Thứ hai, 17/06/2024 04:28:21 (UTC+7) 36,475,869,098,175

CHÍN CHỮ CÙ LAO VÀ MƯỜI ƠN NẶNG

Đạo Quang

Cứ mỗi độ Vu Lan, mùa Hiếu hạnh trở về, ta lại nghe ngân nga câu ru, điệu hò từ ca dao thuở nọ: “Công cha như núi ngất trời Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông Núi cao biển rộng mênh mông Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.”

Khi nói đến công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ, người ta thường nhắc đến 9 chữ “cù lao”, tức là sự cần cù và lao nhọc, hay có thể hiểu là sự khó khăn trường kỳ. 9 chữ đó là: Sinh, Cúc, Phủ, Súc, Trưởng, Dục, Cố, Phục và Phúc. Người Phật tử đến mùa Vu Lan, cùng nhau tụng kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ, trong đó Đức Phật nêu lên 10 ân lớn của song thân, đặc biệt là người Mẹ. Chúng ta hãy dành một phút giây lắng lòng, để cùng trầm tư về 2 nguồn ơn cao quý thiêng liêng ấy, và cùng tìm hiểu thêm về ý nghĩa của “9 chữ cù lao”, song song với ân đức bao la của Cha mẹ trong kinh.

1 Trước hết là chữ “Sinh”, gợi cho con nhớ về nguồn cội đầu tiên. Con là sự kế thừa, tiếp nối giọt máu của Cha, Mẹ. “Sinh” cũng chính là sự mang thai và sinh con khó nhọc. Liên quan đến chữ Sinh, trong kinh Báo Ân, chúng ta có thể liên tưởng đến 3 ân đầu tiên: Ân thứ nhất là chín tháng mười ngày cưu mang nặng nhọc. Mẹ phải “thận trọng như non Thái, động tĩnh sợ phong tai, áo the đành xốc xếch, gương sáng biếng trang đài.” Thứ nhì, đau đớn khi sinh nở, tức là bao nhiêu đau đớn, khủng khiếp nhất Mẹ phải chịu đựng trong lúc xé da róc thịt để sinh con, tâm hồn như mê dại thậm chí không còn nhận thức được mình sống hay chết. “Sợ hãi lo cùng lắng, tử sinh giờ phút này”. Ân thứ ba, sinh con quên khổ nhọc. Đau đớn là vậy, “vượt cạn lẻ loi một mình” như thế, nhưng chỉ cần biết con ra đời an toàn, là bao nhiêu đau đớn, khổ nhọc đều quên ngay. “Chờ nghe thấy con khóc, lòng Mẹ mừng rỡ thay!” Tuy nhiên, mừng đấy lại lo đấy, vì cả một quãng đường dài vô tận phía trước đang chờ đợi, Mẹ lo không biết con mình sẽ như thế nào, mình nuôi nấng có được trọn vẹn hay không. Và, quá trình dài đó được nói gọn trong một chữ tiếp theo: chữ “Cúc”.

2 Chữ “Cúc” nghĩa là nuôi con. Sinh và Cúc là 2 chữ quan trọng nhất, gần như tóm gọn đầy đủ công ơn của Cha Mẹ. Trong Kinh Thi, đức Khổng Tử dạy: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề Cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao”; nghĩa là “Cha sinh ta, mẹ nuôi ta. Thương xót Cha Mẹ vất vả vì con”, chính là hai chữ Sinh và Cúc này. Một chữ “Cúc” thôi đã gói ghém trong đó một loạt các ân lớn mà đức Phật đã nêu ra để ca ngợi công ơn của Mẹ: ăn đắng nhả ngọt, nằm ướt nhường khô, sú nước nhai cơm, ba năm bú mớm, và không ngại ô uế

3 Chữ “Phủ”, nghĩa là vỗ về. Chữ này mang hai tầng nghĩa, về nghĩa đen là nâng niu, chăm sóc, vuốt ve cho con được bảo hộ, cho con được tròn giấc ngủ. Những lúc trái gió trở trời, con sốt lòng mẹ như thiêu đốt, con ho lòng mẹ như xé cào. Đưa tay vỗ nhẹ vào mông con, thi thoảng sờ nhẹ lên trán con, Mẹ lâm râm cầu trời khấn Phật gia hộ độ trì cho con tai qua nạn khỏi. Nghĩa thứ hai là vỗ về mặt tinh thần. Cha mẹ an ủi, tạo động lực, tạo niềm tin cho con từ lúc chập chững bước vào đời cho đến khi trưởng thành.

4 Chữ “Súc” nghĩa là cho ăn, cho bú, chăm lo về mặt thể chất cho con. “Khi con biết đòi ăn, Mẹ là người mớm cho con từng muỗng cháo; khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu, Mẹ là người thức hát ru con,…” (Ngày xưa có Mẹ, thơ Thanh Nguyên). Dòng sữa ngọt ngào của Mẹ, mang bao nhiêu tinh chất đề hồ, trích xuất từ máu và thịt cơ thể mẹ truyền trao cho con.

5 Chữ “Trưởng” nghĩa là lớn, tức là cha mẹ nuôi dạy cho con trưởng thành. Con lớn dần lên theo thời gian bởi lời ru ngọt ngào của Mẹ, bởi bàn tay Cha nâng đỡ dìu dắt từng bước đi chập chững. Mẹ thì khắc vừa ôn hòa, mục đích là làm sao con mình đủ nhận thức, đủ tự tin mà tiến về phía trướcchăm chút cho. con chi li từ giọt sữa đến thìa cơm, nghiên cứu thật kỹ loại thức ăn nào có thể khiến con mình được khỏe ra, được cao lên, được trở nên khôi ngô tuấn tú. Cha thì chỉ bày, giải thích vừa nghiêm

6 Chữ “Dục” nghĩa là dạy bảo. Cha và Mẹ là hai vị giáo sư đầu đời dạy cho con những bài học cơ bản nhất, cần thiết nhất, ấp ủ trọn vẹn nghĩa tình, đạo đức nhân sinh, mà không có vị giáo sư nào đủ kiên nhẫn và tâm trí hơn có thể làm việc này. “Cha mẹ dạy bảo cho con vỡ lòng. Cho đi học mở thông trí tuệ, dựng vợ chồng có thể làm ăn. Ước mong con được nên thân, dù cho Cha Mẹ cơ bần quản chi.” (Kinh Báo Ân).

7 Chữ “Cố” là đoái nhìn, là trông nom. Khi con còn thơ bé, Cha và Mẹ theo dõi con bằng ánh mắt chân thành từng giây từng phút. Đến lúc trưởng thành, con rời bước đi xa hơn vào giảng đường, vào cơ quan công sở và mọi nẻo đường danh vọng cao vời, Cha Mẹ ở nhà vò võ mong ngóng đợi chờ tin con. Đó cũng là ân thứ 8 trong kinh Báo Ân đức Phật đã giới thiệu: Đi xa thương nhớ. “Con đi đường xa cách; Mẹ ở chốn tha hương, ngày đêm thường tưởng nhớ; sớm tối vẫn vấn vương, như vượn thương con đỏ, khúc khúc đoạn can trường.” 8Chữ “Phục” nghĩa là ôm ấp và bảo vệ. Trong ân nặng thứ chín, vừa đọc vào câu kinh, ta sẽ thấy ngay được sự hy sinh to lớn của Cha Mẹ: “Điều thứ chín miễn con sung sướng, dầu phải mang nghiệp

8 Chữ “Phục” nghĩa là ôm ấp và bảo vệ. Trong ân nặng thứ chín, vừa đọc vào câu kinh, ta sẽ thấy ngay được sự hy sinh to lớn của Cha Mẹ: “Điều thứ chín miễn con sung sướng, dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam. Tính sao có lợi thì làm, chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm.” Vì bảo vệ con mà đôi khi Mẹ chấp nhận đánh đổi, chịu tội thay cho con bằng mọi cách, dù có phạm pháp, trái luật Mẹ cũng cam đành. Cha cũng thế, trong công cuộc mưu sinh, Cha sẵn sàng chịu cực thậm chí là chịu nhục, chấp nhận đánh mất lòng tự trọng của mình, cũng chỉ vì đứa con vàng ngọc máu mủ của mình. Sự ôm ấp bảo vệ ấy không chỉ vài năm, vài tháng mà cả cuộc đời. Đó cũng là ân nặng thứ 10: Trọn đời thương yêu con. “Công Cha cùng đức Mẹ; cao sâu tựa vực trời. Mẹ già hơn trăm tuổi, vẫn thương con tám mươi, ân nghĩa có đoạn chăng, chỉ hơi thở sau cùng!”

9 Và cuối cùng là chữ “Phúc”, nghĩa là che chở. Hình ảnh che chắn này không chỉ ở loài người, mà chúng ta cũng thường thấy ở các loài vật. Nhìn cảnh gà mẹ xòe rộng đôi cánh của mình cho nguyên đàn gà con trên chục đứa chui vào nấp rất ấm áp, rất an toàn, ta sẽ thấy rõ ràng biểu hiện của chữ “Phúc”. Một người Mẹ thiêng liêng, cao quý khác, đó là bà Mẹ Việt Nam anh hùng: “ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc, vai Mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con” (Đất Nước – nhạc Tạ Hữu Yên). Hành động tự nhiên không xuất phát từ bất kỳ một động cơ, một điều kiện nào cả, mà thiên tính của Mẹ là chỉ biết che chắn cho con. Bởi vì “Mẹ là dòng suối dịu hiền, Mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối… Mẹ là lọn mía ngọt ngào, là nải chuối buồng cau, là tiếng dế đêm thâu là nắng ấm nương dâu, là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời.” (Bông Hồng Cài Áo – nhạc Phạm Thế Mỹ). Trầm tư về 9 chữ “cù lao” cũng như ôn lại 10 ân nặng của hai đấng sinh thành, không phải để nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm, đạo đức, hay cổ xúy luân lý rằng anh, chị, hay chúng ta phải nhớ ơn, phải đền ơn. Bởi vì ân đức của Cha Mẹ là tự nhiên, là thiêng liêng mà ngôn ngữ trần gian không thể nào tả nỗi. Chỉ cần nghĩ đến sự có mặt của mình chính là sự truyền trao, thừa tiếp của Cha Mẹ, là mình hạnh phúc rồi. Nghĩ đến thâm ân của Người càng sâu sắc thì hạnh phúc của mình càng được nhân lên gấp bội. Thế thì, hạnh phúc này mình còn không hưởng, thì mình tìm hạnh phúc nào khác nữa. Có thể những lời tâm tình này đến với tay bạn thì tháng 7 mùa Vu Lan đã qua rồi. Nhưng có sao chứ? Đâu phải chỉ có mùa Vu Lan, mình mới báo hiếu bạn nhỉ! Dòng sữa của Mẹ tuôn chảy trong mình từng giây, ánh mặt của Cha biểu hiện trong ta từng phút. Vậy thì nghĩa cử hiếu đạo này, tình yêu thương này cũng luôn luôn từng sát na trong tâm tưởng hiện bày, để suối nguồn hạnh phúc, yêu thương của Vu Lan mãi tuôn chảy trong muôn triệu cõi lòng.

Chúng ta hãy cùng nhau mỉm cười đón nhận nguồn hạnh phúc vô biên này, bạn nhé!

XEM NHIỀU