Kiên Giang: Khảo hạch giới tử tại Đại giới đàn Giác Phước PL.2568 – DL.2024
Phật giáo từ cái nôi ban đầu, trong quá trình lan tỏa và được tiếp nhận, đã hình thành nên nhiều giá trị có tính xuyên thời gian, xuyên văn hóa. Cách nhìn về thế giới, xã hội và con người, cũng như cách ứng xử đạo đức của Phật giáo cho đến ngày nay vẫn tỏ ra hữu ích đối với mỗi cá nhân và cộng đồng trên nhiều phương diện cơ bản của cuộc sống, trong đó có kinh doanh. Từ kinh điển Phật giáo, có thể tìm thấy rất nhiều triết lý mà ngày nay vẫn thể hiện giá trị đối với lĩnh vực kinh doanh vốn có mục đích lớn nhất là tìm kiếm lợi ích về phương diện vật chất, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. Điểm cơ bản nhất chính là kinh doanh theo hướng tất cả cùng tồn tại và phát triển một cách bền vững.
Có nhiều triết lý của Phật giáo có thể ứng dụng vào kinh doanh, nhưng có lẽ nổi bật nhất là triết lý nằm trong Ngũ giới. Ngũ giới không chỉ là những điều cơ bản nhất mà Phật tử không được làm, không chỉ là yêu cầu về cách ứng xử giữa những người chung niềm tin vào Phật pháp, mà đằng sau đó là tư tưởng, triết lý đạo đức có tính khách quan, đồng thời là phổ quát toàn nhân loại, vượt lên cả ranh giới của tôn giáo. Hơn nữa, như nhà nghiên cứu Pahalawattage Don Premasiri năm 2019, trong tham luận về các quy phạm đạo đức Phật giáo đã chỉ ra, giáo lý mà Đức Phật đã nói thể hiện sự tiếp cận không mang tính độc quyền hay áp đặt về đời sống đạo đức. Cách tiếp cận này nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực tự thân trong mỗi cá nhân khi đưa ra quyết định và sự phán xét về cái gì đúng, cái gì sai, chỉ cần phù hợp với nhận thức của bất cứ ai được cho là đã giác ngộ. Theo đó, yêu cầu về lối sống đạo đức của Phật tử thực chất là dựa trên nguyên tắc chung mà người ta nên tự nguyện làm theo: làm điều gì đối với người theo cách mình muốn người ta làm đối với mình. Điều này có thể hiểu rằng theo cách của Phật giáo, mỗi Phật tử đều được định hướng hạn chế xu hướng sống vị kỷ và thiếu trách nhiệm, ngược lại, chỉ khi biết cho đi và thể hiện trách nhiệm thực sự đối với người khác, thì mới nhận được những thứ giá trị, lớn lao hơn.
Sallie King, một trong những học giả nổi tiếng về Phật giáo, từ năm 2005 đã nhận xét rằng cứ ở đâu có Ngũ giới thì cuộc sống nơi đó sẽ tốt đẹp. Lý do theo ông là bởi ở đó tất cả mọi người sẽ không làm điều gì tổn hại, hay trộm cắp, nói dối lẫn nhau. Một người tôn trọng và luôn thực hành Ngũ giới sẽ không chỉ làm gia tăng những lợi ích cho bản thân mình mà còn cho người khác, và từ đó là cho cộng đồng và cho xã hội. Ông cũng nhấn mạnh rằng có mối liên hệ rõ ràng giữa thực hành Ngũ giới với đảm bảo sự tôn trọng nhân quyền. Ý kiến này hoàn toàn có thể tán đồng được, vì trong thực tiễn, ở đâu nhân quyền được tôn trọng và đảm bảo, thì ở đó đời sống người dân được thịnh vượng và có sự phát triển hài hòa, bền vững.
Ngũ giới cơ bản là sự nghiêm cấm không tham gia vào việc sát sinh, không tranh cướp cái không thuộc về mình, không hành động ham muốn bất chính, không lừa dối và nói điều sai lệch về người khác, không sử dụng các chất gây nghiện, làm tán loạn thân tâm. Khi đã thụ giới, Phật tử tự mình phát nguyện giữ gìn, khuyến khích người khác giữ gìn Ngũ giới để hoàn thiện nhân phẩm, đạo đức. Soi chiếu vào hoạt động kinh doanh, nếu đảm bảo không phạm các giới cấm như trên, người kinh doanh đã cơ bản tránh sa vào những hướng đi thường mang lại sự tăng trưởng “nóng”, thậm chí có tính “chộp giật”, hay sa vào sự cạnh tranh đưa mình vào tình thế phát triển không ổn định, kém bền lâu. Điều Đức Phật đã từng chỉ ra là nếu một khi ta đã trở nên ghét ai đó và lao vào tìm cách gây hấn và trả thù, thì những điều tồi tệ sẽ cứ tiếp diễn mãi. Không có gì tốt đẹp có thể nảy sinh nơi đầy rẫy những điều tồi tệ.
Xét trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày nay, nếu làm theo triết lý về Ngũ giới một cách thực sự, người kinh doanh vẫn hoàn toàn có thể đạt những thành công. Trước tiên, họ nên tránh kinh doanh trong các lĩnh vực trực tiếp dẫn đến sát sinh như giết mổ, chế biến các sản phẩm tiêu dùng từ động vật; tránh kinh doanh các loại đồ uống gây nghiện và dễ làm người tiêu thụ mất sự kiểm soát về lý trí và lời nói; trong quá trình làm truyền thông, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm mình kinh doanh cần phải đảm bảo sự trung thực về chất lượng sản phẩm; trong quá trình cạnh tranh cần tránh những “nước cờ” hay “chiến lược” chỉ nhằm triệt hạ những đối thủ của mình, v.v… Đồng thời, điều mình không muốn xảy ra với việc kinh doanh của mình, hay doanh nghiệp của mình, như bị chơi xấu, bị lừa bịp, bị cạnh tranh không lành mạnh, thì cũng đừng gây ra với người kinh doanh hay doanh nghiệp khác. Ngược lại, cần sáng tạo để tìm ra cách thức cùng nhau kinh doanh, cùng nhau phát triển. Lợi nhuận thu được ngoài đáp ứng nhu cầu của mình, nên có sự tái đầu tư để góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, đồng thời mở rộng thị trường để có thêm cơ hội phát triển mới cho chính mình và cho người khác. Các doanh nhân nếu tâm đắc triết lý Ngũ giới cũng nên sử dụng các nguyên tắc trong tư duy và hành xử đạo đức này để xây dựng môi trường văn hóa cho chính các nhân viên của mình. Nếu kiên trì và thành công, họ chắc chắn sẽ thấy hiệu quả công việc được cải thiện.
Kinh doanh phải đảm bảo lợi nhuận, nhưng nếu muốn tồn tại vững bền thì chắc chắn không phải là kinh doanh nhằm đạt lấy lợi nhuận bằng mọi giá. Phật giáo có quan niệm rất khác về sự giàu có, nhưng nếu hiểu điều này, thì cũng có thể vận dụng hiệu quả vào kinh doanh. Sự giàu có, theo triết lý Phật giáo, nằm ở sự từ bỏ. Từ bỏ ở đây là từ bỏ những lối kinh doanh sai lầm chẳng hạn như kinh doanh từ sự làm tổn hại giống loài khác, từ bỏ sự cạnh tranh thiếu lành mạnh có tính triệt hạ lẫn nhau, từ bỏ việc mưu lợi dựa vào tham nhũng chính sách hay vi phạm pháp luật, từ bỏ việc tối ưu hóa lợi nhuận mà bỏ qua việc làm giàu các giá trị đạo đức, nhân văn. Kinh doanh theo triết lý Phật giáo cũng có nghĩa là phải chấp nhận hi sinh bởi tại thương trường thường ít có không gian dành cho lòng tốt. Nhưng sự hi sinh ấy sẽ được tưởng thưởng bằng sự phát triển trong tỉnh thức và giác ngộ, do đó vừa mang lại lợi ích lâu bền cho mình, vừa đóng góp hữu ích cho xã hội.
TS Hoàng Văn Chung
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Kiên Giang: Khảo hạch giới tử tại Đại giới đàn Giác Phước PL.2568 – DL.2024
Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng
Học viện PGVN tại Hà Nội kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Văn phòng Hội đồng Chứng minh thông báo về việc cấp phát học bổng Đức Nhuận (toàn phần) năm 2024
Ninh Bình: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông