Chiều hôm nay, lúc 4h có bạn nhắn cho tôi, nếu anh ở Nha Trang thì tìm giúp sư Minh Trí và sư Đức Hạ cúng dường chai nước cho họ, vì Nha Trang đang nắng nóng. Có tin hai sư đã về núi Sạn mà nay núi này họ không cho các sư ở tu nữa.
Biết tìm người là khó, nhưng tôi cũng vội mang theo 2 chai nước, xách xe máy chạy với hy vọng gặp được họ để san sẻ chút gì đó khi họ đang gặp phải nhiều trở ngại trên bước đường tu.
Núi Sạn là một núi lớn, nằm chếch về phía bắc thành phố Nha Trang. Mặt phía đông cũng gần biển, cách chỉ vài trăm mét, mặt phía nam giáp sông Cái, phía bắc và tây giáp với đồng ruộng và khu dân cư. Núi này có điểm đặc biệt hơn so với những núi khác trong thành phố, là trên núi có nhiều khối đá to dựng đứng trông rất hùng vĩ, hữu tình, tựa như những núi đá vôi ở các tỉnh phía Bắc. Vì có nhiều khối đá mà nó đã tạo ra những hang hốc có thể che mưa che nắng, trú ẩn an toàn. Có lẽ vậy mà nó rất thích hợp cho việc tu tập, hành thiền, nên sư Minh Tuệ và một số vị tu sĩ khác đã chọn nơi đây ẩn tu trước lúc lộ ra rầm rộ như ngày hôm nay.
Vì to lớn, nên lên núi Sạn cũng có rất nhiều hướng đi chính và càng gần về núi, tiếp tục là nhiều con đường nhỏ luồn lách nằm men theo sườn núi. Biết chọn con đường nào đây? Tôi đành đi theo trực giác, chọn đường Nguyễn Khuyến, từ đầu chợ Vĩnh Hải, hướng theo phía tây chạy một quãng đến gần Bệnh viện Da Liễu rồi rẽ trái, tiến sát về chân núi. Dừng lại, dò la tin tức về hai vị sư. Không ngờ trực giác đã chọn đúng đường. Nhưng thật không may, không thấy họ! Hòi một cô bán vé số ngay đó, bảo rằng hai sư đã đến đây vào sáng nay tầm lúc 7h, dân có cúng dường nước, nhưng hai sư cũng không nhận vì đã đủ rồi. Lại hỏi, có phải núi này nghe nói nay không cho các sư ở tu? Thì, họ xác nhận đúng như vậy. Tôi hỏi thêm, thế có thấy sư đi ra lại chưa? Họ bảo không để ý, vì sát núi rất nhiều ngõ ngách mà họ thì cũng lo công việc của riêng mình.
Thất vọng, tôi quay xe trở ra và tìm người khác hỏi tiếp. Đi thêm về hướng tây vài chục mét, thấy có cô hàng nước, tôi lại hỏi: “Sáng giờ chị có thấy hai vị sư qua đây không?”. Cô ấy tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi lại: “Có chuyện gì không mà sáng giờ nhiều người đi tim?”. “Dạ, không có gì, chỉ là nghe tin hai sư đến đây mà họ không cho ở, muốn hỏi thăm và cúng dường nước cho hai sư”, tôi đáp. Cô ấy tiếp, sáng có người đưa tiền, các sư cũng không nhận, và sau đó cả hai đi ngược lại về hướng chợ Vĩnh Hải. Tôi cảm ơn, và tiếp tục đi, chợt nhớ lại lời cô ấy – “sáng giờ nhiều người đi tìm” – thầm nghĩ, các vị sư ấy sẽ không sao cả, hạnh đầu đà sẽ tiếp tục lan tỏa và hoàn thành sứ mệnh của nó. Vì một khi họ được nhân dân che chở, thì dù có gặp trở ngại nào rồi họ cũng sẽ vượt qua; hay một khi tấm lòng thiện lương được đánh thức thì sẽ không còn chỗ cho cái xấu, cái ác diễn trình nữa. Sự thật sẽ được hiển lộ, và ánh sáng sẽ xua tan màn đêm!
Đến đây, tôi không hy vọng gì có thể đủ duyên gặp họ. Nhưng tôi vẫn quyết định chạy thêm một vài con đường nữa từ những hướng khác có thể dẫn lên núi. Biết là khó những vẫn làm cho nhẹ lòng. Rồi không vẫn hoàn không. Chợt nghĩ, thôi chạy quanh theo núi Sạn xem có góc nào ưng ý để chụp vài bức hình làm kỷ niệm, cũng như có thể chia sẻ với những người phương xa, những ai chưa đến Nha Trang, chưa biết núi Sạn để có chút hình dung về một ngọn núi đẹp giữa lòng thành phố, nơi từng có một vị chân tu khổ luyện hạnh đầu đà suốt 6 năm trời; mà tương lai không xa, tôi tin nó sẽ là thánh tích của Phật giáo Việt Nam.
———
Nha Trang, 15/06/2024
Giảng viên Nguyễn Thanh Huy
Trường Đại học Khánh Hòa
Liên hệ:
Facebook:
https://www.facebook.com/nguyenthanhhuy.gv?mibextid=LQQJ4d
Đồng Tháp: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh triển khai hoạt động Phật sự
Đồng Nai: Khai giảng Lớp Cao đẳng Phật học hệ chuyên khoa, niên khóa 2024-2026
Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Quan Hóa
Kiên Giang: Khảo hạch giới tử tại Đại giới đàn Giác Phước PL.2568 – DL.2024