Thứ ba, 02/07/2024 04:40:46 (UTC+7) 4,546,580,796,943

Ngẫm! …

Thích Như Dũng

Người thật tu là tự thấy lỗi của mình. Không vì danh lợi mà mất đạo nghĩa. Nếu chẳng nói được gì hay, thà im lặng gìn lòng chánh trực. Hơn là kẻ khua môi, múa mép vừa trộm, vừa dối, bị người khác chê cười. Đạo văn là tự mình phạm giới trộm và vọng ngữ, vậy học đạo để làm gì?

1. Tất cả những kiến thức mà chúng ta biết, đều do lượm lặt mà được. Bản chất sở tri là vô sở hữu. Nên tri kiến vốn vô sanh. Nếu nguồn tâm sáng tỏ thì tự lưu xuất. Không cần vay mượn bên ngoài. Khi ấy, tâm là pháp thân Phật, ngữ là hóa thân Phật, thân là báo thân Phật, vì đồng một thể vậy.
2. Kinh Kim Cang nói: “Chánh pháp còn bỏ huống nữa phi pháp”. Còn chấp vào văn tự, kinh điển thì còn kẹt vào tri giải. Đó chẳng phải là tông chỉ của tổ sư từ Tây Trúc sang. Huống chi kinh Duy Ma Cật nói: “Lấy tâm ngay thẳng làm đạo tràng”. Đã lấy chất trực làm hạnh, đâu cần phải đạo văn người khác.
3. Phàm lời của Phật, tổ dạy phải để tâm trăn trở, hằng thẩm xét cho tinh tường như tham công án, chớ vội vào tai ra miệng, mới khả dĩ tiêu dung. Biến lời nói ấy thành ngôn hạnh của mình. Bằng chẳng được thế, thà im lặng, hơn là tông đồ của hàng tri giải. Lầm trên giải ngộ còn tự đào hố chôn mình, huống chi tự dối người, dối mình mà chẳng sanh tâm hổ thẹn.
3. Lòng không cong vạy, thì chẳng dối trá. Tâm hằng tỉnh giác, đâu để bị tâm trộm lừa. Vì mê chút hư danh mà đạo văn người thì còn chi tàm quý? Nghe người nói một lời hay, hằng giữ lòng khiêm hạ, cũng nên cầu học. Vốn chẳng đủ công, đức thì ngôn hạnh bất nhất. Đã vậy, lập ngôn chỉ tự hại mình. Đã phạm giới trộm mà còn cống cao, tự phụ, há chẳng thẹn ư?
4. Trên tất cả đỉnh cao là sự im lặng. Người thích danh lợi, sẽ bị danh lợi cuốn trôi. Nên người xưa luôn duy trì mật hạnh. Ngòi viết có thể cứu người, cũng có thể giết người. Bẻ cong ngòi bút vì lợi là tự giết chết nhân cách của mình. Kẻ đạo văn cũng thế, sao có thể dối được lương tâm chính mình?
5. Học đạo là học tâm mình. Hễ còn một chút dối trá là còn bị mê hoặc. Người biết thương mình thì tự thống trách lo tu. Hằng xét lại, bỏ hư vinh thế tục. Bản chất các pháp duyên sanh vô chủ. Cái danh vốn huyễn còn tham đắm làm gì. Nếu chẳng tiêu hóa được ngôn ngữ văn tự, thì đó chỉ là đạo nơi chót lưỡi. Khó tránh khỏi cái họa mật ngọt đầu dao.
Người thật tu là tự thấy lỗi của mình. Không vì danh lợi mà mất đạo nghĩa. Nếu chẳng nói được gì hay, thà im lặng gìn lòng chánh trực. Hơn là kẻ khua môi, múa mép vừa trộm, vừa dối, bị người khác chê cười. Đạo văn là tự mình phạm giới trộm và vọng ngữ, vậy học đạo để làm gì?

XEM NHIỀU