Trên gốm sứ cổ Trung Hoa, đồ án rồng không phải chỉ dành cho vua chúa. Đây là điều mà người chơi cổ vật cần minh định đúng đắn.
Rồng vua tất nhiên sẽ có những quy ước nghiêm ngặt và còn tuỳ thuộc vào mỗi triều đại hay giai đoạn lịch sử khác nhau…
Nói vậy để thấy rằng rồng vẫn được vẽ trên đồ dân diêu, như các món đồ Minh – Thanh phố mà chúng ta thường gặp. Hay rồng cũng được trang trí trên “đồ xuất khẩu” (khái niệm này rộng hơn cách gọi “đồ xuất dương”).
Nhìn chung, ở những dòng đồ này rồng vẽ bao giờ cũng mất đi cái thần thái uy nghi, oai vũ; không như trên các món đồ ngự dụng. Do người thợ cố tình vẽ lỗi ở một bộ phận nào đó, hoặc tạo ra các biến thể mà rồng chỉ còn mang những đặc điểm điển hình trong tư duy của con người. Nói dễ hiểu hơn là các đồ án rồng ấy như những bức biếm hoạ – dù rất ngây ngô nhưng vẫn nhận ra đấy là cái gì.
Vì lẽ đó mà có những con rồng móng vuốt không sắc, răng không nhọn, râu cụt, mắt lồi, thân không vảy… Tất cả do sự chủ ý của người thợ gốm để tránh huý hỵ . Thậm chí có những con rồng mù mắt (đui mắt). Lỗi này vừa có thể do cố tình vừa có thể do vô tình bởi hoả độ đối với một số dòng đồ mà nguyên liệu tạo tác rất khó kiểm soát khi nung trong một mẻ gốm sứ, điển hình như men lục (green glaze), men huyết (copper-red glaze). Cho dù người thợ Tàu rất giỏi nhưng không phải trong 1000 sản phẩm sẽ cho ra 1000 món như ý, có thể chỉ được vài chục hoặc một vài. Vì chả có anh thợ nào chui vô trong lò lửa hơn 1000 độ C mà canh cho được !
Nói qua như vậy cũng đủ thấy sự phức tạp ngay ở một đồ án – rồng – trên gốm sứ Trung Hoa, chứ đi sâu hơn nữa là cả một câu chuyện dài có lớp lang, có thứ bậc…
Cho nên, phải luôn ý thức rằng điều chúng ta biết là hữu hạn, cái không biết mới vô hạn. Hiểu như vậy sẽ giúp nhắc nhở bản thân luôn cẩn trọng khi đưa ra những nhận xét, đánh giá mà nó có thể hoàn toàn chủ quan, thiên kiến bởi sự nông cạn, hạn chế của chính mình.
——
* Một số hình rồng trong bộ sưu tập cá nhân dẫn ra cho sinh động, chứ không nhằm minh hoạ cho ý nào cụ thể trong bài viết.