Kinh A Di Đà nói:” Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”. Nghĩa là:” Không thể lấy chút ít nhân duyên căn lành phước đức mà sanh qua cõi nước kia”. Nói như vậy, là khuyên hành giả tịnh độ nên nhất tâm niệm Phật. Vì sao? Niệm Phật chính là chí thiện. Thí như người tu hạnh bố thí khắp cõi tam thiên, đại thiên thế giới mà chẳng biết đến pháp môn niệm Phật, thì đức Phật chưa cho đó là chí thiện.
Nên hành giả muốn vãng sanh Cực Lạc ngoài việc tu lục độ, vạn hạnh để trang nghiêm tự tâm, thì phải dốc lòng trì danh niệm Phật. Vì Đức Phật A Di Đà có đại nguyện:” Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh chí tâm tin mộ muốn sanh về cõi nước tôi nhẫn đến 10 niệm, nếu không được sanh, (trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch cùng hủy báng chánh pháp), thời tôi không ở ngôi Chánh giác”.
Cho nên, người chẳng nhất tâm niệm Phật A Di Đà, không có lòng tin vào tha lực của Đức Phật A Di Đà và pháp môn tịnh độ, thì không thể vãng sanh Cực Lạc, vì nhân quả chẳng tương ưng. Hay nói cách khác, kẻ bất tín là người hủy báng chánh pháp của chư Phật. Do pháp môn trì danh niệm Phật tin sâu, nguyện thiết là sở hành thiết yếu.
Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện dạy:
“Nếu người lòng tán loạn
Vào nơi trong tháp miếu
Một xưng Nam mô Phật
Đều đã thành Phật đạo”.
Tức lập trường của Kinh Pháp Hoa là “ Niệm Phật Thành Phật”. Song song với việc Phật thọ ký, nếu người nào thọ trì một câu, một bài kệ trong Kinh Pháp Hoa sau khi mạng chung sẽ vãng sanh vào cõi nước An Lạc. Cho nên thành Phật, theo kinh Pháp Hoa, nhờ xưng một tiếng “ Nam Mô Phật” là viễn nhân thành Phật, vãng sanh tịnh độ cũng là gieo nhân chắc chắn thành Phật.
Thuở quá khứ, có người tiều phu vào rừng đốn củi, bị cọp dí, sợ quá nhảy lên cây niệm:” Nam Mô Phật”. Nhờ nhân duyên đó, trải qua vô lượng kiếp sau, gặp đức Phật Thích Ca độ cho xuất gia, chứng quả A Lan Hán. Đó là hạt giống của viễn nhân thành Phật.
Không chỉ kinh Đại Thừa, mà trong Kinh Nikaya, Đức Phật cũng dạy về pháp môn Niệm Phật. Kinh Tiểu Bộ IV, Đức Phật dạy:
“Này các Tỳ kheo, có một pháp, nếu được tu tập, và được làm cho viên mãn, đưa đến hoàn toàn yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, Giác ngộ, Niết bàn. Thế nào là một Pháp? Chính là niệm Phật”.
Tuy nhiên, niệm Phật trong Phật giáo Nam Truyền là niệm “Nam Mô Phật Đà Da” ( Namo buddhaya), hay niệm ân đức Phật ( Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn- Kinh Tăng Chi Bộ), lấy Đức Phật Thích Ca làm bổn tôn nên hướng đến tứ quả Sa Môn; còn Phật giáo Bắc Truyền lấy Đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, rộng ra cho đến vô lượng chư Phật, Bồ tát trong khắp mười phương ba đời làm bổn tôn, nên cầu sanh tịnh độ. Vì phương tiện bất đồng mà cứu cánh sai biệt. Huống chi phương tiện đới nghiệp vãng sanh của pháp môn niệm Phật, rất khó tin chắc để lãnh hội.
Dù vậy, cõi Cực Lạc chỉ là hoá thành, còn tịnh độ vẫn căn cứ trên bản tâm thanh tịnh làm bảo sở. Nên Kinh Lăng Nghiêm nói: “Thập phương bạc già phạm, nhất lộ Niết bàn môn”. Do đó, mà chư Phật mười phương đều dùng tướng lưỡi dài rộng trùm khắp tâm thiên, đại thiên thế giới xác quyết cho Đức Phật Thích Ca khi nói kinh A Di Đà. Vì bản chất Phật A Di Đà là Phật tánh nơi mỗi chúng sanh, chẳng có Đức Phật nào lìa bản tâm thanh tịnh mà thành Phật.
Kinh Lăng Nghiêm, chương Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông nói: “Nếu tâm chúng sinh, nhớ Phật niệm Phật, hiện tại tương lai, nhất định thấy Phật”. Sao gọi là thấy Phật? Kinh Tương ưng bộ, Phật dạy: “Ai thấy Pháp, người ấy thấy Như Lai; ai thấy Như Lai, người ấy thấy Pháp”. Tương tự, trong Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm 14, Tu Di Sơn Đảnh Kệ Tán, Bồ tát Nhất Thiết Huệ nói:
“Tất cả pháp vô sanh
Tất cả pháp vô diệt
Nếu hiểu được như vậy
Chư Phật thường hiện tiền”.
“Kẻ vô tri mê lầm
Vọng chấp tướng Ngũ ấm
Chẳng biết chơn tánh kia
Người này chẳng thấy Phật.
Rõ biết tất cả pháp
Đều không có tự tánh
Hiểu pháp tánh như vậy
Thời thấy Lô Xá Na”.
Như vậy, từ Kinh Nam Truyền cho đến Đại Thừa, thấy Phật chính là rõ được đặc tánh vô ngã của các pháp. Đó chính là tinh thần “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Nên Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Nếu chúng sanh trên mỗi cõi, có ai gặp ánh quang minh này thì ba chất dơ đều tiêu diệt”. Do đó, “Nếu tâm thanh tịnh thì hóa sanh nơi cõi tịnh, đài hương cây báo. Nếu tâm cấu nhiễm thì bẩm thọ thân hình nơi cõi nhơ uế, hầm hố, gò nổng, đó là quả cân xứng nhau, có thể cảm nên tăng thượng duyên. Vì vậy rời tự tâm không có lý thể nào khác” như tổ Vĩnh Minh đã dạy.
Kinh Duy Ma nói: “Tuy biết các cõi Phật, cùng với hữu tình không, mà thường tu Tịnh Độ, để giáo hóa quần sanh.” Bởi tất cả chúng ta chưa từng rời Thường Tịch Quang Tịnh Độ, vì vọng nhận giả làm chơn mà theo ba độc, trôi lăn trong ba cõi, sáu đường.
Nếu chẳng đủ trí tuệ bát nhã thấy rõ lý vô sanh, chi bằng như kinh Kinh Lăng Già dạy: “Thà chấp có như núi Tu Di, chớ chấp không bằng hạt cải” rồi cam chịu trầm luân. Do lấy trí phàm phu, tín căn bất tịnh mà suy lường thánh trí. Huống chi, quá khứ đã có rất nhiều hành giả chuyên tu niệm Phật mà tự tại vãng sanh.
Ngay cả khi Đức Phật nói kinh Pháp Hoa, năm trăm vị A La Hán bỏ về vì không tin nhận, nói gì cách Phật đã xa, do chẳng phải căn cơ Đại thừa, phỉ báng tịnh độ là điều dễ hiểu. Nhưng thử hỏi, đối với những kẻ nghiệp dày, phước mỏng; chướng sâu, huệ cạn như chúng ta ngày nay, nếu chẳng nương vào Phật lực, lấy gì thoát khỏi lưới ma?
Thiền Sư Tăng Nhất Biến (1229-1280) trình kệ với thiền sư Pháp Đăng (1203-1298) như sau:
“Khi xưng niệm danh hiệu
Không Phật cũng không ta
Chỉ có
Nam mô A Di Đà
Nam mô A Di Đà”.
“Tiếng Lâm Tế hét lên, ngàn trăng bặt dấu
Câu Niệm Phật thầy truyền, uế độ thanh lương”.
Ngay sanh tức là vô sanh, vì tánh không lìa tướng. Tại sao phải vì chấp tướng vãng sanh mà vội vô minh phá kiến, hại mình, hại người trôi dạt trong biển khổ trầm luân.
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.