếp phủ định phần nào tư tưởng Thiên Mệnh của Nho giáo.
Trong khi Nho giáo đề cao yếu tố Trời và khẳng định con người bị chi phối tuyệt đối bởi số mệnh, thì Phật giáo lại không chấp nhận việc con người chịu sự an bài của số phận, mà cho rằng sự chuyển hóa của con người đều do Nghiệp mà ra: “Con người là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự Nghiệp…” (Kinh Tiểu Nghiệp phân biệt – Trung Bộ III), nên đương nhiên con người sẽ không thể và không bao giờ thoát được những Nghiệp do mình tạo ra.
Lý giải về sự khác biệt giữa quan niệm Nghiệp – Báo của Phật giáo với quan điểm Thiên Mệnh của Nho giáo, sách Phật giáo viết: “Điểm khác nhau cơ bản giữa Nghiệp và Số mệnh ở chỗ, Nghiệp do chính con người tạo tác, có tính chất duyên sinh, bất định tính và vô ngã nên Nghiệp có thể chuyển hóa được. Do đó, con người có thể thay đổi, chuyển hóa Nghiệp báo của chính mình từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện hoặc ngược lại.”. Như thế, quan điểm về phúc báo của Phật giáo là do tự mình làm tự mình chịu, dẫu là cha con cũng không ai chịu thay cho ai được, càng không liên quan gì đến tổ đức (Kinh Nê Hoàn). Việc tích đức của tổ tiên chỉ có thể tạo được nghiệp đồng cảm khiến cho người có phúc sẽ sinh làm quyến thuộc chứ không truyền được phúc đức cho con cháu mà con cháu muốn được hưởng lâu dài cái phúc của mình thì phải tự chăm lo, gieo trồng nhân thiện, luôn tạo nghiệp lành, từ bi, hỉ xả…
Luật Nhân Quả của Phật giáo không bị thời gian hạn chế, có khi đời trước gieo nhân, đến đời này gặp đủ nhân duyên thì kết thành quả, có khi gieo nhân ở đời này nhưng phải tới mấy kiếp sau, khi hội đủ nhân duyên mới kết thành quả (Kinh Nhân Quả). Đây chính là câu trả lời, là cách lý giải cho những nghịch cảnh: “Ông ấy ăn ở hiền lành, đức độ nhưng toàn gặp phải chuyện oan trái” hoặc “Bà ấy gian tham, độc ác mà cuộc đời lại toàn may mắn, hạnh phúc”…
Như vậy, thuyết Luân hồi – Nhân quả của Phật giáo ngoài việc đã đáp ứng được bản tính hướng thiện của người Việt, lý giải những “bế tắc” mà văn hóa bản địa “bất lực”, còn khúc xạ và hóa thân vào với tín điều của người Việt nên không ít người mới tin rằng phúc – đức là một biến thể của thuyết Luân hồi – Nhân quả.
Xét về giá trị giáo dục đạo đức thì quan niệm phúc – đức của người Việt và thuyết Luân hồi – Nhân quả của Phật giáo xem ra khá gần gũi, tương đồng và cả 2 đều đề cao tính hướng thiện của con người, nhưng không vì thế mà cho rằng: phúc đức là biến thể của thuyết Luân hồi – Nhân quả. Bởi lẽ quan niệm “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “mồ mả làm khá người ta” là nếp nghĩ truyền thống của người Việt, và phúc đức ấy chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nhiều mối quan hệ, trong khi thuyết Luân hồi – Nhân quả của Phật giáo khẳng định phúc báo là do tự mình làm, tự mình chịu.
Do đặc tính nổi bật của Phật giáo là tính tổng hợp và tính linh hoạt nên khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, được các thiền sư người Việt bản địa hóa, Phật giáo đã sớm uyển chuyển hòa quyện vào văn hóa truyền thống của người Việt, cùng song hành với sự phát triển của dân tộc, nhưng vẻ tinh khiết vốn có của kinh điển Phật giáo vẫn giữ được và chưa từng gián đoạn trong việc truyền thừa nên Phật giáo (Việt Nam) ngày càng cắm rễ sâu chắc trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt và trở thành tôn giáo có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Việt Nam.
Phải chăng chính vì thế mà không ít người mới cho rằng phúc đức là một biến thể của thuyết Luân hồi – Nhân quả.
(Trích từ TÌM HIỂU VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG TRONG DÂN GIAN của Đặng Xuân Xuyến; NXB Thanh Hóa, 2007)
Logo chính thức của Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Kiên Giang: Khóa tu “Bát quan trai” tháng 11 năm Giáp Thìn tại chùa Phật Quang
Những dấu hiệu để nhận biết bậc Thánh tăng
Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM tổ chức lễ Tốt nghiệp năm 2024 cho gần 400 Tăng Ni sinh